Tôi đỗ vớt vào chuyên Toán năm 2007. Và quả thực, điều đó cũng chứng minh một điều, tôi không phải là học sinh giỏi và luôn luôn có thể coi là đội sổ. Ba năm cấp 3 với tôi là sự áp lực khi bạn bè trong lớp luôn xuất sắc với những thành tích cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Quãng thời gian ấy với tôi cũng không thật sự vui vẻ và hạnh phúc khi tôi luôn co mình vào thế giới của mình. Tôi không được sự yêu quý của nhiều bạn bè trong lớp, có lẽ vì tính cách có phần “dị” của bản thân. Là học sinh chuyên Toán, với người khác là sự tự hào còn trong tôi là sự mệt mỏi.
Thầy Nghị phụ trách môn Toán lớp tôi khi chúng tôi học lớp 10. Những năm ấy và có lẽ cả sau này, Thầy luôn nổi bật với hình ảnh một người Thầy mẫu mực và có tâm với nghề giáo và với học sinh chuyên Nguyễn Trãi. Lúc ấy, thật sự là tôi không thể theo nổi chương trình học và tôi đã chủ động xin Thầy dạy thêm. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi đầu tiên với Thầy không phải về việc học mà là sự hỏi thăm của Thầy về gia đình tôi. Bố mẹ tôi là nông dân, phải luôn vật lộn với công việc bán sức lao động và sức khỏe để cho tôi theo học trên thành phố. Có lẽ, ấn tượng đầu tiên của tôi trong Thầy là một cậu học trò nghèo xin theo học. Mọi người trong gia đình tôi đều nghĩ rằng tiền học thêm trên thành phố sẽ cao và tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng Thầy gần như đã hỗ trợ hết tiền học thêm cho tôi, còn tôi chỉ cần đóng học phí một khoản rất nhỏ. Đó là điều mà tôi luôn luôn biết ơn và trân trọng.
Lên thành phố học tập cũng là thời điểm đầu tiên tôi biết đến máy tính và các trò chơi điện tử. Chán nản với việc học nên tôi nhanh chóng bị thu hút bởi những thứ mới lạ ấy. Tôi còn nhớ, tôi thường xuyên sa đà vào quán game gần ký túc xá trường - gần nhà Thầy. Một cách vô tình, Thầy thường xuyên bắt gặp tôi đi chơi điện tử. Nhắc nhở riêng có, nhắc nhở trên lớp có nhưng mọi thứ chỉ như từ tai này sang tai kia. Cuối năm lớp 10, tôi đi chơi và làm mất xe đạp. Tôi đã rất lo lắng và đã đến xin Thầy “nói dối” giúp với bố mẹ. Thầy đồng ý và sau đó Thầy đã kể lại hết sự việc trong cuộc họp phụ huynh cuối năm. Một trận đòn từ bố mẹ đã khiến tôi từng có chút giận dỗi với Thầy.
Từ năm lớp 11, Thầy tâm sự với chúng tôi nhiều hơn về quá trình nỗ lực của bản thân trong những lúc giải lao sau các bài giảng. Thầy cũng từng là một cậu học sinh nghèo, từng cố gắng như thế nào để có được sự nghiệp ngày hôm nay. Thầy cũng thường nhắc nhở tôi phải luôn suy nghĩ cho sự vất vả của bố mẹ nhưng tôi không để tâm. Hiển nhiên, với thành tích học làng nhàng cùng thái độ sống hời hợt, tôi đã trượt nguyện vọng 1 chỉ đủ điểm sàn để đỗ vào Đại học Kinh tế quốc dân và được sắp xếp vào chuyên ngành thấp. Cú "shock" ấy vẫn chưa làm tôi thức tỉnh, tôi vẫn đâm đầu vào những trò chơi điện tử vô bổ.
