Ngày 10/3/2024, Công đoàn và nhà trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã tổ chức chuyến đi lễ, du xuân đầu năm cho anh chị em cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Nhà trường tại chùa Keo- Thái Bình, Địa Tạng Phi Lai  - Hà Nam và đền Mẫu - Hưng Yên. 

Trong không khi vui tươi, phấn khởi chào mừng năm mới Giáp Thìn, ngày 10/3/2024, Công đoàn và nhà trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã tổ chức chương trình du xuân đầu năm cho các cán bộ giáo viên nhân viên. Trong tiết trời se lạnh, lất phất vài giọt mưa xuân ai ai cũng cảm nhận được sự giao hoà của đất trời khi mùa Xuân tới. 

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hoá truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Đi lễ không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân mà còn là dịp mọi người thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng, hiểu thêm về nét văn hoá truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử của bản thân đặc biệt là nhà giáo - những người truyền tải sự hiểu biết của mình tới mỗi thế hệ học sinh. 

Thấm nhuần tư tưởng và ý nghĩa đó, Công đoàn Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi thường tổ chức cho anh chị em Công đoàn viên đi du xuân đầu năm trong tâm thế hoan hỉ, thực hiện đúng quy định trang nghiêm nơi đền, chùa lễ hội. 

Điểm đầu tiên đoàn đến là chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt. Chùa Keo thờ Phật và thánh Không Lộ - Lý Quốc Sư.
Chùa Keo được xây dựng từ năm 1630, đến nay đã gần 400 năm. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.

Gác chuông chùa Keo.

Tiêu biểu nhất ở chùa Keo là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo, đây là một kiến trúc đẹp, cao 11m, có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói với 12 đao loan. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,2m; tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,3m, đường kính 1m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62m, đường kính 0,69m đều được đúc năm 1796.

Các cô giáo trường chuyên Nguyễn Trãi chụp ảnh kỷ niệm trong khuôn viên chùa Keo Thái Bình. 

Sau khi rời chùa Keo, đoàn tiếp tục di chuyển về chùa Địa Tạng Phi Lai - ngôi chùa nổi tiếng với nét đẹp yên bình tại Hà Nam. 

Một góc quang cảnh chùa Địa Tạng Phi Lai.

Chùa Địa Tạng Phi Lai (tên Nôm còn gọi chùa Đùng) tọa lạc ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm đang dần trở thành điểm nhấn về du lịch tâm linh ở Hà Nam. 

Về quy mô, chùa có Tam bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức Ông, đức Thánh hiền; nhà ở, giảng đường, nhà khách, nơi ở của phật tử. Cả quần thể ngôi chùa nhìn từ xa ẩn mình và được che chở giữa rừng thông. Ngôi chùa vừa có kiến trúc đẹp, vừa gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây cũng có thể cảm nhận.
Hiện nay, chùa thường xuyên thu hút đông đảo du khách tìm đến để thưởng ngoạn cảnh quan cũng như đi tìm lại những khoảnh khắc thanh bình trong góc khuất tâm hồn giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ thanh vắng. Chùa còn có rất nhiều góc đẹp để mọi người lưu lại những bức hình kỷ niệm sau chuyến đi.

Sau khi tạm biệt chùa Địa Tạng Phi Lai, đoàn tiếp tục di chuyển về Đền Mẫu thuộc thành phố Hưng Yên. 
Tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên – đền Mẫu (hay còn được gọi là Hoa Dương Linh Từ) là một trong những nơi thờ cúng linh thiêng của tỉnh Hưng Yên, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương. Đây là ngôi đền độc nhất vô nhị nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến, một di tích lịch sử không chỉ đẹp về địa thế, kiến trúc, cảnh quan mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của Phố Hiến xưa.

Đoàn chụp ảnh kỷ niệm trước cổng đền Mẫu - TP Hưng Yên.

Trong dịp này, các cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường không chỉ cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân mà còn có cơ hội thưởng lãm cảnh đẹp thanh tịnh nơi chốn linh thiêng, hiểu thêm về nét truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử một số địa phương. Hoạt động thường niên này đã thắt chặt thêm tình đoàn kết, sự giao lưu gắn bó, tạo thêm niềm vui phấn khởi cho người lao động trong năm mới.

Một số hình ảnh trong chuyến du xuân:

 

 

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.