Trong những năm gần đây, an toàn giao thông trở thành một chủ đề nóng mà cả xã hội quan tâm. Tai nạn giao thông luôn là thảm họa và nỗi đau cho biết bao gia đình, để lại hậu quả khủng khiếp và gánh nặng lớn cho xã hội. Trung bình một năm, Việt Nam có hơn 10.000 người chết do tai nạn giao thông, vì vậy đây là nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết trong quá trình phát triển đất nước và ổn định xã hội.

 

Ngày nay, thực trạng văn hóa giao thông ở Việt Nam rất đáng báo động, xuất phát từ thực tế tai nạn giao thông là nguyên nhân chính gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15 đến 27. Là trường THPT đứng đầu tỉnh Hải Dương, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi cũng luôn luôn chú trọng giáo dục cho các em học sinh về ý thức tự giác chấp hành pháp luật An toàn giao thông (ATGT), xây dựng mô hình cổng trường ATGT, tham gia tổ chức chương trình “Kết nối cộng đồng – Vì an toàn giao thông”, toàn bộ học sinh nhà trường tự nguyện ký cam kết về ATGT.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả an toàn giao thông, nhà trường yêu cầu các tập thể giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường cần thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ

  Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và các hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, với các nội dung trọng tâm:

a. Các quy định về tín hiệu giao thông, biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn) về màu sắc, hình dạng…

b. Ngồi trên xe đạp, xe đạp điện và xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô, xe buýt an toàn và đi bộ an toàn.

c. Hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông.

d. Độ tuổi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm; các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện an toàn; cách phòng chống tai nạn giao thông.

e. Quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển  phương tiện cơ giới đường bộ; quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

f. Các kỹ năng về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông; cảnh bảo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ xảy ra tai nạn, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông.

2. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt

 

Thực hiện nghiêm túc quy định về việc đảm bảo ATGT đường sắt, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

a. Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; không vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng, vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh, để vật chướng ngại, chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

b. Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy, hoặc bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, tàu máy; mở cửa lên, xuống tàu, tay, chân và các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, ném đất, đá và các vật khác lên tàu.

3. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

Khi đi thuyền phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao
Khi đi thuyền phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao

a. Khi đi đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh; chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông đường thủy.

b. Phòng tránh tai nạn đuối nước; tổ chức huấn luyện kỹ năng phòng tránh đuối nước khi đi tham quan, dã ngoại, hạn chế tổ chức hoạt động tham quan vào mùa lũ, vùng nguy hiểm...

Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, mỗi cán bộ nhân viên, giáo viên và học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi hãy nâng cao ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm với cảnh sát để kịp thời xử phạt và ngăn chặn tai nạn giao thông một cách kịp thời. Hãy là người tham gia giao thông văn minh, bởi “An toàn giao thông cho hạnh phúc mọi nhà”.

 Nguồn ảnh: Internet

Tác giả: Ánh Dương, Thùy Trang