Người đọc tưởng người viết nhắc đến tùy bút nổi tiếng của Vũ Bằng, kỳ thực không phải thế!

       “Thương nhớ mười hai” của nhà văn viết về miền Bắc, về mười hai tháng với bốn mùa đặc trưng, với dư vị văn hóa và âm hưởng thiên nhiên đặc trưng… ông viết bằng cảm xúc rất Bắc, rất Vũ Bằng. Trong địa hạt ngắn ngủi mà tản văn này đang “trải lòng” thì “thương nhớ” được gửi vào tâm trạng của một học sinh cuối cấp, còn chưa ra trường, một học sinh lớp 12.

       Những ngày này, muốn nói bao nhiêu, muốn viết bao nhiêu nhưng ngập ngừng, e ngại. Nhìn ra khung cửa sổ, thấy những chiếc lá bàng rơi xuống cùng những đợt gió mùa đầu tiên, bất giác, trong đầu vang lên những dòng chữ gần như mọi lứa học sinh đều thuộc làu: “Cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc thì lòng tôi lại man mác nghĩ về những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Bây giờ là cuối thu rồi, buổi tựu trường cũng đã qua rồi, buổi tựu trường – khai giảng cuối cùng của đời học sinh. Phải, đó là buổi khai giảng cuối cùng của đời học sinh. Và chẳng mấy nữa là lễ trưởng thành, là tổng kết, là chia tay, là hết 12, và rồi, tất cả chỉ còn là “thương nhớ 12”… 

Những ngày này, những cây bàng đã bắt đầu rụng lá,...

       Hình như năm cuối cấp nhiều tâm sự khiến lòng thường hay suy nghĩ về Tuổi học trò – một tuổi học trò êm đềm – một tuổi học trò gắn liền với những trải nghiệm và hồi ức đẹp đẽ. Với nhiều người, họ nhanh chóng lãng quên tuổi học trò khờ dại vì những bước chân vội vã bước, còn mải chạy theo khám phá những thứ lớn lao sau cánh cổng trường. Những cuộc họp lớp thưa dần… Những người ngày chia tay khóc với nhau như thể không bao giờ gặp lại lại chính là những người vắng mặt đầu tiên trong những dịp hội ngộ. Vẫn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chỉ tưởng tượng thôi đã thấy sợ khung cảnh ấy…

Có bao giờ còn mãi giọt nước mắt ngày chia tay? 

       Lớp 12 đã qua gần nửa chặng đường, cũng đồng nghĩa với tuổi học sinh sắp hết. Tự hỏi mình đã làm được gì và chưa làm được gì ? Đã trải nghiệm đủ hay chưa ? Đã sẵn sàng bước vào kỳ thi quyết định của cuộc đời hay chưa ?

       Các bạn ai cũng hối hả, thầy cô cũng hối hả, mọi người đều nỗ lực và chờ đợi trong cái guồng quay bất tận của ôn luyện và kiến thức, nhiều khi còn chẳng kịp nhận ra “thời gian như bóng câu bên cửa sổ”, chẳng kịp nhận ra thời gian ở bên cạnh nhau chẳng còn đáng là bao và có nhận ra thì họ cũng chẳng kịp nghĩ về nó. Gác cảm xúc ấy, lại thi thi cử cử, ôn ôn luyện luyện...

       Và, lớp 12 đang lặng lẽ đi qua…

       Mọi chuyện dù vui hay buồn, thì cũng sẽ đến hồi kết thúc, điều duy nhất ta có thể níu kéo đó chính là dư âm dư ảnh từ những câu chuyện về mười hai năm đi học để suy ngẫm, để trưởng thành và thực sự để thức tỉnh. Tuổi trẻ, người ta thường khôn ngoan một cách khờ dại, đến khi không còn trẻ, người ta lại khờ dại một cách khôn ngoan. Tình bạn, tình cảm cô thầy, mối tình đầu tuổi học sinh trong trắng… tất cả những gì tinh khôi nhất, đáng trân trọng nhất, khờ dại nhất, tự nhủ thầm sẽ ôm trọn vào lòng, từng thứ, từng thứ một trong chiếc va li hành trang trước khi bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời.

".. tự nhủ sẽ ôm trọn vào lòng, từng thứ, từng thứ một,...."

       12 hai năm học – một quãng đời bình yên nhưng đặc sắc sắp sửa khép lại, chỉ ít thời gian nữa thôi  nữa là hết những tháng năm thơ ngây, các cô cậu học trò sẽ tới với một vùng trời cao rộng ngoài kia để trải nghiệm những tháng năm vội vã, những tháng năm sôi động của tuổi thanh niên nhiệt huyết. Tự dặn lòng phải nhanh hơn, gấp hơn và luôn quý trọng thời gian, mỗi giây mỗi phút, mỗi khoảnh khắc còn mặc tấm áo trắng.

Sẽ nhớ mãi những nụ cười của một thời áo trắng 

       12 năm học – còn những chuyện, những người, đã quên do vô tư, vì thơ trẻ mà không nhớ nổi và sẽ không bao giờ nhớ nổi…Dù vậy, vẫn muốn nói lời cảm ơn đến tất cả, mọi thứ. Ngày chia tay sẽ đến, sẽ buồn. Nhưng câu chuyện của ngày hôm ấy 1 tháng sau nhìn sẽ khác, 1 năm sau nhìn lại càng khác, 10 năm sau thì tất cả chỉ còn trong hồi ức. Nhưng đó chắc chắn sẽ không phải là những kỷ niệm thoáng qua như “cơn mưa rào” mạnh mẽ và bất chợt, đó sẽ là những kỷ niệm về một phần đời, một miền ký ức không thể nào quên.

Tất cả là một miền kí ức không thể nào quên 

       Viết tới những dòng này, vội mở tuyệt tác “Chiếc lá đầu tiên” dường như để tìm cho mình một sự đồng điệu. Đọc lại một mạch ngấu nghiến, một bài thơ đọc đi đọc lại đến hàng nghìn lần nhưng lần nào nó cũng gieo vào lòng người học trò sắp ra trường những cảm xúc mãnh liệt, một bài thơ nói giùm tất cả những tâm trạng của người sắp ra trường, một bài thơ hay nhất về tuổi học trò:

 

" Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.

 

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.

 

 Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu

 Lời hát đầu xin hát về trường cũ

 Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ

 Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm.

 

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em

Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ

 Ôi nỗi nhớ có bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi.

 

 "Có một nàng Bạch Tuyết, các bạn ơi,

 Với lại bảy chú lùn rất quấy"

 "Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy"

 (Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).

 

 Những chuyện năm nao những chuyện năm nào

 Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy

 Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy

Trên trán thầy tóc chớ bạc thêm.

 

Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ

 Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

 Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi

 Em đã yêu anh, anh đã xa rời

Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên."
 

       Thế rồi, lớp 12 cứ lặng lẽ trôi qua…

Tác giả: Nguyễn Đan Chi