Những quy định mới này liên quan đến cuộc sống của người dân được quy định trong một số luật, pháp lệnh, văn bản dưới luật có hiệu lực thi hành từ 1-7-2009

1. Học sinh, sinh viên phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc

* Người bị tai nạn giao thông sẽ được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả viện phí với điều kiện không vi phạm trong vụ tai nạn. Người gây ra tai nạn giao thông phải bồi hoàn tiền cho quỹ BHYT. Người mắc bệnh tim bẩm sinh, người nhiễm HIV, người bị dị tật bẩm sinh cũng được thanh toán BHYT.

Trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, bảo trợ xã hội, người nghèo, người cao tuổi... được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm. Có ba mức thanh toán BHYT gồm: 100% cho trẻ em dưới 6 tuổi và người có công với nước; 95% cho cán bộ hưu trí và những người hưởng trợ cấp mất sức, dân tộc thiểu số, người nghèo; 80% cho các đối tượng còn lại.

Bệnh nhân diện BHYT chỉ được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến quận (huyện), phường (xã), các bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa tư nhân. Các trường hợp đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh, trung ương phải theo quyết định của Bộ Y tế.

Lộ trình thực hiện BHYT toàn dân như sau: học sinh, sinh viên mua BHYT bắt buộc từ 1-10-2010; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp mua BHYT bắt buộc từ 1-1-2012; thân nhân của người lao động mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, đối tượng mà Chính phủ có quy định riêng mua BHYT bắt buộc từ 1-1-2014; các đối tượng khác mua BHYT bắt buộc từ 1-7-2009 (Luật bảo hiểm y tế).

* Thẻ BHYT theo mẫu mới sẽ có mã số, mã vạch và dán hoặc in hình người tham gia BHYT. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi, ngoài các tiêu thức trên, thêm tiêu thức “cha (mẹ)” để ghi họ và tên cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ. Thẻ BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi không cần dán ảnh (quyết định số 653/QĐ-BHXH về việc ban hành mẫu thẻ BHYT cá nhân).

2. Lái xe không được uống rượu bia

* Người điều khiển xe máy phải mang theo ba loại giấy tờ: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Người có độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở không được điều khiển xe máy, môtô. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, môtô, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ không được đi vào đường cao tốc. Độ tuổi của trẻ em được chở thêm trên môtô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi (trước đây quy định 7 tuổi và xe đạp là dưới 7 tuổi).

Nâng độ tuổi tối thiểu của người lái ôtô chở người (10-30 chỗ) từ 21 tuổi lên 24 tuổi; nâng độ tuổi tối thiểu của người lái ôtô trên 30 chỗ từ 25 tuổi lên 27 tuổi.

Cấm người điều khiển ôtô, máy kéo và xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn (Luật giao thông đường bộ 2008).

* Cảnh sát giao thông mặc thường phục. Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được bố trí một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong tổ tuần tra, kiểm soát để hóa trang (mặc thường phục) nhằm giám sát tình hình trật tự giao thông. Việc bố trí cán bộ, chiến sĩ hóa trang được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Khi cần bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phải có phương án, kế hoạch được trưởng phòng cảnh sát giao thông hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên phê duyệt.

- Để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp; phải có phương án, kế hoạch được cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên phê duyệt (thông tư số 27/2009/TT-BCA(C11) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ).

3. Một người có thể có hai quốc tịch

* Những người không quốc tịch đã cư trú ổn định lâu dài trên lãnh thổ VN từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật quốc tịch VN có hiệu lực thi hành sẽ được nhập quốc tịch VN. Người VN định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch VN trước ngày 1-7-2009 thì vẫn còn quốc tịch VN và trong thời hạn năm năm kể từ ngày luật có hiệu lực, phải đăng ký để giữ quốc tịch VN. Trường hợp ngoại lệ có thể có hai quốc tịch.

