Anh Dương Khánh Toàn (Tony Duong) – Cựu học sinh chuyên Toán (1991 – 1994) trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng hiện đang định cư tại Canada. Anh đã có kinh nghiệm nhiều năm làm Chuyên gia tư vấn đầu tư - tài chính cấp cao tại 2 trong 5 ngân hàng lớn nhất Canada: Scotiabank và TD Bank và hiện tại anh đang công tác tại IG Wealth Management – Tập đoàn tài chính hàng đầu Canada (hơn 300 văn phòng và quản lý hàng trăm tỷ USD tài sản đầu tư của khách hàng). Bài viết của anh sẽ chia sẻ với quí độc giả về chặng đường biến ước mơ du học và định cư ở nước ngoài thành hiện thực.
Tốt nghiệp ĐH và những ngày gian khó
Mình tên Dương Khánh Toàn (còn được gọi là Tony Duong), cựu học sinh chuyên Toán khóa 1991-1994 của trường PTNK Hải Hưng (Nay là trường PTNK Nguyễn Trãi). Sau cấp 3 – PTNK, Toàn đã lựa chọn vào học tại ĐH Kinh tế Quốc dân và tốt nghiệp vào năm 1998.
Giấc mơ du học
Trong thời gian làm việc ở Hà Nội, Toàn có một anh bạn tên là Bùi Quang Đàm, giảng viên Học viện Ngân hàng xin được học bổng ngân sách nhà nước đi du học ở Mỹ. Anh ấy tự hào về việc du học của mình và đã gợi mở cho Toàn một hướng đi. Khi anh ấy về nước thăm gia đình, khoe ảnh ở nước ngoài thì điều đó đã thực sự thổi bùng ngọn lửa quyết tâm trong mình. Toàn đã phấn đấu và xin được vào một ngân hàng nhà nước. Tiếp đó là mình bắt đầu ôn luyện TOEFL để chuẩn bị thi lấy học bổng ngân sách nhà nước.
Những nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực
Và rồi một ngày mình vui mừng khôn xiết khi biết điểm thi TOEFL của mình ở Trung tâm IIE tại ĐH Ngoại thương đạt 537 điểm. Như vậy là đủ điểm đi du học ở hầu hết các nước, trừ Mỹ và Anh. Điểm TOEFL thời đó quả thật là một thử thách lớn. Toàn đã từng xác định thi nốt lần đó không được thì thôi (Trước đó mình đã từng học thêm rồi thi 2 lần mà không được đến 500 điểm). Có điểm TOEFL quả thực là một cú hích quan trọng để mình quyết tâm ôn luyện 2 môn Toán và Kinh tế chính trị. Và rồi khóa Cao học năm 2006, Toàn thi đậu Thủ khoa cao học KTQD với kết quả: Toán 10 điểm, Kinh tế chính trị 8 điểm. Vậy là được Bộ xét duyệt để đi du học theo học bổng của ngân sách nhà nước cấp. Sau đó Toàn vẫn phải ôn luyện thi chính thức TOEFL, để gửi điểm sang trường làm thủ tục nhập học. (Kinh nghiệm của mình lúc này là học nhóm cùng 2 người nữa). Sau đó, mình sang Malaysia và Indonesia thi lần cuối thì đạt đến 593 điểm và thế là mọi chuyện đều ổn cả (vì trường chỉ yêu cầu 550 điểm).
Năm 2007 đánh dấu một năm bản lề của Toàn: vừa xin được visa cho mình đi du học, vừa xin được visa cho bạn gái sắp cưới đi cùng. Và ngay trước khi đi thì bọn mình tổ chức đám cưới vào 3/8/2007, đến 23/8/2007 thì Toàn chính thức bay sang Canada.
