Tuổi trẻ là khái niệm trừu tượng nhưng chuyên Nguyễn Trãi là nơi cụ thể hoá những tháng ngày rực rỡ thanh xuân, cùng những đêm miệt mài đèn sách ôn thi và những gương mặt thân yêu sẽ luôn vẹn nguyên trong tâm trí.
Thấm thoát đã một năm trôi qua kể từ khi tôi mới chân ướt chân ráo bước vào trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi. Vậy là tôi đã gắn bó với tập thể lớp mình từ ngày trường chỉ có một chiếc máy bán nước tự động đến khi trường có hẳn hai chiếc. Đôi lúc tôi ngồi ngơ ngẩn tự hỏi sao thời gian trôi nhanh quá, chớp mắt cái đã lớn, mở mắt ra đã trở thành tiền bối cho khoá tiếp theo. Dẫu vậy, ký ức về những ngày đi thi để được khoác lên mình đồng phục của trường và cả những ngày ôn thi đội tuyển tỉnh vẫn không hề phai nhoà trong tâm khảm tôi mà vững chắc tựa những cột mốc đường đời, đánh dấu hành trình trưởng thành của một học sinh từ làng quê tỉnh lẻ.
Tôi vẫn nhớ như in ngày thứ nhất của kỳ thi tuyển sinh, bố mẹ lai tôi lên rõ sớm phải đứng ngoài chờ cổng mở. Dường như đoán được sự cồn cào, thấp thỏm trong từng nhịp bước theo vòng tròn của tôi, mẹ đã nắm tay tôi tâm sự. Thủ thỉ mẹ kể “Ngày xửa ngày xưa, có một chú ếch sống dưới lòng giếng sâu. Ếch ta lúc đó là nhân vật quyền lực nhất đáy giếng này bởi mỗi khi chú cất tiếng là tất cả sinh vật bé nhỏ xung quanh phải rúm ró lại. Từ lòng sâu, ếch ta ngước nhìn lên trên chỉ thấy một mảnh trời to bằng miệng giếng”. Mẹ ngừng lại và hỏi “Con thấy mình và chú ếch khác nhau như thế nào?”. Tôi phì cười mà quên hết lo lắng “Rõ rành rành là sự khác biệt về chủng loài rồi mẹ”. Mẹ lắc đầu mà tủm tỉm đáp “Ngoài đặc điểm sinh học ra, mẹ thấy “nàng ếch” nhà mẹ tuy cũng từng “vang bóng” dưới lòng giếng nhưng không coi trời bằng vung. Chuyên Nguyễn Trãi sẽ là nơi con được chạm đến bầu trời, điều mà nếu chỉ loanh quanh nơi ao làng con sẽ khó lòng mà thực hiện hoá giấc mơ được. Hãy cứ làm hết mình, con nhé”.
Hộp bút trên tay, kiến thức trong đầu và trái tim chứa chan lời động viên tin yêu của bố mẹ, thầy cô, tôi hăng hái tiến vào trong sân trường cùng hàng trăm thí sinh khác. Ánh nhìn của tôi đã va phải dòng chữ ánh vàng với đại ý học tập để tìm kiếm chính mình được gắn trang trọng trên cổng, và não tôi thay vì nghiền ngẫm lại nội dung đã học lại bóc tách ý nghĩa của câu. Ngay tại thời điểm tôi thấu tỏ hàm ý sâu xa của câu danh ngôn ấy, tôi đã “chấm” trường 10 điểm rồi, không còn nhưng gì nữa. Khao khát được dạy dỗ bởi thầy cô thấm nhuần phương châm dạy học này của trường càng thêm mãnh liệt. Nhưng tôi có được chấm đủ điểm để được trường nhận hay không lại là một câu chuyện khác. Tôi còn không quên ngó quanh một vòng để thu vào tầm mắt kiến trúc và khuôn viên trường. Hiện ra trước mắt tôi đầu tiên chính là dãy nhà A. Tôi nhớ đã hỏi một anh tình nguyện viên rằng có những cách nào để được vào đó và nhận được câu trả lời nửa đùa nửa thật, rằng cách dễ nhất là được thầy hiệu trưởng mời lên uống nước chè và cách khó nhất là vào đội tuyển quốc gia. Đến bây giờ mỗi khi hình dung lại biểu cảm bí hiểm của anh ấy khi khoa chân múa tay diễn tả sự cực nhọc mà xứng đáng khi tham gia đội tuyển, tôi càng quyết tâm được trở thành công dân hạng A để nếm thử mùi vị của trái ngọt sau tháng ngày vun trồng cay đắng.
Niềm vui ập đến với tôi vào ngày nhận điểm và men say của thứ rượu ủ trong hàng tháng trời ôn luyện thi cấp 3 đã nhân đôi khi được chia sẻ cùng bố mẹ, thầy cô, những người đặt niềm tin vào tôi những khi tôi hoài nghi về năng lực bản thân nhất. Theo dòng chảy tuyến tính của thời gian, ký ức về những ngày tháng ôn thi đội tuyển tỉnh phải ở lại ký túc xá cả những ngày cuối tuần lại hiện về trong niềm thương nỗi nhớ. Mỗi khi quay ngược trở lại quãng thời gian ấy, tôi vẫn mỉm cười khi nhớ lại những đêm cặm cụi làm đề, những ngày miệt mài chữa bài tập, những lúc bực dọc chán nản chỉ muốn gục mặt vào chồng sách rồi buông xuôi và khi vỡ oà trong hạnh phúc với thành tích đạt được cao hơn kỳ vọng. Vị ngọt của món bánh mì chấm sữa do cô dạy chuyên chúng tôi “tài trợ” trong các buổi học đội tuyển đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung ra. Tôi nhớ khi đó chúng tôi đã ăn ngấu nghiền món bánh mì ấy như chưa từng được thưởng thức “mĩ vị trần gian” bao giờ. Vốn chưa phải xa gia đình lâu như vậy, niềm khích lệ tinh thần của tôi lúc đó, bên cạnh những cuộc gọi về cho bố mẹ và sự kỳ vọng vào bản thân, là được đến trường gặp thầy cô, bạn bè, được ngắm những dãy lớp nằm tĩnh lặng dưới nắng sớm. Ký túc xá chính thức trở thành mái nhà thứ hai của tôi, với những “người hàng xóm” tắt lửa tối đèn có nhau (hiểu theo đúng nghĩa đen là học sinh ký túc xá tụ tập lại hò hét khi mất điện) và tiếng loa bác bảo vệ là đồng hồ báo thức đáng tin cậy.
Tôi hiểu rằng đây mới chỉ là khởi đầu cho những năm tháng tươi đẹp phía trước. Cuốn sổ ghi dự định tương lai còn bỏ ngỏ nhiều trang, chờ đợi được lấp đầy bằng những hoài bão khát vọng tuổi trẻ, bằng bao mục tiêu tôi đặt ra cho bản thân trong ba năm trung học phổ thông. Liệu tôi có vươn đến được vùng mây trắng lồng lộng kia hay không, chỉ có thời gian mới trả lời được. Tuy nhiên, có một điều mà tôi luôn tâm niệm, chuyên Nguyễn Trãi là bầu trời tri thức tôi biết tôi luôn thuộc về. Tôi sẽ thoả sức vẫy vùng và đắm chìm vào từng trải nghiệm, tận hưởng trọn vẹn từng phút giây dưới mái trường mà tôi có.
*Tác giả: Trương Thị Lan Anh
Học sinh chuyên Anh, niên khoá 2023-2026
Thông tin chi tiết về cuộc thi viết "Nhắn gửi thanh xuân" nằm trong dự án Kỷ yếu "Nhắn gửi thanh xuân" và xuất bản sách nói do Hội cựu học sinh thực hiện xem TẠI ĐÂY