Nhìn kí túc xá trường mình giờ, thấy thương mình ngày xưa quá. 

Thương bao nhiêu đùm túm thuở đói nghèo.

Những bữa cơm nội trú 

Ngày mình học ở trường chuyên, mình ở nội trú cùng các chị, sau này còn có cả các bạn nữa. 

Ở nội trú nghĩa là ở tập thể, ăn tập thể, trông nhau mà sống, và thương nhau. 

Chuyện ở nội trú thì nhiều, nhưng ở đây mình chỉ muốn nói riêng về bữa ăn thôi. 

Cơm tập thể ăn theo nhóm, mỗi nhóm 5 người. Mỗi ngày chúng mình được các chị nhà bếp (chị Nga và chị Dung) nấu cho hai bữa cơm, trưa và tối. Thường thì cứ hết tiết 3, chậm lắm thì hết tiết 4 là các chị chia cơm xong. Cũng có nghĩa là hết tiết 4, chúng mình có thể xuống bếp lấy cơm về ăn.

Bữa ăn của chúng mình gồm một xoong cơm (với một miếng cháy bằng bàn tay ấp lên), một xoong canh (bắp cải, cà chua, rau muống luân phiên, theo mùa, và thường là... loãng, kiểu canh toàn quốc) và một đĩa thịt kho hoặc đậu sốt cà chua hay đậu rim nước hàng (thứ nước chế từ kẹo đắng và muối). Cơm thì thường dư, vì con gái ăn ít. Đổ đi thì tiếc. Cuối cùng chúng mình tính toán để tiết kiệm. Cái sự tính toán ấy là 5 người nhưng chỉ báo 4 suất ăn thôi. Một suất dư ra ấy, mỗi tháng một đứa được lấy. Nó gồm có 15 ngàn đồng và 15kg gạo. Bọn mình vẫn về quê mang lên để đóng góp. Nhưng đến lượt đứa nào lấy thì 15kg gạo đó sẽ mang ra chợ bán lấy tiền, cộng với khoản tiền 15 ngàn kia sẽ được một món kha khá. Để hoặc may quần áo, hoặc mua sách vở. Mình còn nhớ, mình may được một cái quần vải tô-bê-can kẻ sọc và một áo vải phin màu lòng tôm. 

Năm người ăn bốn suất, cơm canh đủ nhưng thức ăn dĩ nhiên là thiếu. Chúng mình góp tiền mua hành về rồi dùng chút mỡ lợn mang từ quê lên, phi thơm, hoà nước muối đằm đằm đổ vào, đun lên thành một thứ sền sệt, mằn mặn làm thức ăn. Sang ra, có người được mẹ làm cho lọ muối vừng mang lên thì coi như được cải thiện. 

Mình nhớ, có lần chúng mình hết tiết 5 mới xuống nhà ăn. Cơm canh còn nguyên, nhưng thịt thì... Thế là chúng mình đổ nồi canh vào nồi cơm, mỗi đứa một cái thìa xúc ăn ngon lành. Vô phúc là đúng lúc ấy cô Loan vào, chứng kiến cảnh ăn uống chả giống ai ấy. Hôm sau ra lớp, cô bảo mấy cô nội trú ăn uống (...). Mình không nhớ lúc đó cô dùng từ gì, chỉ nhớ là chúng mình cũng hơi xấu hổ. 

Rồi chúng mình có học bổng. Học giỏi (nghĩa là đứng từ thứ 1 đến thứ 15 trong lớp) thì được 15 ngàn. Học bình thường thì được trợ cấp 11 ngàn. Có tiền, ngoài bữa chính, chúng mình còn ăn vặt. Sắn luộc, ngô luộc, khoai luộc, bánh rán, xôi, sang nhất là bánh mì pa-tê. Nói tới bánh mì pa-tê, mình lại nhớ vụ thách đố một nàng ăn hết 10 cái. Ăn được thì bọn mình góp tiền trả. Không ăn được thì nàng ta phải trả tiền bánh mì cho bọn mình. Vụ đó, quái quỷ là mình không nhớ thắng thua thế nào, hay có diễn ra không, chỉ còn lại ấn tượng về những trận cười rất vui vẻ, sảng khoái. 

