Đỗ 7 trường Đại học Mỹ danh giá, em Tăng Vân Khanh, hiện đang là học sinh lớp 12 Văn, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, được cấp các mức học bổng lên đến hơn 25 tỉ đồng. Trong đó:
1. Đại học Gustavus Adolphus: Học bổng $180,000 cho 4 năm học
2. Đại học Depauw: Học bổng $170,000 cho 4 năm học
3. Đại học Augustana: Học bổng $174,000 cho 4 năm học
4. Đại học Beloit: Học bổng $200,000 cho 4 năm học
5. Đại học St. Lawrence: Học bổng $166,600 cho 4 năm học
6. Đại học Nam Florida: Học bổng $36,000 cho 4 năm học
7. Đại học Centre: Học bổng $182,000 cho 4 năm học.

1. “Giấc mơ Mỹ” của một cô nàng chuyên Văn.
Thông thường, là một học sinh lớp chuyên Văn, các bạn hay chọn học các môn xã hội và yên tâm với một trường Đại học trong nước, chuyên ngành khối C như ĐH Sư phạm Văn, ĐH KHXH và Nhân văn, Học viện Báo chí- tuyên truyền hoặc ĐH Luật... Hiếm có học sinh nào chọn cho mình lối rẽ đặc biệt và có “giấc mơ Mỹ” như Tăng Vân Khanh.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Vân Khanh cho biết: “Em đã có ý định du học từ năm lớp 10 nhưng đến đầu năm lớp 11, em mới chắc chắn về dự định của mình và lựa chọn Mỹ là điểm đến tiếp theo cho hành trình của em. Ban đầu bố mẹ không ủng hộ em vì lo ngại vấn đề dịch bệnh Covid-19 phức tạp, tình trạng an ninh tại Mỹ và không muốn em phải sống xa nhà. Đã có những cuộc tranh luận trong gia đình về vấn đề này khá căng thẳng. Tuy vậy, khi thấy được sự nỗ lực và kiên trì của em trong một thời gian dài, bố mẹ đã ủng hộ và hết lòng hỗ trợ em trên hành trình chinh phục giấc mơ Mỹ. Gia đình là nguồn hậu thuẫn lớn nhất để em theo đuổi giấc mơ”.
2. Những nỗ lực không mệt mỏi và quyết tâm theo đuổi giấc mơ.

Nếu như ở Hà Nội, tỉ lệ học sinh đi du học khá lớn, tạo thành phong trào; thì ở các tỉnh lẻ như Hải Dương, việc đi du học, tự săn học bổng ở Mỹ vẫn là điều khá mới mẻ. Không có nhiều người để hỏi, em tự lên mạng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và bắt đầu chinh phục giấc mơ du học của mình bằng cách tự đăng ký học SAT I, SAT II. Nhưng không may, tính đến thời điểm nộp hồ sơ, em không thể tham gia thi hai bài thi chuẩn hóa này do tình hình dịch bệnh phức tạp nên các kỳ thi đều lần lượt bị hủy (em bị hủy thi SAT I 5 lần và bị hủy thi SAT II 2 lần). Dẫu biết rằng công sức bản thân bỏ ra ôn luyện SAT không được đền đáp bằng kết quả thi xứng đáng, em không nhụt chí mà còn cố gắng hơn để hoàn thiện hồ sơ của mình ở những khía cạnh khác.
Khanh chia sẻ thêm với chúng tôi về quá trình học SAT của em: “Do Hải Dương không có nhiều trung tâm ôn luyện SAT nên em quyết định lên Hà Nội luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ này. Vì giờ học của em là từ 18h – 20h, nên vừa tan học ở trường là em lên Hà Nội ngay để kịp giờ học. 

