Bác sĩ Đỗ Quốc Phong, cựu học sinh THPT Chuyên Nguyễn Trãi niên khóa 1997-2000, hiện đang là phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện E, giảng viên kiêm nhiệm ĐH Y dược – ĐH Quốc gia, phó trưởng bộ môn Hồi sức cấp cứu - Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Với chuyên môn cao cùng niềm đam mê cháy bỏng với nghề và nhiệt huyết cống hiến, anh đang cùng các đồng nghiệp của mình, từng ngày, từng giờ giành giật sự sống cho những bệnh nhân Covid nặng, làm nên những điều kì diệu trong cuộc sống.
Phải mấy lần gọi điện, tôi mới nhận được tin trả lời từ người bạn cũ của mình. Người bạn của tôi không thể nghe điện thoại vì đang trong bộ đồ bảo hộ, từng giờ từng phút giành giật sự sống cho những bệnh nhân Covid 19 nặng tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tôi thực sự rất cảm phục và xúc động trước những bức hình chụp vội mà anh gửi cho tôi trong ít phút giải lao về công việc mà anh đang làm. Tôi hiểu, phải giỏi chuyên môn lắm, nhiệt huyết lắm mới làm được công việc cứu người đầy khó khăn nhưng cao cả ấy. Tôi cũng mừng cho anh vì đã và đang hoàn thành được ước mơ đẹp của anh từ thuở được chắp cánh ở ngôi trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi thân yêu của mình.
Năm 2000, với giải ba kì thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, bạn tôi, anh Đỗ Quốc Phong, chàng học sinh xuất sắc của lớp chuyên Sinh khóa 1997 – 2000, đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Y Hà Nội để hoàn thành ước mơ cứu người cao đẹp của mình.
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội với thành tích học tập rất tốt, anh được về công tác tại bệnh viện E.
Với tinh thần không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi nghiệp vụ, anh đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu của trường Đại học Y Hà Nội. Hiện anh đang theo học và làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành này của trường. Bên cạnh đó, anh còn liên tục tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về: Thở máy, Lọc máu, Cấp cứu thảm họa, Chống độc, Hồi sức thần kinh, Hồi sức tim phổi, Cấp cứu Đột quỵ, Hồi sức Ngoại khoa, Cấp cứu Chấn thương, Hồi sức Sản khoa, Hồi sức Nhi khoa…
Kể từ khi về công tác tại bệnh viện E, anh đã có 15 năm gắn bó trong ngành Hồi sức cấp cứu, đã đem chuyên môn, nghiệp vụ cùng tấm lòng nhân ái của người thầy thuốc mẫu mực để cấp cứu thành công rất nhiều ca bệnh nặng. Đặc biệt, anh đã trở thành người chiến sĩ tuyến đầu vô cùng tích cực và trách nhiệm trong cuộc chiến chống Covid 19.
Mặc dù công việc vất vả, cuộc chiến giành giật sự sống cho những bệnh nhân Covid nặng là vô cùng gian nan, nhưng con người anh lúc nào cũng lạc quan, yêu công việc, quan tâm đến bệnh nhân. Anh nói: “Nơi đây, chúng tôi vẫn đang ngày đêm miệt mài, cần mẫn như những chú ong thợ bên những bệnh nhân nguy kịch để viết nên những kì tích trong cuộc sống, trong cuộc chiến với dịch bệnh. Thêm một bệnh nhân nữa ra viện là thêm một niềm vui, niềm hân hoan vô bờ bến.”
Anh thường chia sẻ trên trang cá nhân của mình những kinh nghiệm, những lời động viên khích lệ mọi người tích cực phòng chống đại dịch. Có lần, trên trang cá nhân của anh, tôi nhìn thấy người bác sĩ ấy với đôi bàn tay nhợt nhạt trong đôi găng tay có lẽ đã phải đeo rất lâu để cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng nguy kịch phải thở máy, lọc máu, chạy tim phổi nhân tạo ECMO tại Bệnh viện Nhiệt đới TW; thế nhưng nụ cười thì vẫn rất tươi, rất hiền; khát vọng được cống hiến và cứu người vẫn vẹn nguyên trong mỗi ca trực của người bác sĩ ấy. Anh chia sẻ: “Tạm gác lại những vất vả, những hiểm nguy, những gian khổ mà những chiến sĩ áo trắng đang chịu đựng. Những khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi vì công việc căng thẳng, vất vả, những vết hằn ngứa trên khuôn mặt vì đeo khẩu trang, những nốt mẩn ngứa toàn thân, những bàn tay trắng bệch vì đeo găng tay lâu; những nóng bức, ngứa ngáy của những bộ quần áo phòng hộ kín mít từ đầu đến chân… những hộp cơm khi ăn đã nguội ngắt (dù vậy đó là cả một sự cố gắng của hậu cần, nhà ăn…) . Đằng sau những khó khăn đó, trong mắt những người chiến sĩ áo trắng chúng tôi vẫn ngời niềm tin, niềm hi vọng, niềm đam mê công việc. Trong chúng tôi vẫn là những trái tim nhiệt huyết hòa cùng đồng đội chống lại dịch bệnh.”
Với những đóng góp tích cực trong công tác, anh đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu, Bằng khen của Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bằng khen của Công Đoàn Y tế Việt Nam, Bằng khen của Bộ Y Tế và nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Bên cạnh chuyên môn xuất sắc, người bác sĩ ấy cũng luôn trăn trở với nghề, luôn muốn được lan tỏa nhiệt huyết và truyền đạt chuyên môn nghiệp vụ để giúp đỡ đồng nghiệp. Anh thường xuyên tham gia tích cực vào công tác đào tạo nhân lực của bệnh viện, đào tạo các nhân viên các bệnh viện khác và học viên các trường y dược thực hành tại bệnh viện... Anh còn tham gia tích cực công tác hỗ trợ đào tạo theo chương trình bệnh viện vệ tinh... Anh còn hoàn thành xuất sắc công tác cấp cứu ngoại viện và nhiều năm liên tục tham gia đảm bảo công tác cấp cứu tại các hội nghị lớn của đất nước.
Hiện với cương vị Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện E, Giảng viên kiêm nhiệm: ĐH Y dược – ĐH Quốc gia, Phó Trưởng Bộ môn Hồi sức cấp cứu - Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, người bác sĩ ấy luôn mong mỏi mang chuyên môn và trí tuệ, nhiệt huyết và lòng nhân ái truyền lửa cho đồng nghiệp và sinh viên của mình.
Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân tại khoa hồi sức cấp cứu là cuộc chiến đầy cam go và đòi hỏi người bác sĩ không những có chuyên môn cao, nghiệp vụ tốt mà còn phải có một tình yêu lớn với nghề và nhiệt tình cống hiến. Trong những cuộc chiến ấy, cuộc chiến chống Covid 19 trước mắt, với những người chiến sĩ áo trắng dũng cảm như bác sĩ Đỗ Quốc Phong, chắc chắn chúng ta sẽ giành chiến thắng.
Chúng tôi cảm ơn và tự hào về những người chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch như anh. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề, cùng với trái tim nồng hậu, anh sẽ tiếp tục làm nên những kì tích trong cuộc sống.
Tác giả: Lê Thị Thu Huyền