Tết Nguyên Đán là một dịp lễ lớn đối với các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Tết về với biết bao hân hoan cùng niềm hứng khởi ngập tràn. Tại Việt Nam, Tết Nguyên Đán 2024 là năm Giáp Thìn - năm con rồng, con giáp thứ năm trong 12 con giáp. Vậy hôm nay, hãy cùng chúng mình tìm hiểu về những điều đặc sắc của Tết con rồng nhé!
Những sự thật thú vị về rồng
Rồng là một trong bốn Tứ Linh gồm: Long (rồng), Lân (ngựa một sừng), Quy (rùa) và Phụng (phượng hoàng) của Việt Nam. Người xưa tin rằng, chúng tượng trưng cho bốn nguyên tố chính của trời đất, cụ thể: Long tượng trưng cho gió, Lân tượng trưng cho đất, Quy tượng trưng cho nước và Phượng tượng trưng cho lửa. Theo quan niệm dân gian, rồng được thờ cúng với mong muốn về sự phát tài, ấm no, phú quý và thịnh vượng.
Rồng luôn hiện lên với vẻ oai phong hùng dũng nhưng cũng có những nét vô cùng đáng yêu. Trong cuộc chạy đua quyết định vị trí đặt tên cho các năm do Ngọc Hoàng tổ chức, rồng vốn là "ứng cử viên hàng đầu” cho vị trí thứ nhất. Tuy nhiên, khi đang băng băng tới đích, rồng trông thấy ngôi làng gần đó đang bốc cháy ngùn ngụt. Rồng ta không đành lòng nhìn ngọn lửa nuốt chửng tính mạng của người dân nên lao xuống dập lửa. Sau đó, rồng lại thấy thỏ, một ứng viên khác đang chới với giữa sông. Không hề do dự, nó liền tạo ra một cơn gió lớn để thổi thỏ vào bờ. Rồng nhìn uy mãnh lại có nét hung dữ, ấy vậy mà lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác. Rồng hệt như người bạn ngoài lạnh trong nóng của chúng mình vậy, các bạn nhỉ?
Rồng Đông, rồng Tây
Hình tượng con rồng xuất hiện trong cả văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây tạo nên sự đa dạng vô cùng thú vị. Do rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng, mỗi dân tộc phương Đông lại có cách hình dung khác nhau về sinh vật này. Tựu chung, con rồng phương Đông gồm có hai biến thể. Biến thể đầu tiên là con rồng có thân bò sát như cá sấu hay rắn (rồng ở các nước Đông Nam Á, trong đó có rồng truyền thống của Việt Nam). Kiểu rồng này có thân uốn lượn, mang tính chất mềm mại của nước, thể hiện sự dấu ấn văn hóa nông nghiệp mạnh mẽ. Ngoài ra, chúng ta còn có rồng có thân thú giống hổ, sói… hay xuất hiện trong văn hóa các nước Bắc Á, thường dùng để khẳng định sự quyền uy của giai cấp cầm quyền.
Rồng cũng là biểu tượng thiêng liêng xuất hiện xuyên suốt lịch sử nước ta. Rồng thời nhà Lý là bản hoàn thiện cao về trình độ mỹ thuật từ tạo hình rồng đã có trước đó từ thời Đinh - Tiền Lê. Chúng có thân dài, uốn khúc, mang vẩy. Đầu rồng có ngà; bờm và vòi uốn khúc; trên đầu có sừng tạo hình như sừng hươu hay đôi khi như nhánh san hô. Rồng nhà Trần trong thời kì đầu kế thừa phong cách của triều Lý. Càng về sau, rồng nhà Trần càng vượt thoát khỏi khuôn khổ, bắt đầu biến đổi, mỗi nơi một vẻ, từ đó thể hiện sự tiếp biến và giao thoa văn hóa. Tựu chung, trong suốt giai đoạn nhà Trần trị vì, rồng thường xuất hiện với cấu trúc thân mình mập mạp, khỏe khoắn hơn, móng vuốt ngắn lại và lớn hơn, đồng thời xuất hiện trong nhiều tư thế. Thời Lê Sơ đánh dấu bước chuyển mình của hình tượng rồng với sự du nhập của tạo hình con rồng nhà Minh, được thể hiện qua sự thay thế vòi rồng bằng mũi loài thú ăn thịt cùng đuôi cá. Mặt rồng dữ tợn, thân to lớn, cứng cáp khắc họa sự uy quyền của bậc đế vương. Đến với thời Lê Trung Hưng hay Trịnh Nguyễn phân tranh, hình tượng rồng càng trở nên đa dạng. Sự khác biệt của hình tượng rồng phân định ở các yếu tố thời gian, vùng miền và chất liệu. Điều đó thể hiện những biến động của thời đại cũng như sự nở rộ của kiến trúc cung đình mà cho đến nay vẫn là kho tàng nghệ thuật đồ sộ. Trong triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta, con rồng đuôi xoáy là hình tượng đặc trưng, phổ biến nhất. Tạo hình này đã hoàn thiện từ thời nhà Lê, sau đó được nhà Nguyễn kế thừa và ngày càng có nhiều biến thể qua thời gian.
Đối lập với rồng phương Đông, rồng Phương Tây thường hiện lên như những thế lực xấu xa. Rồng phương Tây là sự kết hợp giữa cánh dơi và đuôi rắn, thân hình của khủng long bạo chúa, có thể có một hoặc nhiều đầu (khác với rồng phương Đông chỉ có một đầu), mình rồng có vảy rất to, da rất dày và có thể chống lại mọi sát thương. Chúng thường được khắc họa với sự hung tợn, nguy hiểm trong các câu chuyện cổ tích từ xa xưa.
Tết con rồng, Việt Nam có gì?
Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn và được mong chờ nhất trong năm. Cứ khoảng tháng Chạp mỗi năm, các tỉnh thành sẽ bắt đầu trưng bày mô hình hay tượng của con giáp ứng với năm đó. Những chú rồng vàng chính là nhân vật chính đáng yêu của năm 2024 sắp tới đây. Linh vật năm Giáp Thìn đã có trên khắp các tỉnh thành cả nước rồi, hãy cùng chúng mình điểm qua vài bạn rồng nổi bật nhé!
Học sinh Chuyên Nguyễn Trãi đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn
Ở Chuyên Nguyễn Trãi, các bạn học sinh cũng đang nô nức đón chào ngày Tết Nguyên Đán. Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, khối câu lạc bộ tại THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã chuẩn bị một món quà đặc biệt cho toàn thể các thầy cô, cán bộ, nhân viên nhà trường và các bạn học sinh, đó là Gala mừng Đảng, mừng xuân và đón năm mới Giáp thìn. Buổi lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí hứng khởi của lễ chào cờ thứ hai ngày 05/02/2024.
Bên cạnh đó, NMC - câu lạc bộ truyền thông của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, đã thiết kế phong bao lì xì với những chú rồng rất đáng yêu và đậm chất Chuyên Nguyễn Trãi để cùng mọi người đón chào năm Giáp Thìn.
Đặc biệt, mỗi lớp học ở Chuyên Nguyễn Trãi đều được sắm sửa, trang trí vô cùng đẹp mắt. Mỗi phòng học qua sự tâm huyết và tỉ mỉ của các CNTers giờ đây tràn ngập không khí Tết, qua đó thể hiện sự hân hoan mỗi dịp Tết đến xuân về.
Năm 2024 đến với vô vàn hy vọng. Mong rằng tất cả chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu, nguyện vọng và có thật nhiều kỉ niệm đáng nhớ cùng người thân, bạn bè trong năm Giáp Thìn nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Tác giả: Kim Chi