Chỉ còn là dư vang mãi chẳng thể quay lại, chỉ còn là những thước phim mờ tịt và dự sẽ rơi vào quên lãng, đó là tết của những ngày xưa. Không có những loại bánh kẹo màu sắc rực rỡ như bây giờ, không có những bộ quần áo mới tinh tươm như bây giờ, không có những vật chất đủ đầy như bây giờ, nhưng tết xưa, vẫn có một cái gì đó lôi cuốn đến nỗi khi đã qua rồi, ta lại vẩn vương. Nhớ khi còn bé, ta hân hoan lắm, náo nức lắm và Tết đáng mong đợi lắm. Rồi ta lớn lên, và ta hằng ước rằng mình sẽ được sống lại trong cái tuổi thơ ấy một lần nữa, để lại cười và lại vui.
Tết của những ngày xưa, đường phố lúc nào cũng tấp nập, người bán hàng thi nhau đon đả, những thứ quà vặt vãnh như chiếc bánh rán ngọt hay cây kẹo bông bé tí cũng đủ làm ta say mê. Có lẽ, ta nhớ Tết xưa vì cái vị của nó. Ngọt lợ, êm êm và bình dị lạ thường. Tết của những ngày xưa, chúng ta ít vô tình như bây giờ, ta có thể nhoẻn miệng cười với nhau bất cứ lúc nào, ta gửi nhau những lời chúc nhiệt thành nhất. Tết của những ngày xưa, những ngày ta vẫn còn bé, là những dịp tết rộn ràng và đáng nhớ nhất nhất mà ta có được. Tết của những ngày xưa, mọi thứ đều diễn ra theo đúng trình tự của nó, không uẩn khúc, không bất cập, nhẹ nhàng mà lâng lâng khó tả.
Dần dần, Tết chỉ là niềm vui cho những đứa trẻ và trở thành mối lo cho những người lớn. Rồi ta truyền nhau những câu nói đùa “thế là lại tết à?”, truyền nhau cả những tiếng thở dài và cả những nét mặt xúm lại với nhau. Chắc là ta sợ, nhưng lo hơn là sợ. Đâu đó trên những phố mập mờ ánh đèn, vẫn còn những gánh xe bán hàng cố đợi khách, những vỉa hè vẫn còn được tận dụng cho giấc ngủ dài của những người tha hương, vẫn còn những người như thế, tết đến càng dễ khiến họ run rẩy và mỏng manh hơn bất cứ lúc nào.
Nhưng sau tất cả, tết vẫn phải đến, đến như một lẽ thường tình. Bởi dẫu sao, Tết cũng là phong tục, truyền thống của cả một dân tộc và hơn hết, đó là dịp để ta nương tựa vào nhau, để thấu hiểu, để nhìn lại và để bước tiếp. Dù tết xưa vẫn phong vị hơn và dễ khiến ta háo hức hơn, dù theo thời gian tết đã thay hình đổi dạng thì cuối cùng, tết vẫn là tết, là ước mơ, là hi vọng về một điều gì đó mới lạ.
Ta không chê Tết, chỉ là trong ta vẫn còn nhiều chỗ chứa cho những mối lo.
Ta không ngại Tết, chỉ là ta đang lớn dần và vẫn còn giữ những hồi ức về những ngày Tết xưa.
Ta cần Tết, cần hoa đào, cần bánh chưng, cần những bao lì xì tươi thắm, cần lời chúc, cần động viên, chỉ để ta sống một đời thực sự ý nghĩa.
Tác giả: Ngọc Linh