Mưa xuân lắc rắc rơi, trên từng góc phố, mái hiên, lại càng nặng hạt nơi lòng người hỗn độn, ngổn ngang trăm bề. Phố ngoài kia những ngày cuối năm đã bắt đầu tưng bừng, hối hả. Đất trời, vạn vật nở hoa. Mùa xuân đã đến thật gần trên từng búp lá tơ non. Nhịp sống cũng cứ vậy mà gấp gáp, hối hả hơn trên những con đường đông đúc, trong ánh đèn lung linh, trong sắc màu rực rỡ của con phố thân quen. Đó là tất cả những gì tôi thu được vào tầm mắt dưới mái nhà nhỏ.

Ngắm nhìn cảnh vật thân quen, ngắm nhìn những con người thân quen, lòng tôi thấy thỏa mãn. Nó khiến tôi thấy cái “Tết” vẫn hằng gắn bó với mình. Từng hạt mưa vẫn lất phất bay. Tôi bật cười, bàn tay đưa lên lau vội giọt nước lung linh còn đọng trên hàng mi. Tôi yêu tất cả những gì thuộc về nơi này - thứ ôm ấp, nhặt nhạnh từng thanh âm hồi ức, chắp vá những mảnh vỡ bạc màu thành thước phim tuổi thơ… Để rồi, rong ruổi trên cuộc hành trình vạn dặm, vẫn có một nơi để tôi ngoảnh lại tìm về với những mùa ấu thơ, ngoảnh lại để ru lòng an yên, ngoảnh lại để gói ghém từng hồi ức vụn vặt. Một nơi yêu thương, một nơi luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay chờ đón tôi trở về. Và họ, cũng thấy hạnh phúc khi tôi trở về, đó là gia đình…

Dòng suy nghĩ cứ vậy chảy trôi trong tâm trí, khiến tôi bất giác hướng ánh nhìn xuống lòng đường. Đối diện với nhà tôi là nhà bác Mai - một cửa hàng tạp hóa. Tôi quen bác từ khi còn là một cô bé thích buộc tóc hai chùm. Tôi mến bác lắm. Và bác cũng quý tôi, có gì tôi thích, bác đều để dành rồi mang qua đưa đứa bé nhà hàng xóm, là tôi. Có điều gì muốn sẻ chia, bác luôn ngồi xuống sẵn sàng lắng nghe và tâm sự với tôi. Nhìn bác vất vả lấy từng gói hàng xuống, tôi bỗng thấy xót xa. Mấy năm nay rồi, bác đều đón tết một mình…

Tôi vẫn còn nhớ y nguyên cái ngày anh con trai bác - anh Hùng nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Anh đỗ vào trường Đại học Y - ngôi trường anh mơ ước. Mồ côi bố từ bé nên cuộc sống thiếu thốn tình cha của anh cũng không dễ dàng gì. Ngày ấy, bác mừng rỡ sang kể với mẹ tôi, rằng anh Hùng cố gắng ra sao, nỗ lực thế nào. Bác tự hào lắm, nhưng rồi cũng lo lắng nên hỏi mẹ tôi từng chút một về cái ngày mẹ lo cho chị tôi đi học. Lại nhiều năm sau, anh tốt nghiệp với thành tích sinh viên xuất sắc, trở thành một bác sĩ giỏi.

Cuối năm 2019, anh gọi bác, nói rằng không về ăn tết được vì có chủng virus mới, cần họp khẩn. Vậy là bác ngậm ngùi đón tết một mình. Thế rồi, một năm sau, anh hứa sẽ về với bác, sẽ về bóp cao cho cái đầu gối hay bị nhức của bác, sẽ dẫn bác đi chọn cành đào đẹp nhất, đưa bác đi chơi chợ xuân. Nhưng rồi, anh lại không về… Anh không thể về, khi ấy con số nhiễm bệnh đã lên tới hàng nghìn. Anh không thể... Khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, gương mặt đeo khẩu trang và mũ kín mít, ân cần, tĩnh lặng bên người bệnh, anh nói đó là trách nhiệm, là sứ mệnh của mình. Anh phải đi để bảo vệ Tổ quốc, và hơn hết, là bảo vệ bác.

