Đôi khi, tôi thấy mình thật lạ lùng. Tôi thích tìm về những điều xưa cũ, thích nghe nhạc Trịnh, thăm quan viện bảo tàng; thích ngửi hương cỏ dại, hương đất sau mưa; thích khăn mùi xoa và đi chùa, xem hội. Có lẽ, chỉ có một người cũng thích cái lạ lùng ấy, người luôn dõi theo cuộc đời tôi, người yêu và hiểu tôi như chính tôi vậy - bà ngoại tôi.

Bà ngoại tôi - người cùng tôi yêu cái đẹp thuở xưa cũ

Tôi sống với ngoại từ nhỏ. Thuở bé, ngoại hay cho tôi ăn quà lắm. Ngày nào tôi cũng chờ đến lúc tan học, rồi chạy vội về để nhận một gói bim bim từ ngoại. Có khi là bim đậu xanh, có khi là bí đỏ, nhưng những món quà tuổi thơ bình thường ấy là tất cả những gì tôi ao ước khi mới lên 4, lên 5.

Món quà tuổi thơ tôi luôn ao ước

Lớn thêm một chút, tôi có một công việc "kiếm ra tiền" đáng tự hào, ấy là nhổ tóc trắng cho ngoại. Ngoại nói: "Cứ 50 cái tóc thì được 1000 đồng. Con cứ nhổ tóc sâu đi, ngoại giữ dùm, khi nào cần thì nói ngoại". Cứ thế, ngày nào tôi rảnh tôi cũng sang nhà ngoại; trời mưa, trời lạnh, chỉ cần có chút thời gian, tôi cũng dành hết ở đấy; dù số tóc trắng của ngoại chẳng nhiều. Đôi lúc, tôi nhổ cả tóc trắng với tóc đen, và tôi lại rối rít: "Con lại nhổ nhầm tóc đen của ngoại rồi". "Con cứ thể ngoại hói trước cả khi bạc hết đầu đấy" - ngoại bảo.

Lúc tôi sắp chuyển lên cấp 2, các cô các bác bên ngoại, ai cũng nghĩ, chắc nó sẽ theo trường làng thôi, vừa gần nhà lại vừa có bà là cựu giáo chức. Nhưng vào phút chót, các bác ấy mới biết, tôi theo học trường huyện. Ai cũng hỏi, sao nó theo trường huyện thế; vừa xa, vừa tốn kém; nhỡ nó không theo kịp chúng bạn, không hòa nhập được với mọi người thì sao? Mà chẳng ai biết rằng, ngoại là người hướng tôi đến ngôi trường ấy. Ngoại bảo trường "tốt", bảo tôi "sẽ được học hành bài bản", bảo "để tôi được học cách bước vào cuộc đời". Vì thế, mọi lời đàm tiếu về quyết định học trường huyện, ngoại đều bảo tôi "bỏ ngoài tai, cứ làm theo quyết định của mình".

Lúc chờ đợi danh sách trúng tuyển cấp ba, tôi ngồi với ngoại ở gian nhà dưới, hồi hộp từng phút một. Ngoại bảo: "Con đỗ thì ngoại có quà cho". Và giây phút biết điểm cũng đến, tôi nhảy cẫng lên trong hạnh phúc như một đứa trẻ vừa thấy cầu vồng, thấy kẹo bông gòn hay những con tò he đủ màu sắc, rồi oà khóc khi gọi cho bố mẹ. Ngoại bên cạnh vừa vỗ vai, vừa lặng lẽ lấy khăn mùi xoa của ngoại cho tôi lau nước mắt. Và món quà cấp 3 ngoại tặng khi ấy cũng là món quà đẹp đẽ nhất với tôi, một chiếc khăn mùi xoa màu nâu pha. Ngoại thêu thêm mấy hình hoa cỏ, "Quà của ngoại chỉ thế này thôi, ngoại mua tận trong Huế. Bây giờ người ta ít bán lắm, con giữ cẩn thận để không hỏng lớp viền". 

 

Chiếc khăn mùi xoa - món quà đẹp đẽ nhất

Lúc này đây, tôi đang nhớ về ngoại. Những món bim bim ngày xưa giờ người ta không thích ăn, tóc bạc của ngoại bây giờ đã có thể dùng tay bứt xuống mà không lẫn sợi đen, chuyện học của con không ai đồn đoán nữa, và khăn mùi xoa cũng chỉ còn vài người dùng. Nhưng ngoại ơi, ở bất cứ nơi đâu, con cũng luôn trân quý những gì gắn với quá khứ của mình, quá khứ được ở gần ngoại. Con vẫn thích bim đậu xanh, vẫn muốn nhổ mấy sợi tóc mái bạc trắng, vẫn thích theo chân ngoại đến chùa đầu năm, và vẫn thích để thị, để ổi gói trong khăn mùi xoa, thưởng thức hương thơm của thứ quả ngọt ấy. 

Con chẳng biết, vì ngoại thích nên con mới thích, hay vì con thích nên ngoại mới chiều theo. Con chỉ biết, ngoại hiểu và yêu con nhiều lắm, chữ "yêu" ấy không sao diễn tả cho vừa được. Nhưng ngoại sẽ chẳng bao giờ nói yêu con đâu, ngoại sẽ chỉ ở đằng sau, nói với mẹ, "để cho nó được quyết định cuộc đời nó"; ngoại sẽ chỉ ở nhà ngoại, đợi còn trở về với gói bim đậu xanh luôn ở trên bàn uống nước "Còn một gói trên bàn chưa ai ăn đâu, con lấy mà ăn".

Ngoại ơi, ngoại cứ yên tâm đợi, cuối tuần này con về, con sẽ cầm theo chiếc cài tóc hoa cho ngoại. Con sẽ nhổ những sợi tóc mái bạc, chọn cho ngoại một bộ áo quần thật thoải mái, mua một bó hoa đồng tiền và chụp ảnh ngoại thật hạnh phúc. Ngày của ngoại, ngày 20/10, ngoại sẽ là cô gái xinh đẹp nhất thế gian này. Hãy để con được tự tay cài tóc cho ngoại, ngoại nhé!

Nguồn: Internet

Tác giả: Anh Thư