Hoàng hôn đỏ cam chạy dài trên phố, kéo theo là những cơn gió mát lành thật khiến người ta có cảm giác thật sảng khoái. Đang men theo công viên để khám phá con đường mới, bất chợt tôi nhìn thấy một tổ chim lấp ló sau gốc cây. Sự xuất hiện của sinh vật đang ngày càng thưa thớt giữa chốn thành thị xô bồ này đã thôi thúc sự tò mò trong tôi. Những chú chim non đang nghển cổ kêu chiếp chiếp, có vẻ chúng đang đói. “Mẹ của những bạn nhỏ này đâu rồi nhỉ? Sao lại bỏ đói chúng ở đây thế này?” - tôi tự hỏi và thích thú gãi nhẹ vào cằm chúng, cảm nhận lớp lông tơ mềm mại lướt qua đầu ngón tay.
Tôi chơi đùa với đàn chim mãi không biết chán, phải đến tận khi mẹ gọi tôi mới chịu về. Tự nhủ nhất định sẽ quay lại tìm mẹ cho chúng, tôi vừa chạy như bay về nhà vừa lên kế hoạch cho ngày mai. Nhưng ngày mai đó, tôi đã không quay lại công viên, bạn bè và vô số trò chơi thú vị khác của đám trẻ con ào ào cuốn tôi đi. Bầy chim bé bỏng với bộ lông sẫm màu cũng như rất nhiều người từng bước qua đời tôi, gặp gỡ ngắn ngủi và lướt đi thật nhanh, vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội gặp lại.
Mẹ đang đứng ở trước cửa đợi tôi về. Trông dáng vẻ mệt mỏi của mẹ hôm nay, tôi nhanh chóng bước vào nhà để tránh cơn thịnh nộ khi trở về muộn. Mẹ là người rất khắt khe, thường hay quở trách tôi vì những lý do nhỏ nhặt như quên soạn sách, quên uống thuốc. Điều đó làm tôi không dám mắc sai lầm vì sợ phải nghe mẹ rầy la ầm ĩ. May mắn rằng hôm nay mẹ chỉ liếc nhìn tôi rồi đi chuẩn bị cơm. Nhìn mâm cơm ngon đủ đầy nhưng bàn ăn lại trống trải, lòng tôi như cuốn về miền ký ức xa thăm thẳm.
Bố tôi mất từ khi em gái tôi được sinh ra. Vào cái ngày định mệnh ấy, chiếc xe tải đi ngược chiều đã cướp đi sinh mạng của bố khi ông đang trên đường tới bệnh viện. Cái chết quá đỗi đau đớn và hết sức đột ngột. Tôi ôm chặt lấy mẹ khóc nức nở. Mẹ vỗ nhẹ lưng tôi an ủi nhưng ánh mắt lại thất thần, vô định. Có lẽ khoảnh khắc đau đớn nhất của một người là khi thấy cả thế giới của mình sụp đổ ngay trước mắt, tất cả những gì họ làm chỉ có thể là đứng im một cách trống rỗng.
Mẹ gắng gượng vượt qua nỗi đau và một mình gánh vác trọng trách chăm sóc chúng tôi. Đối với tôi, mẹ là người hùng chân thực hơn bất cứ nhân vật điện ảnh nào. Người hùng sẽ cứu Trái Đất, còn mẹ dùng một đời để bù đắp và bảo vệ thế giới của anh em tôi. Người hùng lúc nào cũng nở nụ cười. Mẹ nuốt những áp lực bộn bề, thực hiện sứ mệnh gửi gắm những giá trị tinh thần cao quý tới chúng.
Thấm thoắt, tôi đã lên Đại học. Tôi đi học xa, khoảng chừng năm mới về một lần. Tôi thương mẹ nuôi cả hai anh em nên vừa học vừa làm để chi trả học phí và các loại hóa đơn khác. Cuộc sống người lớn làm tôi ngộp thở hơn bao giờ hết. Tôi như quả bóng bị nén đầy hơi mà chỉ cần một tác động nhỏ là sẽ nổ tung. Dẫu vậy, những ngày dài đằng đẵng chìm trong bóng tối đó, may mắn bầu trời vẫn hé chút tia nắng là mẹ. Mỗi khi gia đình có chuyện vui, dù lớn hay nhỏ, mẹ đều gọi điện chia sẻ với tôi ngay. Mẹ còn hay gửi những món quà quê lên, nhờ vậy dù ở nơi xa tôi vẫn cảm thấy nhà vẫn ở bên. Dần dần, những điều này đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần trong tôi, giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường nhật.
