Tết đến xuân về, chắc hẳn các bạn đều đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quần áo mới để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề. Nhưng liệu bạn có thực sự hiểu hết về ngày Tết này chưa? Nếu chưa, hãy cùng chúng mình khám phá một số sự thật thú vị mà có thể các bạn chưa biết (hoặc rồi) về Tết Nguyên Đán nhé!

1. Tên gọi Tết Nguyên Đán

Bạn có biết cái tên “Nguyên Đán” từ đâu mà có không? Ngày xưa chúng ta bị phương Bắc (tức Trung Quốc) đô hộ hơn 1000 năm, vì thế mà nền văn hoá của chúng ta cũng bị ảnh hưởng khá nhiều từ họ, kể cả chữ nghĩa. Cái tên “Nguyên Đán” là phiên âm từ tiếng Hán có nghĩa tết “bắt đầu buổi sáng”, một cái tên trong lành, bình yên.

2. Lễ cúng ông Công ông Táo

Dân gian quan niệm rằng, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn thần Bếp (hay còn gọi là ông Táo) về trời. Trong ngày này, các gia đình thường thu dọn nhà cửa và bếp núc sạch sẽ để khi lên thiên đình, ông Táo sẽ báo cáo những điều tốt đẹp trong năm cũ và cầu xin một năm mới may mắn, bình an.

Theo truyền thuyết thì hàng năm, ông Táo đều cưỡi cá lên chầu trời. Chính vì vậy, lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp sẽ được đặt trong bếp và không thể thiếu những con cá chép.

3. Sự tích lì xì

“Lì xì” đầu năm là một phong tục truyền thống, một nét đẹp văn hóa của người phương Đông với mong muốn mang lại nhiều may mắn cho mọi người trong năm mới. Tục “lì xì” là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới. Có câu chuyện tương truyền rằng, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm Giao Thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có trẻ nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình. Và màu đỏ chính là màu giúp những con yêu quái tránh xa những đứa nhỏ. Vì thế nhiều người cho rằng những bao lì xì đỏ sẽ mang lại may mắn và những điều tốt lành cho năm mới.

4. Không quét nhà trong 3 ngày Tết

Từ nhỏ bạn có được ông bà mình dặn dò tết không được cầm chổi quét nhà không? Người xưa quan niệm rằng 3 ngày của dịp tết, những thứ trong nhà điều là tiền tài của cả năm. Thế nên họ cấm kỵ không được quét "tiền" ra khỏi nhà, nếu không thực hiện theo thì cả năm gia đình sẽ túng thiếu.

5. Ăn tết cho ra ăn tết

Đối với mọi người, Tết là một ngày lễ đặc biệt vì đó là khi gia đình quây quần bên nhau. Cả năm trời có thể “ăn chắt mặc chiu”, nhưng đến Tết ai ai cũng xem trọng việc ăn ngon. Quan điểm ngày Tết phải ăn những món ngon nhất, mặc đồ đẹp nhất đã tạo nên khái niệm “ăn Tết”.

6. Cúng giao thừa

Cúng giao thừa là nét văn hóa không thể thiếu đối với người Việt. Đây được xem là thời khắc chuyển giao giữa các vị thần cai quản năm cũ bàn giao nhiệm vụ cho vị thần năm mới. Cúng giao thừa trong dân gian cũng được coi như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới, xin các vị thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc. Chính vì thế, mọi gia đình đều phải chuẩn bị một mâm cỗ để bày tỏ lòng biết ơn đối với vị thần đã đem lại sự ấm no, hạnh phúc trong một năm qua cũng như chào đón vị thần mới.

7. Tục xông đất (hay xông nhà)

Theo quan niệm của người Việt, ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà đầu tiên với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người này nếu có tuổi hợp tuổi với gia chủ sẽ đem lại nhiều may mắn, suôn sẻ cho cả gia đình trong năm tới. Vậy nên, người đến xông nhà cũng vì thế mà quan trọng. Do vậy, người VIệt rất chú trọng người xông nhà. Họ thường mời những người hợp tuổi với gia chủ theo từng năm. Để đón nhận nhiều niềm vui, hạnh phúc và tài lộc trong năm mới.

8. Phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.

Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”, vào đời Hùng Vương thứ 6, vua Hùng triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua sẽ được nhà vua nhường ngôi.

Người con trai thứ 18 tên là Lang Liêu - người nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang nhưng tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ. Không thể tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, chàng đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để làm ra hai loại bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho trời và đất làm lễ vật dâng vua.

Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng và vua Hùng đã truyền ngôi cho chàng. Từ đó, bánh chưng, bánh giầy trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của người dân Việt Nam những ngày Tết.

9. Mua muối cầu may

Phong tục này phổ biến ở phía Bắc hơn, vào các dịp cận tết muối ở phía Bắc tăng giá cao hơn bình thường rất nhiều bởi lẽ có rất nhiều gia đình mua muối về nhà vào dịp tết. Họ quan niệm rằng, muối mặn thì tình cảm cũng mặn nồng, tức có nghĩa họ hy vọng sự yêu thương, gắn kết giữa các thành viên với nhau. 

Ở miền Nam cũng có những gia đình mua muối, nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn khác với ngoài Bắc. Người Nam thường mua muối, gạo, đường chất đầy hủ bởi vì họ cho rằng ngày tết đầy đủ những thứ ấy thì cả năm không lo túng thiếu bữa ăn.

Trên đây là một số điều các bạn nên biết về Tết Nguyên Đán. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về ngày Tết cổ truyền. Năm cũ qua đi, năm mới sắp tới, chúng mình xin chúc tất cả mọi người có một cái Tết an lành, tràn đầy niềm vui nhé!

Nguồn: Internet

Tác giả: Thanh Hoa