Những người thầy trưởng thành từ ghế nhà trường sẽ thấu hiểu tâm tư của học sinh, sẽ là người luôn bao dung với sai lầm của chúng. Còn học sinh, đến khi đứng trên bục giảng mới cảm nhận được hết tấm lòng thầy cô đã dành cho mình. Nhưng lúc đó, liệu còn kịp để hối hận, để biết ơn?
Có lẽ hầu hết học sinh ban xã hội đều coi Toán là môn khá “khó nhằn”, thuở đi học, những học sinh chuyên Sử chúng mình cũng nghĩ vậy. May mắn thay, chúng mình được học thầy Phạm Văn Cần. Đó là giáo viên Toán hiền từ và bao dung nhất cuộc đời học sinh của mình.
Ngày đầu bước vào lớp, câu nói đầu tiên của thầy là trấn an những đứa học sinh đang co người sợ hãi môn học không phải sở trường của chúng. Có lẽ, hơn ai hết, thầy hiểu, không thể yêu cầu những đứa trẻ trước mắt trở thành “siêu nhân tính toán, thần đồng số học” được. Bởi vậy, trong mọi tiết dạy của mình tại lớp, thầy luôn cố gắng giảng bài thật chậm, thật cơ bản. Đáp lại thầy, chúng mình đã từng cố gắng, cố gắng nghe giảng, cố gắng theo kịp bài, cố gắng hoàn thành bài tập, cố gắng không để ánh nắng ngoài cửa sổ làm mình lơ đãng, cố gắng không nghĩ đến bài tập môn chuyên buổi chiều cần nộp mà đến giờ vẫn chưa hoàn thiện. Nhưng kiến thức không đứng yên, chúng giống như đứa trẻ đang tuổi lớn, cao lên từng ngày, khó hơn từng giờ. Và những đứa học sinh non nớt, chẳng nghĩ sâu xa, mải chạy đuổi theo ước mơ đạt điểm cao kì thi năng khiếu, có một chân trong đội tuyển học sinh giỏi, có giải Quốc gia cho riêng mình, đỗ vào ngôi trường Đại học mà mình yêu thích. Đến khi giật mình ngước lên, vẫn là giờ Toán, vẫn là thầy đứng đó, dùng nỗ lực và nhiệt huyết gấp đôi, gấp ba bình thường để giải thích cho những đôi mắt ngơ ngác bên dưới, vì sao chỗ này phải dùng dấu trừ, vì sao chỗ kia phải phá ngoặc; nhưng tiếc thay, có lẽ, tất cả chúng mình đều đã không thể hiểu lời giảng của thầy nữa. Những con số nhảy nhót trên bảng, những khái niệm nghe như lời “sấm truyền” bằng ngôn ngữ cổ. Giá như chúng mình chịu để tâm đến môn Toán nhiều hơn, giá như chúng mình có thể tính ra đáp án đúng cho bài tập của thầy, giá như…..
Và đúng với tâm lý thông thường của học sinh khi không hiểu bài, chúng mình bắt đầu “phản kháng” bài học trong im lặng, bằng dáng vẻ ngoan ngoãn. Có bạn để sách Toán trước mặt nhưng tay đang vẽ biểu đồ quá trình đô thị hóa ở nước ta; có bạn tai nghe thầy nói về những phương trình rất logic, nhưng tâm trí lại bay bổng trong những vần thơ lãng mạn của Xuân Quỳnh… Lúc đó chúng mình nghĩ, có lẽ thầy không biết đâu. Nhưng những ngày đầu đứng trên bục giảng, tận mắt nhìn rõ học sinh đánh Liên quân trên điện thoại giấu dưới ngăn bàn, mình giật mình nhận ra, có lẽ thầy cũng như mình bây giờ, thấy hết, biết hết. Và thầy đã lựa chọn cách nhắc nhở nhẹ nhàng, bằng một cái hắng giọng, bằng cách gọi bạn đang vẽ biểu đồ Địa lên bảng vẽ đồ thị Toán, bằng cách vỗ vai bạn đang cúi đầu nhẩm thuộc bài thơ “Sóng”…. Giá như lúc đó, chúng mình thấy được cố gắng trong vô vọng của thầy, giá như lúc đó, chúng mình hiểu cho thầy nhiều hơn, giá như…..
Mọi “giá như” đều không trở thành hiện thực, chúng mình quá vô tâm để nhận ra thầy đơn độc như thế nào trên hành trình giáo dục của mình. Khi giới hạn bị vượt qua, thầy nhận ra sự ôn tồn, nhẹ nhàng không còn tác dụng nữa. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất thầy nổi giận. Một vài người bạn của mình sử dụng điện thoại trong giờ. Thấy dứt khoát cầm sổ đầu bài xuống, yêu cầu các bạn tự ghi tên vào. Mình luôn tự hỏi tại sao thầy lại làm vậy. Ngẫm lại, có lẽ, phải ghi tên học sinh vào sổ đầu bài là điều thầy không muốn làm nhất. Đối với thầy, đó là cách trừng phạt nặng nề nhất và là biện pháp cuối cùng. May thay, lần này, chúng mình không còn phải nói “giá như” nữa. Chúng mình đã kịp nhận ra sai lầm, đã kịp viết cho thầy những dòng xin lỗi chân thành, đã kịp “cứu vớt” chút ấn tượng tốt đẹp về lớp trong lòng thầy.
Trong mỗi cuộc họp lớp sau này, chúng mình vẫn thường nhớ lại chuyện thời đi học, nhắc lại điểm đặc biệt của các thầy cô chúng mình may mắn được theo học. Và trong đó, bao giờ cũng có bạn nhắc lại câu chuyện, thầy tự mình giải một bài Toán, ghi công thức kín bảng vì chúng mình không ai biết làm. Để rồi khi kết quả ra chưa đúng, thầy lại một mình, soát lại từng dòng để tìm lỗi sai. Thầy giống như một nhân vật độc thoại trong tác phẩm truyện kinh điển, tự đặt câu hỏi, tự trả lời. Khi đã trở thành giáo viên dạy Văn, đứng lớp dạy các học sinh ban tự nhiên, định hướng thi khối A, A1, mình như tìm thấy mình trong bóng dáng của thầy năm ấy. Thuở ấy, mình hay tự hỏi, sao thầy không quát to lên khi chúng mình làm việc riêng, sao thầy không cho chúng mình điểm kém khi chúng mình không làm được bài. Mãi sau này mình mới hiểu, người thầy nào cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh của mình đạt được thành tựu trên con đường mà nó lựa chọn.
Thưa thầy, không bao giờ là quá muộn để nói lời xin lỗi, không bao giờ là quá trễ để bày tỏ tấm lòng tri ân của chúng em đối với thầy. Em không có cơ hội để trực tiếp nói với thầy hai tiếng “cám ơn” đẹp đẽ, em xin đền đáp bằng hành động, bằng cách trở thành một giáo viên nhiệt huyết hơn, bao dung hơn, như cách thầy đã luôn yêu thương chúng em.
Tác giả: Trần Khánh Thu Hà (Chuyên Sử, khóa 2010-2013)
--
Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Những điều thầy dạy”(2021) của Hội cựu HS trường PTNK Hải Hưng – THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương. Truy cập nhóm của Hội để biết thêm thông tin: https://bit.ly/3oiZn5G