Tôi đi theo y tá vào bên trong trạm xá quân đội dã chiến, không hiểu vì sao mà trong cổ họng lợm lợm buồn nôn. Hình như có cái gì đó chết chóc và tang thương không ngừng lảng vảng trong không khí, chỉ chờ người ta bước vào là ngay lập tức bóp nghẹt như vị thần chết u ám đang đếm ngược thời khắc tước đi sinh mạng của kẻ xấu số.

Tường trạm xá dựng tạm bằng vải bao bố, điều kiện của quân đội không dư giả gì, chỉ có đủ cáng và giường sơ sài cho người nào thương nặng, mấy anh lính còn lại đành phải ngồi ngoài tự băng bó cho nhau, ánh mắt họ não nề. Tôi rùng mình trước cảnh một anh quân nhân đang xử lí một vết chém bằng dao rất ngọt, lòng lạnh đi khi nghĩ đến việc những vết cắt như vậy chỉ có thể được coi là nhẹ, là ‘ngoài da’, và dường như không còn đủ can đảm để tưởng tượng xem một thương tích đủ tiêu chuẩn được coi là nặng sẽ khủng khiếp đến mức độ nào. Chỉ trong giây lát nữa thôi, tôi sẽ gặp mặt trực tiếp với một người lính mang trên người vết thương như vậy, là chủ nhân của món hàng đặc biệt mà tôi có nhiệm vụ giao đến tận tay người nhận.

Cô y tá trẻ vừa dẫn đường cho tôi vừa hỏi thăm đôi câu về công việc đưa thư của tôi nơi chiến trận, có vẻ hơi bất ngờ khi biết rằng tôi có quen biết với người lính kia từ trước. Mắt đượm buồn, cô thở dài dừng lại trước căn lều ở cuối trạm xá, vén cửa lều lên bảo tôi:

- Đồng chí vào nhé, đồng chí Kiệt mong anh suốt đấy! Tôi còn phải lo cho các bệnh nhân khác, hai đồng chí nói chuyện.

Rồi như không kìm được nữa, cô quay đi vội đưa khủy tay lên lau giọt nước mắt ở khóe mi, đau đáu nhìn tôi trước khi xoay người rời bước, để lại không gian riêng tư cho tôi cùng người chiến sĩ dường như chỉ còn đúng chút hơi tàn đang nằm trên cái cáng lạnh lẽo giữa lều.

Trái tim tôi như bị bóp nghẹt khi nhìn thấy rõ tình trạng của anh Kiệt. Anh nằm đó, sức sống dần cạn kiệt giữa nơi chiến trường khốc liệt. Người anh phủ toàn máu tươi, máu chảy ra không ngừng từ miệng những vết thương hở không tài nào cầm nổi. Mắt anh nhắm hờ, một bên tay đã bị chặt đứt hoàn toàn buông thõng xuống giường, hai chân tím tái. Tôi nhìn anh, lại nhớ về anh của 5 năm trước: Rắn rỏi, khỏe mạnh, lúc nào cũng căng tràn sức sống. Xót xa thay, chiến tranh đã biến người thanh niên trai tráng ngày nào thành một thân xác tàn tạ chẳng còn mấy chỗ lành lặn, thậm chí đang run rẩy trên bờ vực của cái chết.

Tôi nén xúc động, khẽ khàng đi tới phía anh đang nằm. Kiệt nhận ra tôi, mắt anh mở to, môi anh mấp máy nhưng dường như cơ thể yếu quá, không nói được gì. Anh dùng bên tay nguyên vẹn của mình cố gắng với lấy chiếc phong bì màu trắng đặt bên gối, tôi hiểu ý, cầm chiếc phong bì được phủ hương lan lên cẩn thận cất vào túi. Tôi ôm lấy bàn tay đang run rẩy của anh, lại nhìn lên gương mặt đang cố mỉm cười trong cơn đau đớn. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau rằng bất cứ lời nói đau thương hay an ủi nào vào lúc này cũng sẽ là thừa thãi, tôi cúi đầu thành kính nói với anh:

- Anh Kiệt, tôi đảm bảo với anh, chính tôi sẽ trao tận tay cô Lan bức thư này.

