Một ngày, khi tôi tìm được một chiếc hộp nhỏ đựng những lá thư tay tôi nhận được từ xưa, bé con nhà tôi liền hỏi: “Mẹ ơi, tại sao ngày xưa người ta lại viết thư, hả mẹ?”. Nhìn vào những lá thư đã ngả màu vàng úa, những dòng chữ đã nhoè, tôi bỗng chốc chìm vào dòng hồi tưởng.

Thời tôi còn đi học, những lá thư tay vẫn còn thịnh hành. Chẳng xa lạ gì hình ảnh mỗi chiều, nơi bưu điện lại đông đúc người đến gửi, rồi người đến nhận thư. Hoặc, những người đưa thư vẫn cứ miệt mài trên chiếc xe đạp cũ kĩ, đến từng góc phố, căn nhà, trao tận tay cho chủ nhân bức thư hình chữ nhật gấp gọn.

Ngày ấy, thời bao cấp, cuộc sống vẫn còn nghèo khổ. Internet chưa có, di động cũng chưa xuất hiện. Người ở xa nhau chẳng thể liên lạc với nhau nếu như không qua mấy dòng thư tay. Hoá ra cuộc sống cũng đã từng giản đơn như thế. Hạnh phúc hay nỗi buồn, có khi đều chỉ từ những trang giấy ấy mà ra. Thế mới biết rằng con người ta khao khát dành cho nhau mấy lời yêu thương, mà những trang giấy cũng chẳng thể diễn tả đủ. Thế mới biết, cái nỗi nhớ, cái mong muốn được gặp nhau cũng chỉ được gửi gắm qua mấy dòng chữ mực đen, vậy mà mỗi khi đọc lại như mở ra cả một bầu trời kí ức. 

Ngày ấy, ba tôi đi làm xa. Cho nên, điều tôi ngóng đợi nhất không chỉ là ngày ba trở về, mà còn là những dòng thư ba viết cho mấy mẹ con. Chữ ba tôi đẹp mà gọn gàng, những con chữ mực đen nối đuôi nhau thành hàng trên trang giấy sần sùi đã ngả màu. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những câu chuyện thường ngày trên công trường của ba, những lời thăm hỏi, yêu thương mà lần nào ba cũng viết. Nhưng dù có lặp đi lặp lại nhiều như vậy, thì nó vẫn là liều thuốc tinh thần, là động lực của tôi. Ba mất lâu rồi, từ năm tôi mười tám tuổi, và hình ảnh của ba đọng lại trong tôi nhiều nhất cũng vẫn là gắn liền với mấy lá thư như thế này.

Ngày xưa ấy, không chỉ là những bức thư gửi qua bưu điện, mà còn là mấy lá thư truyền tay nhau. Bọn trẻ con chúng tôi không có ai để gửi đi xa, nhìn người lớn viết thì cũng muốn học theo, nên cứ xé vội mấy trang giấy trong cuốn tập, rồi viết cho nhau mấy dòng. Những dịp sinh nhật, những khi giận dỗi nhau mà chẳng dám nói thành lời, những câu chuyện ngô nghê, những lời hỏi thăm vụng về. Đơn giản vậy thôi, mà là cả một khoảng trời tuổi thơ.

Lớn hơn một chút, biết thầm thương trộm nhớ nhưng lại chẳng dám thổ lộ với đối phương, con người ta lại viết cho nhau mấy dòng ngọt ngào. Nét chữ đều đều thẳng tắp, nhưng để viết ra mấy dòng ấy lại là biết sao sự ngượng ngùng, biết bao tình cảm ngô nghê trong sáng mà đáng quý, biết bao yêu thương đầu đời dành trọn cho một người. Quý nhất là khoảnh khắc đưa đến tay người ấy, cảm giác hồi hộp chẳng bao giờ đổi thay.

Yêu nhau rồi, thương nhau rồi, ở xa nhau một chút là lại viết cho nhau mấy dòng. Gấp gọn lại thành hình chữ nhật, cho vào một chiếc phong bì rất xinh, đạp xe ngược cả thành phố, đưa tận tay người ta rồi lại ngại ngùng đi về. Tình yêu đôi khi “dở hơi” như thế đấy, sẵn sàng đi qua cả chục con phố, mất nhiều thời gian, cũng chỉ để nhìn thấy nụ cười của ai kia dù trong phút chốc. Người ta ngầm hiểu, đó không chỉ là nụ cười hạnh phúc bởi có người sẵn sàng vượt qua khoảng cách để đến bên mình, mà đó còn là mấy lời thương yêu giấu kín trong những lá thư tay. 

Cuộc sống bây giờ chẳng còn cần đến thư tay nữa, chỉ cần vài cuộc điện thoại, mấy tin nhắn viết vội là đủ biết người kia đang như thế nào. Và có lẽ giới trẻ bây giờ cũng không thể hiểu, rằng đã có một thời, yêu thương được đong đầy, tình cảm hiện ra chân thật từ những điều giản đơn như thế. 

Vẫn mong một ngày nào đó, tôi được quay trở lại những phút giây ấy. Được cầm trong mình một lá thư tay, được cầm cây bút lướt trên những trang giấy sần sùi. Được gỡ bỏ đi những gánh nặng để dồn bao cảm xúc vào những dòng chữ. Yêu, và được yêu bởi những lá thư tay.

 

Nguồn: NMC, Pinterest

Tác giả: Cát Dương