Chiều ngày 22/3 tại phòng thư viện tầng 4 nhà D đã diễn ra cuộc thi sản phẩm STEM và ý tưởng khoa học kỹ thuật, với sự góp mặt của tổng 19 sản phẩm đến từ các chi đoàn 10 Sinh, 10 Lý, 10 Toán 1, 10 Toán 2, 10 Sử, 10 Địa, 10 Nga, 10 Pháp, 10 Văn, 10 Hóa và 10 Anh,  11 Hóa, 11 A1, 11 Toán, 11 Lý, 11 Sử, 11 Địa, 11 Anh, 11 Nga, 11 Văn.

Với sự trở lại lần này, cuộc thi STEM vẫn thu hút được rất nhiều mô hình với sự sáng tạo và thông minh, được làm bởi chính các bạn học sinh trong trường. Năm nay, hội đồng ban giám khảo bao gồm: thầy giáo Đỗ Văn Hách, thầy giáo Phạm Công Quảng và cô giáo Phạm Thị Hạc. Mỗi thầy cô từ các tổ chuyên môn khác nhau sẽ đánh giá sản phẩm STEM của các chi đoàn dự thi dựa trên các tiêu chí như hình thức trình bày, cách thuyết trình và tính tính sáng tạo của sản phẩm,...

Chi đoàn 10 Lý đã đem đến cho cuộc thi lần này một sản phẩm mang tên “Ống rubens - ống nhạc lửa” mô tả hiện tượng sóng dừng ở trong môi trường không khí, khi sóng âm truyền qua ống chứa khí dễ cháy, sự thay đổi áp suất tạo ra các cột lửa dao động theo tần số âm thanh, giúp quan sát trực quan cách sóng âm hoạt động.

Mô hình “Ống rubens - ống nhạc lửa” của chi đoàn 10 Lý

Bạn Trần Hoàng Minh Khôi (10 Lý) chia sẻ về quá trình hoàn thiện sản phẩm: “Vì sản phẩm liên quan đến lửa và khí đốt nên trong quá trình thử nghiệm chúng mình đã gặp không ít nguy hiểm. Để có thể hoàn thành sản phẩm, chúng mình đã phải sử dụng các loại vật liệu và biện pháp phòng cháy chữa cháy khác nhau để an toàn cũng như dễ dàng hơn trong việc thực hiện.”

Bạn Trần Hoàng Minh Khôi (10 Lý)
Mô hình “BioHeist - Vụ cướp sinh học” của chi đoàn 10 Sinh đã cung cấp cái nhìn trực quan và sinh động về cách HIV xâm chiếm các tế bào, qua đó giúp thầy và trò có thể hiểu sâu hơn về quá trình xâm nhập và nhân bản của virus HIV trong cơ thể con người.
Mô hình “Khu vườn CNT” do chi đoàn 10 Toán 1 thực hiện
Mô hình “Tên lửa tưới nước” thực hiện bởi chi đoàn 10 Toán 2
Mô hình “Hành trình trở lại” của 10 Sử khắc họa ba phiên bản khác nhau của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi tại ba địa điểm khác nhau (đại diện bởi ba tòa nhà) với thông điệp về sự kết nối của các thế hệ học trò đã và đang học tập dưới mái trường PTNK Hải Hưng hay THPT chuyên Nguyễn Trãi.
Mô hình “Nhà chống lũ” - chi đoàn 10 Địa, thể hiện mong muốn khắc phục lũ lụt, hạn chế hư hại về tài sản do thiên tai gây ra.

Với niềm tự hào về một công trình vĩ đại của cha ông vào thế kỷ XX và mong muốn lan tỏa giá trị lịch sử của di sản, bồi đắp ý thức dân tộc, lòng yêu nước cho các bạn học sinh, mô hình “Địa đạo Củ Chi-Lòng đất anh hùng” do chi đoàn 10 Nga thực hiện đã trở thành minh chứng cho tinh thần yêu nước mãnh liệt của thầy trò trường ta. Toàn bộ địa đạo Củ Chi được thu nhỏ trong một mô hình do các bạn lớp 10 Nga đã cùng nhau tỉ mỉ đến từng chi tiết xây dựng lên. 