Những khó khăn ban đầu khi đi du học nước ngoài
Đi du học thì thời gian mấy tháng đầu gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí điểm học cũng không được tốt. Nhưng rồi phải nhanh nhẹn học hỏi thêm mọi người. Ở đâu cũng có khó khăn, đòi hỏi mình phải năng động, nhanh chóng thích nghi thì mới hòa nhập được với môi trường sống, môi trường học tập mới. Nếu mình không rèn kĩ năng sống để thích nghi, nếu mình thụ động thì sẽ luôn tụt hậu. Và quan trọng là mình phải làm quen rồi học chung trao đổi với các bạn cùng lớp, tốt hơn nữa là học hỏi các Anh/Chị học cùng ngành mà học cao hơn mình một bậc (chẳng hạn với mình đang học thạc sỹ là các Anh/Chị đang học tiến sỹ cùng lĩnh vực kinh tế - tài chính) vì những lời khuyên của họ sẽ cho mình cách thức quý giá để học và chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi.
Và rồi kết quả là chỉ có kỳ thi đầu tiên Toàn không đạt được điểm khá, còn các kỳ thi tiếp theo thì Toàn luôn đạt điểm khá và giỏi và thậm chí còn đạt được điểm duy nhất A+ trong lớp học cho một môn thi quan trọng khiến cho tất cả các bạn cùng lớp phải ghen tỵ. Prof Louis - giảng viên môn “Option Future and other Derivatives” của trường John Molson – School of Business Concordia University chính là người đã đánh giá cao nhất bài thi của Toàn. Sau khi tốt nghiệp chính Ông ấy vẫn nhiệt thành “Viết thư giới thiệu” để Toàn đi xin việc được thuận lợi hơn.
Bước ngoặt của số phận - “Có công mài sắt có ngày nên kim”
Học xong ra trường thì chúng mình cũng xin được PR (thẻ xanh để làm công dân hợp pháp của Canada). Mình học bằng tiếng Anh nhưng lại ở vùng tiếng Pháp (Thành phố Montreal, Canada) nên cũng phải luyện cả tiếng Pháp nữa thì mới qua được vòng phỏng vấn xin thẻ xanh… Tóm lại là cũng có một thời gian “đấu tranh” vì vấn đề cốt lõi là mình ở vùng mà công việc cũng không có nhiều, cạnh tranh thì cao và thường đòi hỏi đã có kinh nghiệm và đặc biệt là phải biết giao tiếp bằng tiếng Pháp tương đối nữa...Cuối cùng thì mình cũng làm được một điều là làm thay đổi số phận mình: Toàn đã cố gắng phỏng vấn và chấp nhận đi làm trợ lý tạm thời cho một số chuyên gia về tài chính đầu tư của Công ty Manulife Securities. Dù chỉ với một mức đãi ngộ rất khiêm tốn nhưng Toàn đã đạt được mục đích của mình là có được kinh nghiệm đầu tiên tại Canada.
Tiếp theo nhận thấy tiếng Pháp của mình cần nhiều thời gian hơn nữa để trau truốt mới có thể tiến xa được ở vùng Montreal trong khi đó Toàn thông thạo tiếng Anh hơn. Cuối cùng thì thông qua một cuộc phỏng vấn xuyên vùng qua điện thoại mà không cần gặp trực tiếp. Mình “thăng hoa” trong cuộc phỏng vấn đó rồi chuyển hẳn sang vùng tiếng Anh (rời khỏi vùng Montreal) và đã có được công việc chính thức trong ngành Ngân hàng với vị trí làm Banker chuyên mở tài khoản và tư vấn về các dịch vụ ngân hàng như đầu tư, cho vay, tiết kiệm…Nhận thấy đó chỉ là một vị trí trung bình trong ngành ngân hàng ở đây mà với trình độ của mình thì đó sẽ không phải là mục tiêu lâu dài. Nhưng để lên vị trí cao hơn tại chính ngân hàng đó thì sẽ mất rất nhiều tháng, năm…
Cuối cùng thì Toàn đã chủ động xin chuyển sang thêm 2 ngân hàng nữa trong vòng 8 năm sau đó để lên vị trí Investment Specialist cho Scotiabank và Financial Planner cho TD Bank – đều là Chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính cấp cao của Ngân hàng. Và cách đây khoảng 2 năm Toàn đã quyết định từ bỏ ngành Ngân hàng sau gần 10 năm công tác để trở thành Consultant cho IG Wealth Management – vẫn là Chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính nhưng cho một tập đoàn tài chính hàng đầu Canada.