Những bữa ăn nội trú thời toàn dân nghèo đói, thời bố mẹ chúng mình hoặc nghèo, hoặc nghèo đói, đã trở thành một kí ức không thể nào quên. 

Bây giờ nhớ lại, mình vẫn còn nguyên cái cảm giác hẫng hụt khi bốn người ăn mà đĩa chỉ có ba miếng thịt, phải lấy thìa dầm nát miếng thịt ra rồi trộn muối.

Bây giờ nhớ lại, mình vẫn còn nguyên cái cảm giác đói khát, vục thìa vào nồi cơm canh trộn lẫn, xúc ăn ngon lành. 

Bây giờ nhớ lại, mình vẫn còn cảm giác về nồi cơm sau tiết 5 đã nguội ngắt, và nồi canh nước đã trong veo.

ANH1
Lớp cô Huyền chụp cạnh mái ngói bếp ăn và mấy phòng nội trú

Nội trú, lúc thư nhàn

Học trường chuyên nhưng không phải lúc nào bọn mình cũng cắm đầu cắm cổ học bài (như thế sẽ thành một bọn thần kinh mất). Cũng có lúc bọn mình nhàn nhã hoặc cố tình nhàn nhã bằng cách kệ bài không thèm học. Bởi bọn mình cũng là người chứ có phải mọt sách đâu.

Lúc thư nhàn, bọn mình làm gì nhỉ?

Bọn mình ra cửa hóng u bán sắn, bán bánh rán (có ai nhớ tên u không?).

Bọn mình bắc ghế ngồi ra cửa nói chuyện tào lao.

Bọn mình sổ tóc ra vạch đầu như khi người ta bắt chấy cho nhau. Mình rất thích trò này. Vì mình hay bị đau đầu. Khi có người vạch tóc như thế, cảm giác rất dễ chịu. Một lần, bạn Tú (nội trú còn gọi bạn ấy là Tú Bà, chả hiểu tại sao) đi qua nhìn thấy và ném lại một câu: “Chấy là một đặc điểm của phụ nữ!”
Bình thường, phòng nam và phòng nữ rất hay cãi nhau, mà toàn vì những lí do tam đơ, chả đâu vào đâu cả. Nhưng không hiểu sao có một dạo tự dưng con trai con gái nội trú lại trở nên thân thiết hơn, chung sống hòa bình hơn. Khoảng thời gian đó, khi kéo ghế ngồi ra ngoài hành lang tầng 2, bọn mình được nghe bạn Tú kể chuyện ma. Lúc đó mới biết bạn ấy quả thực là một cái kho không biết đâu là đáy. Hình như từ đấy, chúng mình ngấm ngầm gọi bạn ấy là cuốn bách khoa toàn thư của khu nội trú.

Lúc thư nhàn, bọn mình có trò gì vui?

Bọn mình dò la xem ai yêu ai, ai đang thích ai, ai có cảm tình với ai.

Lục trộm hòm của chị Hồng để đọc thư anh Ánh mãi rồi. Tình yêu của một người với một người, có hấp dẫn đến đâu cũng chỉ là với chính họ, chứ sao có thể mãi mãi có sức hấp dẫn với người khác. Bọn mình cần món mới. Thế nên, khi nghe phong thanh chuyện bạn S thích em H phòng mình, bọn mình tò mò lắm. Tò mò bởi không biết chúng nó đã có gì với nhau chưa. Rồi ai đó nghe ở đâu đó nói rằng khi người ta nằm ngủ mà nói mê thì chỉ cần nắm tay người ta và hỏi điều mình cần biết, người ta sẽ khai ra bằng hết. Thế là bọn mình ủ mưu rình cơ hội khai thác em H. Rồi dịp may đến, em H ngủ trưa. Mình ngồi bên cạnh, tay nắm vào tay em ấy. Rình mãi, rình mãi mới thấy em ấy cựa mình. Mình bắt đầu hỏi. Câu thứ nhất, không thấy em ấy nói gì. Câu thứ hai, vẫn không thấy em ấy nói gì. Câu thứ ba, em ấy mở mắt ra và nói: em biết các chị muốn biết điều gì, nhưng các chị đừng làm thế chứ. Ôi trời, có đi ăn cắp bị bắt quả tang chắc mình cũng chỉ xấu hổ đến thế là cùng. 

