Những kỷ niệm về thầy cô, về mái trường chuyên Nguyễn Trãi luôn là những kỷ niệm thật khó phai. Nó như một thứ rượu vang được chưng cất lâu năm, càng để lâu càng quý và càng toả ngát hương thơm… 

Hồi còn học chuyên, mình mải chơi và tràn đầy năng lượng ngỗ nghịch của tuổi trẻ. Thất bại một lần là muốn bỏ đi luôn. Do mình chưa cố gắng, hay cần nhờ thầy cô giúp đỡ thêm phần nào, mình cũng kệ. Chỉ đơn giản là mình đã làm, thì phải được. Dù ai có khuyên bảo, hay thầy cô mở lòng cho thêm cơ hội, thì sự tự tôn quá đáng của mình cũng không muốn đi lại con đường nơi bản thân từng vấp ngã. Đấy là lý do cho một cái cúi đầu của mình, vào khoảnh khắc cô mở lời rằng: “Nếu mình còn yêu Văn, muốn tiếp tục theo đuổi, cô sẽ giúp đỡ”. Nhưng rồi mình dần né tránh môn Văn, vì sợ cảm giác thất bại sẽ tiếp tục đeo bám mình. Mình cứ chạy trốn như vậy suốt thời cấp ba, bao gồm cả cô, chỉ vì một nỗi tự ti không đầu không cuối.

anh1
Cô Nguyễn Thanh Huyền – Giáo viên dạy môn Ngữ Văn của trường

Lòng mình chưa bao giờ hết day dứt. Mỗi lúc nỗi tiếc nuối dâng lên cao, mình lại tự nhủ với bản thân rằng mình hoàn toàn hài lòng về sự lựa chọn này. Rằng: “Mình không còn yêu Văn nữa, cũng là lẽ bình thường”.

Nhưng sóng ngầm có bao giờ lặng lẽ xuôi đi được. Tình cảm của mình dành cho Văn, cho cô, và cho trường vẫn nằm ở đó. Mình tự hỏi những giọt nước mắt vui mừng ngày biết tin đỗ Chuyên Nguyễn Trãi, sao lại dễ dàng nhạt phai đi vậy rồi? Và những đề tài văn học mình nóng lòng được trao đổi cùng cô, thì chỉ có thể lặng lẽ giữ ở trong tâm trí.

Ngày bế giảng, mình ôm cô thật lâu. Cảm giác vỡ òa hối hận vì sự non nớt của tuổi trẻ, có lẽ mình sẽ không quên được. Nỗi tự ti về thất bại đã kéo mình dần xa cô; nhưng mà ở đây, cô vẫn vững chãi tựa cây cổ thụ, dang rộng vòng tay đón nhận cái ôm và cúi đầu của mình. Có thể cô sẽ chẳng biết khoảnh khắc ấy, tảng băng khổng lồ đã cô lập mình trong mấy năm cấp ba, đã được cô sưởi ấm rồi. Và ngay lúc ấy, mình cũng không biết rằng sợi dây duyên giữa mình và cô sẽ còn kéo dài mãi.

anh2
Cô Nguyễn Thanh Huyền – Giáo viên dạy môn Ngữ Văn của trường

Sau tốt nghiệp, mình vội vã rời lên Hà Nội và mở lòng với muôn vàn cơ hội ập đến. Cũng có lúc mừng vui, cũng có khi lo sợ liệu bản thân có làm đủ tốt. Những lúc ấy, mình lại nhớ đến một cái cúi đầu năm xưa, và mình hiểu là không được từ chối bất kì điều gì chỉ vì cảm thấy tự ti và sợ thất bại. Càng đeo đuổi nhiều dự án, mình càng bắt gặp hình ảnh cô và văn học ở nhiều nơi. Những đề bài nghị luận xã hội năm nào bỗng dưng hiện ra trên muôn nẻo trường đời. Nào là hãy tin yêu ở bản thân, vị tha với người khác, trân trọng những nỗi đau, và không ngừng cố gắng để trở nên tốt hơn, …Thì ra, văn học ở chiều sâu thẳm không chỉ là chuyện viết lách. Đó còn là cách sống, cách cảm nhận, và cách nghĩ suy, làm nên chất nhân văn trong con người mình. Những lời cô từng tâm huyết giảng giải ngày xưa, tới giờ mình mới dần vỡ lẽ.

Càng học nhiều, mình mới hiểu rằng gốc chuyên Văn, cội nguồn chuyên Nguyễn Trãi đã là một phần không thể tách rời trong mình, và với nhiều bạn bè anh chị. Cách viết đầy đủ, khúc chiết, và cảm xúc đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày mình đi học và đi làm. Có nhiều khi nhận được lời phê về một bài luận tiếng Anh, mình mới ngỡ ngàng nhận ra: “À thì ra, lối diễn đạt này cô đã từng nói mình phải lưu ý rồi”. Hay là những lúc phải đưa ra đề xuất sáng tạo, mình mới giật mình rằng cách đào sâu vấn đề, phân tích trên nhiều góc độ,... đều đã được học từ những bài nghiên cứu văn học hồi cấp ba. Đi một vòng để thấy rằng những điều cô và trường Nguyễn Trãi chỉ dạy giống như rượu vang, càng để lâu càng quý, càng thấy rõ mùi hương.

Và hy vọng rằng mấy dòng này có thể là một mùi hương ấm nóng để sưởi ấm cho cô, và cho mọi yêu thương tại Chuyên Nguyễn Trãi, giống như hơi ấm của những gói bánh khúc mà ngày xưa cô từng “đãi” 35 đứa học trò, vào một ngày mùa đông tê buốt.

Tác giả: Vũ Thị Ngọc Mai (Chuyên Văn, khóa 2015-2018)