Chiều thứ Hai ngày 13/11/2023, tại phòng Hội đồng tầng 4 nhà A trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, cuộc thi ý tưởng sáng tạo “Món quà tri ân” nằm trong khuôn khổ sự kiện chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã diễn ra với sự góp mặt đông đủ của các chi đoàn khối 10 và 11. Mỗi lớp đã đem đến cuộc thi những sản phẩm STEM vô cùng thú vị và độc đáo, thể hiện màu sắc riêng của từng khối chuyên.

 

Cuộc thi ý tưởng sáng tạo “Món quà tri ân”

Hội đồng ban giám khảo bao gồm cô Phan Thị Huệ - Tổ phó tổ Tin, thầy Đỗ Văn Hách - Giáo viên tổ Vật lý, cô Lê Thị Lan Vân - Giáo viên tổ Lịch sử, thầy Tăng Văn Đạt - Giáo viên tổ Toán. Với vốn kiến thức sâu rộng cùng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, các thầy cô sẽ là những người trực tiếp đánh giá, nhận xét, góp ý, đồng thời đưa ra quyết định về điểm số cho các chi đoàn tham gia. Các chi đoàn lần lượt trình bày về sản phẩm của mình trong khoảng thời gian cố định là 5 phút, sau đó sẽ được lắng nghe phần nhận xét từ ban giám khảo và trả lời những câu hỏi do chính ban giám khảo đặt ra. Sau đây, hãy chúng cùng mình khám phá sắc màu các khối chuyên qua sản phẩm của từng lớp nhé!

1. Khối Tự nhiên

Khối Tự nhiên bao gồm các khối Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh cùng mang tới những sản phẩm mang sắc màu đặc trưng của khối mình. Hầu hết các sản phẩm đến từ các khối lớp Tự Nhiên đều xoay quanh lĩnh vực khoa học như hóa học, sinh học và vật lý. Ngoài ra cũng có những sản phẩm giúp ích rất nhiều trong trường học, như “Robot lau bảng tự động” của chi đoàn 11 Tin hay “Thiết bị lau bảng thông minh” của chi đoàn 10 Lý.

Máy mô phỏng chuyển động sóng (11 Lý)
Vòng quay diệu kì (10 Hóa)
Mô hình “Quá trình vận chuyển protein tiết trong tế bào nhân thực” (10 Sinh)
Các cấp độ tổ chức của thế giới sống (10 Toán)
Tide in a nutshell (11 Toán)

Tuy nhiên, chi đoàn lớp 10 Tin mang đến một sản phẩm với chủ đề khác lạ, đó là mô hình “Đấu trường La Mã” - một trong các kì quan trên thế giới.  

Mô hình đấu trường La Mã (10 Tin)
Robot lau bảng tự động (11 Tin)
Thiết bị lau bảng thông minh (10 Lý)

Chi đoàn 11 Sinh với thông điệp: “Thiết kế vĩ đại nhất của tạo hóa chính là con người” đã mang tới cuộc thi sản phẩm “Mô hình cơ thể người kích thước lớn”. Mục đích chính của mô hình là để giúp cho việc học môn Sinh học thêm phần thú vị. Mô hình gồm hai lớp, cả hai lớp đều mô phỏng chi tiết từng bộ phận trên cơ thể con người. Những bộ phận bên trong mô hình còn có thể tháo rời để giúp giáo viên thuận tiện hơn trong việc giảng dạy. Bảng chú thích về chức năng và vai trò được gắn liền với từng cơ quan, giúp các bạn học sinh có thể nắm vững được những kiến thức cốt lõi nhất về cơ thể người.  

