- Thế cô giáo lên đây ở, có thấy vất vả lắm không?

Ông trưởng bản Xù quay sang hỏi, cô Thảo vội lắc đầu: “Không, có gì mà vất vả hở bác?” Vừa nói, cô giáo trẻ vừa phải chạy với theo ông qua từng lùm cây rậm rạp, người bản địa trong bản vốn đã quen mở lối mòn qua rừng từ lâu. Khác với ông, cô Thảo mới bỏ thành phố lên bản Xù được ngót nghét gần một năm nay, vẫn chưa thông thuộc địa hình rừng núi hiểm trở. Đây cũng là lần đầu tiên cô băng qua đoạn rừng này, hình như dân bản truyền rằng đoạn rừng cô đang băng qua cũng là đoạn nguy hiểm nhất, có đến mấy loài rắn độc rình mò dưới lớp lá xanh mướt sát lòng đất kia.

Cô Thảo sợ rừng, lại sợ cả rắn, nhưng nhất quyết nài nỉ ông trưởng bản dẫn mình qua rừng, đơn giản chỉ vì nhà thằng Duy ở tít sau núi, bắt buộc phải đi qua mới đến được. Thằng bé mỗi ngày đi học đều đi qua đây, một đứa trẻ con không sợ, cô là người lớn, có gì mà sợ? Hơn nữa, nhất định ngày hôm nay cô phải gặp được thằng Duy, nó đã không đến lớp cả tuần nay, cô sợ nó bỏ học. Trẻ con ở bản này đều hay thế, hễ nhà có việc gì hay thời tiết không thuận lợi là đến cả nửa lớp nghỉ. Suốt từ đầu năm học, cứ hai ba ngày là cô phải đến tận nhà một em để động viên gia đình cho con đi học, biết chữ mới có tương lai được.

Nhưng Duy lại là một trường hợp đặc biệt. Thằng bé thông minh, sáng dạ có khi còn hơn cả trẻ con trên thành phố, lại rất đỗi hiếu học, từ khi cô về bản đến giờ, chưa có buổi học nào nó vắng mặt, bất kể thời tiết mưa hay nắng. Kể cả khi vào vụ gặt, gần hết lớp nghỉ để phụ giúp gia đình, nó cũng cứ cắp quyển sách con con đến học. Nhà thằng Duy lại thuộc vào dạng nghèo nhất bản. Bản Xù đã nghèo, nhà nó lại càng nghèo hơn, cả năm không thấy nó được bộ quần áo hay cái bút mực mới bao giờ. Cô Thảo thương nó, mấy lần cho nó đồ hay dúi vào tay nó bộ quần áo trẻ con mới cóng, nó đều không nhận, chỉ xin cô đúng một cây viết và mấy tập vở đã cũ.

Ông trưởng bản quay sang nhìn cô, thấy cô ngẩn người, bèn giục:

- Cô giáo nhanh chân nhé, sắp đến rồi! Kẻo tối thì đi đường khó lắm đấy!

Cô Thảo ngớ ra, vội vàng đuổi theo ông, ánh sáng của mặt trời đã lấp ló phía xa xa, khác hẳn với thứ ánh nắng màu xanh lá xuyên qua từng lùm cây rậm rạp. Chỉ năm phút sau, cô cùng ông trưởng bản đã đến nơi. Nhà thằng Duy nằm giữa cả một khu đất rộng toàn là cây dại, không rõ là giống cây gì. Nhà nó chỉ có đúng cái chòi con con làm bằng rơm, trông như dựng tạm chứ chẳng có vẻ gì là chắc chắn.

Ông trưởng bản có vẻ cũng ngại vào, quay sang bảo cô Thảo:

- Cô giáo vào nhé, tôi đứng ngoài chờ, lát đưa cô về thôi.

Cô nhìn ông, cảm ơn rồi cẩn thận băng qua bãi đất, tiến về phía căn chòi. 

Cô Thảo biết rất ít về gia cảnh nhà Duy, thằng bé ít nói, có mấy lần cô gặng hỏi, nó đều lảng đi. Dân bản, kể cả ông trưởng bản, có vẻ cũng tránh nhắc về vấn đề ấy, thành ra đến bản đã một năm mà cô vẫn chẳng hay biết bố mẹ Duy là người như thế nào, chỉ rõ rằng nhà nó nghèo, mà cũng chẳng bao giờ thấy bóng dáng người lớn nhà nó bao giờ.