Khoảng thời gian khó khăn nhất, anh luôn có bác. Dõi theo đứa con bé bỏng từ xa, bác đã tiếp thêm cho anh ngọn lửa của niềm tin. Giữa tiết trời nắng nóng 35-36 độ, anh vẫn mặc bộ đồ bảo hộ y tế, làm nhiệm vụ ngoài trời. Để rồi, khi được lột bỏ bộ đồ vướng víu, nóng nực đó ra, tấm lưng đã đỏ ửng, phòng rộp cả lên vì cháy nắng. Bộ đồ đã ướt sũng như tắm vì mồ hôi túa ra…

Thế rồi, anh quyết định đi xa hơn, để hỗ trợ cho phía đầu chiến tuyến. Một năm nữa, anh lại không về. Con số người bị nhiễm ngày càng tăng. Khi ấy đã lên tới hàng triệu người. Anh Hùng cũng làm việc với tần suất cao hơn, vất vả hơn và ít gọi điện về cho bác hơn. Những lần hiếm hoi hai mẹ con gặp nhau qua màn hình điện thoại đều là những khi anh ăn vội bữa cơm. Khi ấy, bác chỉ biết bất lực:

- Trông nó gầy rộc cả đi, mặt thì hốc hác vậy mà vẫn bảo ổn. Không biết có ăn uống đủ chất không, có ngủ đủ giấc không?

Phải, có ngủ đủ giấc không? Đời vô thường, có khi thức dậy vào buổi sớm mai, ta chẳng biết bản thân sẽ phải đối mặt với điều kinh khủng gì? 

Đau đớn thay cho kiếp sống chưa trọn, còn bao điều dang dở phía trước đang chờ anh. Anh Hùng, anh biết không, cái ngày mẹ anh nhận được cuộc điện thoại từ người đồng nghiệp của anh, bà đã chết lặng. Nỗi đau tích tụ trong nhiều năm khiến người đàn bà kiên cường, can trường đối mặt với mọi thách thức của cuộc đời gục ngã. Bà run rẩy như không tin vào tai mình. Bà khóc như thể không còn là mình nữa. Nỗi đau đã bào mòn trái tim, xé toạc nó ra thành từng mảnh, cào cấu gan ruột. Nỗi đau của một người mẹ mất con, nỗi đau của trái tim chờ đợi mỏi mòn, nỗi đau đã đóng vẩy thời gian nay lại tuôn trào như can tràng tấc đoạn, đớn đau như thể ruột gan đứt lìa:

- Con hứa sẽ về mà đúng không con? Hùng, con của mẹ…

Cơ thể nằm xuống nơi đất lạ, anh chấp nhận trả giá cho sự bình yên, bằng máu xương, bằng nước mắt. Và cuối cùng, sau bao gian khổ, anh đã về, về với vòng tay yêu thương của bác Mai, vì anh là “anh hùng” mà. Anh vẫn sẽ là người Hùng dẫu cho trái tim ngừng đập, dẫu cho hơi thở hóa thinh không, dẫu biến thành cát bụi cuộc đời. Anh đã trở về với đất mẹ rồi…

Tết năm nay, anh không còn một mình, bác cũng không còn một mình. Phải, ở thế giới bên kia, anh vẫn sẽ dõi theo bác, bảo vệ bác như cách anh đã từng. Anh vẫn luôn ở đây, bên bác…

Nỗi đau qua đi, chỉ còn người ở lại. Sau tất cả, bác đã vượt qua.

- Cành đào bác mới sắm nè, con thấy đẹp không?

Tiếng gọi của bác vọng sang nhà tôi. Đúng rồi, cành đào rất đẹp, như nụ cười trên môi của bác. Bác Mai đã cười. Nhìn lên trời cao xanh thẳm, tôi biết mình phải làm gì. Anh Hùng, hãy để em thay anh ôm lấy bác, anh nhé!

“Mây trắng bay đi

Nỗi buồn ngồi lại

Có ngọn gió rủ nhau chơi trốn tìm

Lâu ngày lạc dưới thung sâu

Ngày về

Những bông hoa héo tàn

Nín lặng.”

(Đinh Tiến Hải)

Nguồn: Internet

Tác giả: Quỳnh Anh