Chủ tịch Hồ Chí Minh – tên thật là Nguyễn Sinh Cung (19/5/1890), sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi” là mong ước lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và Người đã dành trọn cả cuộc đời mình để thực hiện mong ước đó. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước nhà bị xâm lược, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã cảm nhận sâu sắc nỗi đau của một dân tộc mất độc lập, người dân mất tự do. Nỗi đau ấy, cùng với lòng yêu nước thương dân vô bờ bến, đã trở thành nguồn lực vô tận, thôi thúc người thanh niên mới vừa tròn 21 tuổi quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.
Ngày 5/6/1911, với tên gọi là Văn Ba, Người rời bến cảng nhà Rồng, lên chiếc tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin đi tìm đường cứu nước. Ra đi với 2 bàn tay trắng, Người đã qua nhiều nước, làm nhiều nghề để sinh sống, học tập và khảo sát cách mạng…
Tháng 7 năm 1920, Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề về dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, từ đó xác định con đường cứu nước đúng đắn – con đường cách mạng vô sản, mở đường giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối lãnh đạo cách mạng. Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người: từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản.
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc ra sức hoạt động để xây dựng và truyền bá lý luận cách mạng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản vào Việt Nam, đồng thời tích cực chuẩn bị điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến đầu năm 1930, khi các điều kiện để thành lập đảng đã chín muồi, với bí danh là Nguyễn Ái Quốc, Người đã trực tiếp triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt do Người soạn thảo – đó là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng mang tính đúng đắn, sáng tạo.
Năm 1941, Người về nước, chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng đấu tranh, thành lập mặt trận riêng của Việt Nam (Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh)… Người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần … tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Tháng 8/1945, khi cả điều kiện khách quan và chủ quan đều thuận lợi cho cách mạng, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã phát động, lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tán xiềng xích của thực dân Pháp hơn 80 năm và ách thống trị của Nhật gần 5 năm, chấm dứt gần nghìn năm tồn tại của chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một chương mới trong lịch sử dân tộc.
Sau Cách mạng tháng Tám, cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân Việt Nam giải quyết các khó khăn về đối nội và đối ngoại, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng. Ngày 19-12-1946, khi điều kiện đấu tranh hòa bình không còn nữa, Người kêu gọi cả nước tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng tháng Tám.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người giữ chức Chủ tịch Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - chiến thắng Điện Biên Phủ (1954).
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Người đã cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (đến khi Người qua đời năm 1969). Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng tháng Tám, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, thống nhất đất nước, mở ra kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc – kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Không chỉ dành trọn tâm huyết của mình để “lo nước”, mà Người còn dành cả đời để “thương dân”. Hai hình ảnh đó hòa quyện làm một, bổ sung cho nhau làm sáng lên phẩm chất, đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông trọn kiếp người”. Trong con người Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ phẩm chất của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người cũng là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa, thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; mong muốn xây dựng một nước Việt Nam mạnh giàu, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và chính bản thân Người là tấm gương tiêu biểu.
Những năm tháng kháng chiến vất vả, gian lao, dù bận rộn với công việc ở nơi tiền tuyến, Bác vẫn dành thời gian quý báu của mình ra thao trường cùng bộ đội, đến nhà máy, công trường, hầm mỏ, nông trường, hợp tác xã, trường học, bệnh viện để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, từ đó đưa ra những quyết định chỉ đạo đúng đắn.
Cả cuộc đời Người luôn luôn kiên định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Tâm sự của người cảnh vệ già Trần Viết Hoàn kể lại với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/8/2019:
Những ngày nằm trên giường bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành gần như toàn bộ tâm trí cho người dân. Khi được Trung ương mời lên An toàn khu (ATK) để đề phòng trường hợp vỡ đê sông Hồng, Người chỉ nói: "Bác không thể bỏ dân, trước hết hãy lo cho dân".
Trước nhà sàn có hai cây dừa miền Nam mà khi còn khoẻ Bác vẫn chăm bón. Có hôm, Người nói muốn uống chút nước dừa vì "nhớ miền Nam". Các chiến sĩ cảnh vệ trèo lên hái hai trái, nhưng rất mệt nên Bác chỉ nhấp được một chút.
Bác muốn nghe một câu hò Huế
Bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền
Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ
Bởi làng Sen day dứt trong tim.
Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca
Trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời
Người muốn đem tận vô cùng
Bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông.
(Lời Bác dặn trước lúc đi xa – Trần Hoàn)
9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt nói: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi". Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Quân dân cả nước đã “biến đau thương thành hành động cách mạng”, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự ra đi của Người là nỗi mất mát to lớn đối với dân tộc, nhưng Người vẫn sống mãi trong tâm trí của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Những gì Bác đã cống hiến cho đất nước, những gì Bác dành cho nhân dân đều trở thành những bài học quý giá. Bác trở thành tấm gương sáng để dân tộc noi theo.
Nhân ngày kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ đến Người, các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào và nhớ ơn vị cha già dân tộc, vị lãnh tụ tài ba đã dành cả cuộc đời để lo cho đất nước và yêu thương nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời. Vì vậy, các thế hệ người Việt Nam cần phải tích cực phát huy những giá trị ấy để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tác giả: Bùi Ngọc Duyên
Cựu học sinh chuyên Sử 2016 - 2019
Biên tập: Nguyễn Thị Nga - Tổ trưởng tổ Lịch sử