Theo năm tháng, cùng những kỷ niệm vui buồn của tuổi học trò, giọng nói của thầy vẫn mãi vang với những bài học sâu sắc về cuộc sống: “Mỉm cười trước mọi việc đến với mình là một hành động tử tế, ít nhất là cho chính mình”.
Thầy Chẩn là một giáo viên dạy Văn.
Đối với dân chuyên Toán, Văn học chỉ là môn phụ. Thầy biết điều đó nên không bao giờ gây áp lực học văn lên chúng tôi. Sự thoải mái của Thầy đôi khi là nguyên do khiến lớp học của chúng tôi trở lên ầm ĩ. Để chấm dứt sự ồn ào trong lớp, Thầy luôn nở một nụ cười thật hiền hậu. Mà lạ, Thầy chẳng cần quát tháo, mắng mỏ, chỉ nở nụ cười hiền là đủ để chúng tôi lặng yên.
Với tôi, giờ học văn thật sự thú vị vì được thoải mái. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng nghĩ lại, tôi lại cười tủm vì sự nghịch ngợm của mình ngày ấy. Tôi ngồi bàn thứ hai cùng hai cậu Hưng và Quang, phía trên bàn đầu là bốn cô Thục Anh, Huyền, Thảo, Nga. Chúng tôi bị bốn cô gọi biệt danh là “cụ” vì những trò nghịch ngợm thái quá làm các cô khó chịu. Người hay bị trêu nhất là cô Thục Anh, hôm thì bị giật tóc, hôm thì bị kéo áo. Thỉnh thoảng xuất hiện những bức vẽ hay khẩu hiệu ngộ nghĩnh treo trên lưng các cô. Chuyện trêu chọc ấy là chuyện bình thường, thậm chí là thú vui hàng ngày.
Và khi đó, cả lớp lại có một trận cười tăng dần đều theo gia tốc. Tôi không thích làm văn vì cứ phải phân tích, chứng minh này nọ về một vấn đề mà tôi không thật sự hứng thú. Vì vậy, các bài văn của tôi điểm chẳng bao giờ cao. Trong phần lời phê, Thầy thường viết: “Sơ sài”, “Cẩu thả”…, đôi khi còn “Lạc đề”. Tôi cũng Thầy điều này bình thường đối với một một môn học phụ nên cũng không áy náy, day dứt gì.
Có một dạo, tự nhiên trong trường rộ lên phong trào nhờ nhau làm bài tập. Các bạn lớp Nga thì nhờ các bạn lớp Lý, các bạn lớp Văn thì nhờ dân Toán giải toán hộ bài tập. Chẳng biết các bạn có gặp khó khăn thật không hay chỉ là cái cớ để làm quen nhau. Tôi cũng quyết định nhờ vả như một thú chơi mới. Người tôi quyết định nhờ vả là bạn Trâm học lớp chuyên Văn. Bạn này khá hiền lành, lại cùng ở khu nội trú. Tuy bạn ấy miễn cưỡng nhưng cũng nhận lời và phải thức rất khuya để làm hộ văn cho tôi. Bài văn bạn Trâm viết hộ tôi khá dài, tận bốn trang giấy, chữ viết tròn và đẹp nên tôi nộp nguyên xi và chờ đợi một kết quả mĩ mãn. Nhưng, luật nhân quả có tác dụng tức thì, bài văn đó tôi được điểm kém nhất lớp. Bạn bè ái ngại nhìn tôi, còn tôi thì biết mình bị điểm kém không phải bài văn tệ mà là vì hành động của tôi quá tệ. Hết giờ Thầy “mời” tôi ra một cái hành lang hẹp có lối đi ra sân sau. Tôi cúi gằm mặt xuống như một tội phạm bị bắt quả tang. Thầy vẫn nở một nụ cười bao dung và nói: “Văn học là một nửa con người, học văn là học làm người tử tế... Văn phải viết ra từ suy nghĩ, cảm nhận của mình trước một vấn đề chứ không phải là sao chép từ một ai khác, càng không thể để ai nghĩ hộ, viết hộ mình…”.
Thế là tôi bắt đầu viết ra suy nghĩ của mình bằng một bài thơ, hai bài thơ…. Và một câu chuyện… nhiều câu chuyện. Tôi nộp bài dự thi trại sáng tác thơ văn của trường. Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình liều. Nhưng đó thực sự là một bước ngoặt.