Cô khẽ khàng gõ lên cái bản lề cửa kê tạm bợ bằng một tấm nhôm đang chực chờ đổ xuống, cất giọng hỏi:

- Có ai ở nhà không ạ?

Không có tiếng trả lời, cô gọi thêm vài lần rồi đánh bạo thử đẩy cửa bước vào. Căn chòi sơ sài chỉ có đúng một lớp rơm kê ở góc phòng cùng cái bếp củi cháy leo lét chẳng còn mấy hơi tàn. Không thấy bóng dáng thằng Duy đâu, mấy quyển vở với cái bút cô cho nó bị vứt bừa bãi dưới đất. Cô lặng lẽ nhặt từng quyển, vuốt thẳng lại thành một chồng ngay ngắn, lo lắng không biết thằng Duy gặp chuyện gì, nhà nó có bị trộm cắp gì hay sao. Duy rất trân trọng lượng sách vở ít ỏi mà nó có, đến lật dở cũng cẩn thận từng li từng tí, chứ đừng nói đến vứt bừa bãi lung tung.

Bỗng chợt, cánh cửa nhôm bật mở. Thằng Duy người nhỏ thó, tóc cắt đầu đinh trọc lóc lao vào như con thiêu thân, đuổi theo sau nó là một người đàn ông gầy gò, trông như nghiện. Lão dữ tợn giơ trên tay chai rượu đã vỡ, mắt long sòng sọc đuổi theo thằng nhóc. Cô Thảo thảng thốt, hãi hùng đến mức không di chuyển được. Duy trông thấy cô Thảo như thấy phao cứu mạng, vội lao đến sau cô, mếu máo:

- Cô ơi, cô cứu con với.

Mặt thằng nhỏ sứt sẹo toàn vết cào, cả người không chỗ nào lành lặn, trên vai còn bầm tím một mảng. Gã đàn ông phát hiện có người lạ trong nhà mình, gào lên: “Mày là ai? Cút ra khỏi nhà tao!” Nói rồi, gã toan giơ cao chai rượu toan đập thẳng vào người cô. Thằng Duy khóc thét, cô Thảo chỉ kịp ôm nó lăn sang bên cạnh, một bên vai vẫn không thoát được cú đánh của gã, máu đỏ chảy ra thấm đẫm cả vai áo dài trắng tinh. Gã đàn ông trượt mất con mồi, cáu bẳn chuẩn bị ra đòn lần nữa. Đúng lúc cái chai nhọn hoắt chuẩn bị giáng xuống hai cô trò, gã bị kẹp cổ từ phía sau, là ông trưởng bản đứng ở ngoài thấy tiếng động lao vào giúp. Hắn vốn ốm yếu nên chẳng phải là đối thủ của một người đàn ông khỏe mạnh, nhanh chóng ngã khuỵu xuống, không dậy nổi. Ông trưởng bản đỡ hai cô trò đang nằm sõng soài dưới đất, lắc đầu bảo:

- Cô phải ra trạm y tế thôi. Duy cũng thế. Hai cô trò dẫn nhau xuống bản nhé. Bố Duy để tôi lo.

Cô Thảo còn chưa kịp hiểu gì, chỉ nhìn lại Duy đang nằm trong vòng tay mình không bị thương, cô thở phào nhẹ nhõm. Ngược lại, thằng bé Duy rấm rứt khóc, nó kéo tay cô ra khỏi nhà, băng qua rừng đến trạm y tế xã, mồm nó mếu máo vừa đi vừa khóc:

- Cô ơi, vì con mà cô bị thương, nay 20 tháng 10 mà con lại làm cô bị thương.

Nghe thằng bé nói, cô mới sực nhớ ra. Ừ nhỉ, hôm nay 20 tháng 10. Thời gian ở trên bản với bao lo lắng cho học sinh khiến cô dường như quên cả về những ngày lễ của chính bản thân mình, cũng có thể những suy nghĩ về việc Duy không đi học suốt một tuần lễ đã xâm chiếm toàn bộ tâm trí cô, không còn để lại chỗ cho ngày Phụ Nữ Việt Nam nữa.

Ngồi trong phòng băng bó của trạm y tế, thằng bé vẫn không nín nổi, nước mắt vẫn rơi lã chã trên gương mặt nó. Cô Thảo dịu dàng nhìn nó, vuốt tóc nó bảo:

- Duy nín đi con, cô không sao mà.