Điểm hấp dẫn và vượt trội để Toàn quyết định đầu quân cho IG là ở đây mỗi một Consultant như Toàn coi như đứng ra làm chủ một doanh nghiệp (một business) riêng trong một tập đoàn khổng lồ IG Wealth Management (với hơn 93 năm kinh nghiệm, hơn 300 văn phòng và quản lý hàng trăm tỷ USD tài sản đầu tư của hàng triệu khách hàng trên khắp mọi vùng miền Canada), có thể tư vấn và tạo lập một kế hoạch tài chính đầy đủ và hoàn hảo giúp khách hàng (với chất lượng đẳng cấp cao nhất) đạt được các mục tiêu tài chính tương lai trên tất cả các lĩnh vực tài chính gồm có đầu tư và bảo hiểm cho đến dịch vụ vay mượn tiền (trong khi đó thì ở nhà Bank thì Toàn chỉ có làm duy nhất đầu tư).
Khách hàng đến với IG thì như được gặp một bác sỹ chuyên khoa chuyên sâu hơn trong lĩnh vực tài chính đặc biệt là đầu tư và bảo hiểm, còn đến với nhà Bank như Tony làm trước đó thì chỉ như được gặp một bác sỹ đa khoa. Toàn biết đến IG từ khi còn làm cho Manulife Securities ở Montreal vì IG chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất và là sự lựa chọn của phần đông người Do Thái sống tại vùng Westmount Montreal. Làm việc cho IG Toàn cũng được chủ động hoàn toàn về thời gian và công việc, độc lập và toàn quyền ra mọi quyết định liên quan đến đầu tư và bảo hiểm cho khách hàng, điều mà Toàn không có được khi làm cho Ngân hàng. Toàn chia sẻ rằng mình rất tự hào khi đang đứng trên vai một người khổng lồ IG Wealth mà suy cho cùng là để giúp tư vấn tài chính hiệu quả hơn cho khách hàng (gồm cả Tây và Ta) nói chung và cộng đồng Việt nam đang sinh sống tại Canada nói chung và vùng Kitchener – Waterloo- Cambridge – Ontario nói riêng.
Từ khi chuyển sang IG vào đầu năm 2018 thì trong 02 năm liên tiếp Toàn đều đạt phần thưởng Pillar Award giành cho những Consultant xuất sắc trị giá lần lượt là 2.5k và 5k.
Bài học kinh nghiệm gửi đến các bạn trẻ, các em học sinh trường mình đang nuôi dưỡng ước mơ du học?
- Điều mà Toàn nghiệm ra là hễ mình muốn và quyết tâm, cộng với sự kiên trì bền bỉ. Ông bà ta đã có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Cho đến tận hôm nay Toàn vẫn muốn đúc rút ra một câu để khuyên tất cả mọi người đặc biệt là các em học sinh rằng: “Mọi ngả đường đều dẫn đến thành Rome, nhưng chỉ có một con đường ngắn nhất dẫn đến thành Rome mà thôi”. Điều đó có nghĩa rằng nếu chúng ta đi đúng con đường ngắn nhất đó thì tuyệt quá rồi, còn bằng không thì cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra có khi còn tốt hơn (vậy lên đừng có bao giờ nản chí cả). Chỉ cần các bạn luôn nuôi trong mình một ý chí phấn đấu với một mục đích cao cả thì rồi sớm muộn bạn sẽ thành công mà thôi. Trong đa số các trường hợp thì chính con đường mà các bạn đang đi là con đường ngắn nhất mà chỉ cần các bạn kiên trì theo đuổi đam mê dù có khó khăn và vấp ngã. Hãy tin chắc một điều rằng: Hễ mình muốn cái gì và có quyết tâm theo đuổi đến cùng thì trước sau cũng sẽ đạt được. Các em học sinh nếu nuôi dưỡng ước mơ du học thì hãy học thật tốt tiếng Anh. Có rất nhiều loại học bổng du học, không phải nhất thiết do nhà nước cấp. Và sau đây là thêm một số lời khuyên cho các em nếu muốn dành học bổng du học và tiến xa hơn nữa muốn học xong và xin ở lại đi làm và định cư:
- Chắc chắn phải học tiếng Anh tốt là điều tiên quyết rồi. Các em nghiên cứu xem nếu các trường hiện nay đòi hỏi nhiều hơn TOEFL hay IELTS thì học cái đó. Theo như mình biết hồi xưa thì Toefl học khó hơn IELTS và khó đạt điểm cao nên nếu các trường đều chấp nhận IELTS thì nên chăng học cái đó…Mình cũng không chắc lắm các bạn kiểm tra thêm nhé vì mục tiêu cuối cùng là đạt điểm càng cao càng tốt mà.
