“Chiều nay có người mới đến đấy, cậu dặn cậu nhân viên mới chuẩn bị phòng giúp tôi nhé!” - Viện trưởng bước vào phòng khám để dặn đúng lúc tôi đang chuẩn bị thu gọn đồ đạc. Nghe vậy, tôi ngẩng đầu lên hỏi:
“Phòng nào vậy anh? Mà người vào là ai thế?”
“Trường hợp này khá đặc biệt. Bà cụ có chồng mất sớm, con thì nghe phong thanh đi lính rồi biến mất ở đâu mỗi bà biết. Trước đây khu phố cũng giúp đỡ bà, nhưng giờ không ai đủ điều kiện nữa.” - Anh trầm ngâm một lúc rồi dặn tiếp. - “Cậu dặn người dọn dẹp rồi chốc dẫn bà ấy vào phòng 102 giúp tôi nhé!”
Tôi nhìn theo bóng lưng người viện trưởng, trong lòng đầy suy tư. Lại một người nữa bị gia đình bỏ lại trong cái viện dưỡng lão u ám và cô đơn này. Tôi mường tượng đến cảnh tôi sau này, bị bỏ rơi bởi mấy đứa cháu con cậu dì, cũng bị ném vào một tòa nhà bề ngoài hào nhoáng, đầy đủ tiện nghi, thậm chí có cả phòng khám riêng, nhưng bên trong lại chỉ có sự tối tăm và cô đơn làm bạn. Và rồi, ngay cả tên tôi cũng rơi vào dĩ vãng, chẳng còn ai nhớ đến một ông lão già nua, ngày ngày đi ra đi vào nữa. Tất cả rồi sẽ bị lãng quên mà thôi…
Tôi thở dài, nhìn vào đồng hồ, đã đến lúc đi chuẩn bị cho bữa trưa. Trong lòng tôi dấy lên một chút băn khoăn quen thuộc: Không biết bà ấy là người thế nào?
____________________
Đầu giờ chiều, bà lão ấy đến. Bà mặc một bộ quần áo quê mùa, mái tóc bạc trắng, da nhăn nheo, tay phải chống gậy. Đôi mắt bà dường như đã chẳng còn chút ánh sáng nào sót lại. Một người đàn ông đứng tuổi nắm tay bà dìu đi. Tôi đi xuống đúng lúc ông ta đang nói chuyện với viện trưởng.
“...đó là trước kia, còn bây giờ khu phố tôi không ai đủ thời gian để giúp đỡ bà ấy nữa rồi.” - Ông trưởng khu phố - người đưa bà lão đến đây, phiền não nói. - “Giờ bà ấy thế này, cần người chăm sóc, mà chẳng ai làm được chuyện ấy cả. Tôi xin phép gửi bà cụ lại đây, hàng tháng sẽ có người mang tiền tới đóng, hay chuyển khoản cho ông nếu ông muốn.”
“Thanh toán ra sao cũng được, ông cứ yên tâm để cụ lại đây. Nhưng mà đầu tiên phải đưa cụ đi khám sức khỏe trước đã.”
Biết đã tới lượt mình, tôi bước ra. Khoảnh khắc ấy, tôi bỗng cảm thấy điều gì đó từ bà lão. Mắt bà đột nhiên sáng lên lạ thường. Hai tay bà cũng bớt run. Bà chầm chậm bước tới, làm cho ông bác kia cũng như viện trưởng cũng phải vội vã đỡ cho bà.
“Kiên, phải con không?”
Tôi đứng đó, hoang mang, không hiểu chuyện gì đang diễn ra cả.
“Là mày đúng không Kiên?”
Giọng người phụ nữ già càng lúc càng gấp gáp, hai tay bà vươn ra, cố với lấy tôi.
“Mày đi đánh giặc, bỏ tao ở nhà một mình bao năm, có biết tao đau lắm không hả?” Bà khóc, nước mắt lạ lùng thay lại như rửa trôi đi những phiền muộn trên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Tôi đưa mắt nhìn viện trưởng và người trưởng khu phố, hai người họ cũng không hiểu được đầu đuôi gì.
“Ừm… vậy bà để con khám sức khỏe đã ạ…”
“Con… không nhận ra mẹ sao…”
Khuôn mặt bà lộ ra vẻ sửng sốt, rồi thẫn thờ. Bà lão không khóc nữa, nhưng nét mặt bà trở nên vô cảm, khiến tôi cảm thấy có chút tội lỗi trong lòng. Gặp phải tình huống dở khóc dở cười này, tôi chỉ đành thở dài một tiếng, nhìn hai người đưa bà cụ vào phòng khám của tôi.
_______________________
“Bà lão bị mắc hội chứng Alzheimer. Hiện tại còn ổn, nhưng có lẽ sắp tới sẽ có biến chuyển không tốt, mọi người đều cần cẩn thận.” Tôi xếp lại hồ sơ của thành viên mới cùng với xấp bệnh án của mọi người trong viện. Người đưa bà cụ đến đã về từ lâu, chỉ còn viện trưởng và người hộ lý ngồi cùng bà lão. Sắc mặt bà vẫn mang vẻ thất thần như lúc nãy, làm tất cả chúng tôi cùng cảm thấy ái ngại.
Đợi đến lúc người hộ lý dẫn bà đi, người viện trưởng ghé vào tai tôi, nói khẽ:
“Này, tôi có thể nhờ cậu một việc được không?”
Tôi nhìn sang anh, vẻ khó hiểu.
“Cậu có thể đóng giả làm con của bà ấy ít lâu được không?”
“Hả?”
“Bà lão cũng không còn con cháu gì, ngộ nhỡ ở đây nhìn người ta lại thấy tủi thân. Vả lại, anh cũng thử tìm hiểu xem, hình như con bà ấy là liệt sĩ thì phải.”
Anh trầm ngâm một lát rồi nói tiếp:
“Quái lạ, bình thường nếu là như vậy thì bà ấy cũng phải nhận được đãi ngộ của nhà nước chứ nhỉ, chứ sao lại sống một mình như vậy? Tôi cũng muốn biết.”
Điều người viện trưởng nhân hậu ấy nói khiến tôi bỗng bận lòng. Suy nghĩ một lúc, tôi gật đầu.
“Được, tôi sẽ cố hết sức để giúp bà cụ!”
________________
“Vào đi.”
Tôi lưỡng lự một lúc rồi mới xoay nắm cửa bước vào. Bà lão đang ngồi trên giường, tỉ mẩn khâu một chiếc áo cũ mèm. Nghe tiếng cửa mở, bà ngẩng đầu lên. Nhìn thấy tôi, ánh mắt của bà thoáng lên một vẻ trìu mến. Nhưng rồi bà lại cúi xuống cùng đống kim chỉ của mình. Bà cất tiếng hỏi tôi, giọng run run:
“Cậu đến đây có việc gì?”
“Uhm…”
Tôi hít một hơi thật sâu. Đầu tôi bắt đầu xuất hiện những nỗi lo lắng vẩn vơ, và cả cảm giác tội lỗi. Lừa một người phụ nữ như vậy, liệu có đúng không? Và liệu tôi có bị bà cụ phát hiện không, ghét bỏ không?
“Mẹ ơi!”
Nghe thấy tiếng gọi của tôi, bà cụ ngẩng mặt lên lần nữa, nhưng lần này, khuôn mặt bà ràn rụa nước mắt. Bà đứng lên một cách chậm chạp, đôi chân run run bước từng bước về phía tôi.
“Là con thật đó sao?”
“Là con đây mẹ ơi!” Tôi run run nói, rồi lao ra ôm bà.
Đến giờ, tôi vẫn không hiểu. Rốt cuộc cái cảm xúc tôi thể hiện với bà ngày hôm đó, tôi đã lấy từ đâu? Là sự đồng cảm, hay chỉ là chút ăn năn khi lừa một con người đã sắp gần đất xa trời? Chỉ biết, lúc ấy tôi cũng hòa mình vào niềm vui đoàn tụ của người mẹ già gặp lại đứa con yêu. Một tình cảm gần gũi đến lạ.
“Tại sao mày lại giả vờ không nhận mẹ hả con? Mày làm tao lo đến chết thôi!” - Bà cụ đấm thùm thụp vào lưng tôi, nước mắt ròng ròng.
“Ngày ấy con về quê cũ không thấy mẹ đâu, con tưởng mẹ bị bom đạn quân thù giết rồi. Nào ngờ mẹ con ta được đoàn tụ đâu, mẹ ơi!” - Câu trả lời đã được chuẩn bị từ trước, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại diễn đạt đến thế!
______________
Những ngày sau đó là những ngày tươi đẹp nhất với con người cô đơn kia, hay ít nhất là chúng tôi nghĩ thế. Tôi đến thăm bà hàng ngày, lắng nghe bà kể chuyện, để cho bà săn sóc tôi từng li từng tí. Bệnh tình của bà cứ như bị những cảm xúc yêu thương của bà làm chậm lại. Bà vẫn nhận ra tôi, chỉ có điều ngày nào cũng lặp đi lặp lại những cử chỉ như ngày đầu tiên. Sự quan tâm của bà thật ngọt ngào và ấm áp, nhưng tôi không dám cho phép bản thân nhận những điều cao cả ấy. Tôi đã làm tổn thương bà, lừa dối bà, một người mẹ Việt Nam anh hùng đáng ra cần được tôn trọng. Tôi còn dám làm gì nữa đây?
Bà kể cho tôi nhiều lắm, kể về những kỉ niệm của hai mẹ con ngày còn ở chung, về ngày bà tiễn con lên thành phố học, rồi ngày đưa con ra mặt trận. Những lời đó như được cất giấu trong lòng bà từ rất lâu rồi, chỉ đợi một cơ hội để có thể thổ lộ ra tất cả.
Qua những lời tâm sự, tôi tìm hiểu được một chút thông tin về người liệt sĩ con bà. Người anh hùng đó ra mặt trận cũng trẻ như bao con người khác. Anh chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị, cái “cối xay thịt” khủng khiếp năm đó. Cuối tháng 3 năm 1972, anh gửi bức thư cuối cùng về gia đình rồi không bao giờ xuất hiện lại nữa.
Bao năm bà chờ, chờ đến mòn mỏi, thậm chí còn từ bỏ hi vọng rằng anh còn sống. Cứ như vậy, bà lầm lũi một mình cho đến tận ngày tôi xuất hiện… Và cũng chẳng biết từ bao giờ, tôi đã thầm coi bà là “mẹ”.
Bà cho tôi xem bức ảnh cũ chụp con của bà. Lạ lùng thay, anh giống tôi đến kì lạ. Từ nét mặt đến dáng người, tôi gần như là một bản sao của người ấy. Liệu đây có phải là định mệnh?
“Mẹ à, đã bao giờ mẹ nghĩ đến trường hợp con không còn sống nữa hay chưa?” - Một lần khám sức khỏe, tôi đã thử hỏi bà.
Nét mặt người mẹ ấy bỗng chốc đăm lại như suy nghĩ gì đó, rồi bà thở hắt ra: “Nếu giả sử con có hi sinh đi nữa, thì có lẽ bây giờ con đã có một cuộc sống mới rồi. Nếu vậy, mẹ luôn mong ước rằng trong hình hài mới ấy, chúng ta vẫn sẽ được nhìn nhau một lần nữa.”
Ánh nắng trưa xuyên qua cửa sổ phòng 102, để cho tôi đầy suy tư và xúc cảm.
___________
Bệnh tình của mẹ trở nặng. Mẹ đã bắt đầu gặp khó khăn trong việc đi lại, ăn cũng ít hơn trước. Kết quả kiểm tra sức khỏe cũng có nhiều vấn đề. Có lẽ, tôi sắp phải thoát khỏi vai diễn này rồi.
Còn 5 ngày nữa là kỉ niệm 1 năm mẹ vào viện dưỡng lão. Tôi cắn răng đếm ngược từng ngày, lòng cầu nguyện sao cho mẹ đừng bỏ đi trước lúc đó. Tôi bỗng thấy bản thân thật buồn cười. Đã từng chứng kiến bao cuộc sinh ly tử biệt, mà sao tôi vẫn lo lắng như vậy?
Sáng hôm đó cuối cùng cũng đến.
Tôi bước vào phòng như mọi lần, tay mang theo một bó hoa đồng tiền. Nhưng khi tôi đẩy cửa vào, người phụ nữ ấy đã ngồi sẵn trên ghế đợi tôi. Bà hướng khuôn mặt ra ngoài cửa sổ, nhìn bầu trời trong xanh pha màu đỏ rực của buổi sáng sớm.
Ánh nắng rắc lên người mẹ, khiến bà giống như một mặt trời nhỏ.
“Mẹ…?” - Tôi khẽ gọi, nhưng không hề có tiếng đáp lại. Tôi đứng lặng ở đó hồi lâu, trân trân nhìn bà cụ.
“Tôi nhớ ra tất cả rồi…” - Bà lão thở dài não nề, trong lúc tim tôi như chùng xuống.
“Con trai tôi, người ta đã gửi giấy báo tử của nó 2 năm sau khi nó mất tích. Không thể chịu nổi, tôi đã chạy trốn, chạy trốn khỏi nơi ở cũ, chạy trốn khỏi hiện thực. Tôi thậm chí phủ nhận điều đó với mọi người, từ chối mọi danh hiệu gì đó. Rốt cuộc, điều đó cũng không thể thay đổi.”
“Thằng bé… không còn nữa rồi.”
Mắt bà nhắm hờ, dường như nước mắt của bà đã cạn khô, không thể nào chảy thêm được nữa. Bà xoay đầu nhìn tôi, nở một nụ cười.
“Cảm ơn cậu rất nhiều. Cậu đã làm tôi sống lại cảm giác đó. Cảm giác của một người mẹ.”
Tôi lao vào ôm chầm lấy bà, khóc lớn.
“Tôi không muốn già đi nữa… Hãy luôn nhớ tôi, nhớ thằng bé giúp tôi được không?”
__________________
Trưa hôm đó, mẹ mất.
Tôi xin nghỉ sớm vì kiệt sức.
Trên đường về, tôi ngẫm lại cuộc đời của người mẹ ấy. Suốt từ ngày con ra đi, cuộc sống của bà chỉ toàn là nỗi u sầu. Bà thậm chí còn không muốn được tôn vinh, vì điều đó lại nhắc bà về nỗi đau đớn đến tận cùng ấy.
Bà đã nói cảm ơn tôi, về những ngày tháng cuối đời cùng niềm vui giả tạo mà tôi đã mang cho bà.
“Liệu mẹ con nhà họ sẽ được đoàn tụ ở kiếp sau?”
Đi qua nghĩa trang liệt sĩ, tôi bất giác dừng lại. Đóa hoa đồng tiền tôi đã dành để tặng mẹ, như thúc giục tôi đưa chúng về nơi ấy.
Tôi xếp hoa trên những ngôi mộ vô danh tôi bắt gặp.
Không còn già đi nữa…
Họ ở đây, còn mãi với trái tim rực lửa của Việt Nam. Và họ sẽ đập vĩnh cửu, để mỗi người Việt Nam không thể quên.
Họ sống mãi cái tuổi đẹp nhất ấy, trong tim mỗi chúng ta.
Nguồn: Internet
Tác giả: Gia Khánh