Mô hình cơ thể người (11 Sinh)

Bạn Đỗ Ngọc Hiền (11 Sinh) chia sẻ cảm nghĩ về sản phẩm STEM của lớp: “Theo mình thấy, sản phẩm STEM của chúng mình có kích thước rất lớn và mình cũng thấy nó “ngầu” nữa! Khi bắt tay trực tiếp vào làm mô hình thì hơi mệt nhưng lúc lên kế hoạch rồi thiết kế cũng khá dễ dàng. Chúng mình không quá đề cao việc có được giải hay không, chúng mình chỉ đơn giản là làm hết sức mình mà thôi”.

Bạn Đỗ Ngọc Hiền (11 Sinh)

Chi đoàn 11 Hóa mang tới sản phẩm máy phát hiện phóng xạ “A half Hantzsch 2.5”. Những linh kiện để hoàn thiện máy bao gồm: mạch Arduino Uno, module bộ đếm Geiger và màn hình LCD. Máy được ứng dụng trong việc đo liều chiếu phóng xạ trong y tế; đo và tính toán số liệu thực tế trong vật lý, hóa học thực nghiệm; ứng dụng trong công nghiệp hạt nhân để nghiên cứu và đảm bảo an toàn; đo bức xạ ion hóa có nét tương đồng với việc đo liều chiếu phóng xạ để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc. Cuối cùng, các bạn học sinh đến từ lớp 11 Hóa nhấn mạnh mục đích của sản phẩm là để cho mọi người thấy rằng việc tiếp cận các vấn đề tưởng như rất vĩ mô như phóng xạ và hạt nhân lại không hề khó nhằn như chúng ta tưởng tượng.

A Half Hantzsch 2.5 (11 Hóa) 

2. Khối Xã hội

Khối Xã hội cũng đã đem đến cuộc thi những sản phẩm vô cùng mới lạ và đầy đầy tính sáng tạo, thể hiện sự đầu tư công phu về thời gian và công sức, đồng thời là cả sự tài năng, khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Với những đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú, Khối Xã Hội mang đến nhiều bất ngờ bởi những mô hình STEM độc đáo, đáp ứng đủ cả tính thẩm mĩ và ứng dụng. Hai trong số những sản phẩm đó là mô hình “Tự hào ngời sáng” của chi đoàn 10 Sử và mô hình “Đại lộ văn chương” của chi đoàn 10 Văn.

Trước tiên, mô hình của chi đoàn 10 Sử đã tái hiện lại cảnh quan, khuôn viên di sản văn hóa muôn đời của dân tộc: Lăng Hồ Chủ Tịch. Mô hình có sự kết hợp hài hòa giữa các môn Tự nhiên, Xã hội và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Qua bàn tay của các bạn học sinh, mô hình “Lăng Hồ Chủ Tịch” được dựng lên với cấu trúc 3 phần: Lăng chính, hệ thống thảm cỏ cây xanh và hệ thống cột cờ ở quảng trường Ba Đình. 

Mô hình “Lăng Hồ Chủ Tịch” (10 Sử)

Đặc biệt, điểm độc đáo của sản phẩm nằm ở chỗ mô hình Lăng Bác được làm từ tăm tre hay cây tre - biểu tượng cho lòng tự tôn dân tộc Việt Nam. Hàng cây xanh chung quanh được làm từ mạ non - thể hiện nền văn minh lúa nước của dân ta. Ngoài ra bằng việc ứng dụng kiến thức ròng rọc ở bộ môn Vật lý vào hệ thống cột cờ trước Lăng, 10 Sử đã có thể tái hiện lại nghi thức thượng cờ một cách trực quan, sinh động. Về công dụng, chi đoàn 10 Sử mong muốn mô hình này có thể ứng dụng trong việc dạy và học bộ môn Lịch sử, đồng thời góp phần quảng bá di sản của Việt Nam và giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của dân tộc.