- Nên tổ chức học nhóm ôn luyện tiếng Anh (TOEFL, IELTS và các môn khác mà được coi là tiêu chí các trường đòi hỏi như GMAT, SAT, v.v…
- Ôn luyện thi sẽ rất mệt mỏi căng thẳng mà mình đã từng gặp phải. Mình rất muốn khuyên các em nên tập luyện để có thói quen tốt như dậy sớm và tâp thể duc, đi tập thêm Gym để nâng cao sức khỏe thì học mới vào và hiệu quả được.
- Cố gắng tìm ra liên lạc và làm quen với nhiều Anh/Chị đang du học, hoặc đang công tác tại các trường ở nước ngoài và nhờ họ tư vấn. Nếu có thể thì liên lạc thẳng với các Giáo sư đang dạy môn mà mình sẽ theo học và nhiều khi chính họ sẽ giúp để có học bổng.
- Cuối cùng là không nhất thiết các em phải học thật cao lên đến trình độ Thạc sỹ hay Tiến sỹ để có thể xin ở lại nước sở tại làm việc và định cư. Riêng ở Canada (Ở các nước khác thì mình không chắc 100% nhưng mình tin cũng giống nhau thôi) rằng nhiều khi các bạn tốt nghiêp đại học hay cao đẳng(trung cấp) thì lại dễ kiếm việc hơn Thạc sỹ hay Tiến sỹ. Vì với Tây họ chiêm nghiệm rằng các bạn học cao là để ra làm nghiên cứu và thường theo con đường Academic làm nghiên cứu sinh và ở lại trường làm Professor thì phù hơp hơn. Con đường này cũng hay nhưng cần phải có đam mê về nghiên cứu và xác định mất nhiều thời gian hơn gấp đôi cho việc học. Toàn có cháu gái chỉ học xong cấp 3 ở VN rồi sang bên CA học trung cấp thôi mà ra trường xin được việc ngay rồi chỉ cần làm việc 2 năm là xin được PR(thẻ xanh) ở lại. Nếu muốn học thêm thì giờ đâu có muộn cho cháu mình đúng không. Hơn nữa một khi đã là công dân thì học phí giảm chắc chỉ còn 1/3 thôi (Nếu các em muốn hỏi chi tiết thêm thì kết bạn trên FB tìm “Tony Duong IG” sau đó inbox).
Quyết tâm chinh phục những mục tiêu mới với mệnh lệnh: "Không bao giờ bỏ cuộc cho dù có thất bại!!"
Lại nói thêm về vấn đề xin việc: vô cùng nan giải. Ở bên này cũng như Việt Nam, bạn cần có kinh nghiệm về Canada thì họ mới xem xét. Và điều rất quan trọng là kĩ năng nói, kĩ năng giao tiếp phải thật tốt và tự tin thì mới vượt qua cuộc phỏng vấn được. Mình luôn gặp khó khăn giai đoạn đầu khi mới ra trường. Nhưng điều quan trọng là "Không bao giờ bỏ cuộc ".
Có nhiều ngả đường để dẫn đến thành công và mình phải chủ động để tìm ra con đường đó. Thời gian chẳng đợi mình. Mình cũng không đợi một ai cứu giúp mình hết. Phải chủ động và đừng có ngại vấp ngã...phải thử hết các phương cách. Bạn có biết là tính đến nay mình có lẽ đã gửi đi hàng trăm cái CV rồi không, và mình đã thực hiện cả một vài chục cuộc phỏng vấn lớn nhỏ ở bên này rồi! Mình không phải dân bản xứ ở đây nên mọi chuyện đều chẳng dễ dàng. Ngay cả dân bản xứ mà còn thất nghiệp nhiều huống chi là mình...Nhưng mình phải khôn hơn họ là "tìm ra con đường ngắn nhất".
