…Từ ngày ấy đến nay đã hơn hai mươi năm, tôi vẫn nhớ như in kỉ niệm về cô, về mái trường chuyên Nguyễn Trãi khi xưa. Cô ơi! Trong miền nhớ ngọt ngào của kí ức, nét chữ của em hôm nay vẫn thế cô ạ: vẫn thẳng, rõ, dễ đọc. Em đã sống và sẽ sống một cách ngay thẳng, trung thực như cô đã tin tưởng và kì vọng. Tôi thầm nói với chính mình và trong lòng bỗng thênh thang đến lạ kì. Hơi gió se lạnh đầu đông vừa chớm, tháng 11 vừa sang chạm nhớ rưng rưng!
Kính tặng cô giáo Hoàng Hải của chúng em!
- Hoa chia quà cho các bạn đi!
Vừa bước vào lớp, cô vừa đưa túi quà cho tôi. Tôi nhấc từng chiếc bánh rán ra khỏi túi. Chà, bánh vẫn còn tỏa hơi nóng thơm phức! Giòn, ngon phải biết! Trời hơi lành lạnh thế này thì món bánh rán nóng giòn vẫn luôn là món khoái khẩu, thậm chí còn là ao ước của lũ học trò chúng tôi ấy chứ. Tôi nghĩ vậy trong đầu, tay lần lượt cầm từng chiếc bánh chia cho hai mươi ba con “vịt trời” lớp Văn chúng tôi. Chưa hết quà của cô đâu, mỗi đứa còn được một quả doi nữa cơ.
Nhưng mà lạ nhỉ! Sao cô lại mua quà cho chúng tôi? Sao cô lại bảo tôi chia quà chứ không phải Hằng lớp trưởng? Tôi chỉ là “lính” thôi – một thành viên xoàng trong lớp – vậy sao cô lại bảo tôi chia quà? Vừa ăn tôi vừa ngẫm nghĩ thấy lạ, mà có lẽ cả lũ bạn tôi cũng thấy làm lạ là cái chắc.
Tôi lúc này vẫn ngơ ngác nên có lẽ mặt tôi cũng đang nghệt ra, cô nhìn tôi và liền bảo:
- Các em có biết vì sao hôm nay có quà không? Mà là Hoa đi chia cho các bạn nhé!
Cô như đi guốc trong bụng tôi hay sao ấy. Cô nói đúng băn khoăn trong lòng tôi. Tất cả các bạn lắc đầu cười trừ, cả tôi cũng vậy tuy có hơi ngượng nghịu một chút vì không hiểu sao. Mặc kệ chúng tôi cứ biết được ăn là mừng rồi. Rồi cô nói tiếp, giọng rất phấn khởi:
- Lớp mình mừng cho bạn Hoa có thêm em trai nhé! Lẽ ra Hoa phải nói ra cho cả lớp biết tin vui này chứ!
Tiếng “ồ” rộ lên. Mọi người đã hiểu tại sao hôm nay chúng tôi được ăn quà. Còn tôi, tôi bất ngờ quá! Chẳng hiểu sao nước mắt tôi cứ tự nhiên tuôn rơi, không thể nào cầm được. Cái Quyên ngồi cạnh tôi vỗ vai tôi nhẹ nhẹ và luôn miệng bảo:
- Đấy nhé! Đấy nhé! Cứ lo các bạn cười cơ. Tao đã bảo rồi mà cứ lo mãi. Giờ thì yên tâm rồi, yên tâm rồi, ai cũng mừng cho mày mà.
Thì ra là nó đã kể chuyện nhà tôi cho cô nghe. Chả là, tối hôm trước nó rủ tôi đi hóng gió một chút xíu rồi về học. Trong lòng tôi đang buồn và rối như tơ vò nên tôi đi cùng nó ngay. Ngồi trên cây cầu quen thuộc bên ngôi chùa cạnh khu nội trú của chúng tôi, Quyên hỏi tôi ngay:
- Mấy hôm nay tao thấy mày cứ buồn buồn thế nào ấy. Có chuyện gì à?
Vừa nghe nó hỏi thế là tôi liền dốc hết bầu tâm sự. Rằng nhà tôi có bốn chị em gái, bố mẹ tôi bao lâu nay vẫn mong có được một thằng con trai. Mẹ tôi vừa sinh em bé ở tuổi bốn mươi lăm, được vài hôm rồi. Nỗi ước ao của bố mẹ tôi đã thành hiện thực rồi nhưng tôi cứ thấy thế nào ấy. Lẽ ra phải vui mới đúng nhưng trong lòng tôi lại không vậy. Tôi thấy ngượng với bạn bè nếu chúng biết. Mà kiểu gì chỉ là trước hay sau, các bạn tôi cũng sẽ biết thôi, giấu mãi làm sao được dù nhà tôi có cách xa trường tới gần bốn mươi cây số. Mừng gì chứ khi mà tôi học lớp Mười hai rồi, ai lại có em vào lúc lớn tướng thế này. Nghe tôi kể xong, nó liền hỏi lại tôi:
- Thế chị gái mày đang học ở Quảng Ninh biết chưa? Chị ấy còn là sinh viên rồi cơ mà. Chị ấy không ngại thì thôi chứ mày làm gì phải ngại!
