“Khụ khụ…

Mẹ ơi,...

Mẹ đã ngủ chưa?

Có lẽ mẹ đã ngủ rồi, nên mới không thể nghe điện thoại con. Lúc nào cũng vậy, chỉ cần nhìn thấy tên con trên thông báo của điện thoại là ngay lập tức mẹ cầm lên nghe, rồi hỏi han con đủ thứ việc trên đời…

Cũng đã hai tháng rồi nhỉ, kể từ khi con rời xa quê nhà Hải Dương thân yêu, rời xa giảng đường Đại Học Y Hà Nội để vào trong này giúp đỡ chống dịch rồi cuối cùng lại trở thành bệnh nhân. Con không biết, sau lần này mẹ con mình còn có thể nói chuyện được mấy lần nữa. Con có thể tự cảm nhận, giọng nói của con đang càng lúc càng khàn hơn. Rồi sẽ đến lúc, tiếng nói của con sẽ hòa vào đám mây trên trời kia. Nên trước lúc ấy, mẹ có thể lắng nghe con, lắng nghe phần tối nhất trong tâm hồn con được không?

Gia đình ta dạo này thế nào rồi mẹ? Bố mẹ có khỏe không, còn hay bị khản giọng không? Hai người nhớ súc miệng nước muối thường xuyên nhé, chứ con thấy bố mẹ lúc dạy toàn nói quá sức thôi, dễ đau họng lắm. Hình như hai người mới tiêm vaccine đợt hai đúng không mẹ? Cũng may là giáo viên được tiêm sớm, không thì con cũng lo chết mất. Nếu có phản ứng gì, mẹ nhớ phải sắp xếp mà đến ngay bệnh viện nhé, không lỡ có chuyện gì xảy ra thì khổ sở lắm. Cái Ngân hình như sắp được đi học rồi mẹ nhỉ. Mẹ nhớ nhắc em nó phải đeo khẩu trang với rửa tay sát khuẩn cẩn thận nhé. Hi vọng Nguyễn Trãi sẽ mở thật rộng vòng tay để đón nó, như ngôi trường ấy đã từng làm với con.

Chị Hoài đã thông báo với con, ngày mai con sẽ chuyển sang khoa Hồi sức tích cực. Tội nghiệp chị ấy, chắc chị đã hơn nửa năm chưa về được nhà. Mỗi lần chị gọi điện cho con, nghe tiếng con, chị lại khóc không thành tiếng, nghe mà xót xa. Bệnh dịch này thật tàn nhẫn. Không biết nó đã chia cắt bao gia đình… rồi?

Mỗi lần như vậy, con lại nhớ về mẹ, về bố, về đứa em gái bé bỏng của con. Con còn nhớ lúc đi, mẹ cứ níu con lại, dặn dò đủ thứ mà không nỡ xa. Bố thì cứ ngồi trong nhà, thỉnh thoảng lại động viên: Nó chỉ đi hỗ trợ chống dịch chứ có phải đi đánh giặc đâu mà bà cứ làm to lên thế! Nhưng lúc ấy, trong một thoáng con để ý, mắt bố từ lúc nào đã đỏ mọng và thâm quầng. Ngân thì cứ cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng cố thuyết phục con đừng đi. Khi ấy, con chỉ biết cười trừ mà không biết làm thế nào.

Khụ… khụ...

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay khác thật, khác hoàn toàn với lần cả gia đình chúng ta tới tham quan năm năm trước, khác hoàn toàn với nơi cả gia đình ta đã bao lần ước ao. Bát mì gõ ăn đêm năm ấy, thật là một hương vị ngọt ngào. Lúc ấy, con nhớ con còn hứa với cả nhà, một ngày nào đó nhất định con sẽ đem cả nhà đến sống ở đây. Nhưng giờ này, đã không còn những đường phố náo nhiệt, tiếng huyên náo làm sống dậy cả bầu trời đêm. Những ánh đèn hoa lệ vẫn còn, nhưng chẳng có gì để chúng chiếu sáng. Xung quanh con lúc này chỉ còn một sự im lặng đến đáng sợ. Nó như những nhát dao cứa vào trái tim con, cứa vào những kí ức về một thành phố đô hội mà con đã hằng mong ước. Chao ôi, tiếng rao bát mì gõ năm ấy, đến bao giờ mới trở lại, để đánh thức con, để đánh thức thành phố này?

