Một cậu học sinh trường làng đã nỗ lực vượt quá “cú sốc lớn trong sự nghiệp học hành” để rồi lần lượt thi đỗ vào những ngôi trường danh giá, trở thành giáo viên dạy Toán nổi tiếng. Trên chặng đường dài ấy của đời người, thầy Phí Văn Dương như một vị cứu tinh, khơi dậy tình yêu Toán, yêu nghề ở những lứa học sinh bằng những cách tự nhiên và mộc mạc khó quên.

Mình nhớ lần đầu tiên nhìn thấy trường, khi ấy có tên là trường Năng Khiếu tỉnh, là năm mình học xong lớp 5 (năm 1994). Hè năm ấy, mẹ chở mình đi mua sách, khi về mẹ cho ghé qua trường để giới thiệu về ngôi trường mà mình rất thích tuy mới nghe qua lời kể của chị, một học sinh chuyên Văn đang học ở trường. Mẹ dừng ở cổng sau (hồi ấy là cổng chính) ở đường Chu Văn An, cho mình ghé mắt qua khe cổng để nhìn vào trong trường. Mình càng thêm phấn khích và quyết tâm vào trường cho bằng được, tự nhủ sẽ vào hiên ngang bằng cổng chính, trở thành một học sinh trường Năng Khiếu tỉnh, chứ không chỉ đứng ngoài ngó vào trường như thế.

Nhưng mục tiêu mình đặt không ngờ quá khó khăn với một học sinh trường làng, vì những gì mình học được cho đến lúc ấy không là gì so với các bạn ở trường Tô Hiệu hay một vài trường danh tiếng khác. Thế là mình trượt kỳ thi vào lớp 6 chuyên Toán của trường Năng Khiếu thị xã, một bước đệm để đến với trường Năng khiếu tỉnh (lúc bấy giờ Toán chuyên của Năng Khiếu tỉnh chỉ bắt đầu từ lớp 7).  Một cú sốc lớn trong sự nghiệp học hành của mình. Có lẽ mình cũng buồn lâu lâu vì vụ đó. Mình mất 1 năm để học rồi tiếp tục dự thi vào trường năm lớp 7 và …lại trượt, nhưng may là lần này thì mình  đỗ được vào trường Năng Khiếu thị xã, bắt đầu đến với Toán chuyên, để rồi đạt được mục tiêu (dù muộn) là đỗ vào trường Năng Khiếu tỉnh khi vào lớp 10.

Mình vẫn nhớ cái ngày vào trường nhập học, cái cảm giác tự hào nó bao lấy mình, khiến mình cảm thấy lâng lâng. Nhưng áp lực trong việc học chuyên dần trở nên cực lớn. Thi tháng, kiểm tra liên tục, đề thì khó nhăn răng, ai cũng căng hết sức ra để học, để khỏi rơi vào top 5 người cuối, những người phải thi lại để có thể tiếp tục ở lại lớp chuyên và nếu không đạt, sẽ bị chuyển trường. Sợ vô cùng. Kiến thức chuyên thì càng ngày càng mênh mông, tài liệu chuyên thì chẳng có đáng bao nhiêu, nên mình cứ phải lùng sục các hiệu sách để tìm, thỉnh thoảng được quyển hay hay thì làm cho bằng hết. Các bạn cùng lớp thì toàn người giỏi: Tô Minh Hoàng con trai thầy Tô Xuân Hải, Đào Văn Huy ở Kinh Môn vừa học vừa chơi game và ngủ gật nhưng có những lời giải cho những bài toán khó chỉ ngắn bằng 1/3 lời giải của thầy; Phùng Văn Thủy chữ đều tăm tắp, vở viết như sách, mà toàn bài khó nhăn răng lấy từ vở các anh chị đội tuyển khóa trước… 

Nhưng may cho mình là được học thầy Phí Văn Dương (cũng là thầy chủ nhiệm 3 năm cấp 3 của mình), thầy có cách làm cho một bài toán trở nên đẹp và lãng mạn, thầy có cách lắng nghe học trò đầy thú vị khiến học trò cảm thấy tự tin, thầy có cách khiến cho giờ học toán trôi nhanh và gây tiếc nuối… nên mình cũng bớt sợ dần và việc học toán dần trở nên vui hơn. Những niềm vui nho nhỏ  mỗi khi làm được một bài khó hoặc có một cách giải của riêng mình cho bài toán thầy đã giải cũng làm động lực giúp mình thấy đỡ ngộp. Mình nhớ mình luôn ghi riêng những lời giải ấy vào một quyển vở đẹp nhất mình có, và coi nó như một tác phẩm quan trọng và tự nhủ sẽ giữ lại mãi (quả thật mình vẫn giữ quyển sổ ấy cho đến giờ). Cả lớp học Toán chuyên say sưa, gần hết thời gian học của ba năm học, chỉ sau khi thành lập đội tuyển (lớp 12) lớp mới bị phân chia, đội tuyển đi học riêng và phần còn lại của lớp học để ôn thi đại học. Cái quyết định sẽ trở thành giáo viên dạy Toán như thầy chủ nhiệm thần tượng đã đến với mình một cách tự nhiên, không cần nhiều băn khoăn chọn lựa.

