Là một trong 10 nhà khoa học trẻ vừa đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2021, tiến sĩ Trương Thanh Tùng tiếp tục được đề cử trong top 20 để tìm ra 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”. Đây là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với mục đích tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, dưới 35 tuổi, có thành tích nổi trội, xuất sắc, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, thể dục, thể thao, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc…

Đặc biệt hơn khi biết nơi ươm mầm những thành công đó của anh có sự góp mặt của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Anh Tùng là cựu học sinh chuyên Hóa 2004 - 2007 từng đạt giải Nhì môn Hóa tỉnh Hải Dương và giải Ba môn Hóa cấp quốc gia năm 2007. 

Bén duyên với Hóa học từ sớm

Ở tuổi 33 với bảng thành tích đáng mơ ước trong sự nghiệp, anh Tùng cho biết mình đã gắn bó với Hóa học và định hướng theo Hóa Dược ngay khi còn học phổ thông.

Anh Tùng chia sẻ: “Từ hồi cấp 2 anh đã yêu thích môn Hóa rồi, khi đó cùng các bạn tham gia làm thí nghiệm anh thấy môn Hóa hay vì nó biến đổi được nhiều thứ. Bên cạnh đó, nhờ sự giới thiệu và hướng dẫn cô giáo dạy Hóa nên anh đi thi và đỗ vào chuyên Nguyễn Trãi. Lên cấp 3 anh gặp được cô Nhị và cô Xuân, các cô cũng là người chỉ dạy và tiếp thêm cho anh niềm yêu thích với môn Hóa. Đến đại học thì anh gặp GS.TS Nguyễn Hải Nam - hiện đang là hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội. Thầy là người tạo điều kiện cho anh học hỏi và định hướng nghiên cứu. Do thầy được đào tạo bài bản ở nước ngoài nên khi theo thầy thì anh được học phương pháp quốc tế và nhờ thế anh có một số thành công ngay từ khi học đại học. Anh có công trình đăng trên tạp chí quốc tế ISI mà thời điểm ấy là vô cùng hiếm. Đó cũng chính là bước ngoặt để anh đi sâu hơn với con đường nghiên cứu sau này.” 

ANH1
Ảnh: báo Dân trí

Nhờ sự dẫn dắt của những người thầy vừa có tâm vừa có tầm mà anh Tùng khẳng định “Trong cả quá trình sự nghiệp của mình, mình gặp người nào thì người đó có ảnh hưởng nhất định cho toàn bộ lựa chọn con đường mình đi và anh nghĩ là mình gặp được người thầy tốt, người hướng dẫn tốt thì sẽ thành công rất nhanh.”

ANH2

Từ những ngày đầu học chuyên Hóa, anh Tùng đã nhận thức được việc tham gia các cuộc thi liên quan đến Hóa học sẽ giúp ích nhiều trong việc đánh giá năng lực của mình tới đâu. Dù anh vẫn khiêm tốn cho rằng anh không may mắn lắm với các cuộc thi khi ấy nhưng đó lại giúp mở ra định hướng chuyên ngành đại học cho anh.

Việc đọc sách và các tài liệu trong nước cũng như nước ngoài đã giúp anh Tùng định hướng rằng bản thân sẽ theo con đường ứng dụng và nghiên cứu chuyên sâu về Dược. "Lúc đầu anh phân vân giữa Dược và Y, nhưng cuối cùng anh chọn Dược vì tâm niệm khi học y mình có thể cứu được số lượng bệnh nhân nhưng khi làm dược mà thành công thì minh sẽ cứu được nhiều người hơn và quan trọng hơn là thuốc mình làm ra có thể phục vụ cộng đồng lớn hơn.”

Chặng đường không vắng bóng những khó khăn

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, anh Tùng tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ ở Đại học quốc gia Seoul - Hàn Quốc. Lần đầu đặt chân ra nước ngoài không tránh khỏi những xúc cảm bỡ ngỡ, anh Tùng cho biết đây là khoảng thời gian mình cảm thấy khó khăn nhất: “Có một cảm giác trống rỗng rất khó tả dâng lên trong lòng anh. Đi du học đồng nghĩa với việc phải tự lập, phải thích nghi với môi trường mới, hơn nữa là phải vững tinh thần để tập trung học tập, tìm hiểu và làm quen với môi trường nghiên cứu ở Hàn Quốc. Nếu như ở Việt Nam mình có mọi thứ, dù có ở Hà Nội trọ một mình thì vẫn thấy rất đủ đầy vì xung quanh có chỗ dựa, có người thân ở gần thì khi sang Hàn Quốc anh thấy lạc lõng. Xung quanh mình lúc đó không còn ai cả, mọi người thân đều ở xa, chỉ có một mình mình thôi và nhất là nhóm nghiên cứu của giáo sư mà anh theo thì cũng không có người Việt nào.” 

