Tháng 11 về là những ngày mùa đông dần chín. Trên miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc những ngày này, tuyết đã bắt đầu rơi. Đêm Sa Pa thật yên bình, mưa lắc rắc rơi trên mái nhỏ, bếp nhà ai cũng ấm nồng ngọn lửa xua tan đi cái lạnh đầu đông. Phố núi chập chờn, những bóng người lúc ẩn lúc hiện trong sương. Màn đêm mang đến cho Sa Pa một vẻ huyền bí. Cái huyền bí mà cô liêu ấy khiến tôi lại giữ chặt tách cà phê trong tay mình hơn bao giờ hết. Cạnh ngọn lửa, hơi ấm vẫn đang tí tách reo.
Trong không gian như đặc quánh hương thơm thảo mộc của núi rừng, cái già nua cũ kĩ của phố núi, tôi hoài niệm về những điều xưa cũ, khi còn là một cô gái 22 tuổi.
- Chưa ngủ à?
Một giọng nói quen thuộc vang lên, là giọng của cô Hòa - người giáo viên của tôi, cũng là người mẹ hiền của tất cả các em nhỏ trong bản.
- Vâng, em chưa ngủ, cô cứ ngủ trước đi.
- Đêm nay trời trở lạnh rồi, nhớ uống nước ấm, mặc nhiều áo vào nữa, đừng ăn mặc phong phanh như vậy, ốm ra đấy lại khổ. Bọn trẻ con mong em lắm đấy, chúng nó kêu sẽ tặng em những món quà xinh nhất, những bó hoa đẹp nhất vào ngày 20/11. Vậy nên phải cố gắng giữ gìn sức khỏe để còn nhận quà chứ.
Nét mặt tôi giãn ra hơn một chút sau khi nghe những lời dặn dò của cô Hòa. Nghĩ đến lũ trẻ là tôi thấy vui rồi. Còn nhớ, Sapa đã chào đón tôi ở cái tuổi thanh xuân ngổn ngang trong lo toan trăm bề. Tôi quyết định làm giáo viên cắm bản lên vùng Tây Bắc xa xôi dạy học vì nhiều lí do, vì những toan tính đã đặt ra trong lòng, vì chỉ mới ra trường, không có tiền, không có mối quan hệ nên đã chấp nhận bài toán: cố gắng ba năm - khoảng thời gian không dài để sau đó trở về và có được một suất biên chế ở trường nhà. Và có lẽ, tôi sẽ mãi mãi không thể giải được bài toán ấy. Bước chân tôi bị níu lại bởi tiếng gọi tha thiết của đám học trò ngày ngày không chỉ chăm học chữ cái mà còn cười tít cùng cô, được cô gội đầu, bện tóc,... để tôi mải miết hòa vào cuộc sống của đồng bào mà quên đi cái mục đích vị kỉ ban đầu.
Khác với tôi, cô Hòa - một người giáo viên kì cựu lại xung phong cắm bản vô điều kiện. Sa Pa mùa xuân lung linh hương sắc cỏ hoa. Sa Pa hè lộng gió, bạt ngàn màu xanh mạ non điểm thêm sắc màu sặc sỡ của những chiếc váy các em bé H’mông, Dao, Giáy như đàn bướm xinh trên đồng ruộng. Sa Pa cuối thu với một chút trầm buồn đủ để lòng người rung lên niềm thương nhớ, đủ để làm sợi dây sợi gió níu bước chân thênh thang. Sa Pa tuyết trắng mải miết ủ mình trong cái lạnh giá băng… Quá nửa đời người của cô Hòa đã ở đây, cùng vui cùng buồn với mọi “Sa Pa”, với các em nhỏ theo năm tháng. Dẫu vậy nhưng thuở đầu, cô vẫn chỉ là một giáo viên miền xuôi nhỏ nhoi, lẻ loi, cô đơn giữa rừng xanh bạt ngàn khi lên vùng cao dạy học. Sau mỗi buổi lên lớp, cô lại lóc cóc trèo đèo lội suối, đoạn thì dốc dựng đứng, đá ngổn ngang, đoạn thì đất đỏ trơn trượt như muốn cản bước chân người, đến từng nhà trong thôn bản vận động trẻ con đi học nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của các ông bố bà mẹ. Với người dân miền cao, trẻ con còn bận trông em, lên nương, lên rẫy, làm gì có thời gian đi học cái chữ cái số.
