Công trình thanh niên - “Tự hào một dải non sông” do đoàn trường THPT chuyên Nguyễn Trãi thực hiện là một công trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm thúc đẩy giáo dục cho đoàn viên thanh niên nhà trường.
Công trình được phát động từ đầu tháng 4 đến hết ngày 30/4/2025 với các hoạt động chính bao gồm: Các lớp đồng loạt treo cờ tổ quốc ở các dãy hành lang, những tư liệu, hình ảnh, video về Chiến dịch Hồ Chí Minh, các câu chuyện cảm động trong hành trình thống nhất đất nước được đăng tải trên fanpage “Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi”, các ca khúc cách mạng, yêu nước, tự hào dân tộc được phát đều đặn trong các giờ ra chơi, giờ giải lao,...
Hoạt động treo cờ tổ quốc đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy cô và học sinh trong trường. Mỗi lớp đều phải chuẩn bị ba lá cờ tổ quốc treo ở lan can hành lang lớp học. Không chỉ vậy, đoàn trường còn tổ chức treo các dây cờ tổ quốc và cờ Đảng ở 3 dãy nhà chính A, B, C.

Với 1000 mét cờ dây, hơn 3000 lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng, cùng 110 lá cờ Tổ quốc lớn tung bay trên ba tòa nhà chính của Chuyên Nguyễn Trãi đã tạo nên 1 bức tranh vô cùng tuyệt đẹp, khơi gợi trong mỗi người tình yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc.

Đặc biệt, các tập thể lớp đã lưu lại những khoảnh khắc ý nghĩa này bằng những bức ảnh vô cùng đẹp, rực rỡ trong sắc cờ tổ quốc.

Hướng tới lễ kỷ niệm trọng đại, không khí thi đua sôi nổi lan tỏa khắp trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi. Bên cạnh việc treo cờ, những thước phim, những câu chuyện lịch sử được đăng tải ở fanpage chính của đoàn trường, những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước phát ở các giờ giải lao, tổ chức các hoạt động quét dọn nghĩa trang liệt sĩ đã tạo nên một không khí hào hùng chưa từng có trước thềm lễ kỷ niệm.

Song song với đó, ngày 5/04/2025, hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã tổ chức gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử với Chủ đề “50 năm - Đất nước trọn niềm vui”. Tại chương trình, gần 100 học sinh khối chuyên Sử trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã được gặp gỡ lắng nghe và trò chuyện cùng Đại uý Vũ Đăng Toàn - Nguyên Chính trị viên Đại đội, Trưởng xe tăng 390; Trung sĩ Nguyễn Văn Tập là người lái xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4; Trung tá, Tiến sĩ Trần Hữu Huy - Viện Chiến lược và Lịch sử Quốc phòng Việt Nam. Các đại biểu đã ôn lại những ký ức, kỷ niệm trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng. Các bạn học sinh cũng được tham gia hoạt động trải nghiệm “Ký ức tuổi thơ với mũ rơm vàng” do bác Vũ Mạnh Hoàn - Cựu chiến binh phường Ái Quốc hướng dẫn.

Khi được hỏi về những ca khúc được đoàn trường phát vào mỗi giờ giải lao, bạn Trịnh Quốc Minh đã hào hứng trả lời rằng: “ Để cho đất nước yên vui từ đó/ Để cho đỏ thắm màu cờ tự do/ Để cho tiếng cười vang khắp nơi từ ngày chiến thắng. Khi nghe thấy những giai điệu này mình cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết cái giá của hòa bình – và thấy tự hào vì được sống trong một đất nước mà lá cờ tự do đã được giữ gìn bằng biết bao hy sinh.”

Qua sự kiện lần này, cô Lưu Thu Liên, bí thư ban chấp hành đoàn trường đã có những lời nhắn nhủ thân tình đến các bạn học sinh, những người có sứ mệnh viết tiếp tương lai của đất nước rằng: “Tự do và hòa bình mà chúng ta đang có hôm nay là thành quả của biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh, cống hiến. Hãy sống xứng đáng với lịch sử – bằng lòng biết ơn, tinh thần học tập nghiêm túc, và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh bằng chính trái tim và trí tuệ của tuổi trẻ."

“Tự hào một dải non sông” không chỉ là một công trình nghệ thuật, mà còn là tiếng lòng tha thiết của tuổi trẻ chuyên Nguyễn Trãi gửi về quá khứ hào hùng của dân tộc. Trong tháng Tư, tháng của những ký ức thiêng liêng, công trình ấy như một ngọn lửa thắp lên tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tin và khơi dậy trách nhiệm ở mỗi học sinh hôm nay. Máu cha ông đã “nhuộm đỏ” màu cờ, “nhuộm xanh” bầu trời đất nước Việt Nam để hôm nay đất nước được hoà bình, thống nhất, “non sông thu về một mối”. Chính vì vậy, mỗi chúng ta lại càng thêm tự hào, trân trọng và ý thức rõ hơn về trách nhiệm giữ gìn nền trời độc lập ấy.
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.”
(Đi thi tự vịnh - Nguyễn Công Trứ)
Nguồn: NMC
Tác giả: Thảo Ngọc