Từ lâu, phong trào học sinh, sinh viên cũng như tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có nhiều cống hiến tiêu biểu và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử, là niềm tự hào của các thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. Không chỉ thế, tinh thần yêu nước, hiếu học của học sinh, sinh viên Việt Nam như một ngọn lửa đỏ, lan tỏa từ thời đại này sang thời đại khác, ngày càng góp phần làm rạng danh Tổ quốc Việt Nam trên khắp năm châu. Vì vậy, hãy cùng chúng mình tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam 9/1 nhé!

 Ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam 9/1 

Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ chính quyền còn non trẻ. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và dần lan rộng cả Đông Dương, nêu cao khẩu hiệu “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Chưa dừng lại ở đó, đến những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên tại các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định.

Phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên

Ngày 09/01/1950, Hội Thanh niên cứu quốc và Tổng hội sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn đã tổ chức và vận động hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân xuống đường biểu tình đòi đảm bảo an ninh và trả lại tự do, mở lại trường học nhưng đã bị đàn áp dã man. 

Phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên

Cuộc đàn áp đẫm máu với tinh thần đấu tranh mãnh liệt và sự hy sinh anh dũng của người anh hùng Trần Văn Ơn đã thật sự khơi dậy trong lòng học sinh, sinh viên và nhân dân lòng căm thù giặc, ý chí kiên cường đấu tranh chống thực dân Pháp. Không chỉ ở Sài Gòn, lễ tang anh cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước với hàng triệu học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc tiễn đưa. Trước linh cữu anh là hương án có 2 câu viết bằng máu của học sinh:

“Chết vì Tổ quốc, chết mà vẫn sống,

Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.

Chân dung anh hùng Trần Văn Ơn

Với sự kiện lịch sử đó, Đại hội toàn quốc Liên Đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất (2/1950) tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 là Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 là Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam. Vào ngày này mỗi năm, Hội sinh viên Việt Nam đều tổ chức lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh những học sinh, sinh viên đạt thành tích cao, có nhiều đóng góp, cống hiến xuất sắc để thể hiện niềm tự hào đối với thế hệ đi trước.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V tại Thủ đô Hà Nội

Quá trình phát triển của Hội Sinh viên Việt Nam

Trong giai đoạn 1955-1975, học sinh, sinh viên và Hội liên hiệp Sinh viên Việt Nam tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Hàng vạn sinh viên từ các trường đại học đã tình nguyện nộp đơn xin nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh anh dũng, đó là những tấm gương như: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm,…

Sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, những năm từ 1975 - 1993, Hội sinh viên Việt Nam một mặt củng cố xây dựng tổ chức Hội sinh viên vững mạnh, thành lập hội sinh viên tại các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, thu hút đông đảo sinh viên tham gia; mặt khác cùng sinh viên cả nước đẩy mạnh các phong trào học tập, rèn luyện và góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới đất nước.

Sau đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V, tháng 2/1994, Hội Sinh viên Việt Nam được công nhận là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam.

Hiện nay, Hội Sinh viên Việt Nam có gần 1.100.000 hội viên đang sinh hoạt tại hơn 200 Hội Sinh viên trường, 21 Hội sinh viên tỉnh, thành phố, 50 Hội sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương và 05 Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài: Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Bỉ.

Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 11 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc với kỳ Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra vào ngày 18/12 - 20/12 vừa qua. Mỗi Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam.

Hội sinh viên Việt Nam

Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 và những dấu ấn chào mừng Đại hội

Sau 10 kỳ Đại hội thành công tốt đẹp, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã được tổ chức tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên Việt Nam, diễn ra trong 4 phiên, quy tụ gần 700 đại biểu là những cán bộ, hội viên ưu tú đại diện cho hơn 1,7 triệu hội viên và gần 2,1 triệu sinh viên Việt Nam.

Với tinh thần "Sinh viên Việt Nam vững bản sắc, giàu khát vọng, kiến tạo tương lai, dựng xây đất nước", Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2018 - 2023, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2023 - 2028; hiệp thương bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa XI.

Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028

Phong trào sinh viên và tổ chức hoạt động Hội đã có bước phát triển mới, Hội Sinh viên Việt Nam với các phong trào, chương trình có ý nghĩa như: “học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “chăm lo đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên”, “Hoạt động văn hóa thể thao và công tác xã hội”,… Đặc biệt, các hoạt động xã hội được hầu hết các trường đại học, cao đẳng tích cực tham gia như: “đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ánh sáng văn hóa hè”, “Mùa hè xanh”, “hiến máu nhân đạo”,… và cao điểm là “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè” (được phát động trên cả nước từ năm 2000) đã thu hút hàng triệu lượt thanh niên hăng hái tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đồng thời xây dựng hình ảnh đẹp của người sinh viên Việt Nam.