Đến với đại diện tiếp theo của Khối Xã hội, chi đoàn 10 Văn đã đưa mỗi chúng ta lên chuyến tàu văn học diệu kỳ thông qua mô hình mang tên “Đại lộ văn chương”. Tác phẩm của 10 Văn được ứng dụng liên môn Văn học và Mĩ thuật. Với bàn tay khéo léo của mình, 10 Văn đã sử dụng nghệ thuật cắt dán thủ công để dựng lên những hình ảnh về các nhà văn Việt Nam tiêu biểu cùng các tác phẩm văn học nổi tiếng. Một vài trong số đó là: “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), “Người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân), “Sống mòn” và tuyển tập “Chí Phèo” (Nam Cao), …

Đại lộ văn chương (10 Văn)

Sáng tạo nên mô hình độc đáo này, 10 Văn không chỉ muốn đem lại một món quà ý nghĩa cho thầy cô mà còn mong muốn giúp việc giảng dạy bộ môn Văn dễ dàng hơn, làm cho văn chương thêm thú vị bằng đầy hình ảnh, màu sắc. Bên cạnh đó, sản phẩm này cũng thể hiện niềm yêu Văn học và lời tri ân đến những thầy cô vẫn luôn thầm lặng mở ra thế giới tri thức bổ ích cho cuộc đời.

Bên cạnh đó các chi đoàn khác thuộc khối xã hội cũng có phần dự thi thành công như chi đoàn 11 Sử với mô hình “Thuỷ chiến Bạch Đằng 938”, 11 Địa cùng sản phẩm “Đồng bằng sông Hồng” hay mô hình “Chuyển động Trái Đất quanh Mặt Trời” của chi đoàn 10 Địa.

Thủy chiến Bạch Đằng 938 (11 Sử)
Đồng bằng Sông Hồng (11 Địa)
Planets around us (11 Văn)

3. Khối Ngữ và A1

Đến với cuộc thi dù không có thế mạnh lớn ở mảng kỹ thuật; song, các chi đoàn đến từ vùng đất ngôn ngữ và A1 đã làm ban giám khảo vô cùng bất ngờ trước những sản phẩm vô cùng độc đáo và sáng tạo.

Kính Ngọt (11 Pháp)
Sổ tay hình học không gian (11 Anh)
Sách đất nước học Nga (11 Nga)
Máy tạo và biểu diễn rung động (10A1)
Solar Stem (10 Anh)
Mô hình quả địa cầu từ tính (10 Nga)

10 Pháp với sản phẩm “Giáo sư bìa giấy” đến với cuộc thi như một món quà để tri ân các thầy cô nhân dịp 20/11 này. Giáo sư ở đây chính là một chiếc máy sử dụng cảm biến sóng từ siêu âm để giúp tự động đẩy thẻ tên và phấn cho các thầy cô. Máy được tích hợp nhiều môn học như Toán, Tin, Công nghệ, Thủ công,... Để tạo ra máy cần có vôn kế, những thiết bị thu sóng từ những cục wifi cũ hay linh kiện điện tử cũ. Sản phẩm được trang bị thêm lỗ sạc và nút nguồn. Máy sẽ có vôn kế đo nguồn điện nếu như không đủ 9V thì sẽ không thể hoạt động. Đặc biệt,chiếc máy không cần đến việc lập trình trên máy tính nhưng vẫn có thể hoạt động rất trơn tru và mượt mà. 

Giáo sư bìa giấy (10 Pháp)
Bạn Nguyễn Phương Anh (10 Pháp) cùng đồng đội của mình 

Chia sẻ về những khó khăn của mình và đồng đội trong quá trình hoàn thành sản phẩm, bạn Nguyễn Phương Anh cho biết: “Việc thiết kế vốn không phải là một công việc dễ dàng và bọn mình đã phải chia ra thành bốn nhóm nhỏ. Mỗi nhóm sẽ phụ trách từng phần của sản phẩm sao cho phù hợp với năng lực, thế mạnh của mỗi người.Với mình, quan trọng nhất là phải biết phân chia công việc cho mỗi người một cách hợp lí để phát huy tối đa sức mạnh của làm việc nhóm.”