Thằng bé nghẹn ngào rút từ trong túi quần ra một tờ giấy gấp gọn, vội dúi vào tay cô trong cơn nấc:

- Cô ơi, con chúc cô ngày 20 tháng 10 vui vẻ.

Rồi như không kìm lòng nổi nữa, nó nhào vào lòng cô, vẫn khéo léo tránh khỏi bên vai bị thương của cô mà khóc, nó khóc như chưa từng được khóc, lau hết nước mắt nước mũi vào lòng cô giáo.

Cô Thảo nhìn thằng bé cũng xót đến rơi nước mắt, cô vội mở tờ giấy ra, bức tranh chân dung của chính bản thân mình dưới nét vẽ ngô nghê của đứa trẻ con làm trái tim cô tan chảy. Cô ôm lấy Duy, lau nước mắt trên mặt cho nó, mà cũng không biết từ bao giờ trên hai gò má mình cũng toàn nước mắt là nước mắt. Cô khóc vì cảm động tình cảm học trò dành cho mình, lại khóc vì thương cậu bé còn quá nhỏ mà phải chịu đựng biết bao điều.

Tối đó, cô đưa Duy về nhà mình, lại gặp ông trưởng bản đang đứng đợi cô trước cửa nhà:

- Cô giáo đưa cháu vào nhà đi, rồi ra tôi trao đổi chút nhé.

Qua lời kể lại của ông trưởng bản, cô Thảo mới biết được rằng gia đình Duy đã đổ vỡ từ lâu, bố nó nghiện ma túy, mẹ nó không chịu nổi, đi lấy chồng khác, bỏ lại nó với người cha lúc nào cũng trong cơn phê thuốc. Bố nó ít khi về nhà, thằng bé toàn chạy vào rừng kiếm mấy quả dại với đào củ ráy ăn, bữa đực bữa cái nên mới gầy gò như thế. Mà cứ mỗi lần bố nó về, lão lại lao vào đánh nó như trút giận, khiến thằng bé không khi nào lành lặn. Dân bản biết chuyện, nhưng toàn người ít học cả, ai cũng nghĩ chuyện nhà người ta, mình không có quyền xen vào nên Duy cũng chẳng ai can thiệp. Cô Thảo nghe mà lòng thắt lại, cô mân mê bức chân dung trong tay, ngẩng lên hỏi bác trưởng bản:

- Thế bố cháu giờ sao rồi hở bác?

- Còn thế nào nữa, tôi giao cho công an huyện, họ đưa đi cai nghiện với cải tạo rồi. Thằng Duy bây giờ chắc phải đến nơi khác ở với họ hàng xa thôi.

Bỗng dưng, một ý tưởng lóe lên trong đầu cô. Cô Thảo cố nén nước mắt, xúc động quay sang nhìn ông trưởng ban:

- Hay là, tôi nhận nuôi cháu nó được không bác?

Ông trưởng ban kinh ngạc:

- Chắc là cũng được, nhưng giấy tờ lằng nhằng lắm, lại còn phải xin quyền của họ hàng cháu Duy nữa. Cô chắc không đấy?

Ông nhìn vào mặt cô giáo trẻ, thấy cô siết chặt bức chân dung vào lòng, rơm rớm nước mắt trả lời ông:

- Tôi chắc chứ. Chưa bao giờ tôi chắc như bây giờ đâu.

Một cô gái trẻ mới hăm nhăm tuổi, chưa chồng chưa con đã vội bỏ nơi phố thị lên vùng núi hẻo lánh, nay lại muốn nhận thêm một cậu bé 9 tuổi làm con. Ông trưởng ban lắc đầu, người trẻ bây giờ điên thật, cái gì cũng dám làm, lại nhìn về phía cô giáo nâng niu bức tranh trong tay, món quà duy nhất ngày 20 tháng 10 năm nay cô nhận được, bỗng dưng, ông cũng lờ mờ hiểu được lí do vì sao cô Thảo lại quyết định như vậy. 

Với cô, và với cả Duy, ở phía cuối con đường dường như lóe lên một tia sáng rực rỡ, xuyên qua hết thảy những lớp lá dày của hàng cây cổ thụ. Tia sáng đẹp đẽ của hi vọng vừa được thắp lên giữa núi rừng bạt ngàn của bản Xú.

Nguồn: Pinterest

Tác giả: Thùy Linh