Tôi cố nén không khóc, anh Kiệt hoàn thành được tâm nguyện của mình, lặng lẽ rơi nước mắt. Dường như anh dừng chống lại vận mệnh mà buông bỏ, nằm chờ đợi tử thần đến với mình, không còn đối chọi với những đau đớn xé toạc nữa. Bỗng dưng, cửa lều bật mở, mắt người chiến sĩ vốn đang dần khép lại lần nữa mở to kinh ngạc. Ở đó, ngay trước chân giường của anh, cạnh bên nơi tôi đang đứng, là cô Lan - người giáo viên già mà anh Kiệt coi như mẹ, người đã chăm sóc anh thay cho cả cha mẹ thật đã bỏ rơi anh năm 10 tuổi, là người nhận của chiếc phong bì hương lan tôi cất trong túi.

Tôi dường như chết lặng, tôi không biết cô nghe tin về thương tích của anh Kiệt từ ai, tìm được đến tận nơi chiến trường này bằng cách nào. Nhưng sự xuất hiện của cô Lan khiến anh Kiệt xúc động mạnh mẽ, nước mắt anh dàn dụa trên gò má, đôi môi khô khốc cố phát âm một tiếng “Cô”.

Người giáo viên già bật khóc, dường như bỏ qua sự hiện diện của tôi mà ngồi sụp xuống sàn, cô ôm lấy một bên tay lành lặn của anh Kiệt, đau đớn đến lặng đi khi thấy người thanh niên mình yêu thương như con ruột chết dần. Tôi trân trân nhìn cô cùng anh Kiệt nhìn nhau khóc, không biết nói hay làm gì. Trong giây lát, khi nhìn thấy tia sáng của sự sống lóe lên trong con mắt người chiến sĩ, tôi bỗng mơ tưởng về một câu chuyện cổ tích khi nghị lực sống kiên cường được đem lại bởi tình yêu dành cho người giáo viên, người mẹ thứ hai của mình sẽ giúp anh Kiệt qua khỏi cơn nguy kịch. Nhưng đâu có câu chuyện cổ tích nào thật sự tồn tại trên đời, cánh tay lành lặn của anh Kiệt quơ quào trên không trung như muốn nắm bắt lấy cái gì, như đang cố gắng chạm tới sự sống đang nằm ngoài tầm với của anh, nhưng không thể. Vai cô Lan run run, dường như cô đau đớn quá, thậm chí không thể gào khóc thành tiếng mà chỉ lặng lẽ rơi nước mắt. Cô cố nín, nghẹn ngào gọi tên anh Kiệt:

- Con ơi, Kiệt ơi,... 

Gương mặt cô dịu dàng nhìn Kiệt, ánh mắt cô đầy ắp yêu thương. Tôi nghe cô nói trong tiếng nấc:

- Con chịu khổ nhiều rồi. Có cô ở đây với con rồi, cô chỉ mong con biết, rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, cô vẫn mãi bên con và yêu thương con. Con đau đớn đủ rồi… Cô hứa với con, cô sẽ sống tốt, sẽ thay con hoàn thành những ước nguyện của con.

Có lẽ, dù đau đớn nhưng cô Lan cũng hiểu rằng tử vong đang cận kề rất gần với Kiệt, rằng sẽ chẳng có phép màu nào có thể cứu lấy anh. Nên trong những giây phút cuối cùng trái tim anh còn đập trên đời, cô muốn anh ra đi thanh thản, muốn anh an lòng khi đến thế giới bên kia, không cần phải lo nghĩ cho người giáo viên già mà trái tim anh luôn hướng về.

Anh Kiệt phát ra một tiếng rên rỉ đầy đau đớn, anh nhìn cô Lan rồi từ từ nhắm mắt, giọt nước mắt chảy dài nhưng trên môi đã nở một nụ cười mãn nguyện. Tay anh buông thõng, cả tôi lẫn cô đều hiểu anh đã ra đi. Cô Lan trượt dài xuống nền đất, không còn khóc thành tiếng nữa. Có lẽ cô đã quá đỗi đau đớn đến mức không thể thể hiện ra bên ngoài được. Cô lặng lẽ lau đi nước mắt vẫn đang không ngừng tuôn xuống trên gò má, ngẩng đầu nhìn tôi:

- Cháu chắc là Dương, người quen của nó hả?