Không biết, con đã mang trong mình ước mơ trở thành một bác sĩ từ bao giờ? Có lẽ, là ngày con lên bốn, mẹ đưa con vào bệnh viện giữa đêm vì căn bệnh sốt rét ác tính. Con vẫn nhớ như in nụ cười hiền từ của cô bác sĩ già ấy, mãi mãi không thể quên được. Ấn tượng về người bác sĩ ấy đã trở thành một hồi ức mãi không thể nào quên trong lòng con. Nó đã trở thành một hình tượng để con noi theo, trở thành ước mơ, khát vọng của cuộc đời con. Mẹ còn nhớ những ngày đầu của công cuộc thực hiện ước mơ ấy không? Khi con kể với bố mẹ về ước mơ ấy, hai người  ngạc nhiên vô cùng. Rồi mẹ nhẹ nhàng nói rằng: mẹ tin con sẽ làm được! Nghe bố mẹ nói vậy, con hạnh phúc lắm. Vì con biết sẽ luôn có ai đó bên cạnh con, ủng hộ con trên con đường chông gai này. Thế là, con cứ từng bước tiến lên trên con đường ấy, từ đội tuyển học sinh giỏi Sinh Thành phố, lớp chuyên Sinh của THPT Chuyên Nguyễn Trãi và cuối cùng là sinh viên Đại Học Y Hà Nội. Phút giây nhận được giấy báo trúng tuyển, con mừng rỡ và tự hào vô cùng. Không biết mẹ đã cảm thấy ra sao? 

Khụ… khụ...

Cuộc đời thật là tàn nhẫn. Đã kiên trì học được bốn năm, nhưng giờ đây con lại đứng trước nguy cơ mãi mãi không thể ra trường. Rốt cuộc thì, cảm xúc không phải thứ con có thể kìm nén mãi được. Giờ con mới biết, giữ nụ cười phúc hậu ấy trên môi mỗi khi gặp bệnh nhân thật khó. Có những khoảnh khắc như hiện tại, khi con vẫn muốn sống, vẫn muốn tiếp tục cứu người, những khát vọng hòa cùng nỗi đau đớn, khiến nước mắt lại trào ra. Con nhớ mọi người, nhớ giảng đường Đại Học. Cuối cùng, con nhớ ước mơ về một bác sĩ với nở nụ cười luôn nở trên môi. Liệu có thể có một ngày nó trở thành hiện thực?

Ít nhất, con đã một lần trở thành bác sĩ, trở thành hình tượng con luôn hướng về. Nhiệm vụ đi liền với trách nhiệm. Con đã hiểu những gì mà mẹ đã từng nói: Bác sĩ là một nghề rất khó, vì nó gắn với mạng người, với tình yêu thương, và hơn hết với lương tâm. Những bệnh nhân mà con đã gặp, có người đã qua khỏi, có người đã không còn, có người thì vẫn ở đây, thậm chí còn nằm cùng một phòng với con. Họ đi qua đời con nhanh như một cơn gió vậy, nhưng đã khiến trái tim con khác đi rất nhiều. Chỉ một tháng rưỡi tham gia mà con cũng đã trải nghiệm đầy đủ những cung bậc cảm xúc của đời người. Nếu có điều gì nuối tiếc, con chỉ tiếc cuối cùng bản thân đã không thể tiếp tục cứu giúp nhiều người hơn nữa. Con đường con đã chọn có thể sẽ dừng lại ở đây, nhưng con sẽ không bao giờ hối hận. Những bước chân con đã đi, những con người và chướng ngại vật con đã gặp, tất cả sẽ nằm mãi trong tim con.

Đại dịch chắc chắn sẽ kết thúc, dù cho con có thể sẽ không góp mặt vào ngày vui ấy đi chăng nữa. Nhưng với con, một lần hóa thân, vào chung một hàng ngũ với những thiên thần áo trắng thầm lặng ấy cũng đã là đủ. Khi kết thúc, con không chắc sẽ có thể về đoàn tụ với mọi người. Mặc cho điều ấy, con chỉ hi vọng sẽ có ai đó nhớ về con, nhớ về những con người đã chấp nhận lùi lại cho tổ quốc tiến bước. Ước muốn ấy, liệu có ích kỉ quá không?

Khụ... khụ…

Bây giờ đã là 2:20 sáng rồi, chúc mẹ ngủ ngon thì hơi kì nhỉ? Trước khi giọng nói này tan biến, con chỉ muốn nói rằng: Con yêu tất cả mọi người, gia đình thân yêu của con. 

Cảm ơn mẹ thật nhiều, vì đã chấp nhận con, chấp nhận cả phần đen tối nhất, phần bi quan nhất trong tính cách và tâm hồn con. Mẹ thật sự vừa là hậu phương, người đồng hành và người bảo vệ tốt nhất mà con đã nhận được trong cuộc đời này.”

(Bản ghi được thực hiện lúc 1:57 sáng ngày 30/7/2021 từ bệnh viện dã chiến Củ Chi)

Nguồn: Bored Panda

Tác giả: Gia Khánh