Không khí của Tết, của năm mới, của sức “xuân” đang tràn ngập các ngõ ngách, đang gõ cửa mọi nhà, đem đến một mùi vị đặc trưng mà chỉ có Tết đến ta mới cảm nhận được. Năm nay, vẫn ngai ngái hương vị của hạnh phúc, của tinh khôi mới mẻ, của sum vầy đang quấn quýt đâu đây, nhưng dịch bệnh khiến người ta dần quên rằng chỉ còn 1 tuần nữa là đến Tết và hôm nay đã là lễ ông Công ông Táo - 23 Âm lịch.

Như năm ngoái và rất nhiều năm về trước nữa, vào ngày này tôi được về bà, được cùng bà đi chợ để mua lá dong về gói bánh, được đi ngắm đào, quất với bố, vào bếp cùng mẹ, các thím để làm cơm cúng và sau cùng là quây quần với mấy đứa em tụ tập chơi đánh bài hay cờ cá ngựa. Và đặc biệt, tôi được đi thả cá chép với bà. Tôi hào hứng, thích thú với việc làm này bởi khi ấy bà sẽ kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện về ông Công, ông Táo, về Tết của những ngày xa xưa. Tôi ngây ngô hỏi bà sao phải thả cá, bà bộc bạch vuốt tóc tôi rồi nói đủ thứ về ý nghĩa của nó, nhiều lắm, mà tôi gần như đã quên hết rồi, chỉ còn nhớ duy nhất một điều: bởi đó là tục lệ, là truyền thống bao đời, mang lại bình an và cả hạnh phúc, thành đạt cho gia đình mình trong năm mới. Khi thả cá xong, 2 bà cháu lại dắt tay nhau đi về. Trong khi bà cúng cơm thì tôi cùng mấy đứa em chán chơi bài, chơi cá ngựa sẽ bày ra đủ thứ trò khác. Tết với những năm trước là như thế, ấm áp đến lạ thường!

Vậy mà năm nay, dịch bệnh đến, một cách bất ngờ, chẳng ai nghĩ nó sẽ đến vào khoảng thời gian này cả. Nếu như năm ngoái khi ăn Tết xong, Covid mới ghé thăm thì năm nay nó trực sẵn trước thềm năm mới, ai ai cũng lo lắng, cũng sợ hãi, nỗi buồn tủi hiện rõ trên gương mặt. 23 tết năm nay, tôi không về bà, bố tôi cũng chẳng ở nhà bởi dịch, chỉ có ba mẹ con tôi xúm lại dọn nhà, làm cơm cúng, dọn bàn thờ. Mẹ cũng tranh thủ đi chợ mua cá chép, lúc mẹ chuẩn bị đi thả cá tôi nằng nặc đòi theo mẹ, nhưng mẹ lại không cho sợ dịch bệnh. Liên tục được nghe thông báo những ca nhiễm Covid, một cảm xúc buồn mà hụt hẫng nhen nhóm trong tôi. Tôi gọi điện cho bà, bà than với tôi rằng năm nay nhà vắng quá, chẳng có không khí tết gì cả. Tôi lại an ủi bà: “ Ôi dào bà lo gì, dịch mấy ngày nữa sẽ hết thôi, lại có Tết ngay ấy mà”. 

23 Tết, đáng nhẽ ra tôi và cả gia đình sẽ bị cuốn vào những việc chuẩn bị, sắm sửa để đón một cái Tết đầy đủ nhất. Rồi dịch bệnh ập đến bao trùm cả thành phố, cũng chẳng biết năm nay sẽ đón Tết thế nào, ra sao. Với những người con xa xứ, họ lo sợ vì không biết có được về quê hay không; còn với những người ở ngay quê hương như tôi, lo sợ vì chẳng biết dịch có được khắc phục hay không, có được đón một cái tết nguyên đán truyền thống hay không.

Còn tận 6 ngày nữa mới đến giao thừa, còn tận 7 ngày nữa mới là mùng 1 Tết. Tôi vẫn hi vọng vào một cái tết an lành, vẫn mong chờ một tin vui dịch được khống chế để cuộc sống vẫn tiếp tục luân chuyển đúng theo đúng quy luật của nó. Bởi Tết là khoảng thời gian đáng để mong nhất, đáng để chờ đợi nhất trong cả một năm ròng rã cố gắng, để nhìn lại, để ngộ ra, để trưởng thành và để yêu thương, để lượm nhặt niềm vui lẫn nỗi buồn, hạnh phúc và nước mắt, để đối diện và chấp nhận sống những ngày mới hơn sau Tết với một niềm hân hoan khó tả.

23 rồi, Tết đang rục rịch bước chân thật rồi, cớ gì chúng ta lại không nuôi hy vọng và chờ đợi? 

 

Nguồn: NMC, Internet

Tác giả: Ngọc Linh