Mình thi vào Sư Phạm I, và thi cả Bách Khoa để đề phòng trượt. Dù cho thi Bách Khoa mình đạt điểm khá cao, nhưng Sư Phạm I Hà Nội mình đỗ, nên đương nhiên mình chọn Sư Phạm học. Lớp Toán của mình hồi đó có tới 11 người thi và cuối cùng có 7 người học Sư Phạm (trong đó có 4 thằng con trai, mình nghĩ là hiếm khóa nào lớp Toán vào Sư Phạm nhiều như thế, có lẽ là do ảnh hưởng của thầy chủ nhiệm). 

Năm 2005, mình lại một lần nữa thi vào trường, nhưng khác ngày xưa, mình thi để trở thành một giáo viên Toán của ngôi trường mình đã từng theo học. 

anh1
Thầy Phí Văn Dương cùng thầy Nguyễn Thế Sinh trong lễ kỷ niệm 40 năm 
Việt Nam tham dự kỳ thi Toán quốc tế

Mình gặp lại thầy chủ nhiệm mình ngày xưa, khi ấy đã là Tổ Trưởng Tổ Toán, lại được thầy chỉ bảo, dìu dắt,  nhưng trên một góc độ khác, một người học trò - đồng nghiệp của thầy. Được thầy giao cho dạy một số buổi cho đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia ngay năm đầu tiên, mình thức đêm soạn giáo án, chọn những bài toán tâm đắc và khó nhất theo suy nghĩ của bản thân về hình phẳng và Tổ hợp, để dạy buổi đầu tiên cho đội tuyển (chỉ có 6 em). Mình nhớ buổi dạy đầu tiên ấy, dù đã chuẩn bị rất nhiều, nhưng các học trò cứ làm vèo vèo khiến mình toát mồ hôi. Nhờ được thầy giao việc, mình đã cảm nhận được những khó khăn trong việc dạy chuyên, nhưng cũng thấy được điều thú vị và cách phải đối mặt cũng như cách để bắt đầu công việc dạy chuyên. Cũng từ thầy, mình học được cách duy trì nhiệt huyết với việc dạy chuyên, cách để khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ trên mạng. Mình học được từ thầy cách ghi lại những lời giải ấn tượng của học trò, cách hướng dẫn học trò tự học và vô vàn bài học khác từ những câu chuyện và phong cách sống của thầy. Từ đó dần vững vàng hơn và cũng có quan điểm của riêng mình về cách sống và việc dạy học. 

Thầy cũng là người tổ trưởng có lẽ là gần gũi nhất, thầy luôn tạo điều kiện hết sức để các giáo viên trẻ như mình phát huy được khả năng, và luôn là người làm mẫu trong mọi việc, Không áp đặt, không ra lệnh, mà chỉ góp ý nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn và luôn tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp và của học trò. Những việc khó nhất thầy cũng xắn tay làm trước, để tụi học trò phía sau thấy chẳng có gì phải ngại. Và luôn muốn làm gì đó mới mẻ. Mình nhớ cái phòng hội đồng ở trường cũ, nơi mà giờ ra chơi, tất cả mọi người cùng xuống nghỉ giữa giờ và trò chuyện, có một cái máy tính nối mạng. Đấy chính là nơi thầy hướng dẫn cho mình rất nhiều về chuyên môn, về khai thác mạng, có những hôm sau ca dạy thêm buổi chiều, mình ngồi lỳ ở đó với thầy đến chiều muộn, khi mọi người gần như đã về hết, mình thích nghe thầy trao đổi và chia sẻ những điều mới thầy có và cảm thấy nhiều năng lượng mỗi khi gặp và làm việc với thầy.

anh2
Thầy Phí Văn Dương và thầy Nguyễn Thế Sinh trong chuyến tập huấn tại Đà Lạt, 2018

Mỗi khi qua chơi với thầy khi có dịp, vẫn thấy thầy có những điều mới để chia sẻ, có những sản phẩm mới để giới thiệu cho mình thử nghiệm, có những lời khuyên mà mình luôn muốn lắng nghe, có những câu chuyện đáng suy ngẫm vẫn theo mình về nhà. Với mình, thầy mãi vẫn luôn là idol và là người thầy tuyệt nhất mình từng có. 

Xin gửi tới thầy lời cảm ơn từ trái tim của một học trò.

Tác giả: Nguyễn Thế Sinh (Chuyên Toán 1998-2001)