Phạm Thành Thái – Tiến sĩ Việt, Cựu Học sinh chuyên Toán (niên khóa 2004 – 2007) trường THPT chuyên Nguyễn Trãi giành Huy chương Vàng Toán Quốc tế năm 2007, tốt nghiệp đại học & tiến sĩ tại hai ngôi trường danh tiếng bậc nhất của Mỹ (MIT & Stanford), làm việc tại tập đoàn Amazon và hiện tại là Facebook, gửi đến quý độc giả bài viết Những điều cần biết đthành công trong thời đại 4.0.

Tiến sĩ Phạm Thành Thái tại một sự kiện ở Hà Nội (09/2019)
Tiến sĩ Phạm Thành Thái tại một sự kiện ở Hà Nội (09/2019)

Phạm Thành Thái là cựu học sinh Chuyên Toán, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Khoá 2004 – 2007). Sau khi giành Huy chương Vàng Toán quốc tế và giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm năm 2007, anh sang học Đại học tại Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) với học bổng toàn phần. Sau đó, anh tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Stanford trước khi đầu quân cho tập đoàn Amazon. Hiện tại, anh là Nhà nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo cao cấp tại Facebook. Anh được Forbes Vietnam vinh danh năm 2018 là một trong 30 gương mặt tiêu biểu dưới 30 tuổi.

Anh Phạm Thành Thái muốn truyền lại những kinh nghiệm của mình cho các em học sinh Chuyên Nguyễn Trãi. Anh đã đặc biệt gửi đến Ban biên tập một bài viết rất tâm huyết, là những lời khuyên quý báu về những điều các em cần biết và giỏi để có thể thành công trong thời đại 4.0.

 

Tiến sĩ Phạm Thành Thái (ở giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Lãnh đạo, cựu Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (28-8-2017)
Tiến sĩ Phạm Thành Thái (ở giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Lãnh đạo, cựu Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (28-8-2017)

Những điều cần biết đthành công trong thời đại 4.0

Mỗi một thời kỳ, một điều kiện sống, một giai đoạn lịch sử, thì chúng ta lại có những mối quan tâm và những tiêu chuẩn khác nhau trong cuộc sống. Cùng với sự phát triển của xã hội, các yêu cầu cũng khắt khe hơn đối với mỗi cá thể, và để đạt được thành công cũng sẽ trở nên khó khăn hơn, cũng như yêu cầu nhiều hơn ở mỗi người. Cách đây một vài thập kỷ, yêu cầu tối thiểu của xã hội là phải biết chữ: tức là biết đọc, biết viết tiếng Việt. Ngày nay, với sự thay đổi không ngừng của công nghệ, của toàn cầu hoá, v.v., thì biết chữ có lẽ nên được định nghĩa lại. Theo tôi, ngày nay, biết chữ đồng nghĩa với việc phải biết và giỏi một trong ba thứ sau đây: Ngoại Ngữ, Toán Học, và Lập Trình. Tất nhiên, tùy thuộc vào công việc, nếu bạn biết và giỏi cả ba thứ trên sẽ là một lợi thế rất lớn để giúp bạn thành công trong thời đại 4.0. Trong bài viết này, tôi sẽ không bàn luận đến những kiến thức, kĩ năng luôn cần thiết khác dù trong bất kể thời đại nào, như: giao tiếp, quản lý, thuyết trình, lãnh đạo, đầu tư, bán hàng, marketing, v.v. Tôi sẽ chỉ tập trung vào ba thứ đã đề cập bên trên.

Trước hết, ngoại ngữ theo tôi luôn cần thiết. Trong hoàn cảnh toàn cầu hoá ngày nay, nó càng trở nên quan trọng. Bạn sẽ không khó để bắt gặp những công ty đa quốc gia, hay những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng như người Việt ta làm việc ở các nước khác. Nếu không biết ngoại ngữ, điều này sẽ không thể xay ra. Trong các ngoại ngữ, tôi nghĩ tiếng Anh là quan trọng nhất bởi đơn giản, nó đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu trong nhiều năm qua. Vậy nên nếu bạn đã biết một ngoại ngữ khác, tôi vẫn khuyên bạn học thêm tiếng Anh. Một điều thú vị là nếu bạn đã biết một ngoại ngữ, thì việc học thêm một ngoại ngữ khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Biết và giỏi tiếng Anh sẽ giúp bạn mở ra nhiều cơ hội làm việc, hợp tác với các công ty, hay bạn bè quốc tế. Ngay chính bản thân tôi, nếu không biết tiếng Anh, tôi sẽ không bao giờ đặt chân được đến Mỹ hay làm ở những công ty quốc tế. Chưa kể đến hầu hết các kiến thức mới nhất, hay nhất đều được xuất bản bằng tiếng Anh. Nếu không có tiếng Anh, bạn sẽ rất khó để tiếp cận đến chuẩn của thế giới trong bất kỳ lĩnh vực nào. Khi còn học những năm cấp 3, tiếng Anh của tôi rất tệ. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng học ngữ pháp và từ vựng để có thể đọc hiểu sách Toán nước ngoài. Ngày đó tài liệu học không nhiều như bây giờ, nhưng do đã có mạng internet (năm 2005, 2006, 2007), nên tôi đã có thể tiếp cận khá dễ dàng đến các nguồn tài liệu ở các nước bạn. Nguồn tài liệu này đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong các kỳ thi Toán, đặc biệt là kỳ thi vòng 2 chọn đội tuyển Toán quốc tế cũng như chính kỳ thi Toán quốc tế. Một kỷ niệm vui là thời đó, có anh bạn tôi dân chuyên Toán còn đọc cả sách Toán viết bằng tiếng Nga; anh bạn nói các bạn Nga làm toán giỏi và nhiều sách hay lại chưa được dịch sang tiếng Anh. Tôi cũng thử học tiếng Nga nhưng sau 1 tuần đau đầu chóng mặt, tôi quyết định quay về tập trung vào tiếng Anh.

