- … Vậy nên, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để mẹ được vui lòng.
Cô học sinh kết thúc bài văn của mình trong tiếng vỗ tay của cả lớp. Sắp tới là ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nên cô giáo đã giao cho cả lớp bài tập làm văn “Kể về người mẹ của em” rồi để các bạn lần lượt lên đọc bài của mình trước lớp.
Sau cô bé ban nãy chính là lượt đọc bài của cậu. Nắm tới nhàu cả tờ giấy chi chít chữ trên tay, cậu hít một hơi thật sâu, rồi mới rụt rè tiến tới bục giảng.
- Biết gì không? Mẹ tớ bảo rằng mẹ nó là cái loại đàn bà lăng nhăng đấy, còn chưa học xong cấp ba mà đã sinh ra nó cơ.
- Thế á, cơ mà lăng nhăng là sao?
- Là kiểu không đàng hoàng ý, không phải là người tốt! Cậu thấy đấy, bố nó có ở cùng mẹ con nó đâu. Nói chung là không nên chơi với nó.
Những lời ấy, dù có muốn bỏ ngoài tai cũng rất khó. Chúng như những mũi dao sắc lẹm đâm thẳng vào trái tim non nớt của một cậu bé mới bước sang tuổi 12 này vậy. Phải chịu đựng những câu từ đầy cay độc về người mẹ của mình hằng ngày, từ những đứa bạn cùng lớp, cho tới các cô bác hàng xóm, hay đôi khi là từ chính họ hàng, nhưng cậu có lẽ chẳng bao giờ quen với nó được.
Run rẩy đứng trên bục giảng, cậu đưa mắt nhìn xung quanh lớp. Hầu như ai cũng đều thì thầm to nhỏ những lời không hay, ngay trước mặt cậu. Chẳng phải có người nói “Trẻ con chính là những sinh vật ngây thơ và vô hại nhất” hay sao? Vậy thì những đứa trẻ kia đang làm gì? Tổn thương người khác một cách vô tình và hồn nhiên à? Thật nực cười.
- Trật tự cho bạn đọc bài nào!
Cô giáo đập thước vào bàn để cả lớp trật tự. Lúc này, với chất giọng run run, cậu đọc lên bài văn của mình:
- Mẹ tôi không phải là người tuyệt vời nhất trên đời, nhưng tôi yêu bà hơn bất cứ ai trong cuộc sống này...
Dưới lớp lại nổi lên những tiếng xì xầm bàn tán, cậu càng sợ hãi hơn, chỉ mong giây phút này trôi đi thật nhanh, để cậu có thể nhanh chóng về chỗ. Một lần nữa, cô quát cả lớp trật tự, rồi ra hiệu cho cậu tiếp tục đọc bài.
- Mẹ tôi… - Cậu tiếp tục ngập ngừng - Tôi yêu đôi bàn tay của mẹ. Đôi bàn tay ấy, luôn đỏ ửng bởi da tay mẹ bong tróc hết cả, lúc nào cũng chịu đau rát vì công việc rửa chén ở quán phở. Đôi bàn tay ấy, trông thật nhăn nheo và đầy chai sạn, tới mức nếu chỉ nhìn tay mẹ thôi thì chẳng ai nghĩ bà mới bước sang tuổi 29. Nhưng chính đôi bàn tay luôn hơi run run ấy, đã cho tôi ăn từng miếng cơm, miếng cháo khi bé, đã nắm tay tôi để viết từng nét chữ đầu tiên, đã luôn ân cần xoa đầu tôi, ôm tôi vào lòng để an ủi. Tôi yêu chúng, đôi bàn tay gầy gầy xương xương đã nuôi tôi lớn lên từng ngày.
Tôi yêu đôi mắt của mẹ. Đôi mắt luôn đỏ ngầu vì thiếu ngủ, cùng với những quầng thâm như những mệt mỏi đeo bám mẹ bấy lâu nay. Đôi mắt luôn đẫm nước vào mỗi đêm tối, khi mẹ đi làm muộn về. Đôi mắt của mẹ, luôn mang một nỗi đượm buồn khó tả. Nhưng chính đôi mắt ấy đã luôn nhìn tôi với vẻ đầy hạnh phúc, đôi mắt đã luôn, bằng một cách nào đó, cho tôi biết rằng mẹ yêu tôi nhiều cỡ nào. Đôi mắt dù luôn mỏi mệt với thế giới, đôi mắt luôn hướng ra ngoài cửa sổ với vẻ vô hồn nhưng lại như thể sáng lên mỗi khi nghe tiếng tôi gọi, nhìn tôi đi tới. Tôi yêu chúng, đôi mắt đong đầy tình cảm của mẹ.