Ban đầu, bố là người đợi trước cổng trường để đưa em đi. Nhưng mấy lần sau, do công việc của bố bận không đưa đón được, em đành phải tự bắt xe đi một mình. Có nhiều hôm lên đến Hà Nội tắc đường, xe không đi nổi. Sợ không kịp giờ học em lại phải xuống gọi xe ôm chở để kịp giờ vào lớp. Có những hôm trời mưa to, em cũng quyết tâm không bỏ buổi học nào.”
 

Tăng Vân Khanh trong buổi chụp ảnh kỷ yếu cùng lớp.

Đối với Vân Khanh, bài luận khiến em trăn trở nhiều nhất vì phải viết làm sao để Ban tuyển sinh hiểu được con người mình trong 650 từ. Em nói: “Trong 5 tháng đầu tiên lên ý tưởng, em cảm thấy khó khăn khi đào sâu vào bên trong con người mình để khám phá ra điều gì bản thân thật sự thích, điều gì tạo nên con người mình hôm nay.” Nữ sinh chia sẻ rằng, em phải viết đi viết lại hơn 20 bản nháp để có được bài luận bản thân ưng ý. Quá trình 9 tháng viết luận cũng giúp em hiểu rõ bản thân em hơn và nhận thấy mỗi một sự vật nhỏ bé xung quanh đều tác động đến bản thân theo một cách đặc biệt nào đó.
Trong bài luận chính gửi tới Ban tuyển sinh, Vân Khanh thể hiện sự thay đổi trong góc quan sát của mình đối với các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Từ quan sát của em về Chiến tranh Việt Nam đâu chỉ có đau thương, mất mát mà vẫn tiềm tàng các nét đẹp văn hóa dân tộc, em nhận ra khi quan sát mọi vẫn đề đều cần những góc nhìn đa chiều hơn. Vì thế, trong bài luận của mình, em đã tập trung thể hiện những nỗ lực của em trong quá trình thay đổi góc quan sát và đánh giá của bản thân. Vân Khanh tin rằng bài luận là một trong những yếu tố quan trọng nhất để em thuyết phục Ban tuyển sinh các trường Đại học Mỹ. “Em mong rằng qua bài luận, Ban tuyển sinh có thể thấy được sự cố gắng để thay đổi chính mình qua từng ngày của em,” nữ sinh bày tỏ.
Quá trình viết luận đã khiến Khanh nhận ra sự phiến diện trong cách quan sát và đánh giá một vấn đề trước đây của mình, để rồi sau đó em và những người bạn thân thiết đã viết nên cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam: Vượt lên quầng sáng cuối trời.” Cuốn sách nói lên một góc nhìn khác về Chiến tranh Việt Nam mà ít người nhắc đến. Nó tái hiện cuộc sống của người lính trong thời kỳ hậu chiến và nói lên vẻ đẹp kiên cường của người Việt sau chiến tranh. Khanh chia sẻ thêm: “Để thực hiện cuốn sách, em cùng các bạn của mình đã gặp gỡ các cựu chiến binh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trải nghiệm này khiến em nhận ra sự hi sinh cũng như những cống hiến thầm lặng của những cựu chiến binh ngay cả khi đất nước đã vắng bóng quân thù.”

Có một thuận lợi khi viết bài luận là em học lớp chuyên Văn của trường chuyên Nguyễn Trãi. Ở trên lớp, em được cô Thu Trang và cô Hoàng Hải- hai cô giáo dạy Văn đã dạy cho em nhiều kiến thức quý báu cả trong văn chương và trong cuộc sống. Đặc biệt, em biết ơn cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Trang. Cô đã dạy em những tư duy, thái độ sống cần thiết; không nên quan sát, đánh giá sự vật, hiện tượng theo cách giản đơn, phiến diện, một chiều. Sự đa chiều trong góc nhìn là đề tài trong bài luận chính của em. Và tất nhiên, cảm hứng để em viết nên bài luận đó là từ cô. Ở bài luận chính của mình, em viết về chiến tranh Việt Nam và nói lên đa góc nhìn về nó. Em được truyền cảm hứng bởi những lời cô giảng rất nhiều. Nhờ những điều đó, em trưởng thành từng ngày. Tuy em không tham dự đội tuyển học sinh giỏi quốc gia nhưng em mong cô có thể tự hào về em, một học sinh được cô tâm huyết dạy dỗ. Em luôn kính trọng, ngưỡng mộ cô - người truyền lửa!" Vân Khanh tâm sự về cô giáo chủ nhiệm cũng là cô giáo phụ trách chính môn Văn của mình.