Mô hình “Địa đạo Củ Chi - Lòng đất anh hùng” của chi đoàn 10 Nga

Bạn Đỗ Quỳnh Trang (10 Nga) chia sẻ về quá trình làm sản phẩm: “Để hoàn thành mô hình STEM này trong thời gian ngắn nhất, chúng em đã huy động sự hỗ trợ từ các bạn trong lớp, tranh thủ giờ ra chơi và cuối buổi học để làm việc. Đặc biệt chúng em rất biết ơn cô Trần Lan Phương, GVCN và giáo viên Sử lớp 10 Nga đã tận tình góp ý, giúp chúng em chỉnh sửa và hoàn thiện mô hình cả về hình thức lẫn ý nghĩa.”

Mô hình “Sân khấu chuyển động” - chi đoàn 10 văn, tái hiện chân thật hình ảnh con tàu Titanic

Từ mong muốn tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch, bền vững và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tập thể lớp 10 Pháp đã cùng nhau lên ý tưởng và thực hiện mô hình điện gió kết hợp với máy lọc không khí. Đây là một dự án không chỉ mang tính sáng tạo mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm với môi trường của các bạn học sinh. Mô hình là sự kết hợp của cối xay gió và máy lọc không khí do chính các bạn lớp 10 Pháp tỉ mỉ làm ra từ các vật liệu như bìa các tông, dây điện, bóng đèn và keo. 

 Mô hình điện gió kết hợp lọc không khí - chi đoàn 10 Pháp
Mô hình do chi đoàn 10 Hóa và 10 Anh thực hiện

Mô hình “Máy lọc nước” của chi đoàn 11 Hóa được chia làm hai tầng. Tầng một là quá trình nhà máy lấy nước từ các ao, hồ để lọc thành nguồn nước sạch. Tầng hai mô phỏng quá trình lọc nguồn nước thải để thành nước sạch và thải ra tự nhiên. Để hoàn thiện sản phẩm này, các bạn học sinh lớp 11 Hóa đã cùng nhau nghiên cứu và áp dụng kiến thức Hóa học, Vật Lý, Sinh học trong việc khử trùng và xử lý sinh học. Từ đó, sản phẩm “Máy lọc nước” ra đời dưới sự tâm huyết và khéo léo của các bạn học sinh 11 Hóa

Bạn Lê Minh Hiếu (11 Hóa) chia sẻ về khó khăn trong quá trình làm sản phẩm: “Mình đang gặp vấn đề về việc thiếu nguyên liệu để làm mô hình máy lọc nước, nên mình đã quyết định thay thế các nguyên liệu dự định bằng giấy bìa, băng dính, và màu chai nhựa cùng với một số vật dụng nhỏ khác. Tất cả đều là sản phẩm tái chế được chúng mình tận dụng.”

Mô hình “Máy lọc nước” - Chi đoàn 11 Hóa

Mô hình "Hệ thống chăm sóc vườn cây thông minh, thân thiện với môi trường cho các hộ gia đình” do chi đoàn 11 A1 thực hiện. Vận dụng kiến thức từ các môn Sinh học, Vật lý và Hóa học, các bạn học sinh đã sử dụng thùng ủ Bokashi - phương pháp lên men kỵ khí, vi sinh vật để lên men rác hữu cơ thay vì thối rữa, vừa tạo ra nguồn phân bón an toàn vừa hạn chế các vấn đề ô nhiễm môi trường. Toàn bộ mô hình được thiết kế và lắp ráp bởi chính các bạn học sinh lớp 11A1 với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường và tối ưu hóa quá trình chăm sóc cây trồng, mang lại giải pháp xanh bền vững cho các hộ gia đình.

Mô hình "Hệ thống chăm sóc vườn cây thông minh, thân thiện với môi trường cho các hộ gia đình” do chi đoàn 11 A1 thực hiện.

 

 

Lớp 11 Toán đã mang tới mô hình kí túc xá của CNT hiện nay với các chi tiết được làm vô cùng công phu bằng các miếng gỗ balsa nhỏ lẻ xếp vào với nhau. Mô hình nhỏ gọn nhưng không kém phần đẹp mắt khi được trang trí thêm bằng dải dây đèn led

