Chúng tôi đến thăm thầy Nguyễn Hoàng Đạo, nguyên giáo viên dạy Địa lý của trường Phổ Thông Năng Khiếu Hải Hưng- THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương vào một chiều cuối thu, đầu đông. Ngoài trời thì se lạnh mà tình cảm thầy trò chúng tôi thật là ấm áp. Tôi và nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương đều là những học sinh của thầy cách đây 23 năm về trước. Dù thầy không dạy chúng tôi môn chuyên, cũng không phải là giáo viên chủ nhiệm lớp nhưng không chỉ lứa chúng tôi, những cựu học sinh PTNK Hải Hưng trước đây mà cả một số khóa học sinh của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi sau này ai nấy đều nhớ mỗi khi nhắc về thầy...
Thầy Nguyễn Hoàng Đạo dạy Địa là người thầy có vốn kiến thức sâu rộng, lại rất gần gũi, thân thiện với học trò. Không chỉ dạy giỏi, tâm huyết với nghề, thầy Đạo còn có sở trường bơi lội. Thầy từng nhiều lần giành giải Kiện tướng môn bơi lội dành cho người cao tuổi và dạy rất nhiều học trò biết bơi. Ngoài ra, thầy cũng thích đi du lịch và còn sáng tác văn chương...Bọn con gái lớp Văn chúng tôi hồi ấy mỗi khi nghe thầy kể chuyện lại mắt tròn mắt dẹt và mơ ước được đi xa, đi nhiều như thầy. Tôi đã từng có lần mơ ước được trở thành giáo viên dạy Địa lí như thầy vậy. Đặc biệt, thầy có phương pháp dạy học trò cách vẽ lược đồ , bản đồ địa lí Việt Nam vô cùng nhanh, đẹp và chính xác. Thầy thường nhắc chúng tôi:
- Khi vẽ bản đồ Việt Nam, các em không được quên vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vì đó là xương máu bao đời cha ông ta đã phải đánh đổi để dựng nên cơ nghiệp.
Trước khi chúng tôi đi thi Đại học, thầy bảo cả lớp đến nhà thầy chụp ảnh kỉ niệm với hoa trạng nguyên - như một lời chúc tất cả đều đỗ đạt cao! Tôi còn nhớ, lúc làm bài thi vào Đại học Sư phạm, tôi đã làm giám thị và các bạn thí sinh ngồi bên ngạc nhiên như thế nào khi vẽ rất nhanh bản đồ Việt Nam, chính xác từng milimet! Thậm chí, hồi đó nhắm mắt cũng có thể chỉ ra vị trí địa lí từng tỉnh, thành phố; từng vùng đất, những con sông và các khu công nghiệp... Có thể nói, bên cạnh môn Văn của cô Diễm Loan, môn Sử thầy Tấn dạy, thì thầy Đạo và môn Địa lí đã giúp chúng tôi và bao thế hệ học trò trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng cũ (nay là trường THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương) thêm yêu và tự hào về Tổ quốc mình!
Thời gian cứ lặng lẽ trôi... Thầy cũng đã nghỉ hưu được 8 năm rồi. Có một điều đặc biệt là từ khi nghỉ hưu thì thầy lại nhận được lời mời làm Hiệu trưởng cho một trường THPT tư thục ở thị trấn Phú Thái- Kinh Môn. Thầy vẫn tự hào về điều này vì khi thầy dạy ở trường Nguyễn Trãi chưa từng bao giờ làm quản lý nhưng có lẽ vì kinh nghiệm công tác ở trường chuyên hơn 20 năm nên mới được tín nhiệm như vậy. Thầy vui vẻ chia sẻ với chúng tôi:
- Niềm vui của nghề dạy học ở trường chuyên không chỉ là đào tạo được nhiều học sinh đạt giải Quốc gia mà còn là khi thấy các em học sinh đã trưởng thành mà vẫn nhớ về thầy cô và viết về thầy cô bằng những dòng hoài niệm chất chứa những cảm xúc chân thành và ấm áp.