Tăng Vân Khanh (trái) cùng cô giáo chủ nhiệm Thu Trang và bạn Đàm Thuý Quỳnh (phải) - Giải Nhất Văn quốc gia.

Bên cạnh bài luận, chính sự năng nổ của em trong các hoạt động xã hội cũng là điểm nhấn trong bộ hồ sơ. Trò chuyện cùng Vân Khanh, chúng tôi nhận ra khao khát của em trong việc giữ gìn, bảo tồn các nét đẹp văn hóa của dân tộc và địa phương. Khanh đã sáng lập nên website “Bảo tàng Triều đại Lịch sử Việt Nam,” nơi lưu giữ các giai thoại về các triều đại trong lịch sử phong kiến nước ta. Ngoài ra, em còn lập ra website “Di sản Văn hóa Hải Dương” nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo tại quê hương em qua các bài phóng sự em viết.
Ngoài khao khát được góp sức mình giữ gìn văn hóa dân tộc và địa phương, Vân Khanh còn hứng thú với lĩnh vực giáo dục. “Các chuyến đi tình nguyện lên vùng cao khiến em trăn trở rất nhiều và thôi thúc em tìm hiểu nhiều hơn về giáo dục và những rào cản của nó. Qua một số dự án em theo đuổi, em mong bản thân có thể đóng góp chút công sức nhỏ bé để giúp trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận với giáo dục,” Khanh nói.

 Tăng Vân Khanh trong chuyến tình nguyện tại Hà Giang.

Chính vì nỗi trăn trở này, ngay từ khi học lớp 10, Khanh đã sáng lập nên dự án Ideas Of Bliss, dự án giáo dục trực tuyến hỗ trợ người trẻ Việt Nam hội nhập và phát triển qua việc giúp họ rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Em cũng là trưởng ban nội dung câu lạc bộ STEM của trường – câu lạc bộ cung cấp kiến thức bổ ích về các ngành khoa học tự nhiên tới học sinh toàn trường.

Tăng Vân Khanh trong buổi giao lưu của câu lạc bộ STEM (Mặc áo đỏ ngồi hàng 1)

Đặc biệt, điều ấn tượng nhất với chúng tôi về em là sự thông minh, sáng tạo, khao khát khám phá thế giới và không ngừng học hỏi. Vân Khanh đã tự mình viết đề án nghiên cứu nhằm lý giải cho các hành vi bảo vệ động vật của Chính quyền Đức Quốc xã qua học thuyết “Máu và Đất.” 

