Ngày ấy, những năm 60, cuộc sống vẫn còn kham khổ, làng chúng tôi nghèo lắm. Năm trước, giặc Mỹ thả bom xuống bìa rừng cạnh làng để chặn đường đi của bộ đội. Làng tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cho nên dân làng bỏ đi gần hết; chỉ còn những người quá nghèo, chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài ở lại gắn bó với cái mảnh đất cằn cỗi này.

Cạnh nhà tôi là nhà thằng Nhật. Nhà tôi đã thiếu thốn, nhà nó còn thiếu thốn hơn. Năm nó năm tuổi, bố mẹ nó lên tỉnh cất hàng bị địch bắn trúng. Bố nó mất, mẹ nó may mắn thoát chết. Nhưng mất bố là mất trụ cột chính trong nhà. Rốt cuộc, mẹ nó phải đi bước nữa. Ông Hai - người đứng đầu huyện khi ấy, cưới mẹ nó về làm vợ lẽ. Nói là cưới về, chứ ai cũng hiểu là mẹ nó tự bán thân mình đi để nuôi nó. Ông Hai không vừa mắt nó nên không cho dì Thu - mẹ nó, gặp nó nữa. Vậy là hai mẹ con chịu cảnh chia cắt. Thi thoảng nhân lúc ông Hai vắng nhà lâu ngày, dì Thu mới trốn về được hai ba hôm rồi lại đi. 

Được cái sáng dạ nên lên cấp hai, chính quyền xã cho tôi, Nhật và vài đứa khác lên huyện học. Có một hôm, trước khi kết thúc buổi học, cô giáo nhắc thứ hai tuần sau, ngày 20/10, là ngày phụ nữ Việt Nam. Bỗng dưng, tôi thấy mắt Nhật sáng lên, hai điểm sáng như rực lửa và cháy bỏng một khát vọng nào đó nó đã ao ước từ lâu. Không biết nó lại đang suy nghĩ điều gì.

Mỗi lần về nhà, chúng tôi phải đi qua một cánh đồng hướng dương. Cánh đồng này, nghe đâu xã tôi và xã bên cạnh cùng quản lí. Người ta chia đất cho dân nghèo để trồng trọt kiếm sống, nhưng trồng qua bao nhiêu vụ mùa chẳng có cây nào sống được lâu. Chỉ có hướng dương, mấy năm gần đây mới duy trì được. 

Nhà thằng Nhật cũng được chia một thửa đất nhỏ. Ông bà nó và cả nó chăm lo cho luống hoa như chăm con, bởi một phần thu nhập cũng dựa vào đây. Chẳng biết có phép thần kì gì, hoặc có lẽ là nhờ tình yêu của nó với hướng dương, mà hoa nhà nó năm nào cũng lên cao và đẹp nhất vùng. Tôi hỏi nó, nó bảo, do cái duyên mà ra. Ừ, có khi cũng do cái duyên thật. Bố mẹ nó đặt tên nó là Nhật, có nghĩa là mặt trời, mà hoa hướng dương thì lại quay về phía mặt trời. 

Trên đường về, nó nói với tôi: “Năm nay, tao muốn đem hoa hướng dương nhà trồng lên tặng mẹ.”

Tôi trợn trừng mắt nhìn nó: “Nhưng ông Hai có đời nào cho mày gặp dì Thu?”

“Tao sẽ tìm cách”. Nó nói, rồi chìm vào suy nghĩ của riêng mình.

Ừ, nó thương mẹ nó thật. Chính ra số mẹ nó cũng khổ. Dì Thu về làm dâu từ năm mười sáu tuổi, thế rồi mới đôi mươi mà đã phải chịu cảnh goá chồng. Ngày bố nó còn sống cũng hay đánh đập mẹ con nó, mà bố nó mất rồi lại để cho cả nhà một khoản nợ lớn. Mẹ nó làm lụng vất vả, ngậm đắng nuốt cay vậy đấy nhưng chẳng bao giờ mắng nó một câu, lúc nào cũng hiền dịu, yêu thương và dành cho nó những thứ tốt đẹp nhất. Nó trưởng thành sớm, ý thức được tình cảm của mẹ nên cũng thương mẹ nhiều. Ngày mẹ nó đi lấy chồng, và nó biết nó sẽ chẳng còn được thấy mẹ nhiều, lần đầu trong mười hai năm cuộc đời, tôi thấy nó khóc. Nó khóc rấm rức, cuộn mình lại như con thú nhỏ không ai bảo vệ. Người nó khi ấy đã dong dỏng cao, vậy mà trong giây phút ấy, nó lại thật nhỏ bé. Nó yêu hướng dương cũng bởi mẹ nó thích hoa hướng dương, và nhìn vào mấy bông hoa ấy, nó lại nhớ đến khuôn mặt tươi xinh của mẹ nó ngày nào.

Hai ngày cuối tuần, tôi thấy nó cứ đi lại ở đồng hoa. Hình như nó đang lựa ra mấy bông đẹp nhất để gói tặng mẹ. Tôi gọi nó về chơi cùng mà nó chẳng chịu về. Nó bảo, tâm huyết bao nhiêu năm nay chỉ đợi ngày gặt hái, nó phải thật cẩn thận để mẹ nó cảm thấy thật vui. 

