Tết độc lập trong tôi là một ngày thoát khỏi dòng đời xô bồ, tất bật, sống chậm hơn và cảm nhận nhiều hơn. Thú thật, hôm nay là một ngày nghỉ hiếm hoi tôi thức dậy thật sớm, bắt đầu ngày đại lễ của đất nước bằng việc cùng bà lặng lẽ bước từng bước chậm rãi trên con phố nhỏ đang im lìm mơ màng trong nắng sớm.
Con đường thủ đô những ngày này
Tôi thư thái hít hà mùi hương hoa sữa dìu dịu tràn ngập trong không gian rồi thỉnh thoảng co rúm lại trước những đợt gió se se mơn man khắp da thịt. Chẳng hiểu sao tôi cứ có cảm giác mọi thứ ở quê tôi hôm nay đẹp đến ngây dại. Chẳng phải do nắng đầu thu rót vàng con phố, cũng không phải màu ngà của hoa sữa nhuộm trắng vỉa hè, càng chẳng phải do cơn gió heo may đầu thu phủ lên phố xá lớp áo se se man mát, mà là những nụ cười yên bình, nét mặt phấn khởi hân hoan của các bà các cô bán hàng rong trò chuyện về ngày Quốc Khánh, rủ nhau tấp vào một quán cà phê nào đó xem nhờ lễ mít tinh trên TV. Một cô bán nem nói: "Làm lụng vất vả nhiều rồi, hôm nay đại lễ mà, chúng mình cũng phải nghỉ ngơi chứ, mấy khi tổ chức to như năm nay đâu, đời là mấy, giàu nghèo gì một ngày bán hàng!". Hay chính là màu đỏ rực trải dài mọi nẻo đường của lá cờ tổ quốc thiêng liêng. Nhìn chúng tung bay trong gió, tim tôi như lạc mất một nhịp, vì tôi sực nhớ ra rằng phải có biết bao máu thấm vào lòng đất mới ánh lên được sắc hồng rực rỡ hôm nay.
Rực rỡ sắc đỏ ngày Quốc khánh
Tết độc lập trong tôi là cảm giác vui bất ngờ trước lời chúc mừng Lễ quốc khánh của Facebook, hay cảm giác có chút "tự kỉ" khi thấy bạn bè chụp ảnh đi chơi, ăn uống nhân dịp ngày nghỉ lễ. Rồi lại lủi thủi lang thang hết báo này đến báo nọ xem những khoảnh khắc diễu hành trên đường phố Hà Nội, ngắm nhìn mọi người hoà vào cái hơi thở tươi vui của ngày đại lễ.
Buổi diễu binh được diễn ra trong buổi sáng ngày 2-9-2015 tại thủ đô Hà Nội
Tết độc lập trong tôi là suốt 2 tiếng cùng bà chăm chú xem buổi lễ mít tinh tại quảng trường Ba Đình chiếu trên TV, thỉnh thoảng hai bà cháu lại trầm trồ xuýt xoa trước những khoảnh khắc diễu binh quá là đều và đẹp. Chốc chốc, bà tôi lại nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng lưa thưa còn trụ lại vài chiếc. Có lẽ, bà cũng đang nhớ lại cái thời xa xưa ấy...
Cuộc diễu binh diễn ra trang trọng và uy nghiêm
Khi giây phút từng đợt 5 khẩu đại bác khai hoả cùng lúc, lửa phun ra khỏi đầu nòng pháo kèm tiếng nổ vang trời, khẩu pháo giật mạnh về phía sau, bà cháu tôi lại đứng phắt dậy vỗ tay hưởng ứng không ngớt. Bà tôi có chứng sợ tiếng động mạnh, khi nghe tiếng đại bác bà giật bắn người, co rúm lại một lúc, rồi như kịp định hình và sợ tôi lo lắng, bà lại nở nụ cười móm mém đỏ tươi màu thuốc trầu. Và bỗng tôi chợt để ý trong lúc Chủ tịch nước đọc diễn văn, khoé mắt bà long lanh ngấn nước. Tôi không hiểu, tôi cố chăm chú lắng nghe suốt 20 phút, cảm giác tự hào, cảm phục và biết ơn trỗi dậy mãnh liệt khi nghe về những gian lao, khó khăn mà đất nước đã vượt qua, khi hình dung lại buổi sáng tại chính quảng trường Ba Đình 70 năm về trước nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập. Thế nhưng tôi không thể xúc động đến nỗi trào nước mắt. Thấy tôi nhìn bà, bà lấy vạt áo lau vội đôi mắt "toét nhoèn" mà bà vẫn than thở, bà nói: "Sau này con sẽ hiểu, nó giống như cảm giác khi người ta đã rất thành công, người ta nhìn lại những năm tháng gian truân, vất vả!"
Nhìn từ một góc độ khác...
Bà nhìn xa xăm hồi tưởng lại 70 lần bà đón Tết độc lập rồi kể cho tôi nghe về những cái tết đầu tiên của đất nước. Bà bảo lần đầu tiên đón Tết độc lập là khi bà còn rất nhỏ, chỉ biết theo bà theo mẹ ra xã, nghe người ta nói từ nay sẽ không còn phải đói nữa thì lòng vui sướng cả ngày. Bởi những đứa trẻ thời ấy không biết nhiều về cách mạng, về Việt Minh, nhưng nhất định luôn mang trong lòng sự căm ghét bọn lính Nguỵ vì suốt ngày nhìn thấy chúng đe nẹt, doạ dẫm nhân dân. Đã là tết thì không khí luôn rất nô nức, thiêng liêng. Hồi bao cấp ấy, tết luôn là dịp mong đợi nhất của bọn trẻ vì đơn giản là được ăn cơm có thịt. Chẳng biết từ bao giờ người ta thay từ Tết độc lập thành Lễ quốc khánh, ngày mà công chức nhà nước, người lao động và học sinh nghỉ ngơi.
Khẩu hiệu vang động một thời ...
Bà thở dài rồi khuôn mặt nhẹ bâng: "Năm nay người ta làm hoành tráng thật, chắc phải chục năm nữa mới lại hoành tráng thế này. Lúc đó không biết bà đã..."
Suy ngẫm lại về thời quá khứ ấy...
Tôi lặng nhìn lên lá cờ đang dần đậm màu vì những giọt mưa ngâu để cố nén lại thứ gì đó đang chực trào và ngây người theo lời bài hát của Khánh Ly:
"Trên cánh đồng hoà bình này
Mặt trời yên vui lên đỏ chói
đỏ trái tim người
Ngày Việt Nam đã qua cơn đau dài
triệu trái tim người
Cùng nhịp vui với con tim nhân loại.”
Tác giả: Vũ Khánh Huyền