 Mang đến với cuộc thi STEM lần này, chi đoàn 11 Lý với sản phẩm thí nghiệm “Giao động và sóng cơ” sử dụng toàn bộ kiến thức từ bộ môn Vật lý để mô phỏng hiện tượng cộng hưởng và sự liên kết giữa các phần tử vật chất trong môi trường. Sản phẩm gồm có hai mô hình. Đầu tiên là mô hình thí nghiệm dao động cưỡng bức, hiện tượng cộng hưởng. Sử dụng 3 con lắc đơn có chiều dài dây treo khác nhau và một “vật chính” có thể điều chỉnh vị trí đặt khối tâm vật. Chiều dài của “vật chính” sẽ được điều chỉnh sao cho bằng với độ dài của một trong ba con lắc đơn và kéo cho vật dao động thì sẽ xảy ra hiện tượng cộng hưởng ở con lắc đơn có cùng chiều dài treo với “vật chính”. Mô hình thứ hai là mô hình sóng cơ dùng để chứng minh cho lý thuyết về sóng cơ cơ bản như: sự truyền sóng cơ, giao thoa sóng cùng pha và ngược pha), hiện tượng sóng dừng.

Mô hình “Giao động và sóng cơ” do lớp 11 Lý thực hiện.

Toàn bộ hình ảnh đất nước Việt Nam được tái hiện sinh động trong mô hình “Sa bàn địa hình Việt Nam” do các bạn học sinh lớp 11 thực hiện. Từng ngọn núi hùng vĩ, những hòn đảo xa bờ đến vùng biển rộng lớn đều được mô phỏng tỉ mỉ, thể hiện đầy đủ đặc điểm địa lý của đất nước. Đặc biệt, với nền tảng kiến thức Địa lý vững chắc, mô hình càng trở nên ấn tượng nhờ sự phối màu tinh tế: từ gam màu đậm đến nhạt, thể hiện rõ ràng sự thay đổi độ cao của địa hình, từ đỉnh núi xuống vùng biển sâu, tạo nên một bức tranh chân thực và sống động.

Mô hình “Sa bàn địa hình Việt Nam” - chi đoàn 11 Địa

Bạn Vũ Thị La Đan (11 Địa) chia sẻ về ý nghĩa của mô hình: “Chúng mình mong muốn mô hình không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức Địa lý một cách trực quan, sinh động và dễ nhớ mà còn khơi gợi niềm đam mê, hứng thú học tập, đồng thời rèn luyện kỹ năng thực hành, sáng tạo, làm việc nhóm và mang đến giá trị giáo dục cao, giúp mọi người hiểu rõ hơn về địa hình đất nước.”

Bạn Vũ Thị La Đan - lớp 11 Địa

Mô hình STEM của lớp 11 Sử tái hiện sinh động bối cảnh lịch sử ngày thống nhất đất nước, với điểm nhấn là hình ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập và lá cờ tung bay đầy khí thế. Đặc biệt, xe tăng có thể di chuyển nhờ động cơ lấy từ xe đồ chơi, tạo hiệu ứng chân thực và hấp dẫn. Dinh Độc Lập được mô phỏng đầy đủ với 5 tầng, tái hiện chính xác kiến trúc thực tế. Không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn về sự kiện lịch sử quan trọng, mô hình còn góp phần phát triển kỹ năng thủ công, sáng tạo và hướng đến việc thiết kế các sản phẩm lưu niệm ý nghĩa.

Mô hình “Ngày thống nhất” - Chi đoàn 11 Sử
Mô hình “Máy phát nước mini” - Chi đoàn 11 Anh mô phỏng sự hoạt động của các bình nước.
Mô hình “Máy tưới cây tự động” do chi Đoàn 11 Nga thực hiển. Sử dụng các vật liệu dễ tìm kết hợp với sự sáng tạo để thiết kế ra sản phẩm với mong muốn giúp cây trồng luôn được cung cấp nước đúng lúc mà không cần mất nhiều công sức chăm sóc.

Khi được hỏi về cảm nhận của cuộc thi STEM năm nay, thầy Đỗ Văn Hách (giám khảo cuộc thi thiết kế mô hình STEM) cho biết: “Các bạn học sinh đã đưa ra các ý tưởng rất sáng tạo và táo bạo, chỉ có tuổi trẻ mới dám làm dám nghĩ. Thông qua cuộc thi lần này, thầy mong các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về các ứng dụng của STEM đồng thời nâng cao khả năng vận dụng các kiến thức đã học từ nhà trường để áp dụng vào trong thực tế.” 

Thầy giáo Đỗ Văn Hách

 Cuộc thi sản phẩm STEM nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) đã diễn ra tốt đẹp. Mong rằng các đội tham gia đã có cho mình những trải nghiệm, kinh nghiệm đáng nhớ và quý báu.

Nguồn: NMC

Tác giả: Nguyễn Minh Anh