Một số phong trào, chương trình ý nghĩa của Hội Sinh viên Việt Nam

Tuổi trẻ Hải Dương

Đoàn đại biểu từ Hải Dương dự Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI nhiệm kỳ 2023 - 2028 có 12 đại biểu, gồm Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh khóa IV Dương Thị Hương Giang và 11 sinh viên tiêu biểu đại diện cho các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

12 đại biểu tham dự Đại hội trong buổi gặp mặt

Sáng ngày 19/12/2023, tại thủ đô Hà Nội, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tại phiên thứ nhất, đồng chí Dương Thị Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Hải Dương tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa XI.

Đồng chí Dương Thị Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Hải Dương
Hình ảnh tại phiên trọng thể Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 của đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương.

Ngày làm việc đầu tiên của Đoàn đại biểu sinh viên Việt Nam tỉnh Hải Dương tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 “Sinh viên Việt Nam vững bản sắc, giàu khát vọng, kiến tạo tương lai, dựng xây đất nước”

Đoàn đại biểu Sinh viên Việt Nam tỉnh Hải Dương trong ngày làm việc đầu tiên

Sáng ngày 20/12/2023, các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 tham gia Phiên Bế mạc Đại hội. Đại hội đã sử dụng ứng dụng Đại hội Hội Sinh viên biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028. 

Bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam làn thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Trách nhiệm của Học sinh - Sinh viên trong thời đại mới

Tại Đại hội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý: công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch đang tiếp tục chống phá, gia tăng các hoạt động "diễn biến hòa bình". Trong đó, sinh viên là đối tượng bị đặc biệt tập trung lôi kéo. Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: sự thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu các ngành kinh tế - xã hội; chất lượng, kỹ năng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng; việc kế thừa văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới còn lúng túng; những tiêu cực, mặt trái của xã hội, môi trường sống ô nhiễm,…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trong Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028

Trải qua lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng.

Sinh viên Việt Nam biểu quyết trong Đại hội XI, nhiệm kỳ 2023-2028

Tuổi trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để thích ứng với những bước phát triển mới trong khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước phải không ngừng học tập, sáng tạo, tiếp thu các công nghệ mới để trang bị một nền tảng tốt, giàu kiến thức, vững kỹ năng để tiếp nối các thế hệ cha anh trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Trước hết, thế hệ học sinh, sinh viên chúng ta ngày nay cần ý thức vai trò, trách nhiệm của mình đối với Tổ Quốc; xác định học tập luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất vì thế cần chăm chỉ, sáng tạo, có mục đích và động cơ học tập đúng đắn, học tập để mai sau xây dựng đất nước, hiểu được học tập tốt là yêu nước.  Thứ hai, tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong; lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội; biết đấu tranh chống các biểu hiện của lối sống thực dụng, xa rời các giá trị văn hoá - đạo đức truyền thống của dân tộc. Thứ ba, Học sinh - Sinh viên Việt Nam có nhiệm vụ tự mình nâng cao nhận thức chính trị, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tránh nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị.  Ngoài ra, mỗi sinh viên cần hỗ trợ Đảng và Nhà nước trong việc loại bỏ các thông tin xuyên tạc, tiêu cực khỏi các nền tảng mạng xã hội, tuyên truyền đến người thân, bạn bè có cách tiếp nhận thông tin đúng đắn, chính xác. Cuối cùng, mỗi chúng ta cần biết trau dồi các kỹ năng hội nhập trong thời kỳ mới, tiếp thu sự phát triển của công nghệ, phát triển bản thân phù hợp với hoàn cảnh gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập phải luôn tỉnh táo để không đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc, phải dung hòa được nếp sống hiện đại với những giá trị truyền thống.

Đoàn đại biểu Sinh viên Việt Nam tỉnh Hải Dương quyết tâm hoàn thành trách nhiệm

Một mùa xuân mới đang đến gần, tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa của niềm tin, của sức trẻ, của tinh thần dám sống, dám khẳng định mình góp phần phát triển đất nước. Là một bộ phận của Học sinh - Sinh viên Việt Nam, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi cũng đang phấn đấu thành các thế hệ vừa “hồng” vừa “chuyên”, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, cống hiến sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nguồn: Tổng hợp

Tác giả: Lệ Tuyết