Lúc thư nhàn, bọn mình ngồi nói chuyện gì với nhau?

Nhiều lắm. Trên trời dưới bể, chuyện nọ xọ chuyện kia, lan man không đầu không cuối. Tỉ như có lần áp tết, bọn mình bắt đầu nói về chuyện các món ăn ngày tết để xuýt xoa này kia đó nọ. Rồi lang bang thế nào mà bạn Oanh còi nói đến chuyện sau này tao không lấy chồng bởi tự dưng phải đi theo một thằng lạ hoắc, chẳng có họ hàng gì mà phải hầu hạ phục dịch nó hơn hầu bố mình thì không thể chấp nhận được. Thế là cả lũ lại ồ lên đúng đúng. Khổ, bốn đứa ế chỏng chả ma nào nhòm ngó ngồi khẳng định như đinh đóng cột chuyện sau này không thèm lấy chồng. Tự tin thế không biết. 

Có lần, đang nói chuyện thì cô Loan vào kiểm tra (thỉnh thoảng cô lại vào kiểm tra “bốn cô nội trú”, có lẽ bởi cô không tin tưởng bọn mình). Thoáng thấy bóng cô, bọn mình đứa nào đứa nấy vồ vội lấy cuốn sách làm như mình đang ngồi học. Khi cô đi rồi, mình phát hiện ra mình đang cầm sách ngược. Không biết lúc đó cô có nhìn ra không. Sau này, biết bọn mình sợ cô Loan, thỉnh thoảng, mấy đứa khóa sau cứ đang yên đang lành lại hô lên “Các chị ơi cô Loan đến!” khiến bọn mình lại được phen hốt hoảng nháo nhào. Một trong những đứa ấy giờ dạy cùng trường với mình. Thỉnh thoảng ngồi với nhau, chúng mình lại nhắc chuyện ngày xửa ngày xưa. Cho đỡ nhớ. Cũng là cách để những câu chuyện tào lao ngày ấy được nối dài cho đến tận bây giờ. Cũng là cách để chúng mình giữ mãi những trẻ trung vui vẻ hạnh phúc thời bé dại.

ANH2
Lớp 8 Văn của cô Huyền ( thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng cô giáo chủ nhiệm Diễm Loan năm học 1987 - 1988

Một lần bị ốm 

Đó là năm 1987, khi mình học lớp 8.

Ngày ấy, khu nội trú của trường chưa có nhà vệ sinh riêng, bọn nội trú chúng mình khi có nhu cầu phải sang khu vệ sinh của học sinh bên trường Ngô Gia Tự. 

Nếu ban ngày thì cũng chẳng có vấn đề gì ghê gớm lắm, chỉ cần cố gắng để tránh dẫm vào chỗ bẩn (khu vệ sinh chung thời xưa, những năm 80 của thế kỷ XX, ai cùng thời chắc biết). 

Nhưng ban đêm... 

Tối. 

Bởi làm gì có đèn, điện. 

Chỉ có ánh trăng mờ mờ soi và cảm giác về đường đi thôi. 

Sang khu vệ sinh bên đó là phải đi qua một cửa ngách giữa hai trường (nói cửa cho oai, thực ra là một đoạn tường chưa được xây bít lại, chừng 60 - 70 cm, đủ cho một người thoải mái đi qua). Qua cửa ngách đó là một cái sân rộng, góc trái có cây đa rất to, khu vệ sinh ở phía tay phải. 

