Saint Petersburg, ngày...tháng...năm 2021 

 

Cô của con, 

Khi bóc lá thư này, nhìn tên và địa chỉ người gửi, cô có nhận ra con không? Đứa học trò năm ấy có trí nhớ tệ ơi là tệ khiến cô phải phiền lòng rất nhiều. 

Con ngồi viết những dòng này sau khi để ý quyển lịch trên bàn đã sắp sửa đến 20/11- Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Ngày còn ở chuyên Nguyễn Trãi, tầm này bọn con đang rục rịch chuẩn bị nào là văn nghệ, nào là báo tường để tri ân thầy cô. Giờ đây, nơi con tuyết đã mù mịt giăng khắp cành cây, ngõ nhỏ. Ai cũng rảo bước thật nhanh hòng mong trốn khỏi cái thời tiết khắc nghiệt giữa tháng 11 của nước Nga này. Ấy vậy mà ngồi trong phòng, lò sưởi luôn duy trì ở mức 25 độ C mà con cũng muốn chạy trốn. Trốn khỏi guồng quay ngột ngạt của cuộc sống hiện đại để quay trở về với nơi gọi là “Chốn an toàn trong tâm hồn”, là chuyên Nguyễn Trãi của cô, của con, của biết bao thế hệ. 

Người ta hay bảo nụ cười năm 16, 17 tuổi là nụ cười đẹp nhất đời. Nụ cười năm đó của chúng con ở CNT vì gặp được cô mà càng trở nên rạng rỡ. Trong cái nắng bỏng rát của ngày hạ tháng 8, giữa trăm ngả nhân duyên, chúng con cùng cô nên duyên thầy trò. Mối duyên này cùng con những năm tháng cấp 3, len lỏi vào trong những dự định tương lai và theo con suốt những chặng đời sau này. Con vẫn nhớ như in ngày 26/7 nhiều năm về trước, trong tiết học chuyên đầu tiên cô phát cho mỗi đứa chúng con một quyển sách. Cô bảo là quyển sách chuyên đầu tiên này cô tặng chúng con. Bên trong, trang đầu tiên là chữ ký của cô nắn nót, mềm mại. Khoảnh khắc ấy con không hề biết rằng, hình ảnh người giáo viên cả đời gắn bó với tiếng Nga sẽ trong tâm trí con thật lâu dù cho bao nhiêu sự nhiêu khê.  

anh1

“Con đò mộc- mái đầu sương

Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày 

Khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông. 

Một tuần, 8 tiết, 360 phút chúng con gặp cô trên bục giảng. Có một câu hỏi luôn trở lại trong tâm trí chúng con rằng: kì lạ thay bằng cách nào đó chúng con, cái lũ “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” lại nghe lời cô đến vậy. Có lần nhóm con không làm bài về nhà, lúc biết cô buồn lắm, cả tiết học dù nhiệt huyết giảng bài nhưng bọn con vẫn thấy những nét thoáng buồn trên khuôn mặt đã hằn những nếp nhăn của cô. Ngồi nghe giảng mà cảm giác tội lỗi cứ chực trào. 17 tuổi, dũng khí làm gì cũng có, ấy vậy mà sao việc mở miệng nói với cô ba từ “Em xin lỗi” lại khó khăn quá. Thế là tranh thủ giờ ra chơi, kìm nén cái ham muốn hòa mình với lũ bạn ngoài hành lang hóng về chiếc loa phát thanh chương trình “Giai điệu cầu vồng”, con ngồi lại trong lớp nhanh nhanh chóng chóng hoàn thiện bài về nhà rồi lén mang nộp vào chồng vở chưa được chấm điểm trên bàn giáo viên. Trước đó con đã kịp xé tờ giấy nhớ màu vàng ghi vài dòng hối lỗi vì đã làm cô phiền lòng rồi dán vội xuống cuối bài. Tờ giấy ấy không biết cô có đọc được hay đã không may rơi mất trong lúc di chuyển giữa các lớp học. Nhưng nó là chứng nhân cho một bước ngoặt lớn trong đời con. Con bắt đầu nhìn nhận môn chuyên một cách nghiêm túc, sẵn sàng ngỏ ý với cô những băn khoăn có nên tham gia đội tuyển hay không, rằng học chuyên thì sau này con phải làm gì...Trước vô vàn những quyết định khó khăn, con lại nghĩ đến cô và những điều cô dạy... 