Tiếp đến là Toán học. Toán học là gốc của hầu hết mọi điều tuyệt vời trên thế giới này! Có lẽ đây là một nhận xét khả chủ quan của cá nhân tôi vì tôi xuất thân là một học sinh chuyên Toán. Nhưng trừ khi những lĩnh vực mà bạn theo đuổi liên quan đến nghệ thuật, sáng tạo, v.v. thì về cơ bản, bạn sẽ phải sử dụng một phần nào đó của Toán trong công việc của mình. Tất nhiên Toán học rất rộng, và để biết hết là điều gần như không thể. Tuỳ thuộc vào ngành nghề, mà bạn cần linh hoạt phát triển lĩnh vực Toán liên quan. Các bạn có thể kể ra rất nhiều ngành dùng đến Toán ngày nay: Khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, tài chính (phân tích tài chính, phân tích và quản lý rủi ro, giao dịch chứng khoán, v.v.), kế toán, vật lý, hoá học, công nghệ sinh học, bảo mật, hay một trong những ngành đang được nhiều công ty, tập đoàn lớn muốn tuyển dụng nhất hiện tại: trí tuệ nhân tạo. Trong tất cả các ngành này, giỏi Toán là một lợi thế vô cùng lớn.

Trong những năm học đại học, tôi có đi thực tập tại phố Wall ở New York, Mỹ. Có thể nói phố Wall là trung tâm tài chính lớn nhất, nhì thế giới. Và khi đến đây, không ai là không biết đến nhà Toán học Jim Simons - một trong những người lỗi lạc và thành công nhất trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán. Ông học đại học ở Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT), sau đó học Tiến sĩ ở Đại học Berkeley. Cuối cùng, ông mở ra công ty Renaissance Technologies (RenTech) – một trong những quỹ đầu tư, giao dịch chứng khoán thành công bậc nhất trên thế giới. Sự thành công của RenTech mang lại cho Jim Simons hơn 21 tỷ USD, tức là gấp khoảng 3.5 lần tài sản của người giàu nhất Việt Nam thời điểm hiện tại – ông Phạm Nhật Vượng.

Một ngành thú vị khác mà sử dụng rất nhiều Toán là chế tạo tên lửa, máy bay, hay tàu vũ trụ. Để đảm bảo sự an toàn cũng như tối ưu cho từng sản phẩm, Toán học được sử dụng triệt để (cùng với các lĩnh vực khác như Vật lý). NASA – Cơ quan Hàng không và Vũ Trụ quốc gia Hoa Kỳ đã thu hút rất nhiều các nhà Toán học xuất chúng, các thần đồng trong những năm qua. Hay SpaceX – công ty được lập ra bởi tỷ phú Elon Musk và cạnh tranh sòng phẳng với NASA – cũng thu hút được rất nhiều nhân tài Toán học, và ngay chính bản thân Elon Musk cũng dành rất nhiều thời gian để học và nghiên cứu rất sâu về Toán và Vật lý.

Một ngành mới nghe có vẻ không liên quan nhưng lại sử dụng rất nhiều kiến thức Toán là Dầu khí. Việc tìm kiếm các mỏ dầu sẽ dựa vào các mô hình Toán học, qua đó khoanh vùng khu vực, tăng xác suất và hiệu quả trong công việc tìm kiếm. Như ở trường Đại học Stanford có ngành GeoPhysics (Địa Vật Lý) đã sản sinh ra nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.