Nếu các cô giáo bình thường ở miền xuôi đã phải cố gắng bao nhiêu thì cô Hòa lại phải nỗ lực hơn thế rất nhiều. Từ con đường độc đạo bám bên sườn núi vắng vẻ, cô đã biến nó thành con đường tràn ngập tiếng cười của các em nhỏ cắp sách đến trường mỗi buổi sáng. Từ lớp học chỉ có lẻ tẻ một vài bóng người, cô đã biến nó thành nơi ươm mầm nên những giấc mơ thuần khiết, thơ ngây của các em học sinh cô luôn thương yêu. Và cô cũng chính là người đã nhen lên đốm than hồng vẫn âm ỉ cháy trong tôi ngọn lửa khát khao, để tôi biết trái tim mình đang thực sự mong muốn điều gì giữa muôn vàn mông lung, trăn trở.
Nhiều khi tôi tự hỏi bản thân, rằng đó là món quà hay sự trừng phạt tàn nhẫn của thanh xuân khi bắt tôi phải chọn giữa khao khát sâu thẳm từ đáy lòng hay một cuộc sống yên vị, tầm thường. Vào một buổi tối mùa đông của nhiều năm trước, cô Hòa đã nắm lấy tay cô gái nhỏ ấy và hỏi:
- Điều em làm có khiến bản thân hạnh phúc không? Nếu có tại sao không lựa chọn lời trái tim mách bảo?
Không biết từ bao giờ, tôi đem lòng yêu ánh nắng của chớm chiều chạng vạng lưng đồi. Yêu cách từng tia nắng tô vàng mảnh sân trường vuông vức, rộng thênh thang tiếng nô đùa, yêu dãy hành lang tràn đầy tiếng cười giòn giã, yêu tấm bảng đen chằng chịt chữ và số, yêu dãy cây xanh mừng rỡ vẫy chào. Tôi thương cả niềm ước mơ trẻ thơ bị bó hẹp, hạnh phúc khi khát khao trong đáy mắt ngây thơ của các em nhỏ thành hiện thực. Có lẽ tôi đã có câu trả lời, rằng tôi đã lỡ để lại mảnh hồn của mình nơi bản làng xa xôi kia.
Tia hồi quang từ quá khứ cứ lấp lánh cả một khoảng trời kí ức, lại càng khiến tôi yêu cái nghề dạy học này hơn, thương các em nhỏ hơn, thương bản làng này hơn và thương cả cô Hòa hơn. Tôi ngồi cạnh ngọn lửa như thế để ngắm nhìn hình bóng người giáo viên đã biết bao năm đứng trên bục giảng với bao vui buồn nghề giáo, biết bao năm rồi mà lần nào nghe tiếng trồng trường cũng bồi hồi, xao xuyến như thuở ban đầu. Phải cảm ơn mối lương duyên giữa tôi và cô - người đã dặn lòng chọn bình thản gieo hạt giữa những biến thiên thời cuộc. Dẫu có khó khăn, vất vả hơn nghìn trùng các giáo viên bình thường, cô vẫn tự nhủ phải giữ lửa trong tim, cần mẫn vun trồng rồi sẽ có những mùa hoa mùa trái…
Hít hà mùi cà phê thơm, tôi chợt thấy lòng bình an quá đỗi. Phải chăng, vì tôi đang có cô Hòa là nguồn động viên to lớn bên cạnh. Và tôi vẫn sẽ còn mê mải kiếm tìm những vầng sương, những nẻo nhỏ nơi có những đôi mắt trẻ thơ còn mênh mang gió núi. Tôi sẽ lại ngồi bên li cà phê với màn đêm trầm mặc, huyền bí bên cạnh cô Hòa - ngọn đuốc của đời tôi. Những phút giây ấy thật sự khiến tôi hạnh phúc.
20/11 này đến trong tiết trời buốt giá, nhưng hơi ấm từ tình cảm của tôi và cả những em bé trong bản, sẽ sưởi ấm mùa đông này. Cô Hòa ơi, không chỉ các em ấy sẽ tặng cô những món quà xinh nhất, những bó hoa đẹp nhất đâu. Em cũng sẽ gửi cô những đóa hoa tươi thắm nhất, những hộp quà xinh xắn nhất và một tình cảm chân thành nhất. Hãy để em tận tay trao tặng món quà ấy cho cô, cô nhé!
Nguồn: Internet
Tác giả: Quỳnh Anh