Đối với đề án nghiên cứu này, em đã tự thử thách bản thân mình với lĩnh vực chính trị thế giới. “Quá trình chủ động tìm đọc các nguồn tư liệu và viết đề án trong 9 tháng là bước đầu để em chuẩn bị cho các nghiên cứu khoa học sau này. Nghiên cứu một đề tài mới lạ khiến em cảm thấy rất hứng thú. Nó thôi thúc em tự thử thách bản thân ở các đề tài khác biệt hơn mà chưa ai từng khai thác,” Khanh bộc bạch.
3. Kết quả ngọt ngào: “Giấc mơ Mỹ” đã thành hiện thực
Mọi nỗ lực trong học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa đã được đền đáp xứng đáng khi em được lọt vào vòng tiền chung kết cuộc thi Thử thách Toán học Trẻ Quốc Tế (IYMC) 2021, đoạt Huy chương Đồng vòng loại khu vực tại cuộc thi Olympic Toán Châu Á (AIMO) 2021, cùng nhiều giải thưởng khác như Giải Nhì và Bài viết được yêu thích nhất tại cuộc thi viết Hidden Me, Giải Nhất đồng đội tại cuộc thi Truy Tìm Đại Sứ Xanh,…
Với những thành tích đáng nể, nữ sinh tự tin nộp hồ sơ cho các trường Đại học Mỹ và được 7 trường đồng ý cấp hỗ trợ tài chính và học bổng cho em.
Tổng số các mức học bổng lên đến hơn 25 tỉ đồng. Trong đó:
1. Đại học Gustavus Adolphus: Học bổng $180,000 cho 4 năm học
2. Đại học Depauw: Học bổng $170,000 cho 4 năm học
3. Đại học Augustana: Học bổng $174,000 cho 4 năm học
4. Đại học Beloit: Học bổng $200,000 cho 4 năm học
5. Đại học St. Lawrence: Học bổng $166,600 cho 4 năm học
6. Đại học Nam Florida: Học bổng $36,000 cho 4 năm học
7. Đại học Centre: Học bổng $182,000 cho 4 năm học
Bên cạnh đó, Vân Khanh còn vào danh sách chờ của 5 trường Đại học Mỹ khác (Đại học Mount Holyoke, Đại học Rhodes, Đại học Connecticut, Đại học Gettysburg, Đại học St. Olaf). Tuy vậy, sau khi cân nhắc, tìm hiểu, em thấy Đại học Nam Florida phù hợp nhất với hoàn cảnh gia đình và ngành em theo đuổi nên không chờ kết quả của các trường kia nữa.
Về quyết định theo học tại Đại học Nam Florida, Vân Khanh cho biết em lựa chọn theo học ngôi trường này bởi môi trường học tập đa dạng và năng động. Đặc biệt, trường tọa lạc tại vịnh Tampa, là trung tâm kinh tế của bang Florida (Hoa Kỳ), nơi rất thuận tiện cho ngành học Tài chính của em với nhiều cơ hội thực tập phong phú. Khanh chia sẻ thêm: “Trường có nhiều học sinh Việt Nam theo học, điều này sẽ giúp em hòa nhập với môi trường mới dễ dàng hơn.”
4. Bí quyết nộp đơn, săn học bổng của các trường ĐH danh giá tại Mỹ
Chia sẻ về bí quyết nộp đơn tại các trường Đại học Mỹ, Vân Khanh tin rằng: “Yếu tố quyết định sự thành công của bộ hồ sơ nộp đi Mỹ là yếu tố con người. Mình cần cho ban tuyển sinh thấy được thực sự con người mình là ai, khát vọng cháy bỏng của mình gì. Đó là điều ban tuyển sinh muốn thấy khi đọc hồ sơ.” Em cho rằng đối với các bạn đang có ý định du học Mỹ, nên chuẩn bị càng sớm càng tốt, trau dồi khả năng ngoại ngữ và cố gắng không ngừng để tìm kiếm những cơ hội mới cho bản thân. Cơ hội sẽ luôn dành cho những bạn thực sự có khát vọng và không ngừng học hỏi, bởi may mắn là khi sự chuẩn bị gặp được thời cơ.

Tăng Vân Khanh cùng mẹ và em gái chụp ảnh kỷ yếu cùng cô giáo chủ nhiệm Thu Trang.

