Bài viết nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)

 Một lá thư đặc biệt giữa hàng trăm bức thư thời chiến

Trong hàng trăm bức thư thời chiến được sưu tầm và giới thiệu trong cuốn “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (NXB Công an Nhân dân, 2015) do Đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng biên soạn, có một lá thư đặc biệt chạm đến trái tim bạn đọc. Đó là thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – người lính trẻ- vốn là sinh viên xuất sắc khoa Toán - Cơ ra đi từ giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội, gửi cho người yêu – cô nữ sinh Phạm Thị Như Anh – với một lời hẹn lạ lùng và cảm động: “Đúng ngày 30/4/1975 sẽ trả lời câu hỏi ‘Hạnh phúc là gì?’”.

anh
                          Ảnh: chân dung liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc

Lời hẹn kỳ lạ và sự trùng hợp lịch sử đầy ám ảnh

   Giữa chiến tranh khốc liệt, khi tương lai còn là ẩn số, người lính trẻ ấy vẫn viết nên lời hứa đẹp như mộng. Và sau này, khi lịch sử khép lại một chương đau thương vào đúng ngày 30/4/1975, người ta mới giật mình nhận ra đó không chỉ là lời hẹn của một đôi lứa, mà còn là tiếng vọng tâm linh của cả một thế hệ đặt trọn niềm tin vào ngày hòa bình.

 53 năm kể từ ngày người lính trẻ ngã xuống

Nguyễn Văn Thạc hy sinh ngày 30/7/1972 trong trận chiến ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị, khi tuổi đời vừa tròn 20. Kể từ thời khắc bi tráng ấy, đã tròn 53 năm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những trang thư của anh – từng dòng, từng chữ – vẫn ấm nóng, như vừa viết hôm qua.

Tình yêu sâu sắc và sự thủy chung thầm lặng

Chị Như Anh – người nhận những bức thư ấy – đã giữ chúng như báu vật. Không ai ngoài chị được đọc, kể cả người chồng sau này, dù ông rất giỏi tiếng Việt. Đó là một sự giữ gìn kín đáo và sâu sắc, thể hiện sự trân trọng với quá khứ, với một tình yêu khắc cốt ghi tâm trong những năm tháng chiến tranh.

anh1
Ảnh: chân dung Nguyễn Văn Thạc và Như Anh

Từ chuyện riêng hóa thành khát vọng dân tộc

Chỉ đến khi cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” được công bố – cùng với “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” – và trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2005, công chúng mới được chạm tới một phần thiêng liêng trong câu chuyện tình và lý tưởng của những người trẻ thời chiến. Lá thư mang lời hẹn “ngày 30/4/1975” trở thành một biểu tượng kỳ lạ và cảm động cho khát vọng thống nhất.

 Những dự cảm kỳ lạ và lý tưởng sống mãnh liệt

Trong những bức thư khác, Thạc viết về giấc mơ lớn, muốn viết một tác phẩm để đời như “Chiến tranh và hòa bình”, nhưng cũng gửi gắm ở Như Anh niềm tin vào tương lai: “Như Anh là ngày mai, là tương lai của Thạc.” Đó là cách người lính trẻ truyền lại ngọn lửa sống, khát vọng cống hiến và niềm tin vào thế hệ sau.

Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” và hành trình tiếp nối lý tưởng

Khi Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” được thành lập, chính gia đình chị Như Anh đã nhường một căn phòng nhỏ tại số 72 Nguyễn Du (Hà Nội) làm nơi hoạt động đầu tiên. Một hành động giản dị nhưng giàu ý nghĩa – từ kỷ vật tình yêu hóa thành nơi gìn giữ lý tưởng và lan tỏa giá trị sống của cả một thế hệ.

 Hạnh phúc – không chỉ là riêng tư, mà là lý tưởng lớn lao

Thạc từng viết: “Hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi.” Với anh, hạnh phúc không tách rời khỏi trách nhiệm với Tổ quốc. Và như thế, ngày 30/4 – ngày đất nước liền một dải – không chỉ là mốc lịch sử vĩ đại, mà còn là thời khắc một lời hứa riêng trở thành hiện thực của cả dân tộc.

anh3
Ảnh: Tập nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” trở thành sự kiện văn hóa nổi bật ngay từ khi mới ra đời- năm 2005 và đã được tái bản nhiều lần với số lượng xuất bản lớn.

Hạnh phúc là ngày non sông liền một dải   

    Những lá thư đã khép lại. Người lính năm xưa đã nằm lại trong lòng đất mẹ suốt 53 năm, tuổi hai mươi mãi mãi dừng lại trên trang giấy, nhưng tình yêu, lý tưởng và niềm tin mà anh để lại vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Lá thư cuối cùng Nguyễn Văn Thạc gửi cho Như Anh không chỉ là lời từ biệt người yêu, mà còn là lời chào vĩnh biệt gửi đến tuổi trẻ, gửi đến Tổ quốc, gửi đến thế hệ mai sau.

    Lời hẹn “Ngày 30/4/1975 sẽ trả lời em, hạnh phúc là gì?” có lẽ chưa bao giờ cần được diễn giải. Bởi chỉ cần nhìn vào lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập hôm ấy, chỉ cần nghe tiếng reo vui khắp dải đất hình chữ S, chúng ta đều hiểu: hạnh phúc là ngày non sông liền một dải, là khi máu xương không rơi vô nghĩa, là khi lời hứa của người lính được viết tiếp bằng chính sự toàn thắng và trường tồn của dân tộc.

     Ngày hôm nay, giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại, giữa những dòng chảy hối hả của thời gian, những trang thư thời chiến ấy vẫn tiếp tục được gìn giữ và lan tỏa như một cách tri ân thầm lặng. Bởi trong từng con chữ còn thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của một thế hệ đã đi qua chiến tranh. Họ đã yêu, đã sống, đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và đã hy sinh bằng tất cả những gì đẹp đẽ nhất cho Tổ quốc. Chính họ là những tấm gương sáng, truyền động lực, động viên thế hệ trẻ hôm nay biết sống sao cho xứng đáng, sống hết mình, sống cống hiến, có trách nhiệm với quê hương, đất nước.

    Đã 53 năm trôi qua kể từ ngày liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị đỏ lửa, nhưng khúc ca khải hoàn anh để lại cho Tổ quốc – bằng cả trái tim yêu, bằng cả sự dũng cảm – vẫn vang vọng mãi giữa trời đất non sông. Và hạnh phúc – như anh từng viết – chính là niềm vui chung của cả dân tộc, là ngày 30 tháng 4 năm 1975 – một ngày làm nên lịch sử, một ngày mà mỗi người dân Việt Nam không bao giờ lãng quên.

 

 

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh GV Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.