Để các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong học tập, ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã sớm công bố cấu trúc định dạng đề thi mới.
I- 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng.
Theo phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 (Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 của Bộ GDĐT), môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy.
Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi:
Dạng thức 1: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam). Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này. Các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này.
Dạng thức 2: Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Dạng thức 3: Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Hai dạng thức trắc nghiệm mới qua thử nghiệm thực tế cho thấy phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.
Thay đổi số lượng câu hỏi/lệnh hỏi môn thi trắc nghiệm
Theo cấu trúc định dạng đề thi, thời gian thi của mỗi môn: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; các môn học khác 50 phút.
Để bảo đảm phù hợp với mục đích yêu cầu của kỳ thi, số lượng câu hỏi/lệnh hỏi cho mỗi đề thi cũng như một số vấn đề liên quan có thể được điều chỉnh khi xây dựng đề thi cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
II- Chống học thuộc lòng, chép văn mẫu.
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025, Ngữ văn vẫn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn chia sẻ: Đổi mới lớn nhất trong định dạng, cấu trúc đề thi là yêu cầu viết đoạn, bài nghị luận văn học với ngữ liệu mới. Mục đích của việc đổi mới này là chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng, chép văn mẫu; phát huy được những suy nghĩ riêng của mỗi học sinh, khuyến khích các em tự làm ra bài văn của chính mình, thể hiện suy nghĩ một cách trung thực... Từ đó, đánh giá được năng lực viết của học sinh công bằng, khách quan hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống lưu ý, giáo viên cần dạy cho học sinh biết cách viết đoạn, bài nghị luận văn học một cách thuần thục.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp Trung học Phổ thông, yêu cầu viết nghị luận văn học tập trung vào kiểu bài phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học (lớp 10); lớp 11 mở rộng ra viết bài nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng; lớp 12 tập trung chủ yếu vào kiểu bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học.
Như vậy, kiểu bài so sánh 2 tác phẩm ở lớp 12 sẽ là một trọng tâm của yêu cầu viết. Tuy nhiên, trong rèn luyện và kiểm tra, đánh giá, học sinh vẫn phải làm kiểu bài phân tích, đánh giá tác phẩm văn học gắn với các thể loại được học.
Khi dạy cho học sinh cách viết, giáo viên nên tập cho các em viết đoạn theo 3 phần (dạng tổng-phân- hợp). Đấy không chỉ là luyện cách viết mà còn rèn luyện tư duy rõ ràng, mạch lạc.
Quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025:
Từ những đổi mới này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh lưu ý: Để đảm bảo chất lượng giáo dục, việc dạy học ở các nhà trường phải đảm bảo sao cho học sinh đạt được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực được quy định ở Chương trình tổng thể và các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Dạy và học phải thực chất, dạy học không chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, bước đầu giải quyết được các vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo những kiến thức, kĩ năng đã học.
Để đánh giá được năng lực của học sinh, giáo viên phải thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực của mình. Trong đánh giá năng lực người học, có thể vận dụng các dạng thức mới về câu hỏi thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, kết hợp với các hình thức đánh giá khác.
Nguòn: Bộ Giáo dục & đào tạo.
Tác giả: Lan Anh tổng hợp