Mùa xuân không chỉ là mùa của trăm hoa đua nở, của vạn vật sinh sôi mà còn là mùa của những giá trị truyền thống hồi sinh trong lòng người Việt. Giữa những sắc đào hồng thắm, sắc mai vàng rực rỡ, giữa nhịp sống hối hả ngày Tết, có một nét văn hóa bình dị nhưng sâu lắng, gợi lên bao hoài niệm về một thời đã qua – đó là tục xin chữ, cho chữ. Đọc lại bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên trong những ngày đầu năm, ta càng thấm thía hơn vẻ đẹp của nét chữ thư pháp và những giá trị tinh thần mà phong tục này lưu giữ.

ANH1
Ông đồ trong hoài niệm.

Hình ảnh ông đồ trong hoài niệm.

Nhắc đến tục xin chữ, cho chữ, không thể không nhắc đến bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên – một tác phẩm gợi lên nỗi tiếc thương cho một truyền thống dần phai nhạt. Bài thơ mở ra bằng một bức tranh đầy sắc xuân:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.”

Từ bao đời, mỗi dịp xuân sang, người ta lại thấy những ông đồ bày nghiên mực, giấy đỏ trên phố, cẩn trọng viết từng nét chữ tặng người xin. Đó không chỉ là một hình ảnh quen thuộc của ngày Tết mà còn là biểu tượng của sự học, của tinh thần hiếu chữ, trọng nghĩa. Người đến xin chữ không chỉ mong có một câu đối đẹp treo trong nhà mà còn gửi gắm trong đó những ước vọng tốt lành cho năm mới.

"Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay"

Thế nhưng, thời gian trôi qua, cùng với sự thay đổi của xã hội, hình ảnh ông đồ dần trở nên lạc lõng:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu”

Xã hội chuyển mình, chữ Nho không còn được trọng dụng như xưa, những ông đồ từng được kính trọng nay lặng lẽ giữa dòng người thờ ơ, không còn ai mặn mà xin chữ. Chữ nghĩa vẫn đó, nhưng lòng người đã đổi thay. Hai khổ thơ cuối để lại một nỗi buồn sâu lắng và day dứt:

"Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

Bài thơ không chỉ là lời tiếc thương cho một phong tục đang phai nhạt mà còn là tiếng lòng đau đáu trước sự mai một của những giá trị văn hóa truyền thống.

Tản mạn về phong tục xin chữ, cho chữ.

 Dù trong "Ông đồ", Vũ Đình Liên gợi lên một nỗi buồn, nhưng may thay, tục xin chữ, cho chữ không hề biến mất mà vẫn được duy trì và ngày càng hồi sinh mạnh mẽ. Mỗi độ Tết đến xuân về, ta vẫn thấy những ông đồ áo dài, khăn xếp ngồi bên nghiên bút, cẩn trọng viết chữ trên những tờ giấy đỏ. Ở Hà Nội, phố ông đồ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám những ngày đầu năm luôn tấp nập người xin chữ. Ở các tỉnh thành khác, đặc biệt là những vùng có truyền thống hiếu học, tục xin chữ cũng được duy trì như một nét đẹp văn hóa ngày xuân. Tục xin chữ, cho chữ đẹp ở chữ nghĩa, nhưng còn đẹp hơn ở cái tâm của người viết và sự trân trọng của người xin. Người ta không đơn thuần xin một bức thư pháp để trang trí, mà còn gửi gắm trong từng nét chữ những mong cầu cho cuộc sống. Một người học trò có thể xin chữ “Trí” để nhắc nhở mình không ngừng học hỏi, một gia đình xin chữ “Phúc” với ước vọng an vui, một người kinh doanh xin chữ “Lộc” mong buôn bán thuận lợi. Người ta xin chữ “Nhẫn” để giữ lòng ôn hòa, xin chữ “Tâm” để biết soi mình trước những bon chen đời thường,... Những chữ ấy không chỉ mang ý nghĩa phong thủy mà còn là lời nhắc nhở về đạo làm người, về những giá trị bền vững mà mỗi cá nhân theo đuổi.

Người cho chữ – những ông đồ – cũng không đơn giản chỉ là người viết chữ đẹp. Họ là những người hiểu đạo lý, am tường ý nghĩa từng con chữ, để có thể trao cho người xin chữ một lời nhắn nhủ đúng với điều họ cần. Vì thế, chữ ông đồ cho không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn là một món quà tinh thần, một lời chúc năm mới đầy ý nghĩa. 

ANH2

ANH3
Xin chữ đầu năm- nét đẹp văn hóa của người Việt.

Giữ hồn dân tộc qua nét bút xuân.

Ngày nay, khi công nghệ phát triển, những con chữ có thể xuất hiện trên màn hình chỉ trong một cú nhấp chuột, nhưng nét chữ thư pháp vẫn mang trong mình một vẻ đẹp không thể thay thế. Mỗi nét bút mềm mại, uyển chuyển không chỉ thể hiện tài hoa của người viết mà còn chứa đựng cả tâm huyết, sự kiên nhẫn và chiều sâu văn hóa. Bởi thế, dù cuộc sống có đổi thay, tục xin chữ, cho chữ vẫn còn đó, như một mạch nguồn chảy mãi trong lòng dân tộc.

 Đọc lại "Ông đồ" vào ngày xuân, ta không chỉ hoài niệm về một phong tục đẹp của cha ông mà còn nhận ra trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông. Một chữ đẹp không chỉ tô điểm cho ngày Tết mà còn là lời nguyện cầu cho những ngày phía trước được an yên, rực rỡ như sắc đào, sắc mai. Và giữa dòng đời hối hả, ta vẫn thấy lòng ấm lại khi ngắm nhìn những tờ giấy đỏ trên tay ông đồ, để rồi nhận ra rằng, những giá trị tinh thần ấy sẽ mãi còn, như một nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tương lai.

 

Tác giả: (Hải Dương- 7/2/2025- Nguyễn Thị Lan Anh Giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Trãi)