Thứ hai, nó cầm theo bó hoa đi học. Hoa nó gói đẹp lắm, Nhật vốn cẩn thận lại khéo tay. Bên trong bó hoa còn có tấm thiệp nó tự gấp, tự viết. Chữ nó đẹp mà ngay ngắn, mực đen in đậm trên tờ giấy hồng: “Thân gửi mẹ. Con chúc mẹ luôn xinh đẹp, khoẻ mạnh và hạnh phúc. Con trai thương mẹ nhiều.”

Lũ chúng tôi được nghỉ sáng nên nó chạy thẳng qua nhà mẹ. Ban đầu tôi cũng ngăn nó, vì tôi biết người ta chẳng cho nó vào đâu, nhưng nó không nghe tôi. Sợ nó làm sao, tôi cũng đi theo.

Nhưng chẳng ai ngờ được. Khi nó lên đến trung tâm huyện, địch đã bắt đầu bắn phá. Nhật chạy đến nhà mẹ, căn nhà to nhất ở cuối phố Đoài. Khi ấy, dinh thự của ông Hai đang dần chìm trong biển lửa. Cánh cổng vẫn đóng kín, dự rằng trong nhà chưa có ai thoát được ra. Khói bụi nghi ngút bốc lên, hơi nóng toả ra khiến tôi cay xè mắt. Xung quanh là bao nhiêu con người đang chạy loạn, tiếng khóc, tiếng hét, và cả tiếng súng, tiếng quát tháo từ phía giặc. 

Tôi kéo Nhật chạy đi, nhưng nó cứ đứng im đó mà nhìn vào cánh cổng im lìm. Thế rồi, nó dúi vào tay tôi bó hoa to rồi chạy đi, đạp tung cánh cổng. Tôi chẳng kịp phản ứng, chẳng kịp giữ nó lại. Hai mắt tôi mở to, miệng mấp máy gọi tên nó, nhưng khi tôi hoàn hồn, cái dáng cao gầy ấy đã chìm sâu vào bên trong khói lửa. Nó vào để cứu mẹ, chẳng màng đến mạng sống của mình.

Mọi chuyện sau đó xảy ra nhanh như một cái chớp mắt. Khi tôi đã tìm được một góc gần đó để trốn, giặc Mỹ cũng rục rịch rút đi. Hình như chúng đang tìm một nhà hoạt động Cách mạng nào đó, nhưng không tìm được. Lũ khốn nạn bỏ đi, để lại sau lưng tiếng khóc thương, những tổn hại về vật chất, những đau đớn về tinh thần. Tôi ức đến run người nhưng chẳng làm gì được, chỉ biết ôm chặt lấy bó hướng dương mà rưng rưng nước mắt. Dân mình khổ quá, đã nghèo rồi mà chỉ trong phút chốc, chút ít tài sản cũng mất hết. Xác người dọc cả một đoạn phố dài, chẳng ai dám ngoảnh lại nhìn. 

Tôi tìm người cứu Nhật. Gọi mãi mới được một vài người cầm nước đi dập lửa rồi chạy vào tìm nó. Tim tôi như rơi ra khỏi lồng ngực khi thấy người ta đi ra đi vào, mà chẳng thấy nó, cái người mà tôi mong nhất. Tôi sợ nó chết.

Một lúc sau, người ta khiêng nó ra, sau lưng là dì Thu. Mắt dì đỏ hoe, người lấm tấm bụi. Tôi chạy ra xem Nhật. Nó ngất rồi, bị bỏng một mảng lớn ở chân. Nhưng anh hộ sĩ bảo nó bị ngạt khói, một chút nữa sẽ tỉnh. Tôi quay qua nhìn dì. Dì ốm đi nhiều, và nước mắt vẫn cứ im lặng rơi. Tôi biết, dì đang xót nó lắm.

Tôi thay mặt nó tặng mẹ nó bó hoa. Dì Thu đứng đơ người một lúc, rồi mới cuống quýt cảm ơn tôi. Dì cũng chẳng còn trẻ nữa, nhưng vẫn cứ hiền dịu và nhẹ nhàng như một cô thiếu nữ. Tôi thấy dì lùi ra một góc, ôm chặt bó hoa, đọc tấm thiệp nó viết cho dì. Bông hướng dương cọ vào lồng ngực dì, cánh hoa vàng tươi, tươi như ngọn lửa khi nãy, nhưng nó không cướp đi sự sống của ai, mà nó tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi.

Bông hướng dương tỏa sáng chẳng phải bởi màu sắc của nó vốn tươi, mà tỏa sáng bởi tình mẫu tự của hai mẹ con nó. Bởi trong từng bông hoa ấy là sự nâng niu của Nhật, là vẻ đẹp tâm hồn của dì Thu, và là cả sự hi sinh để cứu lấy mẹ từ bàn tay tử thần.

Hôm ấy, ngày 20/10/1961. Kỉ niệm không thể nào quên đối với tôi.

Bông hướng dương vẫn cứ toả sáng giữa vòm trời rộng lớn.

Tác giả: Cát Dương