1.

Chúng tôi băng qua rừng sim tím biếc, đích đến là con suối nhỏ chảy róc rách trong khe núi Mọc, nơi duy nhất mà loại lá thuốc chúng tôi đang cần sinh sôi nảy nở. Anh Thắng đi phía trước, bước chân hơi cầm chừng đợi tôi. Thể lực tôi không được như anh, tôi bị một loại bệnh gì đó về đường hô hấp bẩm sinh, nghe bên trạm xã bảo là một thể nhẹ hơn của hen suyễn. So cả về sức mạnh lẫn độ bền bỉ, tôi đều chẳng thể bì với anh, dù cả hai đều là thanh niên mơn mởn 16, 17 tuổi.

Chúng tôi dừng chân trên một tảng đá to và trơn nhẵn bên bờ suối. Ngay từ trong khe đá, những lùm cây dại xanh ngắt cứ thế đan xen vào nhau, tạo thành một thảm rêu mượt như nhung. Cây thuốc không mọc ở đây vì xa nguồn nước quá, chỉ tìm được ở ngay ven suối trơn trượt, nơi độ ẩm cao và không khí trong hơn bình thường.

Anh Thắng và tôi cẩn thận men theo những bậc thang đá ươn ướt xuống con suối trong vắt. Chúng tôi ngồi xổm xuống, nhanh tay nhặt từng ngọn cây thuốc non tơ có màu xanh ngọc, thứ thuốc quý nhất, gần như chữa bách bệnh nổi tiếng của vùng núi Mọc. Tôi nheo mắt vì tia nắng nhảy múa mang màu xanh của lá cây cứ chiếu vào mắt, tay vẫn không ngừng hái thuốc. Chợt cảm thấy có ai đó nhìn mình, tôi quay sang, thấy anh Thắng đã dừng việc hái thuốc từ bao giờ, thơ thẩn nhìn tôi, nhìn bờ suối. Phát hiện ánh mắt của tôi, anh cười cười bảo:

- Có vẻ hái thế này là đủ cho bà con trong bản dùng cả tháng rồi đấy! Mình về chứ nhỉ.

Anh vui vẻ đứng dậy, đỡ tôi dậy cùng rồi trút hết thuốc của tôi và anh vào một cái giỏ trúc khá lớn. Anh xoay người toan bước đi, lại thấy tôi tần ngần không bước, bèn đứng lại. Là bạn trí cốt lớn lên từ nhỏ với anh, tôi hiểu anh đủ rõ để biết rằng anh đang có điều gì đó canh cánh trong lòng mà chưa dám chia sẻ (anh sẽ bận tâm về điều đó nhiều đến mức chẳng thể tập trung vào công việc nào khác). Tôi hơi nhíu mày, bảo Thắng:

- Mày có điều gì cần nói với tao à?

Anh thở dài, bảo tôi rời khỏi suối rồi nói chuyện. Chúng tôi ngồi trên một tảng đá cuội to, trơn bóng và mát lạnh ở phía xa xa của bờ suối. Tôi nhìn anh chờ đợi, để rồi nhận được một tiếng thở dài từ anh, theo sau đó là lời thủ thỉ:

- Mai tao đi tập trung rồi, mà chẳng biết nói với mẹ thế nào nữa.

Tôi mở to mắt, hỏi lại Thắng:

- Mày vẫn chưa nói chuyện này với bác Thảo à?

Anh lắc đầu, chưa gì đã hơi rơm rớm nước mắt:

- Tao sợ mẹ tao không cho tao đi, sợ mẹ lo tao khổ, mà mẹ cũng khổ. Nhưng Duy ơi, tao ở lại sao được? Tao sống thanh thản và an nhàn sao được? Tao muốn đi theo anh Kỳ.

Anh Kỳ, người làng tôi, là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của lực lượng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập năm ngoái. 