 Chị Đinh Thị Thu Thảo (mẹ Vân Khanh) không giấu nổi niềm tự hào khi nói về con: “Vân Khanh là cô gái bản lĩnh, giàu quyết tâm, nhưng sống rất tình cảm. Gia đình tôi rất tự hào về con. Nhiều lúc nghĩ rất thương Vân Khanh bởi tất cả tự con bé mày mò hết! Bố mẹ không giúp được nhiều, vì vậy chỉ biết ủng hộ hết mình cho mọi quyết định của con.” Cô Nguyễn Thị Thu Trang- giáo viên chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy Văn – phụ trách chính ĐT Văn 12 năm nay cho biết: “Vân Khanh là một học sinh chăm chỉ, thông minh, cá tính; rất năng động, sáng tạo trong học tập và các hoạt động ngoại khoá. Em học giỏi đều các môn và có ý chí, có mục tiêu, có động lực để đạt được mục tiêu đã đề ra. Em là minh chứng cho thấy những cô gái chuyên Văn hoàn toàn có thể chinh phục “giấc mơ Mỹ” và đạt được những gì mình mong muốn. Với những tố chất vốn có của em cùng môi trường học tập tốt, tôi tin rằng em sẽ tiếp tục thành công trong tương lai”. Vân Khanh cũng chia sẻ thêm rằng mới đây, em vinh dự được nhận vào Chương trình Danh dự của trường Đại học Nam Florida. Em cũng là một trong hai học sinh của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi nhận được giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo ý tưởng khởi nghiệp tổ chức bởi Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sự nỗ lực và kiên trì của em đang được chứng minh từng ngày bằng những thành tích đáng nể của cô học sinh 17 tuổi:

* Thành tích ngoại khóa:
1. Nghiên cứu độc lập tại đề án nghiên cứu về hành vi bảo vệ động vật của Chính quyền Đức Quốc xã qua học thuyết “Máu và Đất” 
2. Nhà sáng lập và chủ tịch dự án giáo dục Ideas Of Bliss
3. Nhà sáng lập và trưởng ban nội dung tại dự án website Bảo tàng Lịch sử các Triều đại Việt Nam 
4. Nhà sáng lập và điều phối nội dung tại dự án website Di sản Văn hóa Hải Dương
5. Đồng tác giả cuốn sách ebook “Chiến tranh Việt Nam: Vượt lên quầng sáng cuối trời”
6. Đạo diễn và biên tập viên tại phóng sự ngắn “Hồi ký sau chiến tranh - Những câu chuyện chưa kể”
7. Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc (IMUN) của Ấn Độ năm 2020
8. Một trong những đại diện Việt Nam tham dự hội nghị trao đổi văn hóa Việt - Nhật (ICYE) năm 2020
9. Đại biểu tham dự hội nghị Lãnh đạo Trẻ Việt Nam (VYLS) năm 2020
10. Đại biểu tham dự hội nghị Thanh niên xây dựng Hoà bình (VWYPBS) tổ chức bởi Chiến dịch Hòa bình Nepal năm 2020
11. Trưởng ban Nội dung câu lạc bộ STEM của trường
12. Thành viên ban tổ chức chương trình TEDxYouth@LoNoiLake tại Hưng Yên

* Giải thưởng:
1. Lọt vào vòng tiền chung kết cuộc thi Thử thách Toán học Trẻ Quốc Tế (IYMC) năm 2021 
2. Huy chương Đồng vòng loại khu vực tại cuộc thi Olympic Toán Châu Á (AIMO) năm 2021 tổ chức bởi Ủy ban điều hành AIMO Quốc tế
3. Giải Nhì và Bài viết được yêu thích nhất tại cuộc thi viết Hidden Me tổ chức bởi Student Life Care năm 2020
4. Giải Nhất đồng đội tại cuộc thi Truy Tìm Đại Sứ Xanh tổ chức bởi WWF Việt Nam năm 2020
5. Giải Ba tại cuộc thi thiết kế logo tổ chức bởi dự án Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam năm 2020
6. Giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo ý tưởng khởi nghiệp tổ chức bởi Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2022

Chúc cô gái nhỏ Tăng Vân Khanh tiếp tục toả sáng trên đất Mỹ, làm rạng danh cho truyền thống hiếu học của xứ Đông!

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh
GV Văn - THPT chuyên Nguyễn Trãi.

Tác giả: Lan Anh