Trước ngày công bố kết quả cuộc thi, Thầy gọi tôi ra chỗ hành lang hẹp. Bạn bè đi qua nhìn tôi đầy thông cảm. Tôi ngẩng đầu chờ Thầy phán xét. Vẫn nở một nụ cười hiền, hậu Thầy nói: “Thầy đã đọc các bài em dự thi. Nhưng cho Thầy hỏi, em có nhờ ai làm hộ không?”. “Dạ không”, tôi lí nhí trả lời. Thầy từ tốn nói tiếp: “Chỉ cần em viết được ra suy nghĩ của mình và chạm được vào trái tim của người khác đã là một giá trị rồi. Văn học đơn giản vậy thôi”.
Buổi trao thưởng các tác phẩm đạt giải, tên tôi được nhắc lên giữa các bạn giỏi văn thơ trong trường. Thầy phấn khởi đọc thơ tôi viết và nhận xét: “Tuy câu từ chưa được trau chuốt, nhưng Thầy thích sự hồn nhiên trong sáng trong những bài thơ của một bạn chuyên Toán yêu Văn”. Tôi trở nên một người yêu Văn từ lúc nào? Chắc là lúc này. Tôi thầm cảm ơn Thầy.
Thấm thoắt đã hai mươi năm sau ngày ra trường. Tôi trở lại thăm trường cũ trong ngày hội khoá. Nói là trường cũ, nhưng chẳng có gì cũ cả. Trường xây mới, Thầy cô mới, những lứa học sinh mới và lạ lẫm. Trong mọi sự mới mẻ đó, tôi cũng tìm cho mình một góc cũ, đó là Thầy.
Tôi diện bộ cánh bảnh bao ra dáng người trưởng thành, ngẩng cao đầu bước đến bên Thầy. Thầy đã già đi nhiều. Nhưng trong đám đông, tôi vẫn nhận ra Thầy bởi đôi mắt sáng, vầng trán cao và một nụ cười hiền hậu: “Em chào Thầy, Thầy có nhận ra em không ạ?”. Tôi vụng về hỏi một câu thật ngớ ngẩn. Bạn bè cũ sau bao năm gặp lại còn ú ớ hỏi “Mày là ai?” nữa là. Đang mải suy diễn thì Thầy quay sang tôi hỏi “Thanh à?”. Thanh là tên một cậu bạn lớp tôi, trước kia học rất giỏi Toán, làm thơ cũng siêu, là thần tượng của nhiều bạn nữ trong trường. Tôi có chút thích thú khi Thầy gọi tôi là Thanh. Thực sự lúc đó, tôi không gợn chút buồn vì Thầy nhầm tôi với cậu ấy. Thế nhưng sau đó, Thầy đã nhớ ra và gọi đúng tên tôi. Thầy cao tuổi rồi, chúng tôi xa Thầy đã rất lâu, vậy mà Thầy còn nhớ ra được tên tôi, thật là đáng quý lắm!!!
Hội khóa diễn ra trong không khí tưng bừng. Gặp lại bạn bè, Thầy cô cũ, ai cũng vui. Các bạn lớp Nga vẫn tự tin năng động, các bạn lớp Văn đã cởi mở và nói nhiều hơn. Riêng các bạn Toán - Lý vốn dĩ đã lăng xăng, hôm ấy lại càng được dịp bấn loạn. Chủ đề ai “thích ai ngày xưa” được các bạn bật mí. Hình như chuyện tình yêu vẫn là những ký ức ngọt ngào nhất để tuổi học trò nhớ về nhau.
Để chấm dứt sự ồn ào náo nhiệt, Thầy đứng lên phát biểu với một nụ cười rất tươi và hiền hậu. Thật bất ngờ khi Thầy nhắc đến tên tôi, tới chuyện xưa về tôi trong câu chuyện của Thầy, một câu chuyện triết lý về cuộc sống đang diễn ra: “…Dù sớm hay muộn, mỗi con người đều phải tự bước đi trên đôi chân của mình. Những trải nghiệm trên con đường mình đi bằng chính đôi chân của mình sẽ là những bài học đắt giá để ta hoàn thiện hơn mỗi ngày…”. Giọng Thầy vẫn vang khoẻ. Cả hội trường im lặng. Sau hai mươi năm gặp lại, Thầy vẫn dạy chúng tôi một bài học sâu sắc.
Ngày Thầy mất, có rất nhiều chia sẻ sâu sắc của các thế hệ trò cũ trên mạng xã hội về người Thầy đáng kính. Với tôi, những bài học từ Thầy luôn đọng trong tim. Vì sự dung dị, sâu sắc và thấm đẫm ân tình. Tôi rất thích trạng thái an nhiên tự tại nơi Thầy. Và bây giờ, sau rất nhiều vấp ngã trong cuộc sống, tôi mới nhận ra một bài học từ Thầy: “Mỉm cười trước mọi việc đến với mình là một hành động tử tế, ít nhất là cho chính mình”.
09/06/2020
Tác giả: Lê Thành Công (Chuyên Toán 1988-1991)