Tôi chưa trả lời anh vội, tâm trí tôi quay trở lại thời điểm của vài tuần trước, anh nói với tôi rẳng anh muốn gia nhập lực lượng chống quân xâm lược. Thắng là chàng thanh niên trẻ khỏe, mà quân đội thì lúc nào cũng thiếu người, dĩ nhiên là họ đồng ý cho anh đi ngay. Nhưng gia nhập quân đội, lao đầu vào biển lửa là cả một vấn đề, đâu phải chuyện đơn giản. Cứ ngày nào cũng súng và đạn, người chiến sĩ trong quân đội chẳng biết trước được liệu hôm nay có phải ngày cuối cùng mà họ tồn tại trên đời, liệu họ sẽ ra đi bằng phát đạn nóng đến bốc khói, nhát dao sắc lạnh làm họ rùng mình của quân địch hay thậm chí là những phát súng mà đồng đội cắn răng bóp cò trong nước mắt để chấm dứt sự đau khổ chẳng thể cứu chữa nổi về mặt thể xác?

Biết rõ chiến tranh là đau đớn và sinh tử, nhưng tôi không cản anh. Tôi hiểu rõ lý tưởng yêu nước mà anh ôm kín và bảo bọc ở góc mềm yếu nhất của trái tim, phần vì tôi là bạn anh, phần vì tôi cũng mang trong mình thứ tình cảm thiêng liêng ấy. Tôi biết anh không ở lại được, anh không sống an nhàn và thanh thản được vì ngoài kia lửa vẫn cháy nhiều lắm, không trung vẫn nồng nặc mùi thuốc súng và vang vọng tiếng bom nổ. Tôi muốn đi cùng anh, muốn sát cánh bên anh trong hành trình gian khổ ấy, nhưng vướng phải căn bệnh quái ác. Hôm tôi nộp đơn xin đi, họ từ chối thẳng mà chẳng cần suy xét, thành ra chỉ còn mình anh đơn độc lên đường.

Tôi chẳng phải người giỏi an ủi hay cho người khác lời khuyên, tôi chỉ biết đặt tay lên vai Thắng, bảo với anh:- Tao chắc bác gái sẽ hiểu mà, bác gái cũng yêu quê hương đâu kém gì hai đứa mình đâu. Nhưng mày cứ phải nói cho bác sớm sớm tí cho bác còn chuẩn bị tinh thần chứ.

Đáp lại, Thắng ủ rũ:

- Thì biết vậy, nhưng cứ nghĩ đến cảnh mẹ tao khóc, bảo tao ở nhà với mẹ đi là tao không can đảm nổi. Cũng chẳng giấu được mẹ, nhưng có lẽ mẹ tao sẽ buồn lắm.

Bỗng dưng, anh ngồi thẳng dậy, đặt hai tay lên vai tôi rồi trịnh trọng nói:

- Duy, mẹ tao nhờ mày chăm sóc được không?

Thấy tôi gật đầu liên tục, giọt lệ chực chờ nơi khóe mi của anh lặng lẽ lăn xuống:

- Ừ, thế nhờ cả vào mày nhé!

Anh chỉ khóc có vậy, rồi nín ngay, và cười toe. Người chiến sĩ tương lai cứ thế nuốt nỗi buồn vào trong, và ra vẻ mạnh mẽ.

Thoáng thấy sắc trời đã xẩm xẩm tối, tôi giục anh quay về làng. Bước chân của chúng tôi nặng trĩu. Việc riêng của gia đình anh Thắng, tôi không chen vào được, chỉ mong mẹ anh hiểu và thông cảm cho anh. Tôi lại e ngại bác chẳng thể vượt qua cú sốc về mặt tinh thần mà chẳng nỡ để anh đi.

Ngày hôm sau, mới tờ mờ sáng, tôi đã có mặt ở khu tập trung của quân đội để tiễn Thắng lên đường. Thoáng thấy bóng dáng anh trên con đường làng từ xa xa, tôi vẫy tay. Anh đi cùng mẹ, mắt anh và bác sưng đỏ. Tôi thấy bác trao anh những chiếc ôm thật chặt và những lời dặn dò.

Lúc đến chào hỏi tôi, Thắng mỉm cười bảo:

- Hóa ra mẹ tao ủng hộ tao lắm mày ạ. Mẹ bảo luôn tự hào về tao vì tao chiến đấu vì tổ quốc, vì đất nước… 

Đến đây thì giọng anh nghèn nghẹn.

Chuyến xe trở anh Thắng và những thanh niên khác của làng Mọc đến đơn vị lăn bánh, cứ khuất dần khỏi tầm mắt của tôi và bác Thảo…

2.

Tôi pha trà, đổ bánh quy ra một chiếc đĩa hoa nhỏ mang ra tiếp khách. Bác Thảo ngồi cười tủm tỉm với dàn thanh niên đang ngồi trước mặt - một đoàn các chiến sĩ dừng chân tạm nghỉ nhờ nhà dân, may rủi thế nào lại chọn đúng ngôi nhà của tôi và bác Thảo.

Tôi nhìn từng người trong dàn chiến sĩ với con mắt tôn trọng và ngưỡng mộ vô cùng, cố gắng khắc ghi lại hình ảnh đẹp nhất của từng người để có thể khắc họa lại trong tác phẩm của mình. Hôm đó, họ ở lại dùng bữa và ngủ qua đêm, tôi làm thịt hai con gà nuôi dành dụm sau vườn, chẳng tiếc gì mang ra thiết đãi khách.

Trong đoàn chiến sĩ dừng chân lại nhà tôi, tôi đặc biệt ấn tượng với Duyên - một cô tài xế xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa vào vùng chiến sự. Cô có phong thái duyên dáng - hệt như cái tên của cô - và rất biết cách nói chuyện. Tối đó, khi tôi ngồi ngoài phòng khách, chỉnh sửa lại bản thảo của mình với ngọn nến mở mờ thì Duyên, không biết đứng đó nhìn từ lúc nào, hỏi tôi:

- Anh là nhà văn à?

Nhận được cái gật đầu của tôi, cô lại hỏi tiếp:

- Anh đang viết về chúng tôi đúng không?

Tôi hơi ngượng, rồi lại gật đầu. Thấy vậy, cô háo hức hỏi:

- Tối mai tôi vận chuyển hàng đến một vùng khá an toàn, anh có muốn đi cùng không? Tìm chút kinh nghiệm thực tế viết sách.

Chẳng hề do dự, tôi nhận lời ngay tắp lự mà không cần suy nghĩ nhiều.

Tối hôm sau, đoàn chiến sĩ ở nhà tôi đã khởi hành lên đường đến đơn vị hết, chỉ còn sót lại vài cô gái vận chuyển giống Duyên. Tôi ngồi cùng một xe với cô, co ro vì cái lạnh của buổi đêm dù đã khoác lên mình một chiếc áo bông dày sụ.

Duyên chỉnh gương chiếu hậu, kiểm tra tình trạng của chiếc xe rồi nhấn ga. Cô quay sang phía tôi đang ngồi ở ghế phụ lái, mỉm cười bảo:

- Anh ngồi vững nhé, đường hôm nay không dốc lắm đâu.

Đoàn xe của Duyên và các cô gái khác quả thật kì lạ. Kính xe gần như không có, gió bên ngoài thốc vào một cách thô lỗ làm tay chân lạnh buốt. Đèn xe được bọc lại, chỉ để lại một ô vuông nho nhỏ cho một tí xíu ánh sáng yếu ớt le lỏi lọt ra ngoài. Các phụ kiện từ tay lái đến cần gạt ga đều cũ kỹ, kêu cót két cả. Duyên bảo kính xe bị đạn làm vỡ, đèn xe không có để ngăn địch phát hiện, mà xe của quân đội thì có đã là may mắn lắm rồi, còn đòi hỏi sao được chất lượng, đều là xe cải tạo cả.

Mà cũng hay, ngồi trong buồng lái ấy, tôi vẫn nhận ra được cái gì đó gọi là ‘buồng con gái’. Chỗ gương chiếu hậu có treo một túi thơm chứa cánh hồng ép khô, bên trong ngăn kéo của xe là đủ loại trà bánh mang theo, thậm chí còn có cả một chiếc gương cầm tay màu hồng xinh xắn, hết thảy những đồ vật chẳng thể tìm thấy trong cabin xe của một cánh đàn ông nào khác. Duyên bảo tôi nhiều lúc cô và các chị em ăn ngủ luôn trong xe để tiết kiệm thời gian di chuyển nên mới cần có những thứ ấy.

Xe đang băng băng chạy trên đường thẳng, thì bất chợt, cả người tôi bị sốc lên không trung. “Đoạn này hơi sóc một chút.” - Duyên bảo tôi. Thế rồi, nguyên quãng đường ấy, tôi cứ bay lên rồi lại bay xuống, hiếm khi nào mà cả cơ thể đều yên vị trên ghế ngồi. Hai tay tôi bám chặt vào thành cửa sổ của xe, bụng nhộn nhạo hết cả. Khoảng chừng 15 phút sau thì chuyến tàu tốc hành không mấy êm ả của tôi mới kết thúc. Mặt tôi tái mét, nhưng Duyên thì vẫn cứ bình tĩnh như chưa có gì xảy ra.

Nhưng hành trình của tôi không kết thúc ở đó. Duyên bỗng nhiên cua gấp, tôi suýt chút nữa va người vào cửa xe, nhìn về phía trước mới biết xe đang leo đèo. Thế rồi, qua mấy khúc cua nữa, tay tôi bám chặt vào thành cửa sổ xe mà chảy mồ hôi ròng ròng, xe cứ thế lên cao và lên cao mãi. Tôi chẳng dám nhìn con đường đèo cheo leo không có bất cứ thứ gì ngăn cản chúng tôi lao thẳng xuống vực sâu trước mắt, khiến cho Duyên bật cười.

Cứ thế, xe lên cao đến nỗi tôi tưởng chừng mình chạm được cả bầu trời. Duyên nhấn ga tăng tốc, tôi sợ hãi đến thót tim, thậm chí tưởng rằng mình sẽ chết, trong mắt rót đầy trời đêm mịn như nhung và những ngôi sao lấp lánh. Nhưng không, đón chờ tôi là cơn gió mát lồng lộng sảng khoái và khung cảnh đẹp đến đê mê của thiên nhiên lúc mặt trời đang say giấc và mặt trăng tỏa sáng dịu nhẹ, lộng lẫy trên đỉnh đầu. 

Duyên cười hỏi tôi:

- Thích nhỉ? Tôi cứ thế thôi, từ dân ra, vì dân mà phục vụ.

Tôi khẽ đáp lại:

- Ừ, thích ghê.

3.

Tôi gập lại bản thảo, đứng dậy vươn vai. Cuốn sách dày cộp gần 1000 trang viết về những người chiến sĩ mà tôi ấn tượng nhất trong cuộc đời tôi, chủ yếu là về Thắng và Duyên vừa được tôi hoàn thành. Tôi thong thả bước ra phía trước sân nhà, nơi bác Thảo đang cho gà ăn, mà tận hưởng cảnh vật thanh bình của làng Mọc.

Có tiếng gì đó ồn ã phía nơi xa xa đầu làng. Tôi mỉm cười nhìn bác Thảo và cánh cửa sắt đang hé mở. Duyên và Thắng đứng đó, cười rạng rỡ, trông trưởng thành hơn và có chút rũ rượi do chiến tranh. Tôi thấy bác Thảo bật khóc ôm choàng lấy anh Thắng và nghe Duyên mừng rỡ nói:

- Chúc mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, anh Duy nhé!

Nguyễn Đức Duy

 3 kỉ niệm đáng nhớ nhất đời, 1952

Nguồn: Internet

Tác giả: Thuỳ Linh