Ừ nhỉ, chị gái tôi chẳng biết có ngại không nữa, tôi vẫn chưa viết thư cho chị. Nhưng tôi vẫn bảo Quyên:
- Chắc chị tao chưa biết. Tao sẽ viết thư cho chị ấy hỏi xem. Còn mày nghe này: tao chỉ kể chuyện cho một mình mày nghe thôi. Mày không được kể với ai đâu đấy! Mày hứa đi!
Quyên nghe và à ừ cho qua chuyện. Thật không ngờ là nó đã kể cho cô nghe, mà nó kể với cô bao giờ vậy? Chỉ cách có mỗi buổi sáng nay thôi…
Rồi buổi học chuyên đề chiều hôm ấy của chúng tôi càng đặc biệt hơn khi cô nắn nót viết trên bảng dòng chữ: Thân phận người phụ nữ trong văn học. Bài học thấm thía quá! Cô giảng bài say sưa, dường như bao tâm huyết, bao nghĩ suy của cô được gửi gắm trong bài học này. Tôi nhận ra có hình ảnh mẹ tôi trong lời cô giảng. Người mẹ tần tảo sớm hôm, người mẹ mang nặng khát khao cần phải có “nếp” có “tẻ”, có đứa con trai nối dõi tông đường…Tôi nhận ra nỗi niềm trăn trở của cô cho người phụ nữ, trong đó có cô và có cả chúng tôi sau này.
Thời gian trôi đi, đến giờ thì tôi nhận ra cuộc sống đã thay đổi nhiều, thời thế, thế thời đem đến quyền bình đẳng cho người phụ nữ hiện đại. Quan niệm xưa: nơi góc bếp, xó nhà với công việc bếp núc, giặt giũ, chăm nom con cái … mãi mãi là thiên chức của người phụ nữ trở thành cổ hủ, lạc hậu. Thế hệ chúng tôi có quyền lựa chọn và sống theo cách riêng của mình, chỉ có bản tính yêu thương và sẵn sàng hi sinh của người phụ nữ là không bao giờ mai một đi được.
Món quà nho nhỏ, lời động viên cùng bài học quý giá của cô đã đưa cô gần lại với chúng tôi hơn. Và riêng tôi từ buổi ấy, tôi biết ơn cô nhiều, nhiều lắm. Sau một hoặc hai tuần, từ trường trở về nhà, tôi ít đi chơi và đã biết giúp mẹ việc nhà nhiều hơn: trông em, quét nhà, nấu cơm, rửa bát hay trước khi bắt xe đi học tôi còn cố tranh thủ lấy nốt mẻ bèo để chiều về mẹ hầm cám cho lợn…
Ngày chia tay cô và mái trường đã đến gần. Những trang lưu bút được chúng tôi truyền cho nhau, gọi là làm kỉ niệm. Tôi run run trao cô quyển sổ xin chữ kí của cô. Bất ngờ quá, không phải chỉ là một lời chúc thông thường giống như cô viết cho các bạn. Cô đã viết cho tôi hẳn cả trang giấy ở cuốn sổ to. Tôi không thể quên được lời cô: “Cô rất thích nét chữ ngay ngắn của em. Nét chữ nết người! Con chữ đã nói lên tính cách con người. Cô tin và mong em sẽ mãi giữ vững sự ngay thẳng, trung thực như nét chữ của em vậy…”. Ôi chao, các bạn tôi phải ghen tỵ, còn tôi thấy vui sướng, hạnh phúc vô cùng! Thì ra bấy lâu nay tôi cũng chưa hiểu gì về mình. Tôi vẫn tự ti rằng nét chữ của tôi cứng đơ, chỉ dễ đọc chứ không đẹp. Tôi vẫn luôn ao ước có được nét chữ mềm mại, uốn lượn hoa văn bay bổng như Duyên, như Hằng, như Nga….mà không được. Giờ thì tôi có thể tự tin lên rồi. Tôi sẽ luôn ngay thẳng, trung thực, thẳng thắn như lời cô. Cô đã giúp tôi nhận ra chính mình mà bấy lâu nay vẫn cứ quanh quẩn kiếm tìm.
…Từ ngày ấy đến nay đã hơn hai mươi năm, tôi vẫn nhớ như in kỉ niệm về cô, về mái trường chuyên Nguyễn Trãi khi xưa. Cô ơi! Trong miền nhớ ngọt ngào của kí ức, nét chữ của em hôm nay vẫn thế cô ạ: vẫn thẳng, rõ, dễ đọc. Em đã sống và sẽ sống một cách ngay thẳng, trung thực như cô đã tin tưởng và kì vọng. Tôi thầm nói với chính mình và trong lòng bỗng thênh thang đến lạ kì. Hơi gió se lạnh đầu đông vừa chớm, tháng 11 vừa sang chạm nhớ rưng rưng!
Tác giả: Cao Thị Bích Liên
Niên khóa: 1995 – 1998
Lớp: chuyên Văn