Nhưng dường như bất hạnh vẫn không ngừng bám riết lấy gia đình bé nhỏ. Mẹ tôi bị ung thư, hiện đã di căn đến phổi. Hoá ra trong suốt bấy lâu, mẹ đã giấu chúng tôi. Mẹ cũng không đi hoá trị vì sợ tốn tiền không lo được cho gia đình. Tôi gác lại việc học, vội vã trở về nhà. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là nét mặt tiều tụy của mẹ, tấm thân gầy gò đang nằm cạn kiệt sức sống. Nhìn thấy tôi, mẹ vẫn mỉm cười và vẫy tay chào. Tôi cố kìm nén lại, vào tâm sự với mẹ. Mẹ gật đầu, tiếp lời rồi ngủ thiếp đi.
Nhìn vào bàn tay gầy yếu của mẹ tôi đang nắm lấy, tôi giật mình phát hiện rằng thời gian sao thật đáng sợ quá. Nó đã in hằn trên gương mặt, mu bàn tay mẹ những dấu vết không thể xoá nhoà. Cứ như vừa tỉnh lại từ giấc mộng dài, mẹ vẫn xinh đẹp và hiền hậu, mẹ sẽ mãi như thế, mãi phơi phới nét xuân xanh đôi mươi. Nhưng thực tế lại phũ phàng làm sao, tóc mẹ giờ đã điểm bạc, những nếp nhăn dần lộ trên khoé mắt, đôi tay gầy guộc héo hắt càng nhắc nhở tôi về sự già yếu của mẹ.
Bác sĩ nói rằng nếu muốn hoá trị thì có thể duy trì đến nửa năm. Mẹ từ chối. Mẹ nói rằng nửa năm chịu đau đớn cũng quá ngắn ngủi, chẳng bằng rằng thời gian cuối cùng hạnh phúc ở bên chúng tôi. Tôi lặng lẽ gật đầu. Tôi tôn trọng quyết định của mẹ, không muốn mẹ phải tiếp tục chịu khổ nữa.
Những chuyện vui thường chỉ ngắn ngủi, thậm chí là thoáng chốc. Đêm đó, trời se se lạnh. Mẹ đi nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên. Một giấc ngủ dài, vĩnh viễn. Câu nói cuối cùng của mẹ găm vào tâm trí tôi, hằn sâu vào từng đợt hồi ức: “Mẹ sẽ luôn dõi theo các con!” Một đêm chết lặng, tôi đứng trước giường mẹ, đờ đẫn tới mức bần thần, em gái ôm tôi cố kìm nước mắt. Hóa ra cảm xúc khi ấy của mẹ, khi người bố kính yêu của chúng tôi qua đời, tôi đã phần nào hiểu được.
Cả bầu không khí bóp nghẹt đến mức khó lưu thông, tôi ra ngoài cố gắng tìm lại cho mình chút hơi thở. Bầu trời ngoài kia, có một chú chim đang tự do tung cánh. Tôi thẫn thờ, bất chợt tỉnh ngộ, như nhớ lại một thứ gì đó rất lâu về trước. À! Thì ra chú chim mẹ ngày đó cũng muốn trở về cùng đàn thơ đói mỏi, nhưng đã không còn cơ hội để quay trở lại nữa rồi. Thì ra lòng mẹ nào cũng vậy, tái tê khi xa những đứa con của mình.
Chúng ta thường trưởng thành quá nhanh, khi mới chập chững bước đi, đã vội vã bỏ qua đôi tay luôn sát kề sẵn sàng nâng chúng ta khi ngã. Lớn hơn, ta lại muốn bay cao mà đôi cánh không đủ cứng cáp, vẫn tự cho rằng mình có khả năng mà rời đi đôi cánh ngày ngày sát bên bảo vệ chúng ta. Thời điểm mình đầy vết thương, đôi cánh kia vẫn nhẹ nhàng dang ra để che chở chúng ta, luôn chào đón chúng ta về tổ ấm thân yêu! Đôi cánh ấy tự bao giờ đã vô hình tồn tại trong ta, giúp ta bay vút cao với lý tưởng của mình.
“Hãy tự do tung cánh trên bầu trời rộng lớn, con nhé!”
Nguồn: Internet
Tác giả: Vũ Bảo Ngọc