Tôi yêu giọng nói của mẹ. Giọng nói khàn khàn, vì dù đông hay hè, mẹ đều hay bị viêm họng. Giọng nói ấy, không truyền cảm hay mượt mà, thậm chí mẹ còn hay nói vấp nữa. Giọng nói ấy, run rẩy và yếu đuối khi bà chủ nhà đến đòi tiền thuê nhà, hay lúc mấy người chủ ở những nơi mẹ làm nói tới chuyện cắt giảm nhân sự. Nhưng mỗi lần tranh luận với ông bà ngoại khi họ buông lời ghét bỏ tôi, hay mỗi lúc cãi nhau với người đàn ông mà tôi đáng ra phải gọi bằng “bố” nhưng chưa một lần được gặp mặt, giọng nói của mẹ trở nên đanh thép, chắc chắn hơn bao giờ hết. Giọng nói ấm áp ru tôi vào giấc ngủ khi bé. Giọng nói ngọt ngào mỗi lần dỗ dành tôi. Giọng nói dịu dàng, nghẹn ngào khi ôm tôi vào lòng lúc nước mắt rơi lã chã bên hai gò má gầy gò, hứa rằng sẽ không để bất cứ ai tổn thương tôi. Tôi yêu nó, giọng nói đầy thương yêu của mẹ.
Tôi yêu tất cả mọi thứ về mẹ của tôi, kể cả những điều mà người ta coi là khuyết điểm. Mẹ từng nhiều lần nói với tôi rằng, mẹ có tôi khi mẹ vẫn chưa thực sự trưởng thành, như một đứa trẻ buộc phải trở thành người lớn sau một đêm, để chịu trách nhiệm với một sinh linh khác. Mẹ bảo rằng mẹ rất xin lỗi bởi chỉ vì hoàn cảnh của mẹ mà tôi phải chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa khác. Những khi ấy, tôi rất muốn ôm chặt lấy mẹ, để nói với mẹ rằng tôi thương mẹ tới nhường nào. Mẹ bảo, tôi chính là hạnh phúc lớn nhất của đời mẹ, và tôi cũng muốn nói rằng chính mẹ là người duy nhất cho tôi thấy cuộc sống này còn tồn tại hạnh phúc.
Tôi đã hứa với bản thân rằng, mình phải học tập thật tốt, phải thật thành công, đủ tài giỏi để người khác nể trọng, đủ mạnh mẽ để không ai dám làm tổn thương mình, không chỉ để cho mẹ có thể vui lòng, mà là để tôi có thể bảo vệ được mẹ, bảo vệ mẹ khỏi mọi độc ác, xấu xa và cay nghiệt của cuộc đời này, như cách mẹ đã bao bọc tôi khỏi hết thảy những ghẻ lạnh và độc địa mà bất cứ ai nhắm đến tôi.
Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!
Lớp học rơi vào im lặng một hồi, rồi lốp bốp những tiếng vỗ tay dần vang lên, phải chăng những ánh nhìn không mấy thiện cảm ban đầu cũng phần nào thay đổi?
Khi cậu bước xuống dưới kia, cậu không biết được liệu mình sẽ nghe được những tiếng bàn tán thế nào. Liệu nó vẫn còn là những mũi dao cay độc, hay đã trở thành những câu từ cảm thông, những lời xin lỗi? Những điều ấy, cậu chẳng thể biết được, cũng không hề bận tâm tới nữa. Bởi bây giờ, điều cậu muốn là khi trở về nhà, cậu sẽ ôm lấy mẹ và kể cho mẹ nghe rằng hôm nay cậu đã dũng cảm thế nào, rằng cậu đã tuyên bố với tất cả mọi người cậu sẽ bảo vệ mẹ. Nghĩ tới đó thôi, trên môi cậu bất giác mở một nụ cười.
Nguồn: Internet
Tác giả: Ngọc Minh