Lần đó, nửa đêm mình bị đau bụng. Và từ đêm đến gần sáng, có tới 5 - 6 lần mình phải lần mò đi sang bên đó. Ừ, tối, lạnh, và sợ, nhưng không thể không đi sang. Một mình thôi. Vì các chị cùng phòng đang ngủ say, mình ngại không dám gọi ai đi cùng. Từ bé, mình đã ngại phải làm phiền người khác. Vậy là cắn răng vào mà đi qua khoảng sân rộng, đi bằng nỗi run rẩy của cơ thể mệt mỏi và tâm trí sợ hãi. 

Rồi trời cũng sáng. Và mình lả đi. Các chị biết chuyện. Một chị mắng. Một chị dọa rằng cây đa bên ấy có bảy con yêu tinh trấn trên bảy cành đa đấy.Nhưng yêu tinh thì yêu tinh, đi thì vẫn phải đi chứ biết làm sao. Lúc ấy mệt quá, mình không nói được gì, cứ nằm lịm đi. 

Rồi u Cung (y tá của trường) vào, mình được cho mấy viên thuốc. Uống thuốc rồi, mình không còn đau bụng nữa, nhưng người cứ lả lướt, không còn sức lực. May, vừa đúng là cuối tuần, nên thầy Thanh bảo anh Dũng (quê ở thị trấn Cẩm Giàng) đưa mình về. 

Hai anh em đi tàu, có mua vé mà không có ghế ngồi, phải đứng ở khoang nối giữa hai toa. Suốt đường đi, hai anh em chả nói với nhau câu nào. Tàu về ga, hai anh em xuống. Anh Dũng nói mình đứng chờ rồi chạy về nhà anh ấy lấy xe đạp chở mình về. Nhà mình cách ga Cẩm Giàng 4km. Suốt đường đi, anh ấy cũng chả nói câu gì, cứ lặng lẽ đạp xe. Đến cổng nhà mình, mình xuống xe, bảo anh ấy vào nhà uống nước, anh ấy nói mỗi từ "thôi" rồi vù đi. 

Mình bước vào nhà, mẹ đi đâu đó chưa về, chỉ có bố và các em. Mình chỉ nói "bố ơi" rồi oà lên khóc nức nở, rồi lại lả đi. 

Lần ấy, mình phải tiêm. Cô mình tiêm cho vì cô là y tá của trạm xá xã. Khi cô rút mũi kim ra khỏi tay mình, mình lại lả đi. Về sau mẹ mình kể, lúc đó mẹ mình sợ lắm. Vì trong làng từng có một cô bị ốm, phải tiêm, khi rút mũi kim ra là cứ thế lịm đi rồi chết. Nhưng mình chỉ lịm đi thôi, không chết, vì nếu mình chết thì làm sao ngồi đây kể lại câu chuyện nhạt nhẽo này. Mình không chết, nhưng phải phục thuốc rất lâu. Một trong những thứ mình được uống hồi đó là rễ cây đinh lăng. Mẹ mình vào làng, xin những cây đinh lăng mà người ta đã cắm quanh nhà trên dưới chục năm, đào lấy củ, rễ, về rửa sạch, thái lát rồi sắc nước cho mình uống, sao với đường cho mình ăn. Sau đó, mình xuống trường với một bọc đinh lăng sao tẩm đường, như mứt ngày tết. Mẹ mình còn mang theo hơn chục quả trứng gà gửi ở hàng bánh cuốn hấp đầu phố Nguyễn Văn Tố, nhờ bà chủ quán mỗi sáng luộc cho mình một quả để ăn cho có sức. Mình chả hiểu sao không có tiền ăn bánh cuốn mà ngày nào bà chủ ấy cũng luộc trứng giúp mình. 