Tôi toan định cất giọng trả lời nhưng lại nhận ra từ nãy đến giờ, mình cũng đã bật khóc từ lâu, giọng khàn đặc, chỉ biết nhìn cô gật đầu liên tục. Tôi cùng cô vuốt mắt cho anh Kiệt, đặt lại thân xác anh trong tư thế đẹp đẽ nhất rồi ra ngoài thông báo cho cô y tá đang đứng chờ sẵn ở ngoài về cái chết của anh (có lẽ cô y tá chính là người đưa cô Lan tới). Sực nhớ ra phong thư còn trong túi, tôi lấy ra đưa cô Lan, cô run rẩy nhận lấy. Chiếc phong bì màu trắng thấm đẫm hương thơm được cô mở ra, một cánh hoa huệ được ép khô cẩn thận kẹp phía ngoài bao thư, bên cạnh viết dòng chữ: “Một kỉ niệm nhỏ nhỏ về món quà đầu tiên em tặng cô nhân ngày 20 tháng 11”. Tôi thấy cô run rẩy:

- Thằng bé lúc nào cũng thế, lúc nào cũng quan tâm người khác một cách nhạy cảm và tinh tế như thế. Nó còn giữ một cánh hoa từ hồi nó tặng cô bó hoa này 10 năm trước…

Cô Lan xúc động đến cùng cực, nhưng cô không khóc. Tôi ôm lấy cô, an ủi, lại nghe thấy cô nghèn nghẹn nói:

- Thằng Kiệt nó không muốn cô khóc đâu. Cô không phụ lòng nó được. Nó đi rồi, cô phải vui, phải sống tốt…

Cô y tá lẳng lặng đứng nhìn hai người chúng tôi, toan muốn nói điều gì đó nhưng lại quyết định im lặng.

Cô Lan không mở bao thư ngay hôm ấy, chúng tôi chia tay nhau trong nỗi buồn não nề, với tôi là vì mất đi một người bạn cũ, thương xót cho người giáo viên đã coi anh như con đẻ, với cô là mất đi người học trò có ý nghĩa đặc biệt với mình, hay đúng hơn là người con trai không cùng huyết thống.

Tôi nghe nói cô đã thực hiện ước nguyện mà anh Kiệt viết trong thư, mở một trại trẻ mồ côi, tiếp nhận và nuôi nấng những đứa nhỏ kém may mắn. Một ngày nọ, khi đang đi truyền tin cho đơn vị ở ngoài Sài Gòn, tôi tình cờ gặp lại cô y tá hôm nào. Chúng tôi ngồi uống trà cùng nhau một lúc, tôi không nhịn được buột miệng hỏi:

- Hôm anh Kiệt mất, cô định nói gì với tôi thế?

Cô y tá sửng sốt một chút trước câu hỏi đột ngột của tôi, rồi rầu rầu kể lại rằng:

- Anh Kiệt hôm đó bị thương nặng như vậy, là do cố chặn một đoàn Tây đang hướng về phía làng nơi cô Lan đang sống. Chúng đông quá, chúng tôi bảo cần chờ người đến hỗ trợ nhưng anh Kiệt nhất quyết không nghe. Anh một mực xông lên ngăn cản lũ chúng nó, không cho chúng nó đến gần làng dù chỉ một tấc. Anh quyết không để bất kì ai làm hại đến cô. Có lẽ đối với anh Kiệt, cô Lan còn hơn cả một người giáo viên mà là người mẹ, người bà anh trân trọng nhất. Ngày đó, tôi không dám nói vì sợ cô Lan dằn vặt, tự trách mình. Suy cho cùng, họ đều đau đớn quá rồi...

Rời khỏi cuộc trò chuyện, tôi không nhịn được để tâm trí mình trôi về ngày buồn hôm đó, trong lòng ngưỡng mộ thứ tình cảm đáng trân trọng, thiêng liêng như thể tình cảm gia đình giữa cô Lan và anh Kiệt, lại xót thương cho số phận quá mức khổ đau của chàng thanh niên mới hăm nhăm tuổi và người giáo viên nhân hậu đã dạy dỗ anh nên người.

Rồi trong giây lát, tôi quyết định ghé vào cửa hàng mua một bó hoa huệ trắng muốt, hướng về phía bến xe. Tôi định bắt chuyến cuối về quê hương của anh Kiệt, tôi muốn thăm cô Lan nhân ngày 20/11, muốn tri ân cô thay cho người bạn cũ đã yên nghỉ của mình.

Nguồn: Internet

Tác giả: Thùy Linh