“Đông ấm Sa Pa” 2021 là chương trình thiện nguyện được phát động bởi Hội cựu học sinh trường PT Năng khiếu Hải Hưng - THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương từ ngày 3-11/12/2021. Sự kiện nhằm phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc và được tổ chức với mục đích xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các thế hệ cựu học sinh trường.
Sau 9 ngày phát động và triển khai, chương trình đã tiếp nhận về tiền mặt được 126.500.000 đồng với sự tham gia 146 cựu học sinh thuộc của 33/36 khóa; về hiện vật, BTC đã nhận được 1,2 tấn gạo, hơn 1500 sách vở mẫu giáo, 130 bộ sáp màu, hơn 300 loại quần áo, cùng nhiều loại vật phẩm khác…
Đoàn từ thiện do anh Nguyễn Thế Sinh - trưởng ban Nhân sự Hội, chuyên Toán khóa 1998 - 2001 làm trưởng đoàn và chị Lưu Thu Liên - trưởng ban Truyền thông Hội, chuyên Địa khóa 2006 - 2009 làm phó đoàn cùng 14 cựu học sinh thuộc nhiều khóa được thành lập để trao gửi tình cảm và những món quà tới tận tay các em học sinh mầm non ở xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai từ chiều ngày 17/12 đến sáng 19/12/2021.
Vượt hàng trăm cây số, đoàn từ thiện của Hội cựu học sinh đã có mặt tại xã Thanh Bình. Trên địa bàn xã có 2 trường mầm non, 406 học sinh thuộc 13 điểm trường, có những điểm cách xa trung tâm hơn 20km, có những điểm trường xe máy không thể đi vào. Do đó, để thuận lợi cho việc trao quà và phù hợp với tình hình của học sinh, Đoàn từ thiện đã lựa chọn trao quà ở 2 điểm trường chính là Bản Phùng và Thanh Kim. Đoàn đã mang theo 406 suất quà (mỗi suất gồm 01 áo khoác, 01 áo len, 01 quần nỉ, 01 mũ len, 03 đôi tất, 02 quyển vở, 01 hộp màu, 01 túi xúc xích, 03 kg gạo), cùng 150 bộ chăn, ga, gối, 50 đèn sưởi và các vật phẩm khác được ủng hộ.
Tiếp đón và dẫn đoàn là đồng chí Lý Cờ Mẩy, Bí thư Đoàn thanh niên - Đảng ủy viên xã. Đồng chí cho biết “Thanh Bình là xã được gộp bởi 2 xã Thanh Kim và Bản Phùng của huyện Sa Pa cũ, là xã thuộc vùng 3. Tại đây chủ yếu là dân tộc Dao, Mông và khoảng hơn 30 khẩu là người Kinh, 14 khẩu là người Tày. Trình độ dân trí thập nên còn nhiều phong tục tục tập quán lạc hậu, việc đưa được các trẻ mầm non đi học là rất khó khăn”, đồng chí cũng cho biết đây là lần đầu tiên có Đoàn từ thiện trao tặng nhiều, đầy đủ quà tặng đến vậy và gửi lời cảm ơn đến tập thể cựu học sinh nhà trường.
Điểm trường chính của mầm non Bản Phùng nằm ở lưng chừng núi, không có không gian vui chơi nên các em phải tập trung chờ Đoàn ở một khoảng sân nhỏ giữa 2 khu nhà. Cơ sở vật chất của trường, mặc dù là điểm trường chính, cũng được chắp ghép của những khu nhà cũ. Khi làm việc cùng hiệu trưởng, chúng tôi nhận ra đó chỉ là một phòng chứa đồ cùng 1 bàn làm việc nhỏ.
Cô giáo Nguyễn Như Quỳnh – Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Trường mầm non Bản Phùng gồm 18 cán bộ giáo viên nhân viên, có 12 lớp với 236 cháu ở tuổi nhà trẻ và mầm non. Tất cả các cháu đều là dân tộc thiểu số, bố mẹ các cháu cũng là nông dân nghèo, dân trí thấp. Trường gồm 1 điểm chính và 6 điểm trường lẻ. Điểm xa nhất cách 21km, đi lại gặp nhiều khó khăn. Các cô giáo trẻ mới ra trường còn ít kinh nghiệm, trường còn thiếu giáo viên; giữa cô với trò còn bất đồng ngôn ngữ. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhất là đồ chơi ngoài trời. Các con thiếu quần áo ấm, chăn đệm mùa đông... Rất may được sự ủng hộ kịp thời của đoàn thiện nguyện. Chúng tôi như cũng được an ủi động viên rất nhiều, thêm yêu trường yêu lớp, yêu trò, bám bản, có thêm động lực để tiếp tục làm tốt công việc của mình". Tại đây, ngoài các suất quà cho học sinh, Đoàn từ thiện đã dành tặng 88 bộ chăn, ga gối, 28 đèn sưởi cũng như nhiều quần áo mới để phục vụ việc ăn uống, sinh hoạt và học tập cho các em.
