Hôm ấy là một ngày chiều đông, gió đầu mùa se se lạnh. Hòa trong không khí tất bật chuẩn bị cho dịp tri ân thầy cô 20/11, tôi cũng ngồi làm tặng cho cô giáo mình những bông hoa thật xinh xắn. Đang say sưa gấp từng chiếc cánh, thắt từng cái nơ thì bỗng tôi nghe tiếng chuông cửa. Tôi gác lại việc làm đang dang dở, chạy ra mở cổng giúp bà. Trước mặt tôi là một người đàn ông khá lớn tuổi, dáng người cao lớn, mang theo một bó hồng tươi được bọc giấy bóng vô cùng đẹp mắt. Bác ăn mặc lịch sự, toát ra khí chất của một cán bộ cấp cao. Bác lại gần tôi, cất tiếng hỏi:

- Chào cháu! Cho bác hỏi chút, đây có phải nhà cô giáo Thoa không?

Đó là tên bà tôi, nhưng bà có phải giáo viên đâu? Người này còn hoàn toàn xa lạ, hay là vì trùng tên nên bác đã nhầm ai đó với bà tôi chăng?

- Ai cơ ạ? Chắc bác nhầm rồi ạ. - tôi đáp. 

- Mọi người chỉ bác đến đây mà. Bác xa quê lâu quá rồi giờ mới về lại, không biết cô giáo đi đâu rồi.

- Để cháu gọi bà ạ. Chắc bà cháu có thể giúp bác.

Nghe tiếng gọi của tôi, bà nhanh chóng ra ngoài. Bà chỉ vừa đi đến cửa thôi, người cán bộ kia đã reo lên: 

- Cô! Cô Thoa! Đúng cô Thoa đây rồi! Cô còn nhớ em không?

Vẻ nghiêm nghị lúc đầu của bác đã biến mất, gương mặt trở nên tươi vui hẳn lên, lấp lánh niềm hạnh phúc dưới cái nắng chiều. Hai con ngươi giãn ra, mắt rưng rưng niềm vui đoàn tụ. Nói rồi bác đưa bó hoa cho bà tôi: 

- Cô ơi! Em Hiến này cô. Hiến mà ngày xưa hay bày trò nghịch ngợm bị cô mắng đó!

Bà tôi vẫn đứng ngây ra một lúc. Bà nhìn người cán bộ chằm chằm, vẻ suy ngẫm, cố nhớ ra điều gì. Gương mặt bà bỗng sáng lên, một vùng ký ức ngủ vùi trở về, nảy nở:

- Ôi, Hiến! Có phải Hiến ở làng Xoan đấy không?

- Vâng, thưa cô. Đúng em đây rồi!

- Thật là Hiến đó sao? Đã bao nhiêu năm rồi, sao anh vẫn còn nhớ mà tìm đến đây vậy?

Bà đón lấy bó hoa đang tỏa hương thơm ngát, trái tim ngập trong nỗi xúc động vô bờ. Tôi có thể nghe được tiếng hoan ca reo lên khe khẽ nơi tâm hồn bà. Nhiệt huyết và kỷ niệm ngày xưa đã vượt không gian thời gian, một lần nữa cháy lên khiến bà tôi trông như trẻ lại. Rồi bà dẫn bác vào nhà ngồi chơi. Tôi giúp bà rót nước mời khách, lòng vẫn không khỏi bất ngờ. Với tôi bà cũng như một người thầy vậy, bà dạy tôi tập đọc, bà dạy tôi viết chữ, bà còn dạy tôi biết bao bài thơ, bài hát hay, nhưng tôi chưa bao giờ biết bà đã từng là một cô giáo thực thụ.

Tôi chăm chú ngồi nghe hai cô trò nói chuyện. Hóa ra bà tôi từng là cô giáo cầm bút vào chiến trường, dạy chữ cho những anh bộ đội trẻ măng mà lòng sục sôi ý chí bảo vệ Tổ quốc. Thời ấy, nhân dân ta ít được đi học nên việc xóa mù chữ là vô cùng quan trọng cho các anh bộ đội, phục vụ phần nào cho chiến đấu. Trong tình hình chiến tranh khốc liệt, việc giảng dạy thôi đã là một thách thức lớn. Thời ấy thiếu nhiều thứ, thiếu từ đội ngũ giáo viên đến sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, điều kiện tổ chức trường lớp. Điều kiện học tập cũng vô cùng khó khăn: “Bàn ghế là những vạt lồ ô hoặc những cây gỗ đẽo phẳng. Bảng đen là những cây gỗ pơlang đẽo bằng, mài nhẵn, sau đó dùng lá lang, than củi nghiền thật nhuyễn với nhau, bôi nhiều lớp. Phấn viết là những lát mì khô mịn hoặc đá trắng nhặt được ở lòng suối. Thời kỳ này bút vở rất hiếm vì phải hành quân hàng tháng trời về vùng đang bị tạm chiếm để mua và có chuyến phải đổi bằng xương máu.”

Khó khăn là vậy nhưng có một nhà giáo vẫn tận tụy chỉ dạy từng con chữ. Gian khổ là vậy nhưng có những học trò vẫn cần mẫn học tập với quyết tâm cháy bỏng. Chợt tôi nhớ ra bài hát mà ông hay nghe, sao giống bà mình quá:

“Pháo anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ

Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ”

“Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ.

Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào.”

Ông tôi là bộ đội từng lăn xả nơi chiến trường bảo vệ hòa bình độc lập và tự do dân tộc. Bà tôi tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng cũng là “chiến sĩ”, một người chiến sĩ đặc biệt trao cho học trò vũ khí là kiến thức, góp phần nhỏ vào chiến thắng lớn của nước nhà. Tất cả dân ta đều dâng một phần mình cho đất mẹ, người trực tiếp tham gia chiến trận, người vận chuyển vũ khí đạn dược, người trồng lương thực nuôi bộ đội. Còn có những người như bà tôi, cống hiến một cách thầm lặng. Chính tinh thần đoàn kết đó đã khiến “cái chết cúi gục đầu”.

Kỷ niệm chảy trôi rồi cũng đến hồi kết, bác phải về nhà để mai lên đường đi công tác. Bác hứa sẽ đến thăm bà tôi thường xuyên hơn. Hai cô trò chia tay nhau trong khoảnh khắc ngày tàn nhưng có lẽ họ còn đi lạc trong miền hồi ức bủa vây nên lòng vẫn lưu luyến mãi.

Tôi lên phòng, tiếp tục việc làm hoa của mình. Tôi quyết định làm thêm một bó nữa tặng bà tôi – một người giáo viên đặc biệt.

Nguồn: Internet

Tác giả: Thu An