Thầy còn cho chúng tôi xem rất nhiều thư từ, ảnh kỉ niệm của các khóa học trò cũ gửi tặng thầy. Trong tập ảnh đó, chúng tôi thấy có cả ảnh Hoa khôi Hải Dương 2006- Hoa hậu đẹp nhất Châu Á 2010 Trần Thị Hương Giang, vốn là một học sinh chuyên Địa, cũng là một trong số các học trò cưng của thầy. Thế là bao nhiêu chuyện về các thầy cô, bạn bè cũ có dịp ôn lại. Buổi trò chuyện tưởng như kéo dài không dứt khi cứ định chào thầy về thì Việt Nga lại nhắc đến một sự kiện nào đó, thế là lại rôm rả một hồi. Nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui với nụ cười tươi của vợ chồng thầy mà chúng tôi cũng cảm thấy thật là ấm áp. Về với thầy cô giống như về với tổ ấm gia đình mình vậy.
Cô Hải Quỳnh - vợ thầy cũng là một nhà quản lý giáo dục đã nghỉ hưu chia sẻ:
- Mấy năm trước còn khỏe thì thầy vẫn đi làm Hiệu trưởng dưới Phú Thái cho đỡ nhớ nghề giáo nhưng năm nay tuổi cũng suýt soát 70 nên cô bảo thầy nghỉ để giữ gìn sức khỏe. Thầy cũng nhất trí nghỉ để lớp trẻ lên thay cho trường có sức sống mới hơn. Hàng ngày thầy vẫn chăm chỉ tập luyện thể thao, nhất là đạp xe, bơi lội. Hàng tuần thầy cô đều bố trí lên Hà Nội thăm con cháu.
Một điều khá bất ngờ và thú vị là trong buổi gặp gỡ hôm nay không chỉ có tôi và Việt Nga, thế hệ học sinh PTNK Hải Hưng khóa 1991-1994 mà còn có em Lưu Thu Liên giáo viên Địa lý mới về trường, rất nhiệt huyết trong các hoạt động phong trào của trường và Đoàn thanh niên. Liên cũng từng là cựu học sinh chuyên Địa khóa 2006-2009. (Chúng tôi lại mới khám phá ra là tôi, Việt Nga và Liên còn có họ hàng với nhau nữa!). Ngoài ra, còn có nhóm học sinh các lớp 12 Anh, 11 Hóa, 11 Toán, 10 Anh trong CLB Truyền thông của trường cũng đến thăm thầy Đạo và thực hành "tác nghiệp". Đặc biệt, trong nhóm này có em Minh Châu 12 Anh (Giải Nhất học sinh thanh lịch THPT chuyên Nguyễn Trãi năm học 2012-2013) lúc đầu còn ngờ ngợ và nhận ra thầy Đạo, cô Việt Nga khi xem bức ảnh trao giải cuộc thi Nét bút tri ân do Bộ Giáo Dục, TW Đoàn và Ngân Hàng Đông Á phối hợp tổ chức. Lúc Việt Nga đến cũng nhận ra ngay em Minh Châu là thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt giải trong cuộc thi đó. Hóa ra toàn là những người quen biết cũ, đã từng gặp nhau và đi cùng nhau suốt cuộc hành trình từ Bắc vào Nam để nhận giải thưởng của cuộc thi đầy ý nghĩa này năm 2010! Quả là một cái duyên kì ngộ! Vậy là trong một buổi chiều có tới ba thế hệ học trò cùng tới thăm và làm phóng sự về thầy nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập trường. Tất cả đều chung một niềm hân hoan, có cả những rưng rưng xúc động khi nhắc về những gương mặt thân quen...
Dù quyến luyến mấy nhưng rồi cũng đến lúc phải chia tay vì trời đã tối muộn. Chúng tôi hẹn gặp lại thầy trong ngày Hội trường sắp tới.
Xin kính chúc thầy cô thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc, vui vầy cùng con cháu.
Ảnh: vợ chồng thầy Nguyễn Hoàng Đạo chụp ảnh kỉ niệm cùng các học trò cũ: cô Nguyễn Thị Việt Nga (cựu học sinh chuyên Văn K1991-1994, nay là Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương-người viết tác phẩm "Hoa trạng nguyên" về thầy Đạo được giải Nhất chặng trong cuộc thi Nét Bút tri ân); cô Nguyễn Thị Lan Anh; cô giáo Lưu Thu Liên- cựu học sinh chuyên Địa K2006-2009 và các em học sinh trong CLB Truyền thông của nhà trường.
Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh