Với 10 năm tuổi nghề, có "của để dành" vô giá là 60 bài báo khoa học, 20 bài trong đó đăng trên các tạp chí uy tín thế giới (ISI/SCOPUS), anh được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư (PGS) năm 2021. Người chúng tôi nhắc đến là TS. Lê Trung Dũng (sinh năm 1983), Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giảng viên chính Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – một cựu học sinh chuyên Sinh CNT niên khoá 1998 - 2001.

Anh Lê Trung Dũng cựu HS chuyên Sinh khoá 1998 - 2001
Anh Dũng (áo trắng, hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn lớp ghép 12 Tin - Sinh trong lễ tổng kết năm học 2000-2001 (khi trường chuyên Nguyễn Trãi ở 142 đường Thanh Niên)
Anh Dũng cùng các bạn lớp ghép 12 Tin - Sinh năm 2001. 

▪Hành trình đặc biệt đến với nghề gieo con chữ. 

Trong suốt 3 năm học chuyên Sinh (1998-2001) tại trường THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương, Lê Trung Dũng được đánh giá là một cậu học sinh thông minh, chăm chỉ. Năm lớp 12, Dũng đã đạt giải Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học.
   Được thầy cô và bạn học đánh giá là người có năng lực sư phạm, nhưng rời CNT với giải Ba quốc gia môn Sinh học, anh lựa chọn học tập tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với tấm bằng tốt nghiệp Đại học nhưng cơ hội việc làm rất hạn chế và sự đam mê đặc biệt với nghề giáo, anh đã lựa chọn thi lại Đại học (sau 6 năm tốt nghiệp THPT) và học lại từ đầu tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với ước mơ được “làm thầy giáo”. 

Anh Dũng trong thời gian về làm giáo sinh thực tập tại ngôi trường cũ: THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương. 
Anh Dũng trong thời gian về làm giáo sinh thực tập tại ngôi trường cũ: THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương. 

Có nhiều thầy cô và bạn học ngạc nhiên về sự lựa chọn này, nhưng anh tâm sự “đây như canh bạc cuộc đời, có thể thành công nhưng cũng có thể trở về vạch xuất phát sau 4 năm học tại trường đại học thứ 2”. Sau những nỗ lực không ngừng và niềm đam mê đặc biệt với môn Sinh học và nghề giáo, anh đã được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giữ lại làm giảng viên hợp đồng vào năm 2011 sau 10 năm chờ đợi tại hai trường đại học (năm 2012 thi đỗ giảng viên và năm 2013 giảng viên chính thức). 

Anh Lê Trung Dũng thời là Giảng viên chính khoa Sinh học trường ĐH Sư phạm Hà Nội. 
Hướng dẫn sinh viên thực hành tại Khoa Sinh học, Trường ĐHSPHN

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không phải là lựa chọn ban đầu khi rời xa mái nhà CNT, nhưng đó là lựa chọn “của sự thành công” sau khi tốt nghiệp của anh.
Anh Lê Trung Dũng chia sẻ: “Hành trình đã qua là một câu chuyện đặc biệt, là động lực để vượt qua những khó khăn. Chỉ có niềm tin chắc chắn bản thân có thể thành công. Nếu cho làm lại thì tôi vẫn chọn nghề giáo vì có thể truyền thụ được niềm đam mê khám phá, sáng tạo, học tập và làm việc có mục tiêu cho thế hệ trẻ”.

 Trưởng thành từ các phong trào Đoàn - Hội tại Trường ĐHSPHN

Hành trình “đường vòng 10 năm” tại bậc học đại học đã giúp anh hoạch định chính xác và nhanh nhất chặng đường tiếp theo khi chỉ ít năm sau đó anh bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Động vật học (bảo vệ năm 2016, nhận bằng năm 2017), đạt chuẩn Giảng viên chính năm 2020 và gần đây nhất, ngày 30/3/2022, được Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ký Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Sinh học.

Lê Trung Dũng thực tập sinh tại Trường Đại học Monash, Melbourne, Australia.

▪️ Những kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học: 
- Đóng góp trong công tác đào tạo: Ngoài công tác giảng dạy bậc Đại học và Sau Đại học, TS. Lê Trung Dũng đã hướng dẫn 09 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn, 13 sinh viên bảo vệ thành công Khoá luận tốt nghiệp đại học;
- Thực hiện các dự án nghiên cứu: đã hoàn thành 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội quản lý) với vai trò là chủ nhiệm; 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia (do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia) với vai trò là thành viên chủ chốt; 01 đề tài khoa học và công nghệ cấp Sở của Sở KHCN Hải Dương với tên đề tài “Điều tra hiện trạng, đánh giá khả năng ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương và đề xuất giải pháp phòng ngừa, kiểm soát”.

 Lê Trung Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương về sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam.
 Thông tin khoa học của anh Lê Trung Dũng trên các trang khoa học thế giới.

- Kết quả công bố và xuất bản: đã công bố 60 bài báo khoa học, trong đó có 20 bài trên tạp chí quốc tế (19/20 bài thuộc danh mục ISI/SCOPUS, 19 bài trên tạp chí khoa học trong nước 20 bài trên kỷ yếu hội thảo quốc gia). TS. Lê Trung Dũng tham gia biên soạn 04 sách tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa Sinh học: Hệ thống học sinh giới; Sinh vật ngoại lai xâm hại ở tỉnh Hải Dương; Lưỡng cư, bò sát ở Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; Lưỡng cư, bò sát ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
- Tổ chức nghiên cứu: TS. Lê Trung Dũng có khả năng tổ chức nghiên cứu, là thành viên chính của một số nghiên cứu chuyên sâu, đã định hướng và hướng dẫn các học viên cao học trong việc nghiên cứu các đề tài luận văn thạc sĩ, kết nối với các nhà khoa học quốc tế đến từ CHLB Đức, Úc, Nhật Bản, Nga.

 Ảnh chụp 7 loài mới cho khoa học trong nghiên cứu của anh Lê Trung Dũng.
Một số cuốn sách đã xuất bản của anh Lê Trung Dũng.

- Chuyển giao khoa học, công nghệ: TS. Lê Trung Dũng thực hiện chuyển giao, chia sẻ kết quả nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học đến cán bộ quản lý của nhiều khu bảo tồn ở Việt Nam; kỹ thuật nghiên cứu được chia sẻ đến đồng nghiệp trong và ngoài nước thông qua các báo cáo tại hội nghị khoa học (Đại học Monash, Úc; Viện Hàn lâm Khoa học Indonesia; Hội nghị Sinh vật ngoại lai xâm hại khu vực Châu Á Thái Bình Dương;….)
- Uy tín khoa học trong cộng đồng: Google scholar, H-index: 10,00 (cập nhật ngày 20/10/2021); ResearchGate index: 14,81 (cập nhật ngày 20/10/2021); tham gia phản biện cho các tạp chí khoa học quốc tế như Zootaxa, Journal of Advanced Biotechnology and Experimental Therapeutics và một số tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo khoa học trong nước.

Tham gia hoạt động đánh giá bảo tồn các loài ếch nhái của 3 nước Đông Dương của tổ chức IUCN
cùng các nhà khoa học Việt Nam, Đức, Anh, Pháp, Philippines, Lào, Campuchia.

▪️ Những khen thưởng đã nhận
- Bằng khen của Thành đoàn Thành phố Hà Nội dành cho Đảng viên trẻ Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2016 (Quyết định số 3629/QĐ/TĐTN-VP ngày 29/11/2016);
- Bằng khen của Thành đoàn Thành phố Hà Nội dành cho Cán bộ Đoàn có thành tích trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên Thủ đô Khối Đại học, Cao đẳng năm học 2015-2016 (Quyết định số 3420/QĐ-TNHN ngày 19/8/2016);
- Giải thưởng 26 tháng 3 dành cho cán bộ đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Quyết định số 01/XIII, ngày 20/02/2017);

Anh Lê Trung Dũng nhận Giải thưởng Khoa học Công nghệ dành cho Nhà khoa học trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2019.

- Giải thưởng Khoa học Công nghệ dành cho Nhà khoa học trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2019 (Quyết định số 2331/QĐ-ĐHSPHN ngày 13/5/2019);
- Giải thưởng Sáng tạo trẻ Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội dành cho đoàn viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học (Số khen thưởng 02/XVIII-QĐGT-TNSP ngày 12/02/2019)
- Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho giảng viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục từ năm học 2017-2018 đến năm 2018-2019 (Quyết định số 2080/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2020). 


Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tác giả: Lan Anh