Trận ốm qua đi, không biết do mấy quả trứng, do bọc rễ đinh lăng hay do đến tuổi dậy thì, có sức bật, mà mình khôi phục dần, đỡ xanh xao hơn (dù thật ra sang năm lớp 10, khi trường cho học sinh khám sức khỏe, mình mới được 1m32 và 28kg). 

Cái còn lại của trận ốm lần ấy, cho đến giờ và có thể mãi sau này, là cảm giác khủng khiếp khi một mình đi sang trường Ngô Gia Tự giữa đêm, là những tiếng cót két của bánh xe và sự im lặng của anh Dũng suốt một đoạn đường bốn ki lô mét, là tiếng nức nở của mình khi nhìn thấy bố và các em, là bọc đinh lăng và những quả trứng gà mẹ chuẩn bị cho con gái. Nhờ tất cả những điều đó mà mình sống đến bây giờ.

Gia đình nội trú

Ở nội trú là những học sinh từ dưới quê lên. Bây giờ, lớp 10 các bạn mới vào trường. Chúng mình ngày ấy bé hơn, bé lắm. Bởi trường mình hồi đó có từ cấp 2. Chuyên toán từ lớp 6, chuyên văn từ lớp 8. Trẻ con lớp 6 giờ ngủ có mẹ mắc màn, ăn có mẹ gắp thịt gỡ cá cho, đi học thì bố mẹ đưa đón. Chúng mình ngày ấy đi một thôi đường từ quê lên thành phố, lúc đầu có bố mẹ đưa đón, về sau chỉ một mình.

ANH3
Chị em nội trú với cô Huyền ( ở giữa hàng trên)

Còn bé, nên hay nhớ nhà. Lúc nhớ nhà lại nằm i ỉ khóc. 

Còn bé, nên đi tắm không múc nổi nước, giặt cái quần cái áo không nên hồn.

Còn bé nên cái gì cũng không biết.

Ở nhà, chúng mình có bố mẹ bảo ban, nhắc nhở, và làm cho những việc chúng mình chưa biết, chưa thạo, chưa đủ sức làm.

Đến ở nội trú, bọn con trai thì có các anh, bọn con gái thì có các chị. Các anh thế nào mình không biết, nhưng các chị thì yêu chiều các em bé lắm. Mình lớp 8, phòng có cả các chị lớp 10, 11, 12. Đi ăn các chị gọi đi. Đi tắm các chị múc nước dưới bể lên cho. Giặt quần áo có khi các chị cũng vò giúp. Về thì các chị đưa ra tận ga tàu sợ mình đi lạc. Cho đến khi mình tự làm được tất cả mọi việc, một mình.

Và gia đình nội trú của chúng mình cũng như mọi gia đình nghèo mà đông con khác. 

Nghèo, nhưng miếng ăn nào chúng mình cũng chia sẻ cho nhau, nhất là những miếng ăn mang từ quê lên như mấy quả khế, quả ổi, lọ muối vừng. Nói miếng ăn lại nhớ chuyện buồn cười. Nhà mình có cây khế ngọt, quả rất to. Có lần mình về quê mang lên mấy quả, cả phòng chia nhau ăn. Lúc đầu, chúng mình gọt rìa múi khế rồi xắt miếng chia nhau. Ăn hết vẫn thấy thòm thèm, một bạn bảo ai gọt mà lãng phí thế, bèn lấy dao định “gọt” lại, nhưng thấy không bõ, mới bỏ luôn vào miệng ăn, và vẫn thấy ngon như thường. Rồi có lần, mình mang lên mấy quả ổi, lại đúng dịp tuần rằm gì đó nên mấy chị em rủ nhau sang chùa Phong Hanh thắp hương lễ Phật. Thắp hương dâng lễ xong, lúc xin lộc, chúng mình để lại chùa một quả ổi và được sư Hương cho hơn chục quả chuối mang về. Ra đến cổng chùa, chị em cười hi hí nói hôm nay chúng mình lãi quá.