Khi còn học đại học tại MIT, tôi học rất sâu về Game Theory (Lý thuyết trò chơi). Đây là ngành nghiên cứu về các mô hình toán học trong sự tương tác chiến lược giữa những cá thể đưa ra quyết định. Lý thuyết trò chơi có nhiều ứng dụng trong Kinh tế học, các ngành khoa học xã hội, hay Khoa học máy tính. Ngành này có thể tóm gọn lại bởi 2 từ: Toán học. Học sâu hơn, thậm chí tôi phải sử dụng những kiến thức rất sâu trong toán như Lý thuyết xác suất, Lý thuyết đo lường, Tô pô. Hồi đó, mặc dù còn học đại học, nhưng tôi đã học cùng lớp với rất nhiều bạn là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại trường. Một trong số đó là Tom H. Tom là một người bạn rất thân của tôi, và chính là người đã chỉ cho tôi thấy Lý thuyết trò chơi có thể được ứng dụng vào thực tế thế nào. Khi đó, Tom là Nhà tư vấn độc lập cho tập đoàn Intel. Và Tom đã sử dụng các mô hình trong Lý thuyết trò chơi để giúp Intel ra các quyết định quan trọng về sáp nhập và thu mua các công ty và đối thủ cạnh tranh trị giá lên tới hàng tỷ đô la.     

Rất nhiều ngành nghề khác đã, đang, và sẽ tiếp tục sử dụng Toán để tạo ra những sản phẩm, công trình có giá trị. Những ngành mới như Công nghệ sinh học (Biological engineering / technology), Kỹ thuật hoá học (Chemical Engineering), phân tích biểu đồ gen người, v.v. hay những ngành đã tồn tại từ lâu như kế toán, đánh giá bảo hiểm, phân tích kinh tế, sẽ tiếp tục đồng hành cùng Toán trong con đường phát triển của nhân loại.

Trong phần cuối cùng của bài viết này, tôi muốn tập trung vào Khoa học máy tính, và cụ thể hơn là ngành mà rất nhiều công ty đang khao khát tuyển dụng: Trí tuệ nhân tạo. Đây là ngành giao thoa có thể nói là đẹp nhất giữa Toán học và một kỹ năng không thể thiếu khác – Lập trình. Như đã nói đến ở phần mở đầu, cùng với Ngoại ngữ, Toán học, thì Lập trình là một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay. Công nghệ xuất hiện khắp mọi nơi. Máy tính cũng phủ sóng gần như khắp các thành thị. Không sai khi nói rằng thời đại này là thời đại của công nghệ khi mà các sản phẩm ảnh hưởng nhất đến cuộc sống con người đều liên quan đến công nghệ hay ứng dụng của công nghệ: kết nối với bạn bè, người thân trên Facebook, tìm kiếm trên Google, mua sắm trên Amazon, điện thoại với những tính năng thông minh từ Apple hay Samsung, v.v. Trong thời đại như thế, Lập trình sẽ là con đường ngắn nhất đưa bạn từ ý tưởng đến với sản phẩm. Tất nhiên cũng giống như Toán học, Lập trình có nhiều dạng, nhiều ngôn ngữ khác nhau. Để biết và giỏi hết tất cả các ngôn ngữ lập trình là điều gần như không thể, và cũng không cần thiết. Điều quan trọng là giỏi phần bạn cần giỏi.

Bản thân tôi muốn chọn cho mình một con đường đi cho Lập trình mà có thể gắn liền với Toán – và Trí tuệ nhân tạo xuất hiện. Trí tuệ nhân tạo, hay còn gọi là Artificial Intelligence (AI), thực ra rất rộng, và đã có từ nhiều thập kỷ trước. Ngành này bao gồm tất cả những gì liên quan đến sự thông minh nhân tạo, đến việc làm ra những bộ máy có thể làm việc hay giao tiếp với con người, hay thậm chí ra quyết định tốt hơn con người. Lấy ví dụ, khi còn làm trong đội Robotics AI ở Amazon, tôi có làm về những con rô bốt thông minh trong các nhà kho giúp Amazon vận hành dây chuyền cung ứng – đây là một nhánh của Trí tuệ nhân tạo. Hay khi học Tiến sĩ ở Đại học Stanford, tôi có nghiên cứu về Causal Inference (Quan hệ Nhân Quả) sử dụng Machine Learning (Học máy). Ngành này là một nhánh của Trí tuệ nhân tạo, giúp con người ra những quyết định quan trọng trong điều kiện dữ liệu bất đối xứng và thiếu hụt. Ví dụ, nó sẽ giúp trả lời những câu hỏi như: với điều kiện thế này thì nên cho trẻ học lớp chuyên hay lớp thường? Thuốc này có hữu dụng với bệnh nhân này không? Facebook có nên cho ra tính năng mới này không? Như các bạn có thể thấy, những quyết định này đều là những quyết định lớn, quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai, tiền bạc, thậm chí là mạng sống con người.

