“Chiếc bánh quốc dân”, ái chà đúng là không sai mà! Bởi có vẻ trung thu người ta thường hoài niệm, hoài niệm về một thứ gì đó rất xa xưa, nào chị Hằng chú Cuội, nào đèn ông sao và cả những đêm trăng thanh gió mát ngồi sân thềm với chiếc quạt mo,... Còn một mùi vị mà mấy năm gần đây nó trở thành đặc trưng không thể thiếu mỗi dịp Rằm tháng Tám là bánh Trung thu. Ngay từ đầu tháng đã rạo rực những hộp bánh xanh đỏ, những bánh nhân thập cẩm,... và tiếng hát “Rước đèn ông sao...” mà nó lại không phổ biến ở mỗi Việt Nam đâu còn ở các nước châu Á khác. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
Bánh nướng
Bánh dẻo – hai loại bánh Trung thu truyền thống của người Việt Nam
Trước khi đến với đất nước đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu vài nét về ngày Rằm tháng Tám. Đây là ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với truyền thuyết về Hằng Nga - nữ thần Mặt Trăng. Sau này theo phong tục các Hoàng đế Trung Quốc thường hiến tế cho mặt trời vào mùa xuân và mặt trăng vào mùa thu. Vì vậy, ngày 15 tháng 8 âm lịch được gọi là ngày Trung thu với bánh trung thu đóng vai trò trung tâm trong lễ hội. Do ảnh hưởng từ Trung Quốc, bánh Trung thu và Tết Trung thu cũng được thưởng thức và tổ chức ở nhiều nước khu vực châu Á (trong đó có Việt Nam) và phổ biến đến ngày nay.
CẤT CÁNH VÀ ĐI THƯỞNG THỨC BÁNH TRUNG THU THÔI!
Trung Quốc – Bánh mặt trăng Yuebing
Bánh mặt trăng truyền thống của Trung Quốc
Chuyến bay của chúng ta hạ cánh ở Trung Quốc - nơi bắt nguồn của ngày Lễ Rằm tháng Tám. Bánh Trung thu của người Trung Hoa có tên là Yuebing (Nguyệt bính) hay còn gọi là “Bánh trăng”, “Bánh mặt trăng”. Bánh truyền thống có hình tròn tượng trưng cho sự đoàn viên, bề mặt có in chữ mang ngụ ý tốt lành. Dần dần bánh đã được biến tấu với những hình dạng khác như hình vuông, hình các con vật và làm từ nhiều nguyên liệu mới lạ, được chia thành nhiều loại đặc trưng cho những vùng miền khác nhau. Theo kiểu Bắc Kinh, bánh thường có lớp bột nhẹ hoặc mịn với hai nhân phổ biến là táo gai núi và hoa tử đằng được trang trí vô cùng cầu kì, bắt mắt. Người Hongkong nổi tiếng với bánh trung thu da tuyết trong khi người Vân Nam kết hợp bột mì, bột gạo, bột kiều mạch cho vỏ bánh Trung thu. Bánh kiểu Thượng Hải ngọt ngào trái với bánh Ninh Ba thường cay và mặn.
Bánh Trung thu da tuyết Hongkong trứ danh
Ngày nay, bánh Trung thu được biến tấu với nhiều hình dáng và hương vị mới lạ
Bên cạnh đó, đặc sắc nhất phải kể đến bánh liên hoa tô nguyệt bính (bánh hoa sen ngàn lớp) của người Triều Châu. Đây là loại bánh chiên sâu, không dùng phương pháp nướng với lớp vỏ dễ vỡ hòa quyện cùng nhân đậu đỏ hoặc hạt sen xay nhuyễn.
Bánh hoa sen ngàn lớp
Người Trung Quốc hiện đại với óc sáng tạo của mình còn tạo ra những loại bánh Trung thu mới lạ, độc đáo như bánh tôm phô mai, bánh làm từ rau và trái cây, bánh tinh than tre, bánh hải sản,… rất được ưa chuộng. Dạo gần đây, bánh Trung thu ngàn lớp kiểu Đài Loan đã tạo một cơn sốt lớn ở Việt Nam. Bánh kiểu Đài Loan có lớp vỏ ngàn lớp nướng vàng ruộm được rắc vừng đẹp mắt, lớp mochi dẻo bao ngoài lớp nhân mềm mịn vô cùng bắt vị, đã chinh phục được những thực khách khó tính nhất. Bánh có nhiều loại nhận hiện đại như trà xanh, tiramisu, dâu tây,… nhưng nổi tiếng nhất là nhân đậu đỏ trứng muối và Lava trứng chảy.