Khi được hỏi về việc phần trăm tự tin để sản phẩm lớp mình đạt được giải thưởng thì bạn Phương Anh chia sẻ rằng: “Khi đến với cuộc thi này, bọn mình mong muốn rằng mọi người có thể biết tới một sản phẩm tiện ích như vậy. Hơn nữa là dù chúng mình tới từ một lớp chuyên về ngoại ngữ nhưng không vì thế mà bị hạn chế về khả năng sáng tạo ra những sản phẩm về khoa học kỹ thuật. Và chúng mình luôn trong tâm thế sẵn sàng chấp nhận dù cho có đoạt được giải thưởng hay không.” 

Không chỉ với các khối chuyên mà những công dân của khối A1 cũng đã khẳng định được năng lực, tâm huyết cũng như khả năng sáng tạo của mình bằng những sản phẩm STEM vô cùng độc đáo. Chúng ta được chiêm ngưỡng sản phẩm độc lạ đến từ chi đoàn 10A1: Máy tạo và biểu diễn rung động. Trong khi đó, chi đoàn 11A1 đã gây ấn tượng cho ban giám khảo với sản phẩm “Hệ thống thuỷ điện và điện gió”. 

Chi đoàn 11A1 thuyết trình về sản phẩm STEM của mình

Mô hình này được thiết kế dựa trên lý thuyết Cơ học thuộc kiến thức phân môn Vật lý. Về cấu trúc, sản phẩm gồm 3 phần: phần chứa nước, phần sản xuất điện và phần tiêu thụ điện. Qua đó, nguyên lý hoạt động của mô hình cũng dần được các bạn học sinh hé mở: nước sẽ chảy từ trên cao xuống chuyển hóa thế năng trọng trường thành động năng của nước, từ đó truyền động năng khiến cho bánh xe quay, làm tuabin chạy và tạo ra điện năng. Qua mô hình Giáo cụ trực quan này, chi đoàn 11A1 mong muốn giúp cho các tiết học Vật lý thêm lôi cuốn và sinh động hơn, đồng thời thể hiện được niềm đam mê với bộ môn Vật lý và tinh thần nỗ lực cùng tâm huyết của các thành viên tham gia.

Nói về những khó khăn trong quá trình thiết kế, bạn Phạm Đặng Phúc Dương (chi đoàn 11A1) cho rằng: “Điều nan giải nhất với chúng mình là phần tạo motor vì không dễ dàng để chúng mình có thể nối dây và phải đảm bảo rằng hệ thống có thể hoạt động được đến khoảng thời gian gần như tối đa”. 

Bạn Phạm Đặng Phúc Dương (Chi đoàn 11A1)

Cậu bạn cũng chia sẻ: “Qua đây, mình muốn gửi lời cảm ơn đến sự cố gắng của những người đồng đội, những người bạn đã đồng hành cùng mình trong suốt những ngày qua”.

Nhận xét về phần dự thi của các bạn năm nay, thầy Tăng Văn Đạt - ban giám khảo cuộc thi chia sẻ rằng: “Các bạn học sinh đều đã có sự chuẩn bị rất cẩn thận. Điểm mạnh của các chi đoàn là đều có thể tự tìm hiểu và phát huy khả năng tiềm ẩn của chính mình. Các sản phẩm dự thi đều mang tính sáng tạo cao và thực sự có thể giúp ích cho các thầy cô”. 

Thầy Tăng Văn Đạt - Ban giám khảo cuộc thi

Như vậy, các chi đoàn tham gia đều đem đến những màn thể hiện vô cùng ấn tượng, làm nổi bật những màu sắc, phong cách riêng của khối chuyên mình. Có thể nói cuộc thi này là một sân chơi bổ ích, giúp mỗi học sinh của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi phát huy được những năng lực của mình, giúp ích cho cộng đồng xung quanh.

Nguồn: NMC

Tác giả: Bảo Anh, Tâm Liên