Những trường hợp ngoại lệ là những trường hợp được Chủ tịch nước cho phép khi xin nhập quốc tịch VN, xin trở lại quốc tịch VN, trường hợp quốc tịch của trẻ em là con nuôi và trường hợp người VN định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch VN (Luật quốc tịch VN).

* Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là năm năm (thay vì ba năm như quy định của pháp lệnh thi hành án dân sự 2004). Việc bổ nhiệm chấp hành viên phải thông qua thi tuyển, bỏ quy định hiện hành về việc bổ nhiệm chấp hành viên theo nhiệm kỳ. Chấp hành viên có ba ngạch gồm chấp hành viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp (Luật về thi hành án dân sự).

* Vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ bị phạt tiền từ mức 500.000-500 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa. Hành vi chiếm đoạt quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng, quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng; quyền định hình chương trình phát sóng; quyền sao chép bản định hình chương trình phát sóng có thể bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả và áp dụng các hình thức phạt bổ sung khác (nghị định số 47/2009/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 30-6-2009).

4. Án phí tăng 4 lần

Nếu trước đây phân năm loại án phí (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính) thì nay theo pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án, chỉ có ba loại án phí: án phí hình sự, án phí dân sự (gồm có các loại án phí giải quyết vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động) và án phí hành chính.

1. Án phí hình sự: 200.000 đồng (trước đây, theo nghị định 70 ngày 12-6-1997 của Chính phủ, chỉ thu 50.000 đồng).

2. Án phí dân sự: 200.000 đồng đối với vụ án không có giá ngạch hoặc khi tài sản tranh chấp có giá trị từ 4 triệu đồng trở xuống (trước đây, mức nộp này là 50.000 đồng và chỉ áp dụng khi tài sản tranh chấp có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống).

Những trường hợp còn lại được tính theo bảng sau đây:

Giá trị tài sản có tranh chấp

Mức án phí

Từ trên 4 triệu đồng đến 400 triệu đồng

5% giá trị tài sản có tranh chấp

Từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng

20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng

Từ trên 800 triệu đồng đến 2 tỉ đồng

36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800 triệu đồng

Từ trên 2 tỉ đồng đến 4 tỉ đồng

72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2 tỉ đồng

Từ trên 4 tỉ đồng

112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4 tỉ đồng.

- Đối với các vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch: 2 triệu đồng (nếu tài sản tranh chấp từ 40 triệu đồng trở xuống), 5% của giá trị tranh chấp (nếu tài sản từ trên 40 triệu đồng đến 400 triệu đồng), là 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng (nếu tài sản từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng)...

- Đối với các vụ án tranh chấp lao động có giá ngạch: 3% của giá trị tranh chấp (nếu tài sản từ trên 4 triệu đồng đến 400 triệu đồng), là 12 triệu đồng + 2% của phần giá trị vượt quá 400 triệu đồng (nếu tài sản từ trên 400 triệu đồng đến 2 tỉ đồng)...

3. Án phí hành chính: 200.000 đồng (trước đây theo nghị định 70 là 50.000 đồng).

5. Giá xăng tăng thêm 700 đồng/lít
 
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa quyết định giá xăng sẽ tăng thêm 700 đồng/lít, các mặt hàng dầu cũng tăng từ 500 đồng đến 650 đồng/lít kể từ 0h ngày 1/7/2009.

Như vậy, mức giá mới của xăng A92 - loại xăng phổ biến nhất trên thị trường hiện nay  - là 14.200 đồng/lít (trước đó là 13.500 đồng); xăng A95 có giá bán là 14.700 đồng/lít (trước đó là 14.000 đồng).

Giá bán lẻ các loại dầu cũng tăng từ 500 đến 650 đồng/lít. Cụ thể như sau: dầu hỏa tăng từ 13.000 đồng/lít lên 13.650 đồng/lít; dầu ma - dút tăng từ 10.000 đồng lên 10.500 đồng/kg; dầu diezel  tăng từ 11.500 đồng lên 12.100 đồng/lít.