Tuy nhiên sau này khi trở về Việt Nam, đất nước là anh Tùng nhớ nhất lại là Hàn Quốc. Bởi “khi quen với cảm giác tự lập, anh thấy Hàn Quốc rất gần gũi với mình, cái cảm giác mà về sau đến các nước khác anh không còn cảm thấy nữa. Sau Hàn Quốc, anh còn đặt chân tới Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Anh, Mỹ… nhưng lại thấy rất bình thường vì cảm giác khó khăn khi làm quen môi trường mới đã trôi qua rồi.”

ANH3
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng trong thời gian làm trợ lý giáo sư tại ĐH Pittsburgh, Mỹ

Tuy không gặp khó khăn trong việc dùng tiếng Anh để học tập, làm việc nhưng việc là người ngoại quốc khiến chặng đường nghiên cứu của anh Tùng cần rất nhiều sự cố gắng: “Trong môi trường nghiên cứu nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, khi học tập làm việc ở nước ngoài thì chúng ta phải cố gắng nhiều gấp 2 gấp 3 lần thì mới được ghi nhận so với người bản xứ.” 

Quyết định trở về Việt Nam

Là một lao động trí thức cao với nhiều bằng cấp tốt, việc định cư ở lại Mỹ và xin việc với anh Tùng không hề khó. Do đó khi quyết định trở về Việt Nam sinh sống và làm việc khiến anh rất đắn đo. Anh Tùng chia sẻ “Nếu ở lại Mỹ thì anh phải tập trung hướng nghiên cứu, định cư và xin việc luôn; và nếu về nước thì phải về sớm để mình có thể xây dựng được giai đoạn đầu cho nhóm nghiên cứu của mình. 

Khó khăn với anh khi trở Việt Nam là mặt trang thiết bị của nước mình còn hạn chế so với thế giới. Tình cờ trước khi về nước thì anh có biết đến trường Đại học Phenikaa lúc đó mới thành lập và đang tuyển giảng viên về. Đặc biệt, tập đoàn của họ có những nguồn hỗ trợ cho phòng lab và xây dựng theo nhu cầu của mình để nghiên cứu. Đó cũng là lý do mà anh chọn Phenikaa để làm nơi bắt đầu khi trở về.” 

ANH4
Anh Tùng chia sẻ về các nghiên cứu trên chương trình Công nghệ kiến tạo của VTV2

Mặt khác, do sinh sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài nên thời gian đầu về nước anh Tùng gặp nhiều khó khăn khi huy động nguồn tài trợ cho nghiên cứu “Lúc mới trở về nước thì anh còn trẻ, chưa nhận được sự quan tâm nhiều của các bộ, ngành và các quỹ nghiên cứu. Sau một thời gian ổn định khi mọi người biết đến tên tuổi và những công trình nghiên cứu của anh nhiều hơn thì mới có sự ghi nhận và họ sẵn sàng đầu tư cho các nghiên cứu của mình”

ANH5
Năm 2021 anh Trương Thanh Tùng là 1 trong 10 nhà khoa học được TW Đoàn trao tặng giải thưởng Quả Cầu Vàng (giữa)

Bật mí về những dự án sắp tới, anh Tùng cho biết mình đang tập trung vào hai hướng nghiên cứu. Thứ nhất là nghiên cứu thuốc điều trị ung thư kết hợp với GS.TS Nguyễn Hải Nam. Hướng thứ hai là nghiên cứu thuốc truyền nhiễm, thay thế kháng sinh, hoặc kết hợp với kháng sinh để có tác dụng trở lại. Bên cạnh thuốc cho con người thì nhóm anh còn nghiên cứu thuốc cho gia súc gia cầm để thịt không nhiễm kháng sinh gây hại cho con người.

ANH6

Anh nghĩ sao về một buổi chia sẻ về khoa học công nghệ và nghiên cứu cho các bạn học sinh chuyên Nguyễn Trãi ạ?

“Nếu có buổi như vậy anh chắc chắn sẽ dành thời gian tham gia. Anh hi vọng có thể tham gia cùng nhiều anh chị khác nữa để có thể chia sẻ từ nhiều góc nhìn cho các bạn học sinh. Quan trọng hơn nếu các bạn học sinh chuyên Nguyễn Trãi lựa chọn Phenikaa thì anh sẽ có được đội ngũ sinh viên chất lượng cho nhóm nghiên cứu của mình vì các bạn học chuyên đã có nền tảng tốt. Đây vừa là giúp các bạn ấy cũng như giúp ngành hóa dược của Việt Nam có nguồn nhân lực tài năng.”

Xin cảm ơn những chia sẻ rất bổ ích của anh Tùng. Hi vọng anh sẽ ngày càng thành công hơn nữa trên con đường nghiên cứu của mình!

Để bình chọn cho cựu học sinh Trương Thanh Tùng vào top 10 giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021”, xin vui lòng bình chọn qua đường link http://tainangtrevietnam.vn/index.html

Tác giả: Vân Chi - CHS khối A1 (2017 - 2020