Năm 2 đại học là thời điểm khó khăn nhất của gia đình tôi khi bố mẹ tôi gánh trên vai khoản nợ khổng lồ từ làm ăn thua lỗ. Đó cũng là thời điểm tôi nhận ra nhiều điều hơn đang xảy ra quanh mình, là thời điểm tôi ngồi tự kỉ và gặm nhấm những gì Thầy từng tâm sự với tôi: “Sự khó khăn rèn luyện con người”, là câu nói mà tôi nhớ nhất từ những câu chuyện của Thầy. Tôi đã từng nghĩ bỏ học hoặc bảo lưu khi khó khăn tài chính ngày càng nặng nề. Nhưng những gì tôi gặp phải có lẽ chưa bằng những khó khăn mà Thầy từng trải qua. Sự nỗ lực hơn vào việc làm thêm đã giúp tôi vượt qua thời điểm đó. Đó cũng là khoảng thời gian tôi nhận ra mình trưởng thành hơn nhiều. Tôi cũng cởi mở hơn với mọi người, giao tiếp nhiều hơn và cố gắng phát triển kỹ năng mềm của bản thân. Trong quãng đời sinh viên đại học của tôi, nếu không có nguồn động lực to lớn từ những câu chuyện vượt khó của Thầy, có lẽ cũng chẳng có tôi ngày hôm nay.
Những năm cấp 3, tôi thường được nghe những câu chuyện về những học trò tài năng của Thầy như chị Thảo, cô gái Bạc năm nào. Còn tôi, tôi không phải là học trò giỏi và xuất sắc. Do khả năng bản thân có hạn nên tôi không thể tiếp thu hết được những kiến thức học thuật chuyên sâu mà Thầy truyền dạy. Nhưng tôi tin rằng, mình học được nhiều hơn từ Thầy để trưởng thành trong cuộc sống, đó là sự xây dựng đam mê cho cuộc đời mình. Tôi đã từng thắc mắc, tại sao Thầy giỏi mà lại làm nghề giáo với đồng lương ít ỏi như vậy? Và giờ đây, tôi hiểu rằng đó là niềm đam mê của Thầy. Thầy đam mê với nghề giáo dục để giúp những cô, cậu học trò như chúng tôi có đủ sự tự tin bước ra ngoài xã hội, trưởng thành hơn và thành công hơn. Tôi nghĩ để làm được việc này cần phải có tâm với nghề rất lớn.
Tốt nghiệp từ năm 2010 đến nay cũng khoảng 11 năm, tôi chưa từng về thăm Thầy. Có một chút ngại ngùng vì bản thân mình quá kém, có một chút lo sợ vì có lẽ Thầy cũng quên cậu trò nghèo và học kém này rồi. Nhưng tôi đã sai. Thầy vẫn dõi theo những bước đi của các cô cậu học trò, trong đó, may mắn có cả tôi. “Thầy rất vui khi em trưởng thành như vậy. Nhưng có lẽ hai Thầy, trò phải cảm ơn những khó khăn mà mình đã gặp em ạ”, lời tâm sự gần đây nhất của Thầy khi nhắn cho tôi. Hơn 10 năm không gặp, tưởng chừng quên mà lại là sự quan tâm và sự dõi theo.
Có lẽ em không phải là học trò để Thầy tự hào về bảng vàng, nhưng em tự hào vì lời nhận xét của Thầy: “Nhiều anh chị học tốt hơn em nhưng suy nghĩ không chín chắn và trưởng thành như em vì họ chưa qua khó khăn, gian khổ”. Một cậu học trò đội sổ năm xưa, một cậu học trò nghèo ấy đã giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc cho chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ tại hai trường Đại học khối G8 của Úc và bước ra biển lớn của tri thức nhân loại. Một chút tự hào vì được trở thành học trò của Thầy.
Thầy ạ! Hai từ “xin lỗi” và “cảm ơn”, em hi vọng rằng sang năm có thể trở về Việt Nam để thăm Thầy và tiếp tục học được nhiều hơn nữa.
Gửi Thầy giáo: Mạc Đăng Nghị.
Tác giả: Nguyễn Đình Đạo (Chuyên Toán 1, 2007-2010)
--
Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Những điều thầy dạy”(2021) của Hội cựu HS trường PTNK Hải Hưng – THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương. Truy cập nhóm của Hội để biết thêm thông tin: https://bit.ly/3oiZn5G