Và cô biết không, con đã dần yêu môn chuyên qua từng dịu dàng của cô. Cô từng nói với kinh nghiệm nhiều năm cầm phấn của mình, mắng nhiếc, trách phạt nặng nề chưa bao giờ là biện pháp hay, nếu có tác dụng thì cũng chỉ trong khoảnh khắc. Cô thực sự chưa một lần quát mắng chúng con, khiến bọn con vừa nể lại vừa sợ làm cô buồn. Con yêu nước Nga qua từng lời kể của cô về đoạn tuổi xuân đã gửi lại nơi đó. Nào là Quảng trường Đỏ rộng lớn ra sao, Nhà hát Lớn nguy nga thế nào, người dân xứ bạch dương vừa hiền hậu lại kỉ luật. Cô cho chúng con nhìn nước Nga một cách chân thật nhất qua lăng kính trải nghiệm của cô, truyền cho chúng con khát khao mãnh liệt một ngày có thể đặt chân đến đó. Và con thương cô thật nhiều khi bắt gặp hình ảnh người giáo viên nhân dân, mái tóc đã ngả màu vì bụi phấn, bốn giờ sáng vẫn thao thức chữa từng câu từ trong bài luận cho đội tuyển. Bao năm cô hết mình, tâm huyết với nghề như thế, chúng con đã không phụ công cô, kết quả đội tuyển mà cô phụ trách luôn khiến cô tự hào. Chắc là mọi người cũng nhìn ra được sự tận tụy, hy vọng mà cô gửi gắm cô nhỉ?  

anh2

Bây giờ con đã ở đây, ở xứ xở của những cây bạch dương thướt tha và búp bê matryoshka nổi tiếng trong lời kể của cô. Con cùng bạn bè đi qua những nơi cô đã từng đi, trải nghiệm những điều cô từng và cả chưa từng trải nghiệm với mong muốn rằng ở tương lai có thể trở thành một nhà giáo giống cô, về lại chuyên Nguyễn Trãi, thay cô tiếp tục truyền lửa đam mê cho từng lớp học sinh. Cô biết không, giữa Moscow đô thị phồn hoa, bộn bề tấp nập, con cũng đã có cơ hội gặp một vài anh chị tiền bối cũng đã từng là học sinh của cô. Chúng con đã nói nhiều lắm về cô, về quãng thời gian ở chuyên Nguyễn Trãi. “Bao dung” là tính từ chúng con nhắc đến nhiều nhất khi miêu tả về những ngày tháng đó. Ở “Nơi chốn an toàn” ấy chúng con có bạn bè bên cạnh, thầy cô yêu thương, bình bình lặng lặng hoặc sôi nổi nhiệt huyết qua từng ngày. À chúng con còn hẹn nhau khi nào hết dịch, về Việt Nam sẽ cùng đến thăm cô. Ôi chưa gì con đã mường tượng ra được cái không khí tưng bừng, náo nhiệt của cô trò mình rồi. 

anh3

Một mùa 20/11 nữa lại gõ cửa, con xin được gửi tới cô lời cảm ơn và tri ân từ tận đáy lòng mình, chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc bên gia đình và có thật nhiều niềm vui trên mỗi chuyến đò của mình. Ở nhà cũng sắp vào đông rồi, cô giữ ấm nha cô!

Con yêu và nhớ cô thật nhiều!

 

Trò của cô.