Trong Trí tuệ nhân tạo, nhánh được nhiều người quan tâm nhất hiện nay có lẽ là Machine Learning (Học máy) hay cụ thể hơn nữa là Deep Learning (Học sâu). Lý do nhánh này nhận được nhiều sự quan tâm lớn đến như vậy là bởi sự đột phá trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi sử dụng các dữ liệu tự nhiên (chữ viết, hình ảnh, giọng nói). Lấy ví dụ, Google Translate có thể dịch rất tốt giữa nhiều ngôn ngữ khác nhau; Amazon Alexa, Apple Siri có thể giao tiếp và trả lời các câu hỏi của người dùng; Facebook thì ứng dụng nhận diện hình ảnh để nhận mặt người trên các bức ảnh còn tốt hơn cả người dùng; v.v. Một ứng dụng đáng nói khác là Amazon Go, một siêu thị nhỏ như bao siêu thị khác; tuy nhiên, khách hàng sẽ không phải xếp hàng tính tiền mà chỉ việc chọn những sản phẩm gì mình muốn và cứ thế bước ra ngoài. Tôi biết, bạn sẽ cảm thấy mình như một kẻ trộm; tuy nhiên, chỉ vài giây khi bạn vừa bước ra khỏi Amazon Go, tài khoản của bọn sẽ tự động bị trừ tiền đúng bằng số tiền hàng mà bạn vừa mang đi. Hiện tại, tôi cũng làm việc, nghiên cứu về lĩnh vực này ở Facebook, nhằm giúp họ tạo ra những sản phẩm thông minh, có ích cho người dùng trên toàn thế giới.

Vậy Trí tuệ nhân tạo thực chất là gì? Hiểu nôm na, nó là các mô hình toán học được hiện thực hóa bằng lập trình và dùng trên những tập dữ liệu lớn. Bạn sẽ dùng những dữ liệu này để dạy cho máy (giống như dạy trẻ con) làm một việc cụ thể (ví dụ: phân biệt ô tô, máy bay, con gà, con mèo); sau một thời gian, máy sẽ học được và có thể tự làm các việc đó mà không cần sự giúp đỡ của con người (khi chúng ta đưa cho máy một bức ảnh mới, máy sẽ biết bức ảnh là cái gì). Tất nhiên có rất nhiều ứng dụng khác nữa, và nếu bạn giỏi Toán và Lập trình, bạn sẽ có thể làm ra những sản phẩm thú vị đó.

Để thành công thì cần rất nhiều yếu tố. Nhưng nếu bạn có ít nhất một trong ba kỹ năng – Ngoại ngữ, Toán học, Lập trình – bạn sẽ có sự chuẩn bị rất vững chắc trên con đường tiến tới thành công của mình.

 

Tiến sĩ Phạm Thành Thái ở Chicago, Mỹ (07/2018)
Tiến sĩ Phạm Thành Thái ở Chicago, Mỹ (07/2018)

P.S. Có một số điều khác bên ngoài phạm vi bài viết tôi muốn chia sẻ vì tầm quan trọng của chúng:

  1. Khả năng tự học sẽ quyết định thành bại của mỗi người sau này

Sau này, phần lớn kiến thức của bạn sẽ là do tự học. Nên ai có khả năng tự học nhanh hơn, người đó sẽ có ưu thế vô cùng lớn.

  1. Tập trung vào việc mình làm và kiên trì theo đuổi nó; đừng quan tâm đến dư luận tiêu cực
  1. Khi tôi vào lớp 10, nhiều người bảo tôi đừng mơ mộng thi quốc tế vì nó quá xa vời → Lớp 12, tôi giành HCV Toán quốc tế.
  2. Sau đó, có người nói rằng nước Mỹ quá xa xôi, các trường đại học lớn thì yêu cầu cao trong khi trình độ tiếng Anh của tôi thì hạn chế → Tôi học Đại học tại MIT với học bổng toàn phần.
  3. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa. Điểm chung là sẽ có những người nghi ngờ khả năng hay nói những điều tiêu cực về tôi; nhưng tôi đều không quan tâm, và tập trung hết sức vào việc của mình. Công thức của tôi rất đơn giản: trung bình mỗi ngày làm việc ít nhất 12 tiếng, và tôi đã giữ công thức này từ năm lớp 10 đến nay.
  1. Học kỹ năng mềm

Sau này, các bạn sẽ hiểu kỹ năng mềm (giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, v.v.) trong nhiều trường hợp còn quan trọng hơn nhiều so với kiến thức chuyên môn. Tất nhiên, lý tưởng nhất là có cả hai thứ.

      5/2020

Tác giả: Tiến sĩ Phạm Thành Thái

Cựu học sinh chuyên Toán khóa 2004 – 2007, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương