9 tháng 10 ngày ta nằm trong bụng mẹ, ta háo hức có thể nhanh chóng thoát khỏi vòng chật hẹp để lần đầu tiên đến với thế giới, để được thấy ánh sáng và lắng nghe những thanh âm.
12 tháng tuổi, ta bắt đầu bi bô tập nói, tiếng nói đầu tiên của ta cất lên là tiếng gọi mẹ đơn sơ mà ta bắt chước theo ngữ điệu của người lớn.
14 tháng tuổi, ta chập chững bước đi, những bước đi đầu tiên nghiêng ngả, và may sao, ta có bà luôn bên cạnh để che chắn giúp ta khỏi ngã.
3 tuổi, ta có balo, có dép quai hậu, có chiếc mũ len xinh xắn và lần đầu tiên ta biết đến trường học, và ta vẫn nhớ như in cảm giác “sợ” đến trường vì chưa thể thích nghi với môi trường mới.
5 tuổi, ta tập đi xe đạp. Bố chỉ bảo ta từng kĩ năng và luôn là hậu phương chắc chắn phía sau để dù ta có vấp ngã thì vẫn luôn còn bố mỉm cười và nói: “Cố lên nào!”.
1 năm sau, ta tạm biệt những người bạn cũ, ta bước chân đến cánh cổng hoàn toàn mới lạ. Sau lưng ta không chỉ là chiếc balo đầy những hộp sữa hay gói bimbim mà thay vào đó là sách, là bút, là thước. Ta học cách đánh vần, ta học cách tính toán, và dần dần, ta cũng kết thúc hành trình 5 năm kể từ khi làm quen với hai chữ “học hành”.
12 tuổi, 13, 14 rồi lại 15, ta dừng chân trước một điểm đến khác, đó là trung học cơ sở. Đây là dấu mốc quan trọng - ta chuẩn bị lớn. Ta hình thành ý thức về cả thể chất lẫn tâm hồn. Không còn là những phép toán cộng trừ nhân chia đơn giản, ta tiếp cận đến những kiến thức khó hơn, và đôi khi ta cũng biết mệt mỏi. Đến tuổi này, ta bắt đầu biết thương nhớ, biết rung động, một thứ tình cảm cao hơn mọi lẽ, trong sáng và đầy hi vọng.
Rồi, ta đứng trước bước ngoặt lớn của cuộc đời, thi cấp 3. Thời gian chẳng thiên vị bất cứ ai, 3 năm cuối cùng cũng trở thành hoài niệm. Có vẻ ta đã “lớn” hẳn về nhận thức, ta biết lo lắng cho tương lai, ta vạch ra những định hướng, mục tiêu của đời mình, ta biết điều chỉnh bản thân mình sao cho hoàn hảo hơn. Kì thi Đại học đến, chấm dứt 18 năm đèn sách và mở ra một thế giới, thế giới của người lớn.
Ta phải tự học cách trưởng thành, ta phải chấp nhận những bất công, ta phải đối diện với nỗi cô đơn bủa vây, ta bị cuốn theo vòng xoáy sâu của cuộc đời. Có đôi lúc, ta đã thực sự gục ngã, ta muốn từ bỏ nhưng với một tia hi vọng mong manh nào đó, ta lại đứng dậy, lại mỉm cười và lại dặn lòng mình để cố gắng. Bởi ta đã là người lớn thật rồi, ta không còn ở tuổi hồn nhiên như ngày trước. Ta phải lớn thôi.
Suốt một hành trình dài như thế, nhà và gia đình luôn bên cạnh ta, trở thành một điểm tựa vững chắc để dù ta có ngã năm ta 5 tuổi hay ngã khi ta đã đôi mươi, ta vẫn có một nơi để trở về. Ở đó, bố sẽ luôn là người làm được tất cả mọi việc, kể cả những việc nhỏ nhất, mẹ sẽ luôn là người sẵn sàng lắng nghe ta tâm sự và trao cho ta những cái ôm khi ta cần, bà sẽ luôn là người nhất quyết dúi vào tay ta vài đồng sau mỗi chuyến đi xa, ông sẽ luôn là người dặn dò ta những bài học đạo đức mà có lẽ đi đến hết đời ta vẫn chẳng thể nào quên được. Nhà là như thế, gia đình là như thế, bình yên đến lạ thường.
Đã bao lâu rồi bạn chưa về nhà? Đã bao lâu rồi bạn chưa có cơ hội thưởng thức những món ngon được làm từ tay mẹ, đã bao lâu rồi bạn chưa ngồi cạnh bố mà hàn thuyên về tất thảy chuyện trên đời, đã bao lâu rồi bạn chưa nhìn thấy mái tóc đang bạc dần theo năm tháng của bà, đã bao lâu rồi bạn chưa được ngồi sau yên xe ông mà đi khắp các ngõ xóm nô đùa. Chúng ta, ai rồi cũng sẽ trưởng thành, ai rồi cũng có cho mình những dự định, những ước mơ và để hiện thực hóa khát vọng, hầu hết chúng ta đều lựa chọn việc rời khỏi nhà để đến với vùng đất mới. Chúng ta, nếu không tinh tế, sẽ chẳng thể biết ở đầu dây bên kia của điện thoại, bố mẹ đang lo lắng cho ta đến nhường nào. Có những điều, ta tưởng ấy là điều tất yếu, ta cứ ngỡ sẽ bất biến, sẽ luôn vẹn toàn, để rồi đến khi ta chợt tỉnh, ta ngộ ra, tất cả cũng đã quá muộn màng. Bố mẹ cũng vậy, ông bà cũng vậy, họ yêu thương ta vô điều kiện nhưng họ không thể ở bên ta mãi mãi. Cũng giống như việc ta trưởng thành thì phải bay đi. Gia đình chỉ còn là nhà, là chốn để về khi mọi thành viên cùng gắn kết với nhau, cùng sẻ chia với nhau, cùng thấu hiểu nhau và cùng là điểm tựa của nhau. Dù đôi khi, ta thấy bố vì mệt mỏi mà cáu gắt, mẹ vì áp lực mà nói những lời khó nghe, nhưng sau cùng, họ vẫn luôn cố gắng để vừa xây dựng, vừa bù đắp để làm nên “Nhà” theo đúng nghĩa.
28/6, Ngày Gia đình Việt Nam, nếu có thể, hãy trở về nhà, nếu có thể, hãy can đảm nói lời yêu thương với bố mẹ, nếu có thể, hãy dành thời gian cho họ, một quỹ thời gian trọn vẹn. Bởi, còn có Nhà, ta còn được vỗ về, ta còn được nâng đỡ và ta còn có cơ hội để sống một đời thật hạnh phúc.
Tác giả: Phờ