Bánh ngàn lớp nhân đậu xanh trứng muối mềm mịn
cùng nhân Lava trứng chảy vô cùng hấp dẫn của Đài Loan
Triều Tiên – Bánh nướng xốp Muffin
Tạm biệt Trung Quốc với vô vàn các loại bánh với hương vị đặc trưng, chúng ta đến với người bạn láng giềng của họ - Triều Tiên. Là quốc gia bí ẩn nhất thế giới, bánh Trung thu Triều Tiên chắc hẳn đã tạo cho chúng ta nhiều sự hiếu kì hơn so với các nước khác. Người dân ở đây ăn món bánh nướng Muffin truyền thống trong ngày Trung thu. Đây là loại bánh có hình bán nguyệt, được làm từ bột gạo với nhân mứt, đậu, táo,…
Bánh xốp nướng Muffin
Hàn Quốc – Bánh Songpyeon
Bánh Trung thu Songpyeon của Hàn Quốc được làm từ bột gạo
Nhắc đến Triều Tiên thì phải kể đến Hàn Quốc – quốc gia cùng nằm trên bán đảo Triều Tiên. Bánh Songpyeon được ăn vào ngày lễ Chuseok (Lễ Tạ ơn – Tết Trung thu của người Hàn Quốc). Bánh Songpyeon có hình bán nguyệt - tượng trưng cho trăng khuyết do quan niệm của người Hàn Quốc “trăng khuyết rồi lại tròn” chỉ đời người nhiều thăng trầm được tôi luyện từ thiếu sót đến hoàn mỹ như mặt trăng có lúc khuyết lúc tròn. Songpyeon được làm từ bột gạo, đường với nhân đậu đỏ, đậu xanh, hạt dẻ, vừng,… được hấp chín với lá thông tạo hương vị đặc trưng. Bánh được tạo màu tự nhiên từ bí đỏ, dâu tây, ngải cứu,… vô cùng bắt mắt.
và hấp chín với lá thông
Vào đêm trước ngày lễ Chuseok, các gia đình sẽ cùng nhau ngồi làm bánh. Tương truyền rằng, thiếu nữ làm bánh songpyeon đẹp sẽ gặp được ý trung nhân như ý, phụ nữ có gia đình làm bánh songpyeon đẹp sẽ sinh ra con gái xinh xắn.
Nhật Bản – Bánh trôi trông trăng Tsukimi Dango
Bánh trôi trông trăng là loại bánh gắn liền với ngày Trung thu của người Nhật
Điểm dừng chân tiếp theo của chúng ta chính là Nhật Bản. Nổi tiếng là đất nước có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, bánh Trung thu Tsukimi Dango của Nhật Bản mang trong mình một ý nghĩa đặc biệt về niềm tin của người Nhật rằng thỏ ngọc sống trên cung trăng. Truyền thuyết kể lại, vào ngày Rằm tháng Tám, Ngọc Hoàng vi hành xuống nhân gian và gặp một chú thỏ. Ngọc Hoàng đói và hỏi xin thức ăn nhưng vì không có gì thỏ đã nhảy vào đống lửa làm thức ăn cho Ngọc hoàng. Quá cảm động, Ngọc Hoàng đã mang theo thỏ ngọc về cung trăng. Từ đó hằng năm cứ vào ngày Rằm tháng Tám, thỏ ngọc lại giã bánh Dango ban phát cho người dân.
Những chiếc bánh được xếp thành tháp trên kệ gỗ cúng gia tiên
Bánh Dango có lớp vỏ gần giống như bánh trôi nước của Việt Nam nhưng được nướng qua cho nóng giòn. Cứ vào tết Trung thu, người Nhật lại làm bánh Tsukimi Dango xếp thành hình tháp để lên kệ gỗ cúng ra tiên. Sau đó, họ tìm chỗ ngồi ngắm trăng vừa ăn bánh vừa trò chuyện.
Bánh Dango thường được xiên que và dùng với trà xanh
Philippines – Bánh Trung thu Hopia
Điểm dừng chân cuối cùng của chặng này chính là Philippines – một quốc đảo xinh đẹp của châu Á. Bánh Trung thu truyền thống của người dân nơi đây có tên gọi là Hopia. Đây là loại bánh có hình dáng bên ngoài vô cùng đơn giản nhưng lại có nhiều loại nhân phong phú như: đậu xanh, đậu đỏ, khoai lang,…
Bánh Hopia tuy đơn giản nhưng trông rất đẹp mắt
Đi qua 5 quốc gia vô cùng xinh đẹp với những nét đẹp ẩm thực khác nhau về bánh Trung thu chắc hẳn đã làm cho chúng ta thêm hiểu về các nước láng giềng và mong muốn được một lần thử qua những món đặc sản tiêu biểu ấy.
Chúc bạn đọc một mùa Trung thu vui vẻ bên người thân!
*Bài viết có tham khảo thông tin từ Wikipedia
Ảnh: Nguồn Internet
Tác giả: Hương Giang