Do vậy khi đã xác định được mục tiêu rồi thì điều còn lai vô cùng quan trọng là tìm ra giải pháp thực hiện. Khi tìm ra được hướng đi thì điều còn lại là bạn cần hết sức linh hoạt và sáng tạo. Dù là Tây hay Ta thì đều giống nhau ở bản chất con người. Không nên nghĩ họ là cao siêu mà mình không với tới họ được. Họ cũng như ta về suy nghĩ thôi. Và mình vẫn có thể dùng sự khéo léo, linh hoạt, mềm dẻo của người Việt Nam để có những cách làm, cách nói, cách xử lý tình huống thông minh hơn họ, để đạt được mục đích của mình.
Có một kinh nghiệm rất Quý giá khi đi xin việc mà mình đúc rút ra đó là “Bạn phải đọc và nghiên cứu kỹ các yêu cầu tuyển dụng của họ và phải viết CV làm sao mà tối thiểu cũng đạt 90% các yêu cầu đó…còn không thì nhà tuyển dụng thường là quẳng ngay CV của bạn vào sọt rác một cách không thương tiếc và bạn chỉ mất thời gian mà thôi”. Bạn luôn chuẩn bị một tâm lý khi nộp đơn xin việc và phỏng vấn, đó là “Đừng có quá trông ngóng và hy vọng quá nhiều vào bất cứ một cơ hội, phỏng vấn hay đơn xin việc nào hết”. Và khi với tâm lý đó thì bạn sẽ phỏng vấn tốt hơn và thành công cao hơn. Một điều quan trọng nữa là nếu các bạn làm quen được với ai đó làm cho Công ty mục tiêu của bạn hoặc trong cùng lĩnh vực và nhờ họ tư vấn hay gửi CV thì còn tốt hơn nữa.
Khi đã có việc rồi thì cái bằng đại học hay cao học trong hay ngoài nước của bạn chẳng quan trọng mấy nữa mà quan trọng hơn là các chứng chỉ nghiệp vụ trong ngành để nâng cao kỹ năng thực hành và ứng dụng của bạn. Và bạn cần phải học để đạt được càng nhiều các chứng chỉ đó càng tốt. Thậm chí tự học và thi mà không cần Công ty tài trợ để rút ngắn thời gian. Khi bạn đã có kinh nghiệm mà lại có nhiều chứng chỉ nghiệp vụ thực hành rồi thì Công ty còn lo sợ mất bạn vì bạn có thể xin việc tốt hơn ở Công ty đối thủ cạnh tranh.
Mình đi du học không tốn của nhà một xu, thậm chí còn có tiền gửi về giúp gia đình. Trong suốt thời gian học ĐH KTQD, Toàn cũng đi gia sư rồi được mời ở ngay nhà học trò nên cũng không mất tiền thuê nhà trọ, lại được bao ăn ở miễn phí. Rồi khi du học sang bên này, gặp bao vất vả, có lúc thiếu thốn mình đều giấu gia đình để mọi người khỏi lo lắng... Thời gian du học bên này, mình đã từng làm thuê ở 5, 6 quán phở để có thêm tiền ăn học. Nói vậy thôi chứ một khi các bạn đã sang được nước ngoài để du học thì các bạn cũng sẽ làm điều tương tự như mình thôi.
Hoàn cảnh hiện tại và gia đình
Toàn đang làm Chuyên gia tư vấn đầu tư - tài chính cho IG Wealth Management với tên là Tony Duong. Gia đình Toàn gồm: Toàn, Vợ, 2 con 9 tuổi (con trai) và 4 tuổi (con gái) đều đang học tại Canada. Gia đình mình đang sống tại Waterloo, Ontario (cách Tp Toronto khoảng hơn 1 tiếng lái xe)
Website: WWW.TONYDUONG.CA
Business Facebook page: https://www.facebook.com/TonyDuongIG/
Các bạn search trên FB hay Google : “Tony Duong IG” để kết nối
Personal Email: [email protected]
Biên tập: Nguyễn Thu Hằng