Các cựu học sinh, cựu giáo viên nhà trường trao quà tại điểm trường chính của mầm non Bản Phùng:
Tại điểm trường chính của mầm non Thanh Kim, cô giáo Nguyễn Thị Hoà - Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường cùng các cô giáo bắt tay cảm ơn từng thành viên đoàn trong sự xúc động. Theo cô Hoà, điểm trường chính Trường Mầm non Thanh Kim mới được cấp trên bàn giao lại trụ sở cũ của UBND xã do trường cũ đã xuống cấp và không có sân chơi cho các con. Sau một thời gian tích cực sửa sang tu bổ, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất và công tác chuyên môn, trường đang phấn đấu là Trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1, nhưng “chuẩn ở đây khác chuẩn dưới xuôi” – cô hiệu trưởng cho biết. Được biết, học sinh mầm non ở đây mặc dù chỉ cần đóng học phí 3.000 đồng/tháng, cả năm học đóng 27.000 đồng/9 tháng nhưng vẫn còn nhiều gia đình không đóng đủ tiền cho con/cháu đi học. 5 điểm trường còn lại của Thanh Kim có cơ sở vật chất khá sơ sài, xuống cấp, các cô giáo phải nhờ người dân sửa sang lại để đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn gặp phải, cô Hòa tâm sự: “Trường Mầm non Thanh Kim có 168 cháu ở độ tuổi 2-5 tuổi với 19 cán bộ giáo viên, nhân viên, rải rác ở 5 điểm trường thôn, mỗi điểm cách nhau 5-6km. Mỗi cháu được nhà nước hỗ trợ 160 ngàn đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ lo bữa trưa cho các cháu. Ngoài ra, việc xã hội hoá ở đây rất khó khăn vì bố mẹ các cháu đều là người dân tộc thiểu số (75% là người dân tộc Dao, 25% là dân tộc Mông). Họ là nông dân nghèo, cấy lúa một năm một vụ, thu nhập thấp, dân trí thấp, kiến thức nuôi dạy con cái không có. Hàng tháng mỗi gia đình đóng góp thêm cho các cháu 3-4kg gạo (tùy lứa tuổi) và 1 bó củi. Trường cũng chưa có điều kiện để lo cho các cháu ăn bữa chiều. Chúng tôi rất cảm động trước sự chung tay giúp đỡ tặng các suất quà như chăn đệm, quần áo ấm, quạt sưởi, gạo, sách vở của Hội cựu học sinh trường PTNK Hải Hưng- chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương và mong được các nhà hảo tâm trên cả nước quan tâm ủng hộ thêm cho các cháu có điều kiện được ăn bữa chiều như trẻ mầm non dưới xuôi".
Tại các điểm trường, đại diện cho Đoàn, anh Nguyễn Thế Sinh và anh Nguyễn Thế Tùng (lớp Toán Lý khóa 1991 – 1994) đã có nhiều chia sẻ với bà con đồng bào, các em học sinh và các cô giáo: “Những món quà tuy giá trị vật chất không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm của các thế hệ cựu học sinh cùng các nhà hảo tâm quyên góp với mong muốn góp một phần nhỏ bé, san sẻ bớt những khó khăn, vất vả với các thầy, cô giáo và các em học sinh xã Thanh Bình, một xã khó khăn của thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai” – anh Sinh phát biểu khi trao quà.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Đoàn công tác chia tay cô trò các điểm trường tại xã Thanh Bình khi mặt trời vừa đứng bóng. Những ngôi nhà cheo leo trên sườn núi, những ruộng bậc thang trơ gốc rạ sau mùa gặt... Tiếng hát, tiếng cười của các em học sinh dân tộc thiểu số khoác trên mình những chiếc áo mới màu sắc rực rỡ đang rảo bước trở về nhà rộn vang suốt đoạn đường. Hôm đó là ngày gió mùa tăng cường, thời tiết lạnh giá, nhưng với những món quà, những chiếc áo ấm thiết thực sẽ phần nào sưởi ấm, giúp cho con đường tới trường của các em bớt gian nan hơn. Đồng thời đó cũng là nguồn động lực để các cô giáo mầm non bám bản nơi đây thêm vững tin trên chặng đường gieo chữ ở nơi vùng cao biên giới…
Qua những câu chuyện về việc xây dựng đời sống nhân dân, việc kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ các em nhỏ, hay việc trèo đèo lội suối tới từng nhà vận động người lớn cho trẻ em đi học, chúng tôi càng thêm trân trọng những con người nỗ lực vượt qua khó khăn để đóng góp cho quê hương. Dù là hành trình để “cho đi”, nhưng những gì chúng tôi nhận lại thật quý giá: Đó chính là tình yêu thương, là niềm tin về một cuộc sống ngày một tươi đẹp.
Mong rằng hàng năm, Hội cựu học sinh PT Năng khiếu Hải Hưng - THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương có thêm các hoạt động chung tay vì cộng đồng, vừa có ý nghĩa xã hội vừa gắn kết các thế hệ cựu học sinh nhà trường trong tình yêu thương san sẻ, giúp ích cho cộng đồng, lan tỏa giá trị nhiều hơn nữa.
Tác giả: Lan Anh, Thu Liên, Đinh Hạnh