ANH4
Những người bạn lớp 12 Văn cùng ở nội trú với cô Huyền (ngoài cùng bên trái) năm 1991

Gia đình, dĩ nhiên không phải chỉ có lúc hòa thuận, ấm êm. Chúng mình cũng cãi nhau, cũng giận dỗi. Con gái với con gái giận dỗi. Bạn cùng lớp ở cùng phòng dỗi nhau. Chị lớp trên với em lớp dưới cũng dỗi quay mặt đi mấy ngày không thèm nói chuyện. Có ti tỉ lí do để dỗi, để giận, để thậm chí cãi nhau. Tỉ như chỉ vì mình tham dự cuộc thi sáng tác bị các bạn trêu là mầm non văn học, thế là mình dỗi. Tỉ như chuyện gán ghép các “đôi” giữa bạn nữ này với bạn nam nọ, cũng dỗi. Tỉ như quên rủ nhau đi học, cũng dỗi. Dỗi vài ngày lại làm hòa. Có lần mình dỗi một bạn, dỗi nhiều ngày. Rồi mình về quê. Rồi lúc lên mang theo mấy quả ổi. Rồi mình quyết định làm hòa với bạn, hẹn bạn ra một nơi. Lúc đi, mình mang theo con dao và quả ổi. Nói qua nói lại một hồi, chúng mình quyết định xí xóa rồi ngồi bổ ổi ăn với nhau, ăn hết thì về, bụng nặng mà lòng nhẹ nhõm. Sau này các bạn cùng phòng bảo, lần ấy chúng tao sợ quá, tưởng mày mang dao đi xử nó.

Con gái với con gái thì dỗi nhau. Con gái với con trai thì cãi nhau. Trêu nhau xong rồi cãi nhau. Hắt nước vào nhau, cãi nhau. Khoét tường ném đồ linh tinh sang, cãi nhau. Rồi chẳng đâu vào đâu cũng cãi nhau, kiểu đi qua không chào, nhìn thấy đang làm không giúp. Vân vân. Trong kí ức của mình chỉ có chuyện cãi nhau giữa con trai và con gái. Ai dè, gần ba mươi năm sau gặp lại, các bạn mới kể cho mình nghe về những chuyện tình, rằng bạn B thầm yêu bạn T, bạn N đã tỏ tình với bạn B. Vân vân. Hóa ra, có mỗi mình ngờ nghệch, chả biết gì. Thảo nào, nhiều bạn nam trong khu nội trú, khi có bạn nữ nào đó nhắc đến mình, thì cứ ớ ra con bé ấy là đứa nào nhỉ sao tớ không biết. 

Và, vì là người trong một gia đình, nên những tổn thương gây ra cho nhau sẽ để lại vết, rất sâu. Với người ngoài, đánh nhau vỡ đầu, thậm chí bội bạc phản phúc vẫn có thể bắt tay làm hòa được, vì một lợi ích nào đó. Nhưng với người trong nhà, càng thân thiết, càng đặt nhiều tình cảm, thì khi lỡ làm một điều gì đó, lỡ nói một câu không phải, là có thể sẽ giận rất lâu, giận rất nhiều, và dù đến lúc trong lòng hết giận rồi thì ngoài mặt vẫn làm như đang còn giận.

Mình nói vậy, chẳng biết có ai hiểu không?

Nội trú, ra đi và trở lại

Mình rời nội trú đầu năm 1991, khi chưa kết thúc năm học cuối của bậc học phổ thông. Lí do là để ra ở nhờ nhà một người họ hàng. Để được ăn uống đầy đủ hơn, để đảm bảo sức khỏe cho việc thi cử, vân vân. Tuy nhiên, mãi sau này mình vẫn luôn hối tiếc vì quyết định đó.

Rời nội trú, mình không còn được cãi cọ, giận hờn, làm lành với những người bạn.

Rời nội trú, mình không còn được bắc ghế ra hành lang ngồi nghe các bạn hát, kể chuyện, và trêu chọc nhau.

Rời nội trú, mình không còn được dự phần vào cuộc sống nơi đây, vốn dĩ vô cùng nhiều màu sắc.

Mình tiếc ngấm tiếc ngầm, tiếc đau tiếc đớn.

Nhưng trót rồi, không thể quay đầu lại.

Mình đi.

Sáu năm sau, mình trở về.

Nhưng không phải với tư cách một cô học sinh như trước, mà với tư cách một giáo viên được tuyển về, chưa có chỗ ở nên nhà trường cho mượn một căn phòng ở tạm.

Lúc này, trường học đã chuyển ra bờ hồ Bạch Đằng, trường cũ lại trở về là khu nội trú cho cả học sinh và giáo viên.

Ở nội trú khi ấy có gia đình cô Loan thầy Tuấn, có thầy Tố, thầy Vĩnh, và mình.

Ngày đầu trở về, mấy học sinh nam trong khu nội trú giúp mình khuân đồ, kê giường. Một cậu học sinh khiến mình ấn tượng mãi là cậu Quyết. Không phải vì cậu ta giỏi làm thơ, cũng không phải vì cậu ta nhiệt tình, mà vì cậu ta đã nhắc nhở mình: cô về trường phải cẩn thận đấy, học sinh trường mình hay trêu giáo viên mới. Mình nói hồi cô dạy bên Hưng Yên, học sinh cũng nghịch lắm. Cậu ta nói tiếp, học sinh trường mình trêu kiểu khác. Mình bảo cô biết rồi, cô từng học ở trường này bốn năm. Thế là cậu ta không nói gì nữa.

Ở nội trú, các phòng đều đã có người ở rồi. Chỉ còn duy nhất một phòng ở cuối dãy. Một tường giáp chuồng lợn nhà dân, một tường giáp nhà vệ sinh nam, mở cửa nhìn ra nhà vệ sinh nữ. Nền đất ẩm. Mình đạp xe ra Cầu Cất mua 10kg vôi củ về ném vào gầm giường. Mấy hôm sau đã thấy bở tung, trắng xóa. Sợ nhất là mùi nhà vệ sinh. Ám ảnh kinh khủng.

Rồi nội trú chuyển sang khu Trại cá. Không còn ám ảnh mùi nhà vệ sinh nữa. Nhưng cái cảm giác thầy cô và học trò chờ nhau ở khu vệ sinh cũng thật khó quên. Và nhà cũ, ngói mục, trời mưa là dột.

Sang khu mới, ngoài mấy giáo viên cũ thì có thêm gia đình thầy Dương, hộ độc thân của thầy Nhiễu, thầy Phú, thầy Cường, cô Mị. Mấy cô cháu rủ nhau trồng được một vườn rau. Vui lắm. Nhưng đúng đến lúc sắp được thu hoạch thì phải phá đi để trường xây thêm một dãy nhà. Tiếc đứt ruột.

Ở nội trú, mình vẫn cùng các cô đi chợ, nhặt rau, nấu cơm. Một hôm, cô Loan hỏi mình: này, sao tớ thấy cậu làm thơ mà vẫn nói năng như người bình thường thế?

Kỉ niệm vui nhất là một lần mấy giáo viên bắt được một con cá chép khá to ở cái mương nước sau dãy nhà ở của chúng mình. Các cô trổ tài nấu cháo cá. Có lẽ trong suốt những tháng năm ở nội trú, mình chưa từng tham dự một bữa ăn nào thú vị như thế.

Rồi cuộc sống khấm khá lên. Các thầy cô bắt đầu lần lượt mua nhà ra ngoài. Mình cũng rời khu nội trú năm 1999.

Rời đi, nhưng thỉnh thoảng lại trở về, khi bằng những bước chân, khi bằng tâm trí.

Bởi, một phần đời của mình ở đó.

Và bởi một phần trái tim mình vẫn đặt ở đó, chẳng bao giờ rời đi.

Tác giả: Nguyễn Thanh Huyền       

Cựu học sinh chuyên Văn niên khóa 1988 - 1991