1. Phân luồng học sinh từ sớm.
Hiện tại, học sinh khối 12 đã bước sang học kỳ 2 của năm học 2020 - 2021. Đây cũng là thời điểm nước rút để các em có sự cân nhắc để đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề cho mình thông qua những bộ hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, để có thể đưa ra một quyết định đúng đắn, phù hợp với bản thân thì không phải em nào cũng làm được. Sợi dây liên kết giữa khả năng của bản thân với nhu cầu xã hội cần phải được định hình rõ. Do đó, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Cô giáo Hà Hải Vân cùng các bạn HS trong giờ ra chơi

Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thể hiện qua khâu định hướng phân luồng từ khi các em mới bắt đầu tuyển sinh vào lớp 10, đó là việc phân ban. Các thầy cô sẽ phân tích, giải đáp, đối thoại để phụ huynh và học sinh hiểu rõ về lựa chọn Phân ban A, B, C hay D cho phù hợp với từng khối lớp và năng lực, sở trường của mỗi em.

Phải có kế hoạch giảng dạy định hướng nghề nghiệp cho cả ba khối lớp, kết hợp các phương pháp hiệu quả như dạy trên lớp, dạy theo chuyên đề, dạy tích hợp trong các môn như GDCD-Lịch sử-Địa lý; Toán- Lý - Hoá, Văn- Sử- Địa, Toán- Lý- Anh; Toán- Hoá-Sinh; Văn- Toán- Ngoại ngữ, hoặc các tổ hợp mới,...

Thông qua các câu lạc bộ của học sinh, GVCN và gia đình hiểu rõ các em có điểm mạnh, điểm yếu, những đam mê, sở thích gì với các ngành nghề. Quan điểm về định hướng nghề nghiệp là nên hiểu "nghề chọn người - người chọn nghề".

HS chuyên Nguyễn Trãi tham gia hội thảo định hướng nghề nghiệp tại ĐH Anh quốc Việt Nam

2. Cho HS tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế: tham gia nghiên cứu đề tài khoa học; kết hợp với các trường đại học trong và ngoài nước tổ chức mỗi năm/lần một ngày hội hướng nghiệp ngay tại trường; cho HS khối 11,12 đăng ký và đưa đón HS,GV đi tham quan, học thử 1 tiết học tại trường ĐH. 

Cụ thể: trong học kỳ 1 vừa qua, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã liên kết với ĐH VinUni, ĐH Anh quốc tại Việt Nam đưa hơn 200 học sinh khối 11 và 12 đi tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế. Học sinh được tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất, tham gia hội thảo, nghe các anh chị SV xuất sắc tư vấn kinh nghiệm săn học bổng, nghe lãnh đạo nhà trường chia sẻ thông tin và được học thử 1 tiết học theo chuyên ngành mà các em yêu thích. 

Cô Phạm Thị Hạc hướng dẫn các bạn HS tham gia cuộc thi Sáng tạo KHKT bậc trung học năm học 2020-2021

3. Định hướng nghề phải dựa trên số liệu chuẩn. 
Thứ nhất, các em cần lựa chọn ngành xuất phát từ việc cân nhắc nghề nghiệp theo cá tính, tính cách và giá trị mà mình mong muốn. Vì nghề đi theo mình suốt cuộc đời nếu không phù hợp thì mình sẽ không cảm thấy hạnh phúc khi làm việc và cũng rất khó để thành công, thăng tiến bền vững trong sự nghiệp.

Thứ hai, khi chúng ta lựa chọn trường, hay nghề thì các em cần phải mở rộng diện lựa chọn. Việc đầu tiên là các em nên lựa chọn lĩnh vực chuẩn.

Từ lựa chọn lĩnh vực thì mới loại trừ được những lĩnh vực mà chúng ta thực sự không có năng lực hay không hiểu biết về nó.
Trên cơ sở lĩnh vực, tiếp đến chúng ta chọn ngành, sau đó chọn nghề và cuối cùng là chọn trường.
Khi chọn trường, cần phải quan tâm đến các yếu tố như: Uy tín của trường, cơ sở vật chất, học phí, điều kiện học tập tốt xem có phù hợp với mức điểm và năng lực không thì lúc đó ta mới lựa chọn.
Thị trường công việc sẽ thay đổi rất nhanh, có rất nhiều nghề mất đi và những nghề mới chưa có trong hình dung của chúng ta ra đời. Việc định hướng nghề nghiệp cho các em sẽ không được phép cảm tính, dựa trên quan điểm hoặc nhìn nhận của một cá nhân nào mà phải dựa trên số liệu.
Đó là số liệu khách quan về chỉ số thông minh, trí tuệ cảm xúc, năng lực tư duy phản biện, động cơ đạt thành tích cao, khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp, thiên hướng nghề nghiệp, xu hướng nhân cách cá nhân.
Đó là những số liệu phân tích khoa học về nhu cầu nghề nghiệp của xã hội theo thời gian thực; mô tả yêu cầu vị trí công việc liên quan đến trình độ nhận thức, kỹ năng, thái độ và các năng lực chuyên biệt khác.
Thậm chí cả phân tích về mức thu nhập trung bình tương ứng với từng nghề nghiệp và vị trí việc làm.

Thầy giáo Tăng Văn Đạt và các bạn HS trong một giờ sinh hoạt tập thể

4. Các em cũng cần ý thức rằng tương lai sau này chúng ta học một ngành nhưng có thể ra trường làm ở nhiều vị trí công việc, ngược lại để có thể làm tốt ở 1 vị trí công việc (trong bối cảnh biến đổi yêu cầu công việc nhanh chóng cùng sự cạnh tranh của máy móc) thì cần phải học tập từ nhiều ngành và học tập suốt đời.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh chụp ảnh kỷ yếu cùng các bạn HS 12 Hoá (2017-2020)

5. Để thành công trong tương lai, hiện tại mỗi cá nhân cần rèn luyện mô hình năng lực hình chữ T (với thanh ngang là các kỹ năng mềm, năng lực tự học, kỹ năng sáng tạo, thích ứng linh hoạt, tinh thần lãnh đạo, năng lực công dân số; cùng thanh dọc là kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực như tâm lý, giáo dục, tài chính, marketing...). Năng lực chữ T càng lớn, cá nhân đó càng